Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Nồi bánh tét đêm ba mươi- Trần văn Thưởng

NỒI BÁNH TÉT ĐÊM 30

Truyện ngắn rất ngắn của Trần Văn Thưởng

Cũng là một chiếc nồi lớn, bên trong đựng những đòn bánh tét, châm nước vào, rồi chụm lửa; lại thay nước nhiều lượt, đợi chờ bánh chín trong không khí tết nao nao lòng trộn lẫn cái lạnh se sắt tiết chớm Xuân trước khoảnh sân nhà. Thường thì nồi bánh tét của quá nửa số gia đình Việt vào mỗi dịp tết bao giờ cũng thế.

Nhưng nồi bánh tét đêm 30 năm nay sao thật đặc biệt! Bởi năm nay, lần đầu tiên An có cái tết xa nhà. Xa gia đình. Và canh bánh tết ở một nơi xa lạ, với những người quen sơ.

Quê hương ở đâu? Trong đầu An bật lên câu hỏi đó khi cùng ngồi bó gối bên bếp lửa hồng, bên cạnh chị và người bạn của hai người.

“Mới khai cuộc, nên lửa phải to. Như thể tạo dũng khí cho ba quân lúc xuất trận”, chị hóm hỉnh nói. Lửa reo tí tách. Và ánh lửa bập bùng hắt lên khuôn mặt tròn đầy của chị một nụ hôn ấm áp. Người An ấm lên. Và An biết, chị cũng đang ấm lên.

Tiếng nồi nước kêu lên ùng ục. Thế là ba người phải tìm cách hãm lửa lại. Giữ lửa sao cho đều, không hỗn quá mà cũng không được yểu quá. Và đó cũng là lúc thư thả nhất trong hành trình trông nồi bánh tét.

“Chú mày làm gì như muốn hớp hồn người ta vậy?”, người bạn chọc quê An. “À, thì ra mình đang nhìn chị”, An nhủ thầm. An nhìn như để chép cái khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu ấy vào lòng mình. An thích thế. Mỗi lần nhìn chị, An cảm thấy cuộc sống đang ngừng trôi. Chỉ có chị ở đó. Chị cũng nhìn lại An, mang đến cho An sự yên tâm, một chút tin tưởng và một chút ngọt ngào.

“Không nhìn làm sao được nè! Vì ánh lửa biến khuôn mặt chị thành bông hoa, thành một nụ hồng”, An chống chế.

Duy chỉ có chị không nói gì. Có lẽ chị cũng đang chép vào tâm trí mình một hình ảnh lạ, giờ đang dần quen. Điều này làm chị nhớ lại quãng thời gian giữa hè năm rồi. Lúc đó An nói đang thất nghiệp, muốn tìm một góc yên tĩnh để toàn tâm vẽ. An không phải là họa sĩ. Nhưng rất thích vẽ, vào mỗi khi bế tắc, có thể từ cuộc sống, có thể không từ cái gì cả. Đó cũng là quãng thời gian An cảm thấy hạnh phúc nhất trần đời. Được thất nghiệp. Và được cầm cọ.

Nhà chị rất rộng, nằm giữa một vườn trà, được thiết kế như một biệt thự, đủ chỗ cho một đại gia đình. Nhưng ở với chị chỉ có ba mẹ và đứa con gái nhỏ của chị. Những đứa em chị đi làm ăn xa, thi thoảng mới về. Như vậy, căn nhà vẫn còn đến hai phòng trống. Một trong hai phòng đó là nơi trú ngụ của An trong suốt một tháng hè. Trong gian phòng màu trắng ngà, An tha hồ tung tẩy. Một thế giới khác hiển hiện trên toan tranh. An phết lên đó một chút suy tư, một chút hào hứng, chút yêu thương và chút đợi chờ. Cho chị xem bức tranh vẽ đồi trà và những cô thôn nữ hái trà, tức là cảnh và người ở miền cao này, chị mỉm cười, khẽ bảo: “Ý đẹp!”

Ngày ngày, An dạo bước thơ thẩn quanh đây. Uống lấy không khí trong lành của miền trà. Ghi dấu vào tim màu xanh của lá, màu xanh của trời và màu xanh của niềm hi vọng. Rồi lao vào vẽ. Và vẽ rất nhanh. Cả một bộ sưu tập về miền trà. Để nhớ về nó khi sau này những cái trong tranh biến mất đi, vì nghe đâu rằng phần lớn diện tích đất trồng trà ở đây sẽ được quy hoạch để xây dựng những công trình đi vào thế kỷ của đô thị non trẻ này.

Nhưng An không chỉ vẽ tranh. Hè đó, An còn được học cách vẽ tâm hồn mình. Người thầy của An chính là chị. Chị tập cho An ngồi thiền. Và hai người cùng vào thiền.

Đó là một trải nghiệm không bao giờ quên. Bên ngoài hành lang của tầng một, trong ánh sáng nhẹ tự nhiên, An và chị ngồi cách nhau qua vài bước chân. Mỗi người ngồi lặng yên trên tọa cụ của mình, mắt khẽ khép lại, và lắng nghe hơi thở. Đến một lúc nào đó, không còn có mình, không còn có ta. Chỉ nghe tiếng gió xào xạc ngoài vườn vọng vào, khẽ lay động để cho tâm trí đừng buông quên khoảnh khắc của hiện tại.

Và người mở mắt trước hết bao giờ cũng là An. Nhắm mắt để nhìn tâm mình là điều kỳ diệu. Mở mắt để nhìn thấy người mình yêu quý cũng là điều diệu kỳ. Nó như vừa thực, như vừa mơ. Đến khi hai người đều mở mắt nhìn nhau, có vẻ như vẫn còn là mơ.

Mở mắt ra nhìn, thoáng chốc nồi bánh tét đã cạn nước. Người lui cui chẻ thêm củi. Người lon ton đi lấy thêm nước. Người mở sẵn nắp vung ra. Rồi người kia châm nước. Một gáo. Rồi hai gáo…

Khi lượt chăm bánh đã qua đi, trời dần trở lạnh, mỗi lúc một lạnh thêm. Ba người đều xòe tay hứng hơi lửa nóng, rồi áp vào má, xoa xoa đều. Miệng không ngớt xuýt xoa. “Lạnh quá! Lạnh quá!”. Đúng lúc đó, một bóng người cao lớn xuất hiện trên bục cửa nhà. Ba của chị. Người ông to lớn như ông già Tuyết. Ông giơ chai rượu lên, đưa tay vẫy vẫy ra dấu cho chị đến lấy.

“Chiến lợi phẩm cho mọi người đây!”, chị nói khi đưa chai rượu vang cho An và tự tay bày ra ba cái ly. Mọi người cụng ly: “Chúc mừng năm mới!”. Dường như Tết đã khẽ đến rồi. Đến cùng với tiếng chuông nhà thờ điểm lên từng hồi ở đâu đó. Đến cùng lúc chị ghim chiếc đũa xiên qua đòn bánh tét một cách thật … hoàn hảo. Và vào lúc lửa gần tàn, chị nêm vào nồi bánh một chút muối, một chút gừng với niềm tin bánh sẽ ngon hơn, đậm đà hơn và vị sẽ rất khác, khác với bất cứ chiếc bánh cùng loại nào do người khác nấu.

Lửa đã dần tàn. Nhưng mọi thứ vẫn chưa lụi tắt. Nó sẽ tiếp tục truyền nhiệt, một cách âm thầm, để thắp sáng một thứ khác trong đời. Chị đưa cho mỗi người một mảnh giấy trắng tinh, bảo hãy viết lên đó một ước nguyện đầu năm. Gấp nhỏ mảnh giấy lại, cùng cho vào hũ đóng kín nắp.

Buổi sáng đầu năm mới, lúc mọi người vừa nhấm nháp khoanh bánh tét vừa làm nóng người bằng chính chai rượu vang còn lại đêm qua, chị mang chiếc hũ “ước nguyện đầu năm” ra.

Mảnh giấy của An ghi: “Chúc chị sớm có bạn trai mới!”.

Còn đây là nội dung trên mảnh giấy của chị: “Ước gì năm luôn mới như mới hôm qua!”.