Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

NHỚ HUẾ THÌ…VỀ
Lê Quang Kết
           Văn nhân Thanh Tịnh- người nổi tiếng với bài văn xuôi “Tôi đi học” mà ai qua tuổi học trò ngày trước đều nhớ- nhiều người thuộc lòng nhâm nha mỗi bận tựu trường. Xa và nhớ Huế ông viết “Nhớ Huế quê tôi”: “Sông núi vươn dài tiếp núi sông/ Cò bay thẳng cánh nối đồng không/ Có người bảo Huế xa xa lắm/ Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng…”. Tôi là đứa con Huế tha phương, bôn ba với bao chồng chất lẫn lộn nhưng Huế vẫn “ở giữa lòng” như lời thơ nhà văn Thanh Tịnh.
           Nhớ Huế thì…về… Chuyến bay giá rẻ con gái “Advance booking” cả tháng đến hẹn. Hỏi ra mới hay là Sài Gòn- Đà Nẵng chứ không là Sài Gòn- Huế, ừ thì cũng là dịp được ngắm biển Lăng Cô tuyệt đẹp. Chuyến xe chiều đưa tôi trở về ký ức với những địa danh quen thuộc: Lăng Cô, Thừa Lưu, Nước Ngọt, Cầu Hai, Đá Bạc, Truồi, Nong, Phú bài, Phú Lương, An Cựu…Ấn tượng trong tôi là vịnh biển Lăng Cô- với phong cảnh thiên nhiên quyến rũ, trải dài trên bờ cong đẹp nhất của đất nước, Lăng Cô chứa đựng gần như tất cả những gì mà thiên nhiên có thể ban tặng: màu xanh của núi rừng nhiệt đới, những dải cát trắng mịn, ánh nắng tràn đầy và biển xanh mát mẻ trong suốt như pha lê. Quả không ngoa khi các phương tiện truyền thông đã đồng thanh đồng tình với nhận định- Lăng Cô là vịnh biển thứ 3 của Việt Nam, sau Hạ Long, Nha Trang và có tên trong danh sách 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới…
            Huế của tôi…Giấc ngủ êm đềm sau chuyến hành trình quy hồi cố quận, tôi giật mình khi chuông điện thoại vang: - Cà phê đi chứ? Ngồi nhâm nhi bên ly cà phê, tán gẫu với bạn bè nhớ về một thời xa cũ, tôi say sưa với bao chuyện xưa nay. Tháng ngày vụng về tuổi học trò ùa về trong ký ức: Lũ chúng tôi lớn lên bên biến động đất nước, chiến cuộc lan tràn từ làng lên phố- may mắn cho bao đứa kịp tuổi không bị đôn quân, nhiều chàng phải vào Đồng Đế, Thủ Đức hay Đà Lạt nhiều chàng vĩnh viễn ra đi…Ngày ấy chúng tôi tập tành cà phê, tập tành yêu nhưng vẫn cố học “Muốn làm người yêu thì phải đỗ tú tài”(Nguyên Sa). Huế cà phê giờ đã khác xưa, hình như bận rộn hơn, hình như ồn ào hơn và thiếu đi cái nhẹ nhàng sâu lắng cố hữu của Huế yêu…
            Nhớ Huế thì…về! Tôi được về với HN yêu dấu và bạn bè thương yêu một thuở. Trường tôi mang tên Hàm Nghi- ông vua yêu nước và là một nghệ sĩ tài hoa. Hàm Nghi trường tôi nhỏ nhắn và khiêm tốn so với Quốc Học hay Đồng Khánh. Vậy mà chúng tôi mỗi đứa lại có niềm kiêu hãnh riêng về trường mình. Hàm Nghi ông vua triều Nguyễn yêu nước, từ bỏ cung son cởi áo bào cùng dân đánh giặc- ban hịch Cần Vương hiệu triệu sĩ phu giúp vua chống Pháp- đã sống mãi trong lòng dân nước. - Vậy nếu công cuộc kháng chiến đòi hỏi đi vào sống trong rừng sâu, Ngài có đi không? - Tôn Thất Thuyết hỏi. - Đi đâu cũng đi, sống thế nào cũng được, miễn là đuổi cho giặc Pháp ra khỏi đất nước - nhà vua đã trả lời giọng trầm buồn, chậm rãi nhưng kiên quyết. Câu trả lời của ông vua vừa tròn 14 tuổi quả là ý chí và bản lĩnh- nặng lòng với sơn hà xã tắc. Mười giờ đêm 26 tháng 9 năm 1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình  đem hơn 20 lính Mường vào bao vây lều tranh của vua Hàm Nghi trên bờ khe Tả Bảo (Tuyên Hóa- Quảng Bình). Nghe bên ngoài có tiếng động, quan Thống chế Nguyễn Thúy và con trai ông chạy ra, bị tên Ngọc đâm chết tại chỗ. Tôn Thất Thiệp, con út Tôn Thất Thuyết còn đang ngủ, hoảng hốt cầm gươm nhảy ra cũng bị một tên lính Mường phóng ngọn giáo vào ngực chết ngay. Biết mình bị phản, vua Hàm Nghi bước ra, ung dung cầm thanh gươm đưa cho Trương Quang Ngọc và bảo rằng: “Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây”. Vua vừa nói dứt lời thì một tên lính Mường lẻn ra sau lưng ôm quàng lấy Người rồi giật thanh gươm ra. Từ đó, nhà vua tịnh khẩu- không nói nửa lời…
            Những năm gần đây nhiều công trình nghiên cứu năm tháng lưu đày của ông vua yêu nước Hàm Nghi đã được công bố. Luận án của chị Amandine Dabat đã trả lại cho lịch sử hội họa Việt Nam chân dung một người nghệ sĩ lớn- có trước những tác phẩm của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương. Có thể mai đây lịch sử hội họa Việt Nam hiện đại phải chỉnh đốn lại trật tự vốn đã định hình và nghệ sĩ Hàm Nghi phải được định danh. Nhà vua là học trò của nhà điêu khắc thiên tài Pháp Auguste Rodin. Với 5034 trang tài liệu cá nhân của gia đình, chị Amandine dẫn chúng ta đến những bí ẩn hoàn toàn chìm trong bóng tối giai đoạn lưu đầy tại Alger của ông hoàng An Nam như tên chính thức của vua trên chiếc hộ chiếu số 7426. Tôi thật bất ngờ trước một khối lượng đồ sộ tác phẩm hội họa điêu khắc được chị Amandine phân tích và chiêm nghiệm từng bức một về cả bố cục đường nét màu sắc và ánh sáng dù biết… mình là người ngoại đạo hội họa…
            Nhớ Huế thì…về…Tôi được về với dấu chân Thành Nội- những con đường mòn chân những năm mài đũng trên ghế nhà trường. Đường xưa đã khác nhưng người xưa vẫn lần theo kỷ niệm…Đường Đinh Bộ Lĩnh ngày đó có quán cà phê Tôn với giá bình dân dành cho người bận rộn, đường Tống Duy Tân có Tam Tòa là nơi chúng tôi thường tới nghe xử kiện- đặc biệt là các chàng trai trẻ mơ mình là sinh viên trường Luật, đường Nguyễn Hiệu chúng tôi thường đi về mỗi bận tan trường… Đường Phượng Bay- đúng tên thật là Đoàn thị Điểm, đi ngang qua cổng thành vào Đại Nội. Hai bên đường thẳng tắp hàng phượng vỉ đỏ rực lửa hạ vào mùa hè. Đường Trại Tình Thương- tên khai sinh của con đường là Đào Duy Từ, hay còn gọi là đường Hòa Bình. Vùng đất nuôi ngựa ngày xưa của triều đình Huế, sát khuôn viên dãy thành của Đại nội, ngăn cách bởi con đường này. Sau thời kỳ hoàng phế, vùng đất trống trở thành vườn hoang ẩm thấp, không người canh tác. Chính quyền đương nhiệm cho xây thành những dãy nhà nhỏ thấp như những dãy trại lều bằng vách ván lợp tôn cho những người dân nghèo, gia đình cô nhi tử sĩ gia đình từ quê chạy lên Huế tản cư. Cái tên Trại Tình Thương từ đó ra đời và gắn liền với con đường…Chao ôi! Những biển dâu đổi dời nhiều lúc làm ta bàng hoàng như tỉnh giấc sau một cơn mơ kỳ lạ. Ai cũng đã thấy và đã từng cất tiếng: Phải rồi…Đường xưa lối cũ…tôi từng bước chân qua. Ôi! Cơ man nào là những con đường trên vạn nẻo quê hương đã bị mất tên, thay hình đổi dạng, dù đẹp xấu hay là dấu chân kỷ niệm một thời làm lòng khó quên. Những gì thân thuộc đầy dấu tích yêu thương hay ghét bỏ của những con đường đã đi qua, ta đã sống cùng nó hoặc mang theo trong trí nhớ tuỳ thuộc vào lòng mình hướng về một nơi chốn được gọi là Cố Hương…
          Ký ức tình yêu lớp chúng tôi đầy ắp hình bóng những con đường Huế. Đó là những lối mòn trong Đại Nội, những con đường nho nhỏ xinh xinh của xóm Ngự Viên xưa hay con đường đất sỏi đá bên kia cầu Ông Thượng ở Vĩ Dạ dẫn về những vườn hồng kín lối… Những buổi chiều thật muộn của mùa hè, chúng tôi đạp xe qua những con đường quanh hoàng thành: Đường Mai Thúc Loan có Nhà sách Khánh Quỳnh hồi trước cho thuê truyện kiếm hiệp- Kim Dung, đường Ông Ích Khiêm, đường Tống Duy Tân, đường Thượng Thành, đường Phượng Bay, đường Lê Huân, đường Đặng Thái Thân, đường Trần cao Vân… Đôi ba vạt nắng còn sót lại bên bờ thành quách cũ đóng đầy bóng thời gian ký ức- đẹp lạ lùng, nhớ đến nao lòng…
         Nghĩ đến ngày mai trở lại Sài Gòn, tôi như người mộng du. Giấc mơ chập chờn mộng mị đã đưa tôi về nơi chốn cũ của Huế xưa, những đền đài lăng tẩm, mái chùa xưa đã nuôi tôi khôn lớn; thăm lại dòng tộc Lê Quang và bà con họ hàng, thăm lại trường lớp bạn bè- thầy cô đã dạy dỗ tôi nên người, ghé thăm bến đò năm cũ bên sông Bồ cố quận…Một cuộc miên hành dài mà khi tỉnh giấc tôi không nhớ hết…Lòng nhủ lòng lời ước hẹn: Mai này…Nhớ Huế thì…về!

Tháng02/2017