Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Từ Đàm- Mái chùa một thuở dấu yêu

Tùy bút
TỪ ĐÀM- MÁI CHÙA MỘT THUỞ DẤU YÊU
Lê Quang Kết
Từ Đàm là nơi tôi quy y học Phật năm tròn 6 tuổi. Bổn sư là cố Hòa Thượng Thiện Siêu, tôi nhớ và in sâu trong tâm bài pháp buổi đầu tiên dưới mái chùa “Con dao trong tâm”- mà lời thầy ngày xưa như còn vang vọng: “…Không, tôi không có nói ông quăng con dao bén trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao bén trong tâm ông kia mà”. Ôi, Từ Đàm ôi Huế! Tôi đã bỏ chùa xa quê mấy chục năm trời, đem thân nơi chốn bụi trần mà lòng chẳng an. Mỗi bận chiều về, lòng quay quắt nỗi nhớ chùa xa…
Lòng đang ngổn ngang trăm mối- rối như tơ vò bỗng yên bình nhẹ gánh khi nghe giai điệu và ca từ.
“Quê hương tôi miền Trung, sớm hôm chuông chùa nhẹ rung tiếng muôn đời Tổ tiên kiêu hùng. Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm, nơi yêu thương phát nguồn Đạo vàng, qua bao dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn.
Quê hương tôi là đây, sớm hôm hương trầm nhẹ bay, vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy. Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm, nơi Bắc Nam nối liền một nhà, tay trong tay quyết vì loài người còn lầm than…”.
Nhạc sĩ Văn Giảng -thầy tôi sáng tác bài hát này- tựa đề chỉ “Từ Đàm quê hương tôi”, không có chữ Chùa đằng trước, sau này hình như người ta thêm thì phải. Bởi một lẽ giản đơn Từ Đàm đã là Mây Hiền và trong đó ẩn chứa khái niệm Mái Chùa lành- thì cần chi phải nói thừa ra không cần thiết. Điều vô tâm mãi sau tôi mới tỏ- thầy Văn Giảng dưới mái trường Hàm Nghi- Huế ngày đó còn có bút danh Thông Đạt, Nguyên Thông và là tác giả bài hát nổi tiếng “Ai về sông Tương” tài hoa tuyệt vời không cũ đi theo dấu ấn thời gian…Thầy ơi, con là cậu học trò hư đốn xin tạ tội với thầy. Chính con đã hát hàng triệu lần “Ai có về trên bến sông Tương/ Nhắn người duyên dáng tôi thương…” cũng chẳng nhận ra tác giả là người thầy yêu kính khiêm tốn của mình dưới mái trường ngày ấy.
Từ Đàm của thời đồng ấu chúng tôi, Từ Đàm của bài học từ bi hỉ xả, Từ Đàm của dây thân ái lan rộng muôn nhà…Thầy Văn Giảng ơi, giờ người tuổi già tận trời xa- con xin cảm ơn thầy hàng triệu triệu lần giai điệu và ca từ “Từ Đàm quê hương tôi” nhẹ nhàng sâu lắng thiết tha dìu dặt đã đưa chúng con trở về với ngày tháng Từ Đàm yêu dấu…
Nhớ Từ Đàm mùa pháp nạn 1963, những đứa con hiền như Bụt vụt đứng dậy vươn cao dữ dội- có cả lửa thiêng và bão tố xua tan bạo quyền áp bức. Ngọn lửa thầy Tiêu Diêu tiếp cho Từ Đàm và lớp lớp con Phật “Uy vũ bất năng khuất”. Thầy Trí Quang trước sân chùa Từ Đàm đã cất cao tiếng nói đại hùng đại lực trong hai cuộc biểu tình ngày 10 và 15 tháng 5 năm 1963: “-Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo! - Đã đến lúc chúng tôi bị bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng! - Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào! - Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ! - Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ Chánh pháp dù phải hy sinh! - Phản đối chính sách bất công gian ác!”.
Ngày ấy- lần đầu tiên cậu bé oanh vũ trong tôi hiểu hai chữ bất khuất của Phật giáo trước cường quyền. Đỉnh cao của sự giàu sang cũng không được phép đàng điếm, dâm ô, phung phí, hưởng lạc, trác táng, đồi trụy. Tận cùng của nghèo nàn, khổ sở cũng cố giữ gìn nhân phẩm, giá trị con người, không được dời đổi, đánh mất nhân cách của mình, không được làm những gì trái luân thường đạo lý. Trước cường quyền, bạo lực, không khiếp nhược, hèn hạ, quỳ lụy, cầu xin để trở thành nô lệ kẻ khác. Không bị mê hoặc bởi lý tưởng của ai như kẻ cuồng tín chủ nghĩa- cũng còn có nghĩa là không nên đem cái lý tưởng, cái ý kiến của mình để áp đặt, khống chế ai, bắt buộc phải tuân phục ý kiến mình, bài bác hết mọi ý kiến, lý lẽ nào trái với ý mình. Bao năm rồi xa Từ Đàm con vẫn nhớ lời thầy một thuở Từ Đàm như uống triệu lời kinh…
Nhớ Từ Đàm- đó là những ngày cắm trại của đoàn áo lam thân ái. Thời ấy chúng tôi chỉ có thể đôi chân đi bộ, hiếm hoi mới có mấy anh cỡi xe đạp. Những buổi trưa hè nắng gắt nhóm chúng tôi dịch vội mật thư rồi ào chạy xuống Báo Quốc qua Tường Vân lên tận Từ Hiếu, có hôm tìm được “hủ vàng” nhưng mở ra chỉ mấy cây kẹo bọc giấy vàng- mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mệt đứt hơi thế mà vô tư vui vẻ… Giật giải trò chơi lớn mỗi kỳ trại là bề dày thành tích của cả ba đứa - có nhớ không Thành, Hữu một thời gia đình Phật tử Từ Đàm? Mùa mưa lê thê xứ Huế, chúng tôi vẫn kiên trì đội nón mang tơi lên chùa sinh hoạt. Mẹ bảo: Các con giỏi lắm! Cố giữ tâm Phật cho tới cuối trời góc biển. Mẹ ơi! Mẹ, Từ Đàm và Huế nuôi con lớn khôn đủ lông đủ cánh rồi biền biệt soãi cánh bay xa. Bao nợ nần lần lữa hẹn hò mà có trả được gì đâu?
Từ Đàm với Huế tuy hai mà một. Ngôi chùa là biểu trưng -là máu thịt của Huế của tôi. Từ Đàm trong tâm thức- đó là tiếng kinh mỗi buổi công phu, giọng thầy trầm ấm như dặn dò dạy bảo chúng con làm lành tránh dữ, kỉnh Phật trọng tăng, dứt lòng tà, giữ lòng thành; trong sạch thể chất và tinh thần- lời nói và việc làm để vươn tới viên mãn trên đường đạo.
Bốn mươi năm xa Huế xa mái chùa dấu yêu, tôi như đứa trẻ bơ vơ lạc loài đất khách. Chiều nay từ nơi xa bần thần nhớ chùa xưa lòng thầm nhủ- dù chậm hay muộn màng nhưng thế nào tôi cũng trở về mái chùa tuổi thơ …
-------------------------------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết
20 Nguyễn Thái Bình, Phường 2, Tp. Bảo Lộc- Lâm Đồng
ĐT: 0633 717 123 - 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com