Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Truyện ngắn- VÔ ĐẠO- Lê Quang Kết

Truyện ngắn
VÔ ĐẠO
Lê Quang Kết
Anh ta tên Quê. Người cùng làng bảo rằng: Ngày ấy nhà Quê nghèo lắm, thuộc hạng cố nông cùng đinh, không tấc đất cắm dùi. Có điều nhà ấy biết cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Quê có hai chị gái chịu thương chịu khó. Cha mẹ công việc đồng áng quanh năm đầu tắt mặt tối chẳng bao giờ bước ra khỏi cổng làng. Không nói ra nhưng ai cũng nhủ lòng cố lo cho nó học hành thành đạt. Bà mẹ nào chẳng thế- con đỗ đạt làm ông này ông kia mai này mình sung sướng tuổi già. Người cha lại có niềm mong ước khác: Cả dòng họ bao đời nay chẳng ai bảng vàng bia đá nay con trai mình tú tài- cử nhân là niềm tự hào cho gia đình dòng tộc.Và thế là Quê được cưng chìu chẳng làm chi chỉ lo đèn sách. Nhà nghèo rớt mùng tơi nhưng cậu út sướng như tiên. Hình như Quê chẳng phải bận tâm tới việc lấy đâu ra cho mình ăn học? Mẹ cha rồi hai chị cực nhọc ra sao?
So với các cô cậu cùng trang lứa, Quê là đứa tối dạ, học hành loàng xoàng nhưng cuối cùng cũng tốt nghiệp phổ thông trung học vào cái thời buổi mà tỉ lệ tốt nghiệp tới 99,9%. Cả nhà chăm chút và kỳ vọng vào cậu trai. Cha bảo:
- Hay là con thi vào Đại học nông nghiệp rồi ra kỹ sư làm trên huyện gần nhà được cả đôi bề.
- Ừ, nhà mình bao đời sống với cây lúa củ khoai. Bà mẹ đồng tình.
Quê vốn thụ động, nhút nhác. Kể cũng lạ. Mấy năm trọ học trên thị trấn thằng Khoa, thằng Tiến học đòi thị tứ bao thứ- nào là quần áo bảnh bao- nào là tóc tai chải chuốt- cả chuyện yêu đương bồ bịch…Vậy mà Quê vẫn lặng lẽ đi về- cậu ta vẫn giữ nét chân chất của chàng trai quê không bị lối sống phố thị xô bồ lôi cuốn. Cả nhà mừng thầm. Con tôi ngoan lắm. Em tôi hiền khô à, tìm đâu ra chàng trai thời nay giỏi giang đến thế. Bà con chòm xóm những kẻ ngồi lê đôi mách vốn chỉ xầm xì “câu chuyện làm quà” cũng phải khen thầm: Nhà ấy phúc đức có cậu con trai hiền lành tốt bụng chuyên tâm học hành, vợ chồng ông Hồi sau này đỡ khổ thoát cảnh chân lấm tay bùn…
Ước mơ thôi thúc người ta vươn lên trong cuộc sống, ước mơ cũng giúp người ta quên đi những vất vả mệt nhọc lo toan hàng ngày. Hình như mơ ước cuộc sống đổi đời làm con người giàu đức hy sinh hơn!? Ông Hồi chẳng kể ngày đêm lao vào công việc để có đủ tiền cho Quê lên thành phố ôn luyện. Hai chị gái thương em nhận thêm việc gia công sản phẩm ở một xưởng đan lát để có thêm thu nhập trang trải gia đình, họ chẳng nghĩ chi chuyện lập gia đình dù cũng có người muốn làm quen tiến tới. Bà Hồi thương con trai hơn - sợ con thiếu thốn, bà nhờ bà con liên hệ lên thị trấn làm người giúp việc cho đôi vợ chồng trẻ khá giả, mỗi tháng được trả bảy trăm ngàn để định kỳ có tiền gởi cho Quê.
Cả nhà lo cho mình- phải cố lên không thể phụ lòng mọi người, phải thi đỗ đại học vì lòng tự trọng và niềm kỳ vọng của gia đình. Bao bạn bè ở quê đều phải nghỉ bỏ học do không lo nổi, mình là đứa sướng nhất làng có ai bằng. Cố lên. Bao nhọc nhằn, chật vật bài vở và phải tới hai kỳ thi, cuối cùng Quê cũng đỗ vào đại học nông nghiệp - khoa dâu tằm dù học lực chỉ ở dạng trung bình, nghe đâu có điểm ưu tiên do ông Hồi là du kích thương binh.
Bốn năm đại học, giá cả ngày càng đắt đỏ, nhu cầu cuộc sống phố thị ngày càng đội lên nhưng riêng Quê đề huề lưng túi chẳng thua em kém bạn về chuyện tiền nong. Còn học hành thì thời buổi ấy ai mà chẳng ra trường, trừ ra một số vi phạm đạo đức, hạnh kiểm còn đều tốt nghiệp. Quê tự hào lắm, cả dòng họ bao đời nay mới có mình vinh quy bái tổ. Ông bà Hồi cũng đã chọn sẵn một thiếu nữ ở làng bên nết na, thùy mỵ- họ quyết định đại đăng khoa và tiểu đăng khoa luôn thể. Nghiễm nhiên kỹ sư Nghiêm Thực Quê là cán bộ phòng nông nghiệp huyện nhà, hàng ngày ung dung tự tại sáng đi chiều về, quả là “chiếu lót giữa đàng vàng treo cửa ngõ"
***
Thế nhưng sự đời chẳng bình yên bằng phẳng như ta tưởng. Người làng đồn đại hóa ra là chuyện có thật: Quê chuyển công tác và nhậm chức Trưởng phòng kinh doanh -vật tư của một Tổng công ty TT tiếng tăm cả nước ai cũng biết. Ông bà Hồi có chút lo nhưng mừng ra mặt. Nhân đầy năm đứa cháu đích tôn và tiễn đưa Quê, họ đã mổ heo làm tiệc ăn mừng. Tạm thời chỉ mình Quê đi nhận nhiệm vụ mới còn vợ con cứ ở nhà với ông bà. Lo gì mai này ổn định rồi đưa vợ con vào cũng chẳng muộn.
Ngày ra đi Quê cũng bồn chồn lo nghĩ. Mình có biết kinh doanh -vật tư chi mô, làm trưởng phòng chứ đâu chuyện đùa. Mấy tháng đầu lạ nước lạ cái, trông Quê ngờ nghệch, nhiều thiết bị hiện đại từ nước ngoài nhập về anh ta hồn nhiên nhìn ngắm rồi đưa tay sờ mó trông thích thú lắm. Dần dà công việc ổn định, Tổng công ty ngày mỗi bề thế có vẻ ăn nên làm ra, năm nào cũng mở hội nghị cỡ khu vực và quốc tế, đại biểu khắp nơi dồn dập đổ về tham quan học tập. Quê vốn chất phác, cẩn trọng nên chẳng có gì sơ suất, được đánh giá là đơn vị tiên tiến xuất sắc, lương thưởng khấm khá nên mọi người yên tâm với công việc.
Chuyện bắt đầu từ khi có cô gái trẻ về phòng kinh doanh -vật tư. Người thành phố có khác, mặt hoa da phấn được cả dáng dấp lẫn cách ăn mặc đúng điệu cộng với cái tên cũng đầy ấn tượng- Mỹ Ngọc. Các chàng trai trẻ tha hồ nhìn ngắm, tán tỉnh, sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi nàng cần sự nghĩa hiệp từ chuyện nhỏ đến việc lớn như mang vác bưng bê. Bao chàng say mê Mỹ Ngọc như điếu đổ nhưng nàng chẳng bận lòng chỉ thích anh trưởng phòng đã có vợ một con. Cô ta chủ động mời Quê đi uống cà phê, tỉ tê này nọ, mùa lạnh mua cho anh chiếc áo blouson, mùa hè sắm cho chàng chiếc quần bò áo pul cá sấu. Mưa lâu thấm đất. Những bộ đồ cũ xưa trên người Quê lâu nay được thay thế bởi bao thứ sang trọng lịch lãm. Quả là Quê khác đi nhiều, áo quần được chăm chút lượt là, tóc tai được xịt keo cẩn thận, giầy mũi nhọn đế cao láng bóng, và còn thêm mùi nước hoa thơm lựng mỗi khi đi đâu. Thị xã này vốn nhỏ, đường không rộng chân bước chật, ra khỏi nhà là gặp mặt nhau, vậy mà cô cậu cứ cặp kè đây đó, làm sao khỏi chuyện bàn tán xôn xao. Chà, coi bộ họ dính nhau rồi thì phải, ông trưởng phòng nhẹ dạ bị cô gái trẻ mồi chài, chẳng hiểu có âm mưu chi đây, rồi đây mới rầy rà phức tạp…
Chà, anh Quê sang ghê! Chiều chiều “hai người”lại còn tập tễnh tập dợt tennis nữa mới sành điệu chứ. Có người nói: Trưởng giả học làm sang. Người thì bảo: Đổi lốt, biến tướng, tút toàn diện. Anh em phòng kinh doanh- vật tư xầm xì: Tiền đâu mà lắm thế!? Chỉ có điều Quê đang cố quên ngày tháng cũ, cái ngày xưa nghèo khổ được mọi người chia sẻ cưu mang. Nghe đâu Quê có gửi tiền về phụ vợ con nhưng thưa thớt những chuyến về quê. Có rỗi đâu, công việc kinh doanh- vật tư đã bù đầu rồi còn chuyện những ngày công tác kết hợp với du hí tận Sài Gòn hoa lệ, lại còn lo nghĩ tiền nong cho việc tậu ngôi biệt thự trong đợt bán đấu giá kỳ tới.
Quê bây giờ đúng là giàu thật, nhà to rồi xe bảy chỗ đời mới, tiện nghi gia đình toàn thứ đắt tiền. Mỗi bước lên xe xuống ngựa đường bệ như là quan lớn thủa xưa. Hình như là thế: Người quý tộc phải nghĩ khác người nhà quê- một chân lý hiển nhiên, tất yếu. Mình bây giờ thế này mà lại có bà vợ quê mùa đến thế à. Hai bà chị gái thì thô kệch, lem luốc, một chữ cắn đôi không biết. Cha mẹ thì dù sao cũng phải trách nhiệm nhưng chỉ chu cấp cho ít tiền là được, đưa họ vào đây chỉ tổ rách việc, có khi còn ảnh hưởng chuyện làm ăn…
***
Tổng công ty TT được cấp trên quan tâm cho vay vốn nước ngoài để đầu tư phát triển. Hợp đồng liên doanh và máy móc trang thiết bị nhập về số lượng ngày càng nhiều, Quê được đi nước ngoài liên tục để quan hệ, giao dịch, thương lượng. Công việc điều phối ở phòng bây giờ thuộc quyền Mỹ Ngọc- trợ lý cho Quê. Cô ta năng động, biến hóa tài tình, mọi việc như cỗ máy chạy êm ru. Ông trưởng phòng và cô trợ lý khắng khít, thuận chiều. Họ sống như vợ chồng nhưng chẳng có chứng cớ gì, mà phải riêng gì anh Quê đâu, ở đây cũng có khối anh có vợ con ngoài quê nhưng vẫn cặp bồ và sống ung dung đường hoàng công khai với cô bồ nhí có sao đâu.
Mỹ Ngọc không muốn mình chỉ là vợ hờ, cô ta muốn là vợ chính thức của Quê. Chị ta suy tính nhiều phương án buộc anh trưởng phòng về quê ly dị nhưng chưa có cơ hội thuận tiện. Lần ấy Quê có chuyến xuất ngoại Hàn Quốc, mới đi mấy hôm thì hay tin cha Quê ốm nặng. Ông Hồi xưa nay lam lũ giờ ốm đau chắc khó qua. Chuyến đi dài ngày và một thương vụ làm ăn béo bở kiếm được khá bộn nên đành phải tội bất hiếu, bởi khi Quê về thì cha đã ra người thiên cổ. Ngày đưa tang ông Hồi bà con láng giềng bùi ngùi: Có thằng con trai trưởng quyền cao chức trọng vậy mà cha chết chẳng có thuớc khăn, than ôi, nghe nói nó giờ là đại gia giàu có nứt đố đổ vách kia mà…Lúc đầu về quê chịu tang Quê tỏ ra ăn năn nhưng sau đó trở lại với cuộc sống xô bồ với giới thượng lưu nơi phố núi anh ta quên nhanh, đặt biệt Mỹ Ngọc luôn bên cạnh anh an ủi, vỗ về. Phía trước Quê là một tương lai rực rỡ, không thể bận bịu với chuyện đất lề quê thói, không thể nào trở về với người vợ quê mùa cưới từ buổi túng khó. Hình như người xưa có câu: giàu đổi bạn sang đổi vợ, còn với Quê giờ này anh đang muốn đoạn tuyệt hẳn với mọi thứ của ngày xưa.
Bàn tính theo kế hoạch của đạo diễn Mỹ Ngọc, Quê về quê sắp xếp chuyện nhà và tiến hành ly dị. Mọi thứ đều được trao đổi bằng tiền, cho cô vợ cũ căn nhà ở quê và một số tiền lớn để làm vốn nuôi con, còn ở Toà án huyện- chánh án vốn là bạn học cũ của Quê nên cũng thuận tiện, mấy chầu nhậu và bỏ phong bì là có ngay quyết định ly hôn. Chuyện nhà cũng gặp may, hai bà chị vì thương em nên lận đận không chồng giờ cũng gặp cơ duyên- nhân huyện đang có dịch vụ tuyển người sang Đài Loan làm người giúp việc, Quê chạy luôn cả hai xuất, không tốn kém là bao vì là chỗ quen biết. Vậy chỉ còn mỗi việc đưa bà mẹ vào phố núi là xong- nhất cử lưỡng tiện. Từ nay chàng trưởng phòng và nàng trợ lý tha hồ tung tăng bay nhảy, chẳng phải kiêng dè e ngại, họ sẽ ngẩng cao đầu bước vào thế giới quyền quý cao sang.
Điều Quê và Mỹ Ngọc lo nhất là bà mẹ quê. Mình đài các thế này mà có bà mẹ quê mùa thế à, làm sao dám giới thiệu với đám bạn bè trí thức quý tộc được. Mẹ nhà quê chân lấm tay bùn- hàm răng nhuộm đen do phong tục thuở trước giờ thành cổ lỗ sĩ, tay chân mẹ gầy guộc do bao năm cực nhọc đi cấy ruộng xa, mặt mày mẹ nhăn nheo do ngày đó đi ở đợ ăn uống qua loa để dành tiền cho con ăn học, có được đến trường học hành sách vở chi đâu làm sao mà mẹ nói lời hoa mỹ như người thành phố được. Mẹ gặp nói chuyện với ai với cái giọng nhà quê ấy chắc mình chết mất, bể mặt chẳng chơi- cả hai thầm thì to nhỏ. Thôi thì để mẹ ở nhà sau, cái phòng nhỏ kín đáo hồi làm nhà kho đấy mà, cũng là xây cấp bốn hẳn hoi chứ đâu phải tranh tre nứa lá tồi tàn như ở quê, bà chẳng đi đâu chỉ cơm nước hai bữa là ổn. Nhưng sự đời dễ đâu, giấu một ngày, một tháng, một năm nhưng làm sao có thể giấu cả đời. Nhà trưởng phòng đại tiệc - tổ chức chiêu đãi trọng thể nhân chuyến đi nước ngoài thành công, khách mời không nhiều nhưng là những ông bà tai to mặt lớn sang trọng đẳng cấp. Tiệc sắp tàn nhưng còn một số thân hữu chưa chịu về. Một ông đi vệ sinh từ nhà dưới lên cất giọng:
- Chàng nàng ơi, moa (moi -tiếng Pháp nghĩa là tao) thấy một bà ở sau nhà kho cũ cứ ra vô nhìn ngắm rất đáng nghi ngờ, phải cẩn trọng với loại người đó, người nhà quê lên tỉnh tinh ranh ma mảnh phải biết.
- Không sao đâu, tụi moa đưa bả ngoài quê vào giúp việc vặt trong nhà đấy mà.
Nhưng Quê đâu biết có một người bạn đang ngồi lại trong bàn tiệc đã gặp bà Hồi trong một lần đến chơi mà Quê và Mỹ Ngọc vắng nhà. Anh ta hỏi thăm và biết chắc bà Hồi chính là mẹ Quê. Tế nhị anh lặng yên không nói nhưng lòng chùng xuống nước mắt rưng rưng: Đúng là đứa vô đạo, mẹ đứt ruột đẻ mình ra mà nó dám bảo là người giúp việc…Anh lẩm nhẩm: vô đạo…vô đạo…tụi nó gieo nhân ác rồi sớm muộn trước sau cũng gặt quả báo thôi…
-------------------------------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết
Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc
ĐT: 063 3717 123 – 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

DẤU ẤN THIỀN TÔNG...Lê Quang Kết

Tác phẩm dự thi
Bút ký
DẤU ẤN THIỀN TÔNG TRÊN ĐẤT CỐ CUNG
Lê Quang Kết
Chuyến hành hương đưa tôi về miền tâm thức- đất cố cung thuở vua Đinh - Lê dựng kinh đô Đại Cồ Việt. Địa linh Hoa Lư - nơi những bài cổ thi tuyệt cú đầu tiên của thi ca xuất hiện. Đất này còn là nơi trở về của các vua Lý- Trần khi đã có Thăng Long là kinh đô hành xử. Sau những ngày mải mê công việc triều chính, phê duyệt các tấu chương bàn kế giữ nước - vua tôi lại trở về mái nhà xưa để được tắm nhàn đôi bữa. Phải chăng nơi này là khởi nguyên cho thơ thiền?- tập đại thành văn chương của dân tộc- là thông điệp gởi đi cho các thế hệ người dân Việt; không cũ đi theo dấu ấn thời gian -lúc nào ở đâu người đọc cũng tìm thấy ở đó những điều vi diệu, xác tín và minh triết.
Người hướng dẫn đưa tôi đi trên mười tuyến thành xưa, chị thuyết minh về dấu tích cố cung. Thành chính gồm ba mặt núi đá vôi và một dãy tường đất chếch Bắc. Các bức tường thời ấy chỉ sử dụng thứ vật liệu duy nhất là đất sét đá vôi mà đã ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Người Hoa Lư coi nơi này là chốn thâm nghiêm. Mỗi khi có dịp ngang qua, họ nhắc nhau cúi đầu nhẹ bước. Bước chân trên đất thiêng, đứa con từ phương Nam lần đầu trở về quê cha nơi cố quận, lòng tôi miên man chuyện đạo pháp- dân tộc thời ấy. Những năm cuối thế kỷ X, giặc Tống lăm le phía Bắc, Chiêm Thành gây sự phía Nam, triều đình chưa yên, đích thân vua Lê Đại Hành đã hỏi Thiền sư Pháp Thuận - “Quốc tộ” ( Vận nước) và đã được minh triết: Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh. - (Vận nước như mây cuốn/ Trời Nam mở thái bình/ Vô vi trên điện các/ Xứ xứ hết đao binh ). Một câu hỏi lớn đặt ra: Yếu tố gì làm cho vận nước dài lâu? Một cây làm chẳng nên non nhưng nếu biết chụm lại như mây cuốn thì sẽ là sức mạnh dời non lấp biển. Bài thơ là bản tuyên ngôn đoàn kết, là lời ước vọng chấm dứt nạn đao binh, là vua dân trên dưới một dạ một lòng - lời thơ bình dị nhưng súc tích có sức mạnh như sấm chẻ…Nói như Thiền sư Lê mạnh Thát – “Vận nước” kết hợp với Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt là hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh của Đại Cồ Việt thời bấy giờ.
Thế kỷ X- một thế kỷ đầy những biến động lịch sử dữ dội của đất nước, Thiền sư Khuông Việt- Ngô Chân Lưu nổi lên là một nhà trí thức lớn, nhập thế, tinh thông cả Nho, Phật, Lão- một nhà văn hóa tài năng đã phục vụ có hiệu quả công cuộc bảo vệ nền độc lập non trẻ ở hai triều đại chính thống đầu tiên của lịch sử dân tộc là triều Đinh và Tiền Lê trên đất Hoa Lư. Bài kệ trước khi Người viên tịch “ Nguyên hỏa” ( Gốc lửa): Mộc trung nguyên hữu hỏa/ Nguyên hỏa phục hoàn sinh/ Nhược vị mộc vô hỏa/ Toàn toại hà do manh? - ( Trong cây vốn có lửa/ Sẵn lửa lửa mới sinh/ Nếu cây không có lửa/ Khi cọ xát sao thành). Mộc, hỏa là hai trong năm theo thuyết ngũ hành của triết lý phương Đông. Hiện hữu hay không hiện hữu? Tồn tại hay không tồn tại? Sống hay không sống? Trong hiện hữu có thực tại- trong cây có lửa. Sóng bắt đầu từ đâu? Có nước và gió mới làm nên sóng. Bậc chân tu là người tự chuyển hóa từ dữ nên lành, từ xấu nên tốt, từ phàm nên thánh. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Phải nhập thế, đạo Phật phải đi vào cuộc đời -phải chuyển đổi cuộc đời. Sở ngộ của Thiền tông là chỗ đó- không lánh đời, không giải thoát cho riêng mình. Phật giáo thuở ấy- cách đây hơn ngàn năm đã có cách hành xử nhập thế tích cực mà Thiền sư Khuông Việt là người soi sáng, mở đường.
Sử sách chép rằng: Sau khi dẹp loạn sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi chưa kịp xây dựng kinh đô thì giặc Tống tràn sang lấn chiếm. Đến ngày Thập đạo tướng quân phá tan quân Tống, vua đã cho xây kinh đô to đẹp mà truyền thuyết còn ghi cả “cột vàng” lẫn “ngói bạc”. Hoàng thành xưa giờ đã hoang phế thế mà di vật đế chế qua năm tháng vẫn tồn lưu. Tận mắt tôi được thấy và hiểu thêm chiếc mũ “Bình thiên”(ngang trời) và màu “Long bào”(màu vàng thiên tử)- hai cổ vật biểu trưng cho tinh thần độc lập tự chủ và uy nghi vương đế triều Đinh mà trước đó- một ngàn năm nô lệ, phong kiến phương Bắc chỉ muốn coi đất này là quận huyện và gọi Giao Chỉ, Cửu Chân…Kinh đô Hoa Lư xưa trải dài tới Tam Cốc, Bích Động; dấu tích còn lưu lại đến hôm nay là hai khu đền thờ vua Đinh, vua Lê trên nền thành cũ. Giữa không gian bốn bề thành lũy, trước sân rồng chầu nghê phục, tâm thức người hành hương như được trở vế với nước non nguồn cội. Câu chuyện Thái hậu Dương Vân Nga “nợ nước nợ tình”- vì sự nghiệp lớn giữ nước đã bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, dèm pha, đàm tiếu. Người đàn bà lạ lùng trong lịch sử phong kiến “Hoàng hậu của hai vua”- vậy mà con cháu muôn đời vẫn một mực ngưỡng vọng yêu thương và tôn kính.
Điều gì đã làm nên chuyện lạ lùng ấy? Bức tượng thờ Thái hậu Dương Vân Nga mà tôi được chiêm ngưỡng - nét độc đáo của tượng là chiều sâu nội tâm thay đổi theo ba tư thế biệt lập, thế nhưng nét ước lệ đặc trưng chủ đạo vẫn là hình tượng một vị bồ tát mang đậm chất thiền nhà Phật với vẻ đoan trang, phúc hậu, từ bi - tượng Thái hậu như bài thơ thiền tuyệt vời vượt lên trên sự đố kỵ hẹp hòi nhỏ nhen- tất cả vì nghĩa lớn… Nhân dân vô danh kính yêu và bất tử đã có tiếng nói riêng của mình khi tụng ca hay phán xét các nhân vật lịch sử- yêu ghét phân minh. Các triều đại Đinh- Lê- Lý- Trần, Phật giáo là quốc giáo và bậc mẫu nghi thiên hạ như Dương Vân Nga đương nhiên là con Phật thấm nhuần thiền học của các bậc cao tăng. Kiến giải như thế chúng ta dễ đồng tình đồng thuận với cách hành xử của Dương hoàng hậu khi trao binh quyền và trao cả trái tim cho Tướng quân Lê Hoàn. Nếu không như thế thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng giặc Tống chỉ trong 20 đêm ngày?
Cố cung Hoa Lư nối với dãy núi đá vôi Trường Yên trập trùng kéo dài tới tận Tam Điệp hảo sơn. Một mảng đồng bằng bao bọc bởi núi non sông suối hiểm trở, vách đá cheo leo. Từ đây thủy bộ ngược xuôi với Am Thái Vi hay đường Thiên Lý ra vào Thăng Long, Thanh Hóa…Thế đất ấy phong thủy âm dương hội đủ, thuận thiên, yên lòng người, bảo toàn bờ cõi, quốc thái dân an. Vua Đinh - Lê đã chọn Hoa Lư làm kinh đô kháng Tống và sau này vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng hành cung Vũ Lâm làm cứ địa cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần hai. Và lịch sử đã xác tín đó là những lựa chọn minh triết.
Một bậc kỳ tài xuất hiện lúc triều chính nhà Tiền Lê rối ren - đó là Lý Công Uẩn, xuất thân từ nhà chùa Ngài đã trở thành đấng minh quân làm rạng rỡ dòng tộc và viết ra những trang sử oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Nhiều truyền thuyết, giai thoại về Người - có những giải mã chưa đồng nhất nhưng tất cả đều đồng thuận: Đó là người con của một dòng họ lớn, có nhiều người tài giỏi trên đất Cổ Tháp (Bắc Ninh) cộng với năng khiếu thông minh bẩm sinh đã được nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh văn hiến; là con đẻ- con nuôi- con tinh thần của những vị cao tăng xuất sắc. Tất cả làm nên một vị Hoàng đế - một thiền sư - một vị hộ pháp cổ lai hy. Sử gia Lê văn Hưu là bậc túc Nho không mặn mà mấy với nhà Phật đã phải thốt lên: “Có người hỏi: Lê Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ gian bên trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nói theo họ Lý”.
Vị Thiền sư đồng hành với vua Lý Thái Tổ là Quốc sư Vạn Hạnh- Người là thầy dạy học, dạy đạo và phò tá nhà vua. Thiền sư giỏi về phong thủy, dịch lý. Các vấn đề đại sự của đất nước, nhà vua đều trưng cầu ý kiến của Quốc sư. Và “Thiên đô chiếu”- chúng ta có nhiều lý do để xác tín - chính Thiền sư vạn Hạnh đã thuyết phục vua xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La ( Thăng Long, Hà Nội ngày nay)- trong ý nguyện bảo vệ nền độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Bài kệ “Thi đệ tử” của Quốc sư Vạn Hạnh xưa nay có tới hàng vạn trang sách và hàng ngàn tác giả ưu tú tiểu luận và tán dương nhưng vẫn huyền nhật nguyệt- treo mãi trên lầu cao: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”- ( Thân như ánh chớp có rồi không/ Cây cỏ xanh tươi thu héo tàn/ Nhìn cuộc thịnh suy lòng không hãi/ Thịnh suy đầu cỏ hạt sương tan).
Đoàn hành hương về chùa Bái Đính- tổ khai sáng là thiền sư Minh Không, ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục của đất nước và Phật giáo. Ngài được vua ban là quốc sư, pháp sư còn dân gian tôn vinh ngài là Thánh Nguyễn. Những câu chuyện lưu truyền về Thiền sư Minh Không đều có thể gọi đó là những công án thiền - “phi hữu phi không”. Ngài trừ khử con chim cáp kêu to tiếng vang nơi cung điện tráng lệ đất Thăng Long được vua ban vàng, ruộng là để hành hạnh nguyện bố thí của vị Thiền sư- Ngài chữa bệnh hóa hổ cứu vua Lý Thần Tông là giúp nhà vua quy y sám hối làm lành lánh dữ- Ngài đã không nệ tài hèn sức mọn cố công sang đất Tống làm nên Đại Nam tứ khí ( Tượng Phật, hồng chung, đỉnh, vạc) chính là khởi nguyên cho nghề đúc đồng của văn hóa dân tộc? Một số người phản biện dựa trên những yếu tố kỳ bí để phản bác. Nhưng không, tước bỏ những chi tiết thần bí, siêu nhiên phần còn lại về hành trạng của Thiền sư Minh Không là bậc cứu nhân độ thế, là đại hùng đại lực- là vị thánh bất tử trong lòng dân tộc và nhân dân…
Từ cố cung nhìn về phía Tây xa xa là dãy Tam Điệp hùng vĩ sừng sững ngang trời; chếch Nam là vùng đồng bằng chiêm trũng và biển Kim Sơn ầm ào sóng vỗ. Cả hai là đất thiêng, chứng tích lịch sử. Với Tam Điệp, trạm dừng chân cuối của đoàn hùng binh thần tốc Quang Trung- Nguyễn Huệ. Nơi núi này, nhà vua đã chỉ dụ mở tiệc khao quân, tạm sắm lễ vật cúng tết trước (30 tháng chạp- Mậu Thân 1788) hẹn mùng bảy tết vào Thăng Long mở đại tiệc mừng chiến thắng (Kỷ Dậu-1789). Còn đất Kim Sơn khi xưa vốn là biển. Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ phụng mệnh tới đây cùng dân khai hoang lấn biển, dựng tổng lập làng, vị thần khai canh biến biển mặn thành đồng lúa đồng cói hôm nay. Một tiếng chuông chùa ngân vang trong tĩnh lặng. Khách hành hương nghe trong mênh mang đất trời sâu thẳm tiếng vọng rầm rập đoàn quân áo vải Tây Sơn. Khói lam chiều lượn lờ trên mái ngói thôn xóm Kim Sơn nghe âm vang những nhác cuốc buổi đầu chặn biển đắp đê… Một cảm giác lâng lâng xao xuyến man mác đượm tình nước hồn quê, ra về dạ nhớ khó quên…
Chuyến xe chuyển dời, bất chợt người bạn đồng hành hát nhỏ ca từ và giai điệu Trịnh Công Sơn: “… Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi…”. Hóa ra chàng nhạc sĩ tài hoa xứ Huế cũng mang hơi thở thiền.
Về đây không vào thăm Bích Động coi như chưa tới Hoa Lư. Người bạn thơ đồng điệu cố tìm một “ Ngư nhàn” đưa chúng tôi vào Tam Cốc. Nam Thiên đệ nhị động quả danh bất hư truyền. Một Hạ Long trên cạn đẹp như tranh khéo như đặt. Tam Cốc, Bích Động với ghềnh, ngòi, động, núi - một danh thắng ẩn chứa những trầm tích xưa. Thuyền chèo trên Ngô giang giữa chằng chịt núi đá vôi cao thấp, to nhỏ đẹp như bài tứ tuyệt thiền thi. Người chưa quen sông nước tưởng như mũi thuyền chạm vào vách đá rồi chuyển dời. Hóa ra chỉ là mái chèo điệu nghệ cùa lão ngư.
Chao ôi! Cơ man bao là núi và bóng núi in trên dòng nước chẳng đếm xuể, đẹp như tranh minh họa thơ thiền. Dòng cảm xúc liên tưởng trong tôi “ Thi trung hữu họa”, câu thơ ngũ ngôn thất ngôn của các thiền sư thời Đinh- Lê- Lý- Trần dường như có màu tranh của Bích Động?
------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết
Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc
454 Trần Phú Bảo Lộc, Lâm Đồng
ĐT: 0633 717 123 – 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com