Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

Đoàn Vị Thượng viết về TCS

Hai “cái tôi” của Trịnh Công Sơn - Chủ nhật, 29/3/2009, 10:31 GMT+7

"Tôi ơi đừng tuyệt vọng” là một cách nói lạ, vì ngoài Trịnh Công Sơn, trước đây hầu như trong ngôn ngữ văn học nói chung, ca từ nói riêng, chưa có ai tự kêu “tôi” như thế.

Cũng như bao “cách nói” khác của nhạc sĩ, người ta dễ dàng chấp nhận câu hát đó vì sức thuyết phục một cách linh mẫn trong ngôn ngữ riêng của ông, như nó đã luôn làm được như thế. Nhiều nhà thơ sau đó cũng hay “gọi tôi” trong các câu thơ của mình, coi đó thuần túy chỉ như một lối xưng hô, như khi ta cất tiếng gọi một ai đó vậy thôi.

Nhưng, Trịnh Công Sơn không phải là kẻ lập dị trong ca từ, thực ra, trong tâm thức của ông luôn có một “cái tôi” hằng hữu khác nhìn ngó “cái tôi” hiện thực đang sống. Và khi ông gọi “tôi” chính là cái tôi kia đang gọi cái tôi này, giống như một người đang gọi một người, ta đang gọi một kẻ khác.

Đi tìm “cái tôi” bất biến


Trong triết học Ấn Độ có một khái niệm về đại ngã, trong Phật học có một khái niệm về chân thân hay bản lai diện mục. Với âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã một mình tự làm một triết học, tôn giáo học cho riêng mình. Tiếng gọi tôi của ông luôn là một cuộc hoài hương tha thiết đêm ngày hòng tìm lại cái tôi đó giữa “cõi tạm” trần gian mà ông đang sống. Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài một hôm thấy được đời tôi (Tự tình khúc).

Một lần bóng núi in bên sông dài một lần thấy bóng tôi (Một lần thoáng có). Ông là người, không phải là núi, nhưng thấy núi lại thấy mình, ấy là vì có một “cái tôi” khác của ông mang bản thể núi - vững vàng hơn vô lượng lần cái thân thể lau sậy mình đang có - như bất động trước những làn gió rối của thời đại. Nhưng nói “thấy được đời tôi” chỉ là một cách tự khuyến khích mình, nhủ mình rằng “tôi ơi đừng tuyệt vọng” đó thôi, nó chỉ mới là một sự lần ra manh mối đường về chứ chưa “về” thật sự.

Nó vẫn còn là một giấc mơ xa vắng và ông vẫn còn lận đận lắm trong cuộc hồi hương mờ mịt cuối ngõ cuối trời này: Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận. Về đâu cuối ngõ về đâu cuối trời. Xa xăm tôi ngồi tôi tìm giấc mơ. Xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi (Tiến thoái lưỡng nan). Không tìm thấy được cái tôi đó, mỗi ngày ông đều buồn bã thấy: Hôm nay thức dậy ôi ngẩn ngơ tôi. Hôm nay thức dậy mê mỏi thân tôi (Xa dấu mặt trời) là vậy.

Có những lúc tuyệt vọng thật sự, ông cất tiếng than van: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người. Còn bao lâu tôi xa anh xa em xa tôi? (Phúc âm buồn). Ta hiểu vì sao ông nói “xa anh xa em”, và rồi cả “xa tôi” nữa. Vì những “cái” anh, em và tôi kia đều cũng chỉ là một, là “cái tôi” hiện sinh phù du, còn ông, ông muốn trở về với “cái tôi” hằng hữu bất biến nào đó của mình kia.

Cái tôi đó có khi hiện thân là một Con mắt còn lại nhìn cái tôi phù trầm này một cách thương cảm: Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi. Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp. Con mắt còn lại là con mắt ai. Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài.

Những tiếng thở dài như thế có giá trị như một lời an ủi, một sự khuyến khích, động viên mà chỉ có Trịnh Công Sơn mới nghe ra (chữ ông hay dùng, như một bí nhiệm) để tiếp tục lên đường tìm về cố quận, dù dâu bể thời gian và cuộc đời có như bão tố điên cuồng phá hủy thân xác lau sậy mình: Xuân hạ thu đông bốn mùa làm tóc trắng. Tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn. Tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố. Xuân hạ thu đông theo gót chân hờ (Dã tràng ca). Quả thật, với một người đang riết róng tìm về với một tiếng gọi nào đó dành cho riêng mình, thời gian đi theo “nó” chỉ là những “gót chân hờ”mà thôi.

Và tiếng gọi riết róng kia chính là một cái tôi trên cao đang ra sức dìu dắt, nâng đỡ cái tôi dưới thấp đi xuyên qua mịt mùng thân phận người. Ở đây, một lần nữa, ta lại phải khen thiên tài sử dụng chữ nghĩa của ông! Và nói thêm, đã có nhiều thi sĩ cũng bắt chước ông gọi tên mình, nhưng là gọi cái tên hiện sinh (dễ đặt và dễ thay đổi) của họ thật, chứ không phải “cái tôi” này gọi “cái tôi” kia như của Trịnh: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ. Thanh Tâm Tuyền.

Nói cách khác, cái tôi trên cao ấy là một tên gọi khác của cội nguồn, nơi ông luôn muốn lần về. Vì vậy, đang khi sống, dù là giữa hội hè, ông vẫn luôn tự cảnh báo: Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi. Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời. Những cái tôi là núi, là bóng cây, là mưa đó cơ chừng là miên viễn, là “lời thiên thu gọi”, là những hóa thân thăng hoa cho cái tôi lau sậy buồn, dễ và chóng tan rã.

Tan giữa hư không

Vào giờ ngọ một ngày đầu mùa hè 2001, Trịnh Công Sơn đã làm một cuộc chuyển di từ cái tôi này sang cái tôi kia thênh thang. Hệt như ông đã tiên lượng trước, cũng là hò hẹn trước bao lâu nay, trong những lời kinh tự khấn Ra đồng giữa ngọ, từ năm 1974: Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ. Miệng môi hồng đỏ như đóa hoa vông. Hoa vông mùa hè lập lòe thinh không. Hoa vông chào mừng mùa hè thênh thang (...) Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ. Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không. Tan trong trời hồng làm giọt mưa trong. Tan trong cội nguồn. Một lần nữa, ta thấy, ông lại khấn nhắc về cái tôi là giọt mưa trong và tan trong cội nguồn. Ông đã về thực sự.

Nhưng còn cái tôi hiện sinh lau sậy vừa quá vãng kia, ông làm gì với “nó”? Thì ông lại lấy cái tôi vừa hóa thân “an ủi” lại nó: Xin ngủ trong vòng nôi. Ta ru ta ngậm ngùi. Xin ngủ dưới vòm cây (Ru ta ngậm ngùi). Chỉ có người này mới ru được người kia, nhưng Trịnh Công Sơn, nhờ có hai cái tôi, đã ru được chính mình. Vòng nôi chính là cánh tay mẹ và mẹ ông vẫn đang tiếp tục “ru” thân xác ông - cái tôi mà bà đã sinh ra - trong nghĩa trang Gò Dưa, nơi ông nằm cạnh mẹ. Và cái vòm cây ông đang nằm dưới đó, nó cũng lại thu bóng cùng ông, hệt như đã hứa với nhau, trong câu hát ngày nào thuở sinh thời: Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi.

Theo Đoàn Vị Thương
nguoilaodong.gif

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Thơ Trần Vàng Sao- Bài thơ của một người...


BÀI THƠ CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH

Trần Vàng Sao

Buổi sáng tôi mặc áo đi giầy ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông mía trắng bên sông
mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé

Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
bầy chim sẻ ngoài sân
gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng

Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
một vết bìm khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ một tiếng còi tàu

Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
năm nay ngoài năm mươi tuổi
chồng chết đã mười mấy năm
thủa tôi mới đọc được i tờ
mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
nước sông gạo chợ


nhà hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
sống qua ngày nên phải nghiến răng
cũng không vui nên mẹ ít khi cười
những buổi trưa buổi tối
ngồi một mình hay khóc
vẫn thở dài mà không nói ra
thương con không cha
hẩm hiu côi cút


tôi yêu đất nước này xót xa
mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
thương tôi nên ở goá nuôi tôi
những đứa con nhà giàu hàng ngày chửi bới
chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi
ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới


thắp ba cây hương
với mấy cái bông hải đường
mẹ tôi khóc thút thít
cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
con nó còn nhỏ dại
trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng


tôi yêu đất nước này cay đắng
những đêm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp
giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau, hột muối
vui sao khi còn bữa đói bữa no
mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc
đêm nào mẹ cũng khấn thầm
mong con khôn lớn cất mặt với đời


tôi yêu đất nước này khôn nguôi
tôi yêu mẹ tôi áo rách
chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu

Tôi bước đi
mưa mỗi lúc một to
sao hôm nay lòng thấy chật
như buổi sáng mùa đông chưa có mặt trời mọc
con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
chim đậu trên cành chim không hót
khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may


tôi yêu đất nước này những buổi sớm mai
không ai cười không tiếng hát trẻ con
đá đất cỏ cây ơi
lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
ăn quán nằm cầu
hai hàng nước mắt chảy ra
mỗi đêm cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi
ngày mai mua may bán đắt


tôi yêu đất nước này áo rách
căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai


tôi yêu đất nước này như thế
như yêu cây cỏ trong vườn
như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
nuôi tôi thành người hôm nay
yêu một giọng hát hay
có bài mái đẩy thơm hoa dại
có sáu câu vọng cổ chứa chan
có ba ông táo thờ trong bếp
và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen


tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
thủa tóc kẹp gái ngoan học trò
áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
trong bước chân chim sẻ
ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
hay nói chuyện huyên thuyên
chuyện trên trời dưới đất rất lạ
chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
cứ hay cười mà không biết có người buồn


sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
ngó cây cam cây cải
thương mẹ già như chuối ba hương
em chưa buồn
vì chưa rách áo


tôi yêu đất nước này rau cháo
bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
áo đứt nút qua cầu gió bay
tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan


tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
ăn rau rìu rau có rau trai
nuôi lớn người từ ngày mở đất
bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng

Tôi đi hết một ngày
gặp toàn người lạ
chưa ai biết chưa ai quen
không biết tuổi không biết tên
cùng sống chung trên đất
cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
cùng có chung tên gọi Việt Nam
mang vết thương chảy máu ngoài tim
cùng nhức nhối với người chết oan ức
đấm ngực giận hờn tức tối
cùng anh em cất cao tiếng nói
bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
bữa ăn nào cũng phải được no
mùa lạnh phải có áo ấm
được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
được thờ cúng những người mình tôn kính
hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định

Tôi trở về căn nhà nhỏ
đèn thắp ngọn lù mù
gió thổi trong lá cây xào xạc
vườn đêm thơm mát
bát canh rau dền có ớt chìa vôi
bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử


đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
lòng vui hôm nay không thấy chật


tôi yêu đất nước này chân thật
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
và yêu tôi đã biết làm người
cứ trông đất nước mình thống nhất

19/12/1967

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Thơ Nguyễn Đức Vân

THƠ NGUYỄN ĐỨC VÂN- BÀI MỚI NHẤT

Tổ Mẹ Mấy Đứa...

Đất nước con người

Đười ươi bỏ chạy

Khỉ nhảy đi đâu

Gà rừng sao không gáy

Tổ mẹ tụi bây

Phá hoại hết rồi

QUÁ TẢI

Đất không nghỉ

Đỉ cũng phải ngất