Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

PHÁT BIỂU NHÂN THU HOẠCH PHÂN MÔN TRIẾT HỌC MÁC- LÊ-NIN- SAU ĐẠI HỌC – TỪ NGÀY 12/8 – 21/8/2011

Kính thưa Quý vị quan khách
Kính thưa Thầy Nguyễn Tiến Hữu
Kính thưa Ban Giám hiệu nhà trường
Kính thưa các anh chị đồng nghiệp tham gia lớp học
Tôi ký tên dưới đây là Lê Quang Kết, giáo viên ở mức trung bình của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc- xin có lời thưa nhân thu hoạch bộ môn Triết học Mác- Lê- nin do thầy Thạc sĩ Triết học- nếu tôi nhớ không lầm là thầy đã bảo vệ Luận văn Thạc sĩ loại xuất sắc (phát ngôn của thầy có đông đủ các học viên cùng nghe). Lâu lắm rồi từ ngày ngưng tham gia giảng dạy môn triết tôi lại được vinh dự và tự hào sống trong bầu không khí “Yêu mến sự thông thái” mà thời trai trẻ say mê và yêu thích. Được học với thầy Hữu tôi thấy mình như được lớn lên thêm về giọng nói của người xứ Nghệ to rõ minh triết như nhà hùng biện- thuyết khách thời Trung cổ đi chu du làm công việc du thuyết khắp thiên hạ về học thuyết của mình. Thầy còn là đại kiện tướng và dự bị đại kiện tướng của nhiều bộ môn thể dục thể thao như bắn súng, võ thuật, các môn phối hợp trong lực lượng vũ trang và hình như còn các lĩnh vực học thuật khác mà tôi chỉ nghe thầy giảng qua loáng thoáng… Có một thầy giáo giảng dạy Triết học như thế quả là niềm tự hào cho đội ngũ tri thức chuyên ngành triết học của nước nhà. Riêng bản thân tôi thì cho đó là tài sản quý báu như trân châu của đất nước cần được xiển dương và ra sức bảo vệ- mất đi là một sự thiệt thòi lớn cho Tổ quốc.
Cầm cuốn bài giảng triết học trong tay tôi sung sướng đến chảy nước mắt. Tài liệu giảng dạy là công sức tâm huyết và trí tuệ của thầy mình- câu trong Kinh thi được các học trò của Khổng Tử sưu tập mà tôi được nghe từ thuở nhỏ hiện về trong trí nhớ “ Nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Mình may mắn và diễm phúc được học với một người thầy toàn diện về cả năng lực trí tuệ lẫn sức mạnh cơ bắp. Thầy còn biên soạn cả bộ Giáo trình Triết học Mác- Lê- nin dày cộm với nhiều các khái niệm thuật ngữ trừu tượng khó hiểu- phía dưới ký tên đầy xác tín: Th.S: Nguyễn Tiến Hữu. Thôi thì từ từ về nhà hẳn hay. Thế nhưng khi đối chiếu với tập bài giảng của Khoa Triết Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì hỡi ôi…nó y chang 100% kể cả các dấu chấm phẩy và phần chú thích cùng số dòng số trang…Hay là mình nhầm lẫn chăng? Cô Ngoan bảo rằng Thầy Hữu nói thầy có sửa chữa bổ sung và hiệu đính tập bài giảng này để trở thành của mình…Ừ thì gặp thầy Hữu để hỏi vậy? Thầy đã bổ sung chỗ nào? Dòng nào? Trang nào? Nhóm tác giả biên soạn có đồng ý không? Căn cứ khoa học nào cho việc làm ấy…Và còn nhiều thứ khác nữa như Công ước Bern về quyền sở hữu trí tuệ, về quyền tác giả, rồi chuyện đạo bài giảng giáo trình đang nở rộ những năm gần đây- trong đó có người là Giáo sư Tiến sĩ…Tôi tá hỏa và bỗng nhiên đâm ra lo lắng cho thầy mình. Nếu sinh viên hay người học hay tác giả kiện tụng thầy mình thì sao đây? Lỡ ra thầy mình bị truy tố vì tội đạo thì biết đâu lại liên đới đến cậu học trò say mê triết học như mình?...Một loạt những câu hỏi dễ và khó lẩn quẩn trong đầu cậu học trò năm nay đang là lứa U.60 như tôi…Không khéo mình stress mất.
Tôi cố gắng thật sự để tập trung nghe giảng. Bài hát hàng năm vào dịp 20 tháng 11 thổn thức: Khi thầy chép bài bụi phấn rơi nghiêng/ Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/ Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…Cố lên. Chúng tôi đang cố học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh- đặc biệt là tấm gương tự học của người. Một người Việt chỉ vốn liếng tiếng Pháp ít ỏi ở bậc phổ thông đã tự vươn lên để làm chủ bút kiêm phóng viên của hai tờ báo xuất bản ở Pháp- tờ Le Paria và L’humité. Bác của chúng ta nặng lòng vì Tổ quốc thế nên chẳng có thời gian cắp sách ngồi đũng trên ghế nhà trường. Lòng đang miên man thì nghe tiếng giảng đinh chắc của thầy: - Bác Hồ có tới bốn bằng Tiến sĩ, tôi nói có bằng chứng hẳn hoi…Tôi sững sờ…hay là mình nghe nhầm. Hỏi người ngồi kế bên. Đúng thầy Hữu nói như thế, anh không tin sao? Tôi tin thầy mình chứ. Nhưng đành phải hỏi thầy một đôi câu cho ra lẽ: - Bốn bằng Tiến sĩ của Bác do trường Đại học nào cấp? Dựa trên tư liệu nào? Tác giả là ai? Nhà xuất bản nào? Năm xuất bản? Tác giả đó và nhà xuất bản kia độ tin cậy đến bao nhiêu phần trăm…là vừa…
Một nhà khoa học người thầy triết học- khoa học của mọi khoa học mà thiếu tinh thần khoa học đến độ ấy sao. Tôi không tưởng tượng nổi?
Cụ Nguyễn Du là thiên tài văn chương nước nhà. Truyện Kiều là thông điệp gửi đi cho mọi thế hệ, bởi vì lúc nào ở đâu chúng ta cũng tìm thấy ở đó những điều kỳ thú mới lạ. Thậm chí nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh còn nói quá khi viết: Truyện Kiều còn nước ta còn tiếng ta còn. Thế nhưng một học sinh phổ thông cơ sở hay phổ thông trung học đều có thể trả lời: Nội dung truyện Kiều cụ dựa hoàn toàn vào tác phẩm viết bằng văn xuôi có tên là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Vì thế chẳng ai dại gì để đưa ra luận cứ: - Cụ Nguyễn Du đã sáng tạo và dựng lên các nhân vật Vương Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh hay Từ Hải…Thế mà liên hệ bài giảng thầy đã đặt ra điều này với câu chữ và nhấn giọng đầy xác tín. Hóa ra thầy dạy triết của mình ngộ nhận và nhầm lẫn tai hại đến thế sao? Sao lại có người dạy đại học… và ấu trĩ đến thế! Cha ông ta từng khuyên con cháu: - Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe. Văn chương hay triết học hay bất kỳ bộ môn khoa học nào cũng thiên hình vạn trạng và không ai tự hào mình biết hết mọi thứ. Hãy trở về vị trí khiêm tốn của mình- dù là người quét rác hay vận động viên gì gì đó… vẫn là chuyện của muôn đời, phải không thầy Th.S. Nguyễn Tiến Hữu?
Lão Tử là bậc hiền triết phương Đông là nhà duy vật. Học thuyết của ông có thể tóm tắt một số điểm cơ bản như sau:
• Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam vạn vật
• Người tri túc, không bao giờ nhục(tri túc bất nhục)
• Lưới trời lồng lộng, cao mà khó lọt'"Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất"
• Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật...
• Tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh. Thắng được mình là kiên cường.
• Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh
• Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên". (đã dịch sang thuần Việt)
Thầy Hữu của chúng ta đã giảng chỗ này có thể nói là không hiểu gì cả mà còn mang màu sắc duy tâm huyền bí đưa con người vào chỗ mê tín. Tôi xin bổ sung đôi điều nhưng thú thật cũng chỉ là Cưỡi ngựa xem hoa thôi
Kinh (經 jīng) có nghĩa là một tác phẩm kinh điển, trong tiếng Hoa có gốc gác từ "quy tắc" hay "bền vững", hàm ý rằng tác phẩm này miêu tả những quy luật tạo hóa không thay đổi theo thời gian.
Dịch (易 yì) có nghĩa là "thay đổi" hay "chuyển động".
Khái niệm ẩn chứa sau tiêu đề này là rất sâu sắc. Nó có ba ý nghĩa cơ bản có quan hệ tương hỗ như sau:
• Giản dịch - thực chất của mọi thực thể. Quy luật nền tảng của mọi thực thể trong vũ trụ là hoàn toàn rõ ràng và đơn giản, không cần biết là biểu hiện của nó là khó hiểu hay phức tạp.
• Biến dịch - hành vi của mọi thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là liên tục thay đổi. Nhận thức được điều này con người có thể hiểu được tầm quan trọng của sự mềm dẻo trong cuộc sống và có thể trau dồi những giá trị đích thực để có thể xử sự trong những tình huống khác nhau.
• Bất dịch - bản chất của thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là luôn thay đổi, tuy nhiên trong những thay đổi đó luôn luôn tồn tại nguyên lý bền vững - quy luật trung tâm - là không đổi theo không gian và thời gian.
Tóm lại:
Vì biến dịch, cho nên có sự sống.
Vì bất dịch, cho nên có trật tự của sự sống.
Vì giản dịch, nên con người có thể qui tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội.
Hay: Thiên hạ chi động, trinh phù nhất (Dịch Hệ từ hạ truyện).
Từ các điều nói trên người ta đưa ra Càn- trời, Chấn- sấm, Khảm- nước, Cấn- núi, Khôn- đất, Tốn- gió, Ly- hỏa, Đoài- đầm. Nội quái và ngoại quái thành 64 quẻ ứng với mạng người. Nhiều chiêm tinh gia dựa vào quẻ để chấm tử vi, xem phong thủy và thậm chí là bói toán theo dạng đồng bóng. Tôi xin phép được nói một chân lý bất tuyệt: Th.S. Nguyễn Tiến Hữu chưa có thời gian và điều kiện để nghiên cứu Lão Tử - bát quái hay kinh dịch vì thế lại càng lúng túng và giải thích chẳng ra môn ra khoai. Học trò tôi thấy hơi ái ngại và buồn cười cho một người không chịu tìm tòi và có thể nói không quá là “Ếch ngồi đáy giếng”. Nếu đi hơi quá thì cho tôi xin lỗi…
Một vấn đề có đụng đến triết học- đó là thuyết tiến hóa của Darwin. Thầy nói đến hai lần hay ba lần gì đó về quy luật tiến hóa từ vượn người thành người và khẳng định một cách vô căn cứ: Người hiện đại nếu trên thân thể nhiều lông lá là người nguyên thủy chưa tiến hóa kịp hay nói cách khác- họ ngu đần hơn người bình thường. Nói như thế vô tình đụng vào nỗi đau người khác và riêng cá nhân- tôi cho rằng luận điểm này xúc phạm đến nhiếu cá nhân cả đang ngồi trong lớp học lẫn nhiều người ngoài cộng đồng xã hội. Đây là yếu tố có mối quan hệ huyết thống, di truyền, cơ địa mỗi người chứ không thể như ý kiến “Cả vú lấp miệng em” của thầy Hữu…Dù rằng tôi là người hoàn toàn ngoại đạo với lĩnh vực này. Tôi mong có anh chị nào tìm hiểu kỹ thuyết tiến hóa cho ý kiến thêm. Tôi thiết tha mong thầy Hữu tiếp thu để chúng ta cùng tiến bộ…
Th.S. Nguyễn Tiến Hữu còn trình bày bài giảng với nhiếu dẫn chứng phi khoa học và thiếu lôgic khi đưa ra chuyện thời bao cấp- việc sản xuất xăm lốp Sao Vàng. Một chiếc lốp Sao Vàng đưa sang Liên Xô cũ người ta mừng quýnh vì với một chiếc như thế người ta có thể làm tới mười chiếc. Có thể nói quá nhiều những liên hệ so sánh nhưng dẫn chứng của thầy chỉ cốt để gây cười- nghiệm ra thì vô bổ xằng bậy chứ chưa nói đến phản tác dụng và nếu ở độ tuổi sinh viên thì đó là chuyện Vạch đường cho hươu chạy. Sinh viên với tuổi thanh niên tò mò hiếu kỳ- cách giảng của thầy như thế sẽ là mối nguy hiểm cho nhiều thế hệ được học triết học ông Hữu. Mong thầy Hữu thận trọng và tự đánh giá lại bản thân mình. Điều này tôi biết vô cùng khó nhưng tôi tin chắc một giảng viên triết học dày dạn kinh nghiệm và một thể lực sung mãn như thầy thì sẽ rất ư là dễ dàng. Phải không Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hữu?
Cuối cùng là chuyện câu hỏi kiểm tra và thi. Tôi cho đây là chuyện hệ trọng bậc nhất của ngành giáo dục nói chung và của thầy trò nói riêng. Thầy Hữu cho 5 câu hỏi, chúng tôi ai cũng lo lắng và ghi chép cẩn trọng. Bốn câu đầu chỉ là kiến thức cơ bản từ sách vở -thôi cũng thế thôi. Câu thứ năm cuối cùng cũng có thể coi là đề mở. Chúng tôi may mắn có học đôi chút văn học vì thế thuộc câu của Phó Nguyên súy hội thơ Tao Đàn Thân Nhân Trung do chính vua Lê Thánh Tôn làm Chủ súy- Tao Đàn nhị thập bát tú quy tụ 28 ngôi sao ưu tú dưới thời Đại Việt thịnh thi. Nguyên văn là : “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp”. Thầy đã trích sai “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì đất nước thịnh. Nguyên khí suy thì đất nước yếu”- Bỏ hẳn hai ý khá cơ bản. Mọi người có đi học ai cũng biết trích dẫn bất kỳ câu nói của người nào sách nào đều phải nguyên văn không thêm không bớt, còn phải ghi rõ nguồn và có chú thích rõ ràng. Hay câu này do thầy Hữu sáng tạo ra cũng nên- được thế thì không biết chừng…Thầy tôi trên cả tuyệt vời. Thầy ra đề sai thì sao nhỉ? Học trò nên làm hay tùy nghi để giấy trắng và đáp án sẽ sao đây? Hay là giảng viên giảng dạy sau đại học có uy quyền tuyệt đối muốn làm gì thì làm...
Pascal là nhà triết học và toán học từng phát biểu rằng: Cái tôi là cái đáng ghét. Nhà Phật cũng bảo: Phải diệt ngã để lớn lên. Thầy giáo đứng trên bục giảng phải luôn khiêm tốn trước học trò- nhiều người khuyên thế. Chúng tôi đều là người có tham gia giảng dạy ít nhiều. Bản thân tôi còn phải “Học, học nữa, học mãi”- dù rằng mình đang độ tuổi chuẩn bị nghỉ hưu. Tôi nói điều này với tâm tư trĩu nặng của một người cộng sản còn chút lương tâm. Mong thầy độ lượng hỉ xã và đại xá cho.
Lời chào cộng sản trân trọng nhất./.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Bông hồng tặng mạ- Vu Lan 2555


Mạ yêu của con- Lê Quang kết

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Giai phẩm Vu Lan 2011


Đón đọc giai phẩm Giác Ngộ - Vu lan 2011
02/08/2011 10:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Giác Ngộ - Giai phẩm Giác Ngộ - Vu lan 2011 được thực hiện với chuyên đề về tâm hiếu thảo, lòng khoan dung - những giá trị làm nên tình thương, hàn gắn những vết nứt trong cuộc sống hôm nay...

Quý độc giả thân mến,

Trước những thông tin về bạo lực, những chuyện tiêu cực hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người tỏ ra lo lắng về chất lượng đời sống xã hội của chúng ta hiện nay. Dường như con người ngày càng ít có tính kiên nhẫn, nghèo lòng khoan dung, lãnh cảm đối với nỗi đau, sự bất hạnh…



Bìa Giác Ngộ số đặc biệt 601 - Vu lan 2011, PL.2555

Những lo lắng đó không phải là vô cớ. Sự bùng nổ của thông tin, cùng với kích thích về nhu cầu hưởng thụ vô cùng tận của thị trường, sự tấn công ồ ạt của các trào lưu, lối sống lệch lạc…; trong lúc đó định hướng về sự phát triển của xã hội qua giáo dục học đường thì mơ hồ, không thực sự thuyết phục, quản lý văn hóa thì chỉ mang tính rượt đuổi, đối phó mà chưa có chiến lược lâu dài… Một cách khách quan, chưa bao giờ lý tưởng phụng sự trở nên chông chênh, các giá trị sống bị hoài nghi như lúc này. Nhiều ý kiến được phát biểu, nhiều cuộc điều tra xã hội học được tiến hành, nhiều tiếng chuông cảnh báo đã được gióng lên, tất cả cùng một lời: Hãy hành động trước khi quá muộn!

Do vậy, ý nghĩa của Đại lễ Vu lan, hơn bao giờ hết, cần được phổ biến trong xã hội. Vu lan khởi nguồn được xem là ngày của niềm vui (hoan hỷ nhật), là dịp mà ở đó chư Tăng hội tụ sau 3 tháng chuyên tu, đối trước nhau thành thật tự phê bình và cầu mong người khác chỉ lỗi của mình để tự khắc phục và nỗ lực thăng tiến trong đời sống tâm linh (Tự tứ nhật).

Vu lan là lễ hội của lòng hiếu thảo, của tâm khoan dung với sự tích liên quan đến Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi tu chứng liền nghĩ ngay đến người Mẹ của mình, nhờ Đức Thế Tôn hướng dẫn, nương nhờ oai lực Thánh chúng đã chuyển nghiệp khiến người Mẹ bị đọa vào ngạ quỷ được giải thoát kiếp đọa đày.

Vu lan là lễ hội của lòng tri ân và báo đáp ơn sâu, đối với người Phật tử, đó là ơn sâu của Tam bảo và Thầy tổ đã cho một hướng sống thiện lành, Cha mẹ đã cho hình hài và dày công dưỡng dục, Tổ quốc - xã hội đã truyền cho nếp văn hóa được hun đúc ngàn đời với bao hy sinh của các bậc tiền bối hữu công, Môi trường - Những nhân duyên trùng trùng khác đã hỗ tương cho ta sự sống này.

Chính vì vậy, giai phẩm Giác Ngộ - Vu lan 2011 được thực hiện với chuyên đề về tâm hiếu thảo, lòng khoan dung - những giá trị làm nên tình thương, hàn gắn những vết nứt trong cuộc sống hôm nay.
Nội dung chi tiết của giai phẩm được thể hiện ở hai tiểu mục lục: Tâm hiếu thảo - Lòng khoan dung (trang 16) và Lời yêu thương (trang 50).

Bạn sẽ được lắng lòng và cảm nhận đầy đủ hơn về hiếu hạnh -hạnh lành được đức Phật dạy là hạnh Phật qua các bài viết dưới đây:

1.Hiếu thảo & lòng khoan dung:

-Sanh tử sự đại (HT.Thích Thanh Từ)

-Mùa hội Thánh (Hạnh Chiếu)

-Phật dạy làm cha mẹ (Chúc Phú)

-Gia tài thực thụ (Khải Thiên)

-Hạnh hiếu và lòng khoan dung (Nguyên Cẩn)

-Phục hồi một xã hội hiếu thảo (Nguyễn Thế Đăng)

-Vướng lụy hình hài (Tịnh Minh)

-Hiếu của Người - Hiếu theo Phật (Ngô Khắc Tài)

-Ngôi chùa theo tinh thần Pháp Hoa (HT.Thích Trí Quảng)

-Xin lỗi hoa Quỳnh (Như Đức)

2.Lời yêu thương:

-Triết lý đi tìm người thương (Thích Phước Đạt)

-Cha mẹ: Thầy dẫn đạo cho con (Vĩnh Hảo)

-Hành điệu (Thông Quảng)

-Nhánh cỏ - Cánh đồng & gió (Trương Đạm Thủy)

-Mẹ & một chuyến đi (Huệ Giáo)

-“Bông hồng cài áo” - Giai điệu & ca từ tuyệt mỹ về mẹ (Lê Quang Kết)

-Níu dấu chim bay (Hạnh Đoan)

-Sâu thẳm tình thương (H.Diệu)

-Nợ một lời ca dao (Doãn Lê)

-Cái bếp của mẹ (Võ Khoa Châu)

-Ngàn lời yêu thương (Cao Ngọc Hồng Ân, Lê Đình Ký, Hiền Linh, Óc Tiêu)

-Tháng Bảy mùa chay - những cung bậc và nỗi niềm (Pháp Đàm)

Và thơ của Trần Quê Hương, Nguyễn Đức Dũng, Võ Thị Hồng Tơ, Phan Thành Minh, Nguyên Tiêu, Nguyễn Miên Thượng, Đông Tùng, Nguyễn Đức Vân, Trần Huy Minh Phương, Nguyễn Dũng, Nguyễn Thánh Ngã, Hà Đức Ái)…

Báo sẽ phát hành vào ngày 6-8-2011, kính mời bạn đọc đón theo dõi. Thông tin chi tiết, xin liên hệ Ban Phát hành, Tel: (08) 39300675 - 39306982

Giác Ngộ