Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

Mùa Vu Lan báo hiếu

Tình mẹ thiêng liêng lắm!

23/08/2009 07:18 (GMT+7)
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đọc bài viết 'Tình mẫu tử' của blogger Sunny Nhung, độc giả Hồng Ánh đã gửi cho chuyên mục Chơi Blog một câu chuyện xúc động bạn sưu tầm được, như một món quà nhỏ chia sẻ với độc giả. Dù đã đọc tới lần thứ 3 mà bạn vẫn rơi nước mắt! Hồng Ánh (anhoptin1@yahoo.com)

Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.

Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường tìm tôi khiến tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: "Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!".

Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: "Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!".

Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng nghĩ gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì vậy, tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.

Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gửi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.

Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyện, hét lên: "Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!". Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời: "Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!" và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?

Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt.

Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:

"Con yêu quý,
Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mình không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.

Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..

Mẹ yêu con lắm,
Mẹ của con...".

Theo Ngôi Sao

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Thầy tôi trong cõi gió trăng- Cao Huy Thuần

Thầy Tôi trong cõi gió trăng (Báo Giác Ngộ)

20/08/2009 16:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng
Từ chốn rỗng không… Thầy tôi viết mấy ngàn trang sách chắc cũng chỉ muốn dẫn tôi đến chỗ đó mà thôi, cái chỗ có ông tiều phu thất học nghe một câu kinh mà ngộ đạo: “Ưng vô sở trụ…”. Đừng để tâm đậu vào một chỗ nào cả...

Từ bao giờ thầy là thầy của tôi? Lúc nhỏ, tôi đâu dám bước chân vào chùa Từ Đàm to lớn thế? Chùa của tôi lúc đó là Kim Tiên, nơi tôi thường theo mẹ tôi đến thắp hương trên mộ những người thân. Lên Kim Tiên phải đi qua Từ Đàm, nhưng đó là thế giới của “các bác”, của “giảng đường”, của “Ban Trị sự”, không phải thế giới của tôi, đứa bé đi chùa chỉ cốt làm vừa lòng mẹ.

Bỗng nhiên tôi nhảy vọt một bước từ bờ bên này qua bờ bên kia. Chưa là “bác”, tôi bỗng thấy mình được ngồi hầu trà các bậc thầy lớn ở Từ Đàm, lại còn được ngồi cùng bàn trai tăng, ăn ké dĩa hột bùi mà sau này tôi mới biết là món ăn quý của các thầy ở Huế, dù chỉ là trái cây ướp muối. Buổi tối, trời nóng, tôi được ngồi góp chuyện với các bậc trưởng thượng ngoài sân, ngồi khá gần để “dạ” và “thưa” nhưng khá xa để không dám hưởng làn gió mát cực lạc từ cánh quạt của chú tiểu đứng hầu sau lưng.

Như vậy, thầy là thầy của tôi từ thuở Từ Đàm, là trái tim của Phật giáo hồi sinh? Chắc cũng chưa phải, bởi vì thầy tôi hiền hòa, ít nói, mà thời thế lúc đó đòi hỏi một cặp mày quắc thướt, một giọng nói sang sảng. Thành phố lúc đó ào ào tiếng quân đi, ngựa hý; thầy tôi như người ngồi vót tre giữa đường: có ai từng thấy người ngồi chẻ lạt mở miệng nói chuyện phiếm bao giờ đâu? Người chẻ lạt rành nghề nhắm mắt vuốt tre cũng được, nhưng bao giờ cũng chăm chú như để hết tâm can vào đường dao. Lúc đó, tôi thích nghe tiếng ngựa hý hơn là ngồi nhìn đường dao của thầy tôi chứ! Vậy từ bao giờ thầy là thầy của tôi?

Ngự lãnh thanh phong phất diện vấn thùy năng tác Phật?

Bình tiền khô mộc đãi nhân tri ngộ vị khai hoa.

Câu đối đó đâu phải dành riêng cho tôi!

Gió lành đỉnh Ngự phơ phất trên mặt hỏi ai hay làm Phật?

Cây khô trước núi chờ người tri ngộ để nở hoa.

Thầy tôi nở hoa cho bao người tri ngộ, riêng gì mình tôi! Vả chăng, đêm qua cây hãy còn khô trước Ngự Bình, mới ngủ qua đêm hoa đã trắng đầu núi. Hoa trắng lúc nào vậy? Lúc nào thầy là thầy của tôi? Nửa đêm hay đầu sáng?

Thầy tôi viết rất nhiều, chữ nghĩa đầy bụng, nhưng ít nói chữ. Lần nào về nước tôi cũng ước mong được học thêm vài chữ, nhưng chưa bao giờ được đọc chung một trang sách với thầy tôi. Thầy ít nói, trò cũng lây tánh thầy. Nhưng hễ thầy tôi nói chữ nào là tôi ghim chữ nấy kỹ lắm. Có lần ngồi ăn bên cạnh thầy, tự nhiên thầy nhắc đến một ông tác giả nào đó bên Mỹ viết cả trăm trang sách để chỉ trích Phật giáo chủ trương diệt ngã. Tôi có đọc loáng thoáng đâu đấy rồi chẳng để ý làm gì mất công. Nghe thầy nhắc, tôi chợt lúng túng, chưa biết trả lời thế nào, ngồi chờ thầy nhai xong miếng cơm. Xong, thầy gác đũa, nói: “Có ngã đâu mà diệt?”. Tôi vỡ lẽ, thấy mình sao mà dốt thế, loay hoay làm gì cho mệt! Tôi thường học với thầy tôi những chuyện như thế. Nhưng có gì là chữ nghĩa bác học đâu?

Huống hồ thầy tôi ăn nói rất bình dân. Sự thực, thầy không nói: “Có ngã đâu mà diệt?”. Thầy nói: “Ngã mô mà diệt?”. Chuyện triết lý mà cứ nghe như chuyện trái bí trái bầu. Chữ “mô”, tuy vậy vẫn còn văn minh; thầy tôi còn dùng nhiều chữ đặc sệt nhà quê hơn nữa. Có lần tôi hỏi: Thì giờ đâu mà thầy dịch cả bộ luận Đại Trí Đô mấy ngàn trang như vậy? Thầy nói: “Rảnh khi mô mần khi nấy”. Rảnh lúc nào làm lúc đó. Chữ làm, nghe đã giễu rồi, giống như khi có ai đến nhà chơi giữa bữa cơm, chủ nhà mời: ăn chưa, làm một chén nhé? Từ làm đến mần, không những quê mà còn nghịch. Dịch mấy ngàn trang chữ Hán mà giỡn như vịt lội dưới ao.

Những chữ địa phương bình dân, quê mùa như vậy, thầy tôi đưa luôn vào văn chương. Giữa chùa Từ Đàm văn học, khách vào giảng đường gặp ngay hai câu đối:

Một chút giận, hai chút tham, lận đận cả đời ri cũng khổ,

Trăm điều lành, nghìn điều nhịn, thong dong tấc dạ rứa mà vui.

Đưa tôi vào đạo Phật như thế với nụ cười tủm tỉm, thầy tôi đâu cần mở trang sách nào dạy tôi? Vậy từ bao giờ thầy là thầy của tôi? Từ khi tôi bước chân vào giảng đường chùa Từ Đàm?

Có hai lần trong đời tôi được đứng sau lưng thầy tôi để hướng về Phật. Lần thứ nhất là khi thầy đến thắp hương cho thân phụ tôi. Thầy quỳ xuống niệm hương rất lâu, lâu như một tiếng chuông ngân, ngân mãi, ngân xa, xa mãi, không bao giờ dứt. Tôi thương thầy tôi nên cùng đi theo thầy trong tiếng chuông, đi mãi, đi xa, xa mãi, như không dừng. Lần thứ hai, tôi đứng sau lưng thầy niệm Phật trước khi bắt đầu giảng bài ở Học viện. Tôi thương thầy tôi nên cùng đi theo thầy trong tiếng Nam mô, theo mãi, theo xa, xa mãi, chỉ còn nghe gió thoảng trên mái hiên trống.

Tục đoạn khởi thần chung thức đắc tiêm trần bất trước nhãn,

Vinh khô thành mộng huyễn giác lai thế giới tổng duy tâm.

Mở tiếng chuông, khi dứt nối một mảy bụi trần không dính mắt. Hiểu được cảnh mộng huyễn tươi khô rõ ràng tam giới chỉ do tâm. Đố ai thấy một hạt bụi nào vướng trong tiếng chuông ngân. Tôi nói thấy, chứ không nói nghe, bởi vì lắng nghe theo chuông ngân, rõ ràng ta thấy tiếng chuông đi xa. Đó là cái thấy mà tôi không dùng với mắt, và tôi biết chắc rằng ai cũng có thể thấy như vậy, chỉ cần đi theo tiếng chuông và đừng nghĩ gì khác. Và cũng vậy, ai cũng có thể đi theo hình ảnh một cành cây khô mùa đông, một cành cây tươi mùa xuân, đi theo mãi, đi xa nữa, đi tận cùng vào bên trong từng thớ vỏ, đường gân. Trong cành khô đó, bao nhiêu xao động, bao nhiêu giọt sữa, giọt nhựa, giọt mầm, ai bảo nó khô? Trong cành tươi kia, kìa, một chiếc lá run rẩy, một cánh hoa úa màu, ai bảo nó tươi? Trong vài ngày, trong vài tuần, màu xanh sẽ nhú ra trên cành khô: nó khô bao giờ? Trong vài đêm, trong vài sáng, cành tươi kia sẽ không còn chiếc lá, vẫn nó đấy nhưng đâu là tươi? Với con mắt bên ngoài, ai cũng nói tươi khô. Đứng sau lưng thầy tôi, đi theo tiếng chuông với con mắt bên trong, tươi khô chỗ nào? Đang tươi là khô, đang khô là tươi, thầy tôi bảo tươi khô chỉ là một, không khác. Giá thử có ai cho mình viên thuốc thần, chui vào chăn ấm đánh một giấc chẵn một mùa đông, khi chui ra khỏi chăn, chắc chắn nhánh hoa lê vẫn điểm ba cánh trắng bên cửa sổ trong hây hẩy gió xuân. Có bao giờ hoa khô, có bao giờ hoa tươi?

Thầy tôi triết lý viển vông chăng? Đâu có! Khi tôi đi theo được tiếng chuông, tiếng Nam mô, đi theo cái tươi đang khô, cái khô đang tươi, tôi không còn thấy tôi. Không phải lúc nào tôi cũng thành công đâu nhé! Nhưng đứng sau lưng thầy tôi thì tôi không thấy tôi. Những lúc như thế, tôi nhẹ nhàng lắm, có chuyện gì bực cũng quên. Thầy tôi bảo: ai quên được mình trong một phút, phút đó là Niết bàn, Vô ngã là Niết bàn. Thầy tôi nói thêm: Mình là người thường, cho nên trong một ngày mình chỉ được một phút, vài phút Niết bàn, còn Đức Phật, Ngài không biết có Ngài nên Ngài Niết bàn không cùng không tận. Triết lý gì đâu, an vui đấy thôi! Có lẽ cành cây tươi kia cũng biết thế chăng? Có lẽ nó biết nó là mặt trời, nó là nhựa đất, nó là hơi sương, nó là tia nắng, nó là giọt mưa, nó là tất cả những yếu tố đó hợp lại chứ tự nó chẳng có cái gì là nó cả, cho nên nó mới óng ả mùa xuân như thế. Nó Niết bàn đấy! Mai mốt, lá rụng, hoa rơi, cây trụi, cành khô. Để làm gì? Để quên mình, để cho mình, để mất mình, để cành khô mới có chỗ đón tuyết tặng áo bông. Nó lại Niết bàn! Từ bao giờ thầy là thầy của tôi? Từ khi tôi học được Niết bàn trong vụn vặt đời sống thường ngày chăng?

Nhưng con người không phải là đóa hoa nên tôi lại phải triết lý vặt với thầy tôi. Đóa hoa nó chỉ nở, chỉ phô sắc thắm. Nó không nói tôi nở, tôi phô sắc thắm. Chuyện của nó làm là nở. Chuyện của giọt sương là long lanh. Chuyện của gió là thổi. Chuyện của tia nắng là chiếu. Con người thì không thế. Thở thì nói là tôi thở. Nghe thì nói là tôi nghe. Tôi thấy. Tôi nhìn đóa hoa. Cái “tôi” nào nhìn đóa hoa vậy? Cái “tôi” nào mà khi vui thì thấy hoa dường như biết cười, khi buồn thì thấy hoa như môi ai héo? Một “tôi” hay hai “tôi”? Tôi bây giờ phất phơ đầu bạc với tôi mấy chục năm trước tóc bềnh bồng vãng lai trước Trường Đồng Khánh là hai “tôi” hay một? Một làm sao được, vì ôi thôi dâu biển quá chừng. Nhưng ai phán đoán vậy? Cái “tôi” nào phán đoán rằng “tôi” này khác với “tôi” kia?

Xuân Diệu có một câu thơ mà tôi thích từ trẻ:

Bâng khuâng chiều ngẩn ngơ chiều

Lòng không sao cả hiu hiu sẽ buồn.

Có lẽ ý của câu thơ chỉ muốn diễn tả nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng, vô cớ, thứ buồn lãng mạn mélancolique đặc biệt trong thơ văn Pháp thế kỷ XIX mà Xuân Diệu chịu ảnh hưởng đậm đà. Có lẽ chỉ thế thôi, nhưng câu thơ quá đẹp về ngôn ngữ và âm điệu nên tôi muốn lồng trong đó một ý nghĩ rất chủ quan. Ai “bâng khuâng”, ai “ngẩn ngơ”? Thi sĩ ưa nhân cách hóa sự vật nên có thể giải thích chính buổi chiều bâng khuâng, buổi chiều ngẩn ngơ: buổi chiều ngẩn ngơ chính buổi chiều. Giải thích như vậy thì buổi chiều có tâm hồn, buổi chiều nhìn chính mình, nhìn tâm hồn mình. Nhưng giải thích như vậy e thi vị hóa câu thơ nhiều quá. Kẻ “bâng khuâng” và “ngẩn ngơ” là người, là con người nhìn buổi chiều. “Bâng khuâng” và “ngẩn ngơ” như thế sao lại nói “lòng không sao cả”? Tôi cũng biết câu thơ có thể chỉ nói lên một tâm trạng thường tình thôi: lòng không có chuyện gì buồn, nhưng buổi chiều bâng khuâng khiến buồn buồn. Nhưng tôi vẫn muốn tra khảo câu thơ: Lòng ai không sao cả? Ai hiu hiu sẽ buồn? Hai “tôi” hay một? Một “tôi” phơn phớt bên ngoài, một “tôi” dễ lay động bên trong?

Tôi ưa ca hát nên muốn mượn một câu hát để nói thêm về câu thơ. Câu hát của Trịnh Công Sơn mà tôi thường nghêu ngao khi nhớ đến thơ Xuân Diệu:

Lòng thật bình yên mà sao buồn thế,

Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ.

Câu hát đầu gợi ý câu thơ thứ hai: lòng thật bình yên mà buồn. Nhưng câu hát thứ hai thì làm rõ ý tôi muốn nói. Ai giật mình? Ai nhìn? Ai nhìn chính tôi? Nói rằng tôi giật mình nhìn tôi thì cũng được thôi. Nhưng tôi nghĩ câu hát có ý nghĩa cao hơn thế. Có hai “tôi” trong đó. Một “tôi” giật mình, nhìn. Một “tôi” đang ngồi hát nghêu ngao bị “tôi” kia bất chợt nhìn. Cái “tôi” ngồi hát đã ngồi đó hát từ bao giờ, có mặt ở đó như từ muôn kiếp trước. Cái “tôi” kia, trong chớp nhoáng, giật mình khám phá ra.

Có lẽ tôi phải mượn chuyện thiền để Xuân Diệu ở đâu đó đừng trách tôi chẻ sợi tóc làm tư. Thiền sư Thoại Nham có thói quen nói chuyện với mình. Ông gọi ông như ta gọi vợ con: “Thoại Nham ơi!”. Rồi ông tự trả lời: “Ơi!”. Thỉnh thoảng lại gọi: “Thoại Nham đấy hả?”. Lại tự trả lời: “Ừ!”. Mái chùa của ông bé như vỏ nghêu, vậy mà thỉnh thoảng ông cứ sợ lạc. Mỗi lần cảm thấy lạc như thế, ông lại gọi: “Thoại Nham!”. Và lại ơi: “Ừ, đây rồi!”. Hai người trả lời nhau chăng, hay là một? Một phơn phớt bên ngoài, một thăm thẳm bên trong?

Kim địa tòng lâm cô nguyệt quang hàm không tức sắc,

Sơn đầu bảo sát quần loan thúy tỏa cổ do kim.

(Chùa thiền nơi đất báu, trăng côi tỏa ánh vàng, không tức sắc,

Cửa Phật ở đầu non, núi cụm trùm màu biếc, cổ như kim).

Trăng soi bóng mình trong nước, vầng trăng trong nước có hay không có? Hai vầng trăng hay một vầng trăng? Màu biếc của núi nay giống xưa, vậy màu biếc đó là một hay hai? Những câu đối của thầy tôi là những bài thơ thiền xinh như con bướm vừa chui ra khỏi kén. Cổ như kim, xưa giống như nay là một cảm hứng lớn trong văn học thiền. “Xưa giống như nay, nay giống như xưa”, là giống cái gì? Có cái gì cứ ở đấy mãi hoài vậy? Mãi hoài như từ thuở mới sinh ra, từ khi núi là núi? Núi màu lục kia cũng có cái “tôi” thăm thẳm của nó chăng? Nếu nó biết nói, chắc thỉnh thoảng trong ngày nó cũng gọi nó đôi lần. “Núi ơi!” Ai thử gọi đi, nó “ơi” cho mà xem. Không chừng nó biết hơn ai hết cái “tôi” thăm thẳm trong tiếng “ơi” mà chúng ta gọi là “khuôn mặt muôn thuở”, là “bản lai diện mục”, là “Phật tính”, là “chân như”, là “không”. Thoại Nham gọi là như thế để đừng lạc mất chính mình. Mỗi lần Thoại Nham thấy mình là hai với Phật tính thì Thoại Nham khổ lắm, mà hễ thấy mình là một với Phật tính thì nhẹ nhàng, vui vẻ, thong dong, bình yên, Niết bàn. Nhưng làm sao Thoại Nham trở thành một với cái bút màu lục nay giống như xưa của ông? Chỉ thế thôi: quên đi, mất đi, bớt đi, vơi đi cái “tôi”, cái danh gọi Thoại Nham hão huyền, bèo bọt, để nghe tiếng “ơi” vọng ra từ chốn rỗng không của muôn đời.

Từ chốn rỗng không… Thầy tôi viết mấy ngàn trang sách chắc cũng chỉ muốn dẫn tôi đến chỗ đó mà thôi, cái chỗ có ông tiều phu thất học nghe một câu kinh mà ngộ đạo: “Ưng vô sở trụ…”. Đừng để tâm đậu vào một chỗ nào cả. Tôi đố ai khởi lên một ý gì mà không có cái “tôi” trong đó. Dù một ý nghĩ không có chữ “tôi”, cái “tôi” vẫn nằm ở trung tâm điểm. “Hôm qua, cô Hồng Nhung hát hay quá” là “tôi” nghe, “tôi” thích, “tôi” thấy hay. Đừng để tâm đậu vào chữ “tôi”, lòng đã bớt xao động rồi, nhưng ông tiều phu Huệ Năng hiểu sâu hơn thế ngay khi nghe câu kinh. Ông hiểu: đừng để tâm đậu vào một ý niệm nào cả. Thường ta nói: Đừng bận tâm thì an vui. Nhưng làm thế nào để đừng “bận tâm”? Đừng suy nghĩ? Có giây phút nào ta ngừng suy nghĩ đâu? Cắt đứt tư tưởng? Thử cắt đứt đi! Ý này dứt thì ý kia nối, mãi mãi không ngừng, dẫn tâm đi lang thang. Cách hay nhất là cứ để cho nó đi, nhưng đừng vướng vào nó, nhìn nó đi, biết nó đi, nó đi đâu mình theo dõi nó, đừng để nó lừa. Thế là mình làm chủ nó. Từ ngày tôi đau mắt, tôi cứ chơi cái trò đó với nó. Tôi đau mắt phải, mỗi ngày phải điểm thuốc hai ba lần, mỗi lần cách nhau mười lăm phút. Rồi thỉnh thoảng con mắt trái cũng đau, lại phải điểm thuốc khác, ba bốn thứ thuốc không được lẫn lộn. Ban đầu, sợ nhầm mắt, tôi phải bịt mắt trái. Nhưng sau tôi nghĩ: Tại sao không nhân dịp này giỡn với tâm mình chơi. Thế là tôi bắt chước Thoại Nham. Tay cầm bình thuốc, mặt ngửa lên trời, tôi gọi: “Mắt phải ơi!” Tôi “ơi!”. Giọt thuốc rơi đúng bóc vào mắt phải. Mỗi ngày tôi vui chơi với Thoại Nham như thế. Nhưng hễ tôi bận rộn một việc gì đấy, soạn bài, xem đá bóng, giận vợ con, là cái giận, cái lo, cái hồi hộp, cái suy tư nó dẫn tôi đi và tôi quên tuốt Thoại Nham thân mến của tôi cho đến khi giật mình nghe giọt thuốc rơi phóc vào mắt trái.

Thầy tôi nghe tôi giảng giải “Ưng vô sở trụ…” như thế này chắc sẽ lắc đầu ngao ngán. Nhưng riêng tôi, mỗi ngày tôi sống hai ba lần cái giây phút đó, lúc tôi cầm bình thuốc, ngửa mặt lên trời, hai ngón tay sẵn sàng ấn vào bình. Lúc đó, tôi biết tôi đang giận, đang hồi hộp, đang lo, đang nghĩ đến đứa con đi chơi khuya chưa về, đang bực mình vì ấm nước vừa sôi tràn lan trên bếp, tôi biết hết, nhưng mặt tôi đã ngửa, tôi nhìn chúng như nhìn mây trôi qua và tôi gọi: “Thoại Nham!”. Rõ ràng tôi nghe tiếng “ơi!” từ trong thăm thẳm của giọt nước rơi vào mắt. Tiếng “ơi!” từ trong rỗng không.

Chắc tôi lại phải mượn chuyện thiền để thưa với thầy tôi rằng tôi càng ngày càng tin chắc, tin rõ, tin như thấy trước mắt cái chỗ rỗng không đó. Chuyện như thế này: Ông sư già Câu Chi có cái thói quen lạ lùng là mỗi khi ai hỏi ông về Phật, ông giơ ngón tay trỏ lên trời, không nói gì cả. “Bạch Sư cụ, chân lý cao nhất mà Phật dạy là gì ạ?”. Giơ ngón tay. “Bạch Sư cụ, Phật với chúng sinh có khác gì nhau không ạ?”. Giơ ngón tay. Chẳng ai hiểu gì cả, nhưng ai cũng làm bộ hiểu, vì một ông thiền sư tăm tiếng như thế chắc chắn nhất cử nhất động ắt phải có ý nghĩa sâu xa. Ông sư già đi đâu, ngồi đâu, cũng có một chú tiểu theo hầu đàng sau. Chú tiểu thấy thầy chỉ cần đưa ngón tay lên trời mà thiên hạ phục sát đất, nên học thầy nhanh lắm, ai hỏi chuyện đạo chú cứ việc đưa ngón tay lên trời. “Chú tiểu ơi, chú sắp thành Phật chưa?”. Giơ ngón tay. “Chú tiểu ơi, Nam mô là gì vậy chú?”. Giơ ngón tay. Chú giơ ngón tay một hồi như thế thành quen, bây giờ đi đứng sau lưng thầy, có ai hỏi thầy chuyện Phật, thầy giơ ngón tay mà trò ở đàng sau cũng giơ ngón tay. Thế thì một hôm, thầy vô tình xoay lưng bỗng thấy trò giơ ngón tay, bèn hỏi trò: “Chú hiểu đạo thật hả?”. Trò thưa: “Dạ thật”. Thầy hỏi: “Phật là gì?”. Trò giơ ngón tay. Thầy chụp ngón tay, sẵn cây dao bên cạnh chặt trọn. Trò đau quá, vừa chạy vừa ré. Thầy bắt lại, hỏi dồn: “Phật là gì?”. Quen thói mất rồi, trò giơ ngón tay. Nhưng ngón tay không có đó nữa. Chú tiểu ngộ.

Khi chú tiểu giơ ngón tay, chú ý thức rằng ngón tay của chú có thật trong thế giới hiện tượng. Mà đúng là có thật chứ! Khi chú tiểu giơ ngón tay đã bị đứt rồi, ngón tay không có trong thế giới đó nữa, nhưng trong tâm chú tiểu, chú thấy rõ ràng ngón tay rỗng không mà chú đang giơ. Trong khoảnh khắc, chú học chữ không, chú học chữ có, và chú dạy cho tôi cái biết từ trong rỗng không. Tôi có thể tưởng tượng ra một rỗng không như thế trong tâm một người ngồi thiền đắc đạo khi vị đó đạt đến mức không để tâm đậu vào một ý niệm gì cả. Chắc tôi sợ ngồi thiền trong kiếp trước nên kiếp này tôi phải mang cái nghiệp đau mắt. Nhưng biết đâu có ngày tôi điểm mắt mà ngộ đạo như ai, có ngày tôi thấy trong giọt thuốc kia mông mênh một cõi trống không trong đó vầng trăng hiện ra trong vắt?

Cái trống rỗng đó, và niềm vui trong đó, đố ai nói được nên lời. Cho nên thầy tôi phải mượn đến thơ:

Tánh lặng đất trời chung một cõi,

Tâm không trăng gió trải muôn phương.

Có lần tôi đưa hai câu đối đó cho vợ tôi đọc. Vợ tôi đùa: Thầy biết rõ anh hơn ai hết. Rồi giải thích: Thầy nói: Nếu tâm anh không trăng gió nguyệt hoa thì tha hồ hạnh phúc. Hay quá! Thầy tôi thấy rõ ruột gan của tôi từ bao giờ vậy? Từ bao giờ thầy là thầy của tôi? Bao nhiêu lần tôi nghe thầy tôi than: Dịch kinh chữ Hán thiệt mệt với chữ “không” và chữ “vô”. Giá như thầy viết: “Vô tâm trăng gió trải muôn phương” thì học trò của thầy thoát khỏi cái oan Thị Kính rồi! Nhưng “vô tâm” làm sao hay bằng “tâm không” để nói cái tâm trong vắt, trên đó không có gì vướng mắc. Trong triết lý thiền, cái tâm trong vắt đó, cái “tâm không” đó, biết hết thảy mọi sự mọi vật, biết đúng đắn sự vật như là sự vật, giống như tấm gương trong đó hiện ra trung thực mọi hình ảnh bởi vì tự mình là rỗng không. Thoại Nham ơi, từ đâu nữa, từ trong rỗng không đấy chứ đâu, thầy tôi đã là thầy tôi tự bao giờ.

Cao Huy Thuần

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

NGƯỜI BIẾT ĐỦ LÀ NGƯỜI GIÀU CÓ- Hoàng Quý Toàn


Người Biết Đủ Là Người Giàu Có(Báo Giác Ngộ)

Văn Chủng và Phạm Lãi là hai mưu sĩ đại tài của Việt vương Câu Tiễn. Có thể nói chắc chắn rằng, không có Văn Chủng và Phạm Lãi thì không có sự nghiệp phục quốc vĩ đại của Câu Tiễn.

Khi thất bại ở núi Cối Kê, Câu Tiễn phải cùng vợ con sang làm nô lệ cho Ngô vương Phù Sai, Phạm Lãi đi theo hầu Việt vương, việc trong nước do một tay Văn Chủng lo liệu. Điều đó cho thấy vai trò của Văn Chủng đối với nước Việt quan trọng như thế nào. Văn Chủng đã bí mật gom tất cả bé trai của nước Việt từ 4 – 6 tuổi đưa về một nơi bí mật, nuôi dạy tập trung, đề phòng quân Ngô sát hại. Lớp thiếu sinh quân này chính là nòng cốt của quân đội nước Việt hai mươi năm sau đánh vào kinh đô của nước Ngô và bức tủ Phù Sai. Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của Văn Chủng.
Trong khi Câu Tiễn cùng Phạm Lãi nhiều phen gặp nguy khốn suýt bỏ mạng trên đất Ngô thì ở trong nước, Văn Chủng lo lót với quan Thái tể nước Ngô là Bá Hỷ để cứu Câu Tiễn và Phạm Lãi. Sau khi Câu Tiễn và Phạm Lãi được tha về nước, Văn Chủng bày kế làm suy yếu nước Ngô. Chính Văn Chủng đã cống nạp Tây Thi cho Phù Sai để mê hoặc vua nước Ngô. Và với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, Tây Thi đã mê hoặc được Phù Sai, khiến ông vua này chìm đắm trong hoan lạc và mất cảnh giác. Sau khi do thám biết Phù Sai say mê tửu sắc, bỏ bê việc triều chính và nước Ngô liên tiếp mất mùa, lòng dân oán thán, Câu Tiễn liền kéo đại binh sang đánh nước Ngô.
Phạm Lãi chỉ huy cánh quân bên phải. Văn Chủng chỉ huy cánh quân bên trái. Câu Tiễn thống lĩnh 6.000 quân tử chiến đi ở giữa, ào ạt tiến đánh quân Ngô. Phù Sai thua luôn ba trận. Các tướng tài như bọn Tào Cô và Tư Môn Sào đều chết trận cả. Phù Sai chạy thẳng về đô thành, đóng chặt cổng thành. Câu Tiễn đắp một cái thành bao vây kinh đô của nước Ngô. Bị bao vây lâu ngày, người nước Ngô khốn quẫn quá. Phù Sai bèn sai Vương Tôn Lạc, mình trần, kéo lê đầu gối sang xin với Câu Tiễn rằng:
- Kẻ bề tôi cô độc là Phù Sai ngày trước đắc tội ở Cối Kê, nhưng không dám trái mệnh, được cùng với đại vương giảng hoà, nay đại vương cất quân sang đánh cô thần, kẻ bề tôi cô độc cũng mong đại vương nghĩ đến việc Cối Kê ngày trước mà xá tội cho.
Câu Tiễn nể tình trước đây Phù Sai đã tha chết cho mình định cho giảng hoà, nhưng Phạm Lãi nói:
- Đại vương ngày đêm lo nghĩ, mưu tính trong hai mươi năm nay sắp thành công mà lại bỏ đi là nghĩa làm sao.
Câu Tiễn không cho hoà nữa. Sứ giả nước Ngô đi lại bảy lần mà Văn Chủng và Phạm Lãi nhất định không nghe, lại thúc quân đánh thành. Nước Ngô không còn sức chống cự nữa, Ngô vương Phù Sai phải tự tử và nước Việt thống trị toàn bộ nước Ngô. Câu Tiễn đại thắng, bày tiệc trên văn đài của nước Ngô, cùng các quan uống rượu nghe nhạc. Các quan trong tiệc đều tươi cười cả, chỉ có Câu Tiễn nét mặt không vui. Phạm Lãi thấy vậy nghĩ thầm rằng: “Đại vương không muốn tính đến công của kẻ hạ thần, thế là mối nghi kỵ đã trông thấy rồi”.
Ngày hôm sau, Phạm Lãi vào cáo từ Câu Tiễn :
- Tôi nghe nói vua bị nhục thì kẻ bề tôi nên chết. Khi trước đại vương bị nhục ở Cối Kê mà tôi không chết là định ẩn nhẫn để báo thù nước Ngô. Nay nước Ngô đã bị diệt rồi, xin đại vương ra ân cho cái thân già yếu này được về nghỉ.
Câu Tiễn khóc mà nói rằng:
- Ta nhờ sức nhà ngươi mà được như thế này, đang nghĩ để đền công, cớ sao nhà ngươi lại nỡ bỏ ta mà đi? Nhà ngươi ở lại thì ta giao quyền chính cho, nếu đi thì vợ con nhà ngươi, ta sẽ giết hết.
Phạm Lãi nói:
- Giết tôi thì hơn, chứ vợ con tôi có tội gì! Thôi thì sống chết cũng tuỳ ý đại vương, tôi chẳng nghĩ gì cả.
Đêm hôm ấy, Phạm Lãi đi một chiếc thuyền nhỏ, lánh xa Câu Tiễn. Hôm sau có người đưa cho Văn Chủng một bức thư nói là thư của Phạm Lãi. Thư viết rằng: “Vua Ngô có nói: Giống thỏ đã hết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn, ngài không nhớ hay sao? Vua Việt môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm, ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, chứ cùng ở lúc an lạc thì không được, nếu ngài không đi, tất có tai vạ”. Văn Chủng xem thư có vẻ âu sầu nhưng vẫn chưa tin lời Phạm Lãi.
Sau đại thắng, Câu Tiễn không ban thưởng công lao diệt Ngô cho ai cả, các quan không ai được một tấc đất nào, lại không muốn gần gũi các cận thần. Các đại thần tìm cách xin từ chức. Văn Chủng nhớ lời Phạm Lãi, cáo ốm không vào chầu. Bọn gian thần nói với Câu Tiễn rằng:
- Văn Chủng tự nghĩ mình công to mà được hưởng ít, có ý oán vọng nên không vào triều.
Hôm sau Câu Tiễn đến thăm Văn Chủng. Văn Chủng vờ đang ốm nặng, gượng dậy nghênh tiếp. Câu Tiễn cởi thanh kiếm ra, bảo Văn Chủng rằng:
- Ta nghe, người chí sĩ không lo cái thân mình chết, mà lo cái đạo mình không hành được. Nhà ngươi có bảy thuật, ta mới thi hành có ba mà đã diệt được nước Ngô, còn thừa bốn thuật, nhà ngươi định dùng làm gì?
Văn Chủng nói:
- Tôi cũng không biết dùng làm gì được.
Câu Tiễn nói:
- Hay nhà ngươi đem bốn thuật ấy mà mưu hộ cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ, phỏng có nên chăng?
Câu Tiễn nói xong, lên xe đi về, bỏ lại thanh kiếm ở chỗ ngồi. Văn Chủng cầm lấy xem thì trên vỏ kiếm có hai chữ “chúc lâu”, tức là thanh kiếm xưa Phù Sai dùng để giết Ngũ Tử Tư. Văn Chủng ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Cổ nhân có câu “ơn to không báo”. Ta không nghe lời Phạm Lãi đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ư.
Nói xong Văn Chủng liền cầm gươm tự tử.
Lão Tử nói: “Tri túc, tri chỉ” (biết đủ, biết dừng). Đó là hai cái biết khó nhất trên đời này. Chức tước biết thế nào là đủ để dừng lại, của cải biết thế nào là đủ để dừng lại. Bài toán ở đời khó nhất chỉ là hai cái biết đó thôi. Về mưu lược Phạm Lãi và Văn Chủng tài ngang nhau. Nhưng Phạm Lãi hơn Văn Chủng ở chỗ biết đủ biết dừng. Từng theo Câu Tiễn sang nước Ngô làm nô lệ cho Phù Sai bị đối xử như thú vật, cắn răng chịu đựng để đợi ngày báo thù. Và nước Việt đã đánh bại nước Ngô, mối quốc nhục đã được rửa, chí nam nhi thế là đủ rồi. Hai mươi năm rèn quân phục quốc, Phạm Lãi là quân sư của vua nước Việt, về chức tước thế cũng là đủ rồi. Và ở đời khi biết đủ thì phải biết dừng lại. Nếu Phạm Lãi không bỏ đi thì Câu Tiễn phải thưởng công cho Phạm Lãi như thế nào? Đem nửa giang sơn chia cho Phạm Lãi chăng? Chia nửa vương quyền cho Phạm Lãi chăng? Không một ông vua nào có thể làm như thế. Mà không làm như thế thì phải giết đi. Đó là cái chết của Văn Chủng, một người không biết đủ biết dừng.
Từ bỏ triều đình, Phạm Lãi đi về đất Đào, làm một nhà DN. Đây là vùng ngã ba sông, việc lưu thông hàng hoá và buôn bán rất thuận lợi. Phạm Lãi làm nghề buôn tiền ở đây và giàu hơn cả Việt vương Câu Tiễn, được nhân dân tôn phong là Đào Chu Công (ông chủ của đất Đào).
Nhiều doanh nhân ngày nay sau khi gặt hái thành công trên thương trường lại muốn chen chân vào chính trường. Hơn 1/3 các nhà doanh nhân của Trung Quốc muốn ứng cử vào Quốc hội. Các doanh nhân của VN có lẽ cũng nhiều người có ý nguyện đó. Song chính trường và thương trường là hai lĩnh vực khác xa nhau. Trên thương trường quyết định thành bại là ở tài trí kinh doanh. Còn trên chính trường người có tài chưa chắc đã thành công và người kém tài chưa chắc đã thất bại. Lã Bất Vi thời Xuân thu là một nhà DN đại tài, là doanh nhân mà làm đến Tướng quốc, vua còn gọi là Trọng Phụ. Vậy mà cuối cùng phải cay đắng nhận lấy cái chết. Bi kịch của Lã Bất Vi là không tri túc, tri chỉ. Đó phải chăng cũng là bài học cho tất cả chúng ta.

Lang thang một mình trên đồi vắng
Ta tìm gì ? lãng đãng sương trắng rơi ...
Một ngôi sao lẳng lặng ở cuối trời
Lạnh hiu hắt vô tình rơi ...chiếc bóng ...

Hoàng Quý Toàn (Toàn dương)

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Bút ký- Căn nhà nhỏ có mẹ của tôi


Bài dự thi Góc nhà bình yên

CĂN NHÀ NHỎ CÓ MẸ CỦA TÔI
Quê tôi, một làng ven sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Ở đó có căn nhà nhỏ có mẹ của tôi. Bao năm bôn ba xa nhà xa quê, thay đổi chỗ ở chỗ làm với bao chồng chất lẫn lộn, cái góc nhỏ kia- với tôi vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi và cứ mãi thôi thúc bước chân về…
Tuổi nhỏ vắng ba tôi ở với mẹ. Mẹ nuôi tôi trong khổ cực với nghề hàng xáo nhỏ. Tan học chiều, tôi thường ra ngóng mẹ đi mua lúa về ở cây mưng đầu xóm. Tối đến, căn nhà rộn lên tiếng xay giã giần sàng, thường thì tôi thiếp đi khi công việc mẹ chưa xong. Sáng sớm mẹ đã gánh gạo ra chợ, phần lời thường là mấy đồng và đôi ba lon gạo mẹ con đắp đổi qua ngày. Một mình mẹ ngày qua tháng lại vất vả trăm chiều nuôi con chờ chồng ngày đoàn tụ…
Nhọc nhằn gánh hàng xáo nhưng mẹ vẫn cố cho tôi đi học. Mẹ bảo: Con cố học dăm ba chữ để sau này đỡ vất vả, đời mẹ đã không được học hành con phải bù đắp cái phần thiếu hụt kia. Có năm gặp tai ương, một lần đi mua lúa ở nhà mụ Khóa mẹ bị chó cắn. Thuốc men chạy vạy nhưng vết thương cứ tái đi tái lại cả năm mới lành. Chiến tranh tràn tới, làng quê tán tác, cuộc sống ngày càng vất vả trên đôi vai bé nhỏ của mẹ. Ngày đó tôi mới xong bậc tiểu học.
Làng quê không yên, mẹ con tôi bỏ quê lên thành phố. Tôi phải tạm nghỉ học. Nhưng với mẹ không thể thế được. Phải tiếp tục việc học dở dang? Lấy gì để nuôi con ăn học giữa phố thị đông đúc nhiều người ít việc? Một phụ nữ nghèo khó ít học như mẹ có thể làm gì ngoài việc chấp nhận làm người giúp việc ở mướn. Mười năm đằng đẵng nhục nhằn ở đợ nuôi con. Mỗi khi nghĩ về mẹ và ngày tháng cũ tim tôi đau nhói… lòng quặn thắt… nước mắt cứ chực trào ra…Bước đường học vấn của tôi được trả giá bằng sự hy sinh vô bờ bến của mẹ. Tôi vào sư phạm và ra trường ngày đất nước thống nhất.
Ba tôi tập kết trở về. Mẹ con tôi mừng mừng tủi tủi. Nhưng điều ngang trái đã đến với mẹ khi biết ba có vợ con ngoài Bắc. Mẹ lại cắn răng âm thầm chịu đựng. Khổ riêng mình chịu. Mẹ không một lời phàn nàn, trách cứ, lặng thầm chấp nhận. Hai mươi mốt năm một mình nuôi con chờ chồng giờ thành vô vọng. Mấy năm đó mẹ ít nói ít cười…
Chuyện rồi cũng nguôi ngoai, mẹ quyết định về quê nội dựng lại căn nhà nhỏ. Mẹ bảo nhỏ với tôi: “Lỗi chẳng do ai, chỉ là chuyện lịch sử, do chiến tranh xa cách mà ra. Giờ mẹ già rồi, về lo chuyện mồ mả kỵ giỗ, chăm sóc ông nội cho trọn bề dâu trưởng”. Chao ôi, mẹ tôi một đời buồn tủi!
Hình như tôi đã đọc đâu đó một điều giản dị về mẹ: Anh chị lớn bao nhiêu tuổi, làm nên biết bao công trạng nhưng đứng trước mẹ anh chị cũng chỉ là đứa con bé nhỏ như ngày xưa mẹ yêu thương, nâng niu bú mớm dỗ dành. Anh chị biết không? Mẹ tôi năm nay đã cận kề tám mươi, còn tôi đang bước vào lục thập, vậy mà tôi chưa làm được điều gì cho mẹ vui…
Hơn ba mươi năm rồi tôi vẫn chưa kịp về với mẹ, chỉ thưa thớt mấy bữa phép năm. Căn nhà nhỏ nơi quê nhà mẹ vẫn cặm cụi hôm sớm. Đứa con bất hiếu cứ mãi chen chúc lợi danh, bao toan tính bon chen thu vén cho gia đình vợ con, cố tìm nơi chốn yên lành. Mẹ ngày càng luống tuổi.
“Mẹ không còn ở lâu với ông nữa đâu”- ai đó thầm nhắc nhở, thúc giục…
Mỗi ngày đi qua lòng tôi lại bồn chồn lo lắng. Căn nhà nhỏ thời thơ ấu của mẹ hiện về. Những bữa cơm đơn sơ đạm bạc, những hôm mưa dầm gió bấc, những ngày nắng rát gió Lào…mẹ tôi đôi quang gánh hàng xáo lầm lũi tần tảo nuôi con. Giờ đây ốm đau trái gió trở trời ai người chăm sóc, phụng dưỡng. Mẹ ơi, cái ngày con xa mẹ đang gần, Vu Lan sắp tới con có còn cài nụ hồng lên ngực …Câu chuyện ngày trước trong điệu hò xứ Huế càng làm tôi đau đáu chạnh lòng. Chuyện rằng: Có hai vợ chồng nghèo khó ngày mẹ mất họ chỉ lo ma chay qua quýt. Rồi họ cố lên tát cạn biển đông, câu hò ước nguyện trước bàn thờ vong linh mẹ: “…Hò…ơ…hò…Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn…ơ…Ôi lấy chi đền nghĩa khó khăn…ơ…Thôi thì hai đứa mình lên non xắn đá xây lăng mà phụng thờ…hò…ơ…”
Biết con có làm được điều ấy không, mẹ ơi?

Lê Quang Kết
Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc
454 Trần Phú, Bảo Lộc, Lâm Đồng
ĐT: 0633 717 123- 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com.vn