Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Truyện ngắn- Chuyện tình buồn

Truyện ngắn
CHUYỆN TÌNH BUỒN
Lê Quang Kết
     Họ cưới nhau trong tình yêu hạnh phúc. Vinh - trưởng phòng một công ty đầu tư nước ngoài, Lãm Thúy- họa sĩ hãng phim, căn hộ gia đình họ tọa lạc ngay trung tâm thành phố. Cha Vinh bạo bệnh mất sớm mẹ nuôi anh trong khổ cực với nghề hàng xén ở làng quê. Bà kỳ vọng và gửi gấm vào đứa con trai duy nhất hiền lành thông minh- lấy đó làm niềm hạnh phúc đời mình. May mắn đến với bà- cưới vợ cho con trai cùng lúc đất nhà nằm trong khu dự án quy hoạch công nghiệp được đền bù giải tỏa một khoản tiền khá. Tất cả của nải chắc chiu dành dụm bao năm bà đã dồn cho vợ chồng Vinh- Lãm Thúy tậu căn hộ mới ngay khu đất vàng đô thị. Bà Vò nghĩ- mình già rồi họ hàng bà con láng giềng bấy nay thôi thì đất lề quê thói chẳng phải đi đâu, xe cộ inh ỏi rồi lối sống đô thị náo nhiệt xô bồ, mình chẳng thích với lại có thân thiết quen biết ai đâu- buồn chán lắm. Thôi thì cứ ung dung tự tại nơi làng quê yên bình, đi đâu cho nhọc lòng khổ dạ.
     Sau ngày cưới tình yêu họ càng bền chặt như đôi chim ríu rít chuyền cành, tung tăng líu lo tràn trề nhựa sống. Trai tài gái sắc- nhìn họ đẹp đôi bao người mơ ước. Sau một ngày bận rộn Lãm Thúy mong sớm trở về nhà để được bên chồng- tận hưởng những giây phút ngọt ngào. Cô như cành liễu yếu mềm cần bàn tay nâng niu che chở.Vinh yêu thương vợ- cần mẫn với công việc, am hiểu chuyên môn được bạn bè đồng nghiệp tin yêu. Mối bận lòng của chàng là mẹ già mải tận quê nhà xa xôi những khi trái gió trở trời lấy ai chăm lo phụng dưỡng. Anh bàn với vợ.
- Hay là đưa mẹ vào sống cùng chúng mình em nhỉ?
- Đúng rồi, em định nói điều này với anh mấy tháng nay nhưng… Có mẹ là tuyệt vời, vui nhà vui cửa anh ha…
     Vợ chồng đồng thuận nhưng cũng phải năm lần bảy lượt thuyết phục nói gần nói xa bà Vò mới chịu vào thành phố sống. Lãm Thúy tin rằng với tình yêu chồng- cô và mẹ sẽ có tiếng nói chung. Cô đã nghe nhiều chuyện mẹ chồng nàng dâu khó lắm, mâu thuẩn khó thể dung hòa, thậm chí đổ vỡ hạnh phúc gia đình…Hồi nhỏ Lãm Thúy xem vở cải lương Thoại Khanh- Châu Tuấn, nàng dâu cắt thịt tay mình dâng lên mẹ chồng qua cơn đói lã giữa rừng sâu, Thoại Khanh còn dâng cả đôi mắt cho hung thần để mẹ chồng toàn tính mạng. Chuyện xưa…kịch tính chứ làm gì có, bây giờ khác nhẹ nhàng bình đẳng thôi- cô tin mình sẽ là cô dâu hiền được mẹ chồng thương quý.
Lâu nay mỗi khi bày tỏ yêu thương vợ, Vinh thương bế nàng và đặt nụ hôn cháy bỏng. Hôm nay chàng còn quay một vòng âu yếm rồi đặt nàng xuống chiếc ghế sopha êm ái. Lãm Thúy cảm giác hạnh phúc tràn trề nhưng có điều gì đó bâng quơ làm nàng lo sợ…
- Phòng mẹ hướng chếch đông để đón ánh nắng ban mai và hợp phong thủy với người già anh nha…
- Ôi, vợ tôi đáng yêu, em đã chọn bao giờ cũng…tối ưu không chê vào đâu được.
- Anh giỏi… nịnh lắm.
     Người già sống theo nếp quê thường giản dị tiết kiệm. Hoa trái mọi thứ quanh vườn không phải mua sắm, người nhà quê chẳng chưng hoa bao giờ và cũng chỉ ngày tết hay giỗ chạp thôi, mấy bông vạn thọ, bông trang, huệ hay bông cúc đơn giản- thế là đủ. Nàng dâu họa sĩ lại thích hoa tươi- hồng, lan rồi tulip, cẩm chướng đắt tiền, chỉ vài ba ngày cao lắm là một tuần phải thay hoa nơi phòng khách.
- Các con phung phí quá, phải biết dành dụm “tích cốc phòng cơ tích y phòng hàn” chứ. Tiền mua hoa mỗi tháng cả triệu bạc, uổng phí lắm.
- Mẹ ơi, hoa tươi là niềm vui không thiếu được đâu mẹ. Nếp sống người thành phố hiện đại là thế mẹ ơi.
     Chuyện hoa tươi mỗi lần mua về bà gia đều hỏi giá và chép miệng tiếc rẻ thở dài thườn thượt. Không chỉ hoa mà mọi thứ mua sắm mẹ đều gặng hỏi từng thứ rồi lẳng lặng vào phòng lầu bầu khó chịu. Có lần nhìn cảnh ấy, Vinh cười bảo vợ.
- Em yêu ngốc ơi là ngốc, em chỉ nói một nửa so với giá ngoài chợ thì mẹ sẽ vui biết mấy, phải không nào?
     Cuộc sống bắt đầu có điều bất an, chuyện nhỏ nhưng từng chút từng chút làm nàng dâu mẹ chồng khó chịu, bất hòa thậm chí tránh mặt nhau. Mà chỉ đâu chuyện hoa tươi, tiền điện nước mỗi tháng lên tới tiền triệu, giặt máy tốn xà phòng, quạt máy điều hòa tốn điện, ăn uống thừa mứa đem đổ thùng rác…Hồi dưới quê mọi thứ bà Vò chẳng mất một xu, có sao đâu. Điều khó chịu nhất là mỗi sáng bà chứng kiến cảnh con trai phải dậy sớm chui vào bếp nấu ăn trong khi nàng dâu nướng ngủ trên chiếc giường nệm êm ái, phải đợi chồng gọi mới chịu dậy. Dâu con gì lạ thế! Cứ mỗi buổi sáng vào bàn ăn, ba người mỗi người một cõi. Mẹ chồng mặt nặng, anh chồng lo nghĩ, nàng dâu giả câm giả điếc nhưng dè chừng, mọi thứ bỗng trở nên u ám nặng nề.
     Hồi ngoài quê bà Vò vốn hay lam hay làm, vào thành phố bà chẳng chịu yên. Việc gì bà cũng muốn tham gia. Lãm Thúy chẳng thích thú việc mẹ chồng nhúng tay vào công việc, chỉ thêm bận bịu chứ ích gì. Rửa chén bát bà chỉ dùng tay không dùng nước rửa, túi ni lông đựng đồ bà tích cóp để bán cho ve chai, đôi khi khạc nhổ chẳng vệ sinh chút nào…Tối hôm thứ bảy bực mình chuyện đạo diễn phàn nàn thiết kế mỹ thuật, về nhà trong trạng thái không vui, Lãm Thúy giải tỏa ức chế bằng việc ném tất cả túi ni lông vào thùng rác, cô rửa lại chồng chén bát mẹ vừa rửa, dọn dẹp nhà cửa chùi cọ nhà bếp…mọi chuyện cô làm như tát nước vào mặt mẹ, bà Vò nhìn hành động con dâu như muối xát tận tâm can. Hình như đã vượt tới đỉnh điểm của tức giận bà Vò bước nặng vào phòng đóng cửa sầm rồi gào to.
- Trời ơi! Nó chê tao dơ dáy, quê mùa, dốt nát… trời ơi là trời…
Vinh cuống lên, tối hôm đó anh khó ngủ nằm cứ trăn trở, bần thần; bao nhiêu muộn phiền lo âu . Lãm Thúy cố làm nũng, Vinh chẳng thèm để ý. Cô điên tiết.
- Em sai chỗ nào?
- Em đã quá quắt, nguời già lòng tự trọng cao lắm, biết không?
     Không khí gia đình căng thẳng, bà Vò chẳng bao giờ trò chuyện với nàng dâu Lãm Thúy. Chàng Vinh sống trong mệt mỏi, biết bênh ai bỏ ai. Mẹ đối với anh là suối nguồn bất tận, vợ là tình yêu gắn bó một đời, người nào cũng chiếm phần cân phân trong trái tim anh. Nỗi khổ niềm vui giữa cõi đời tục lụy, hình như chẳng có cái nào giống cái nào, niềm vui đi qua nhanh còn đau khổ ở lại muộn màng hơn thì phải. Mẹ và vợ, chữ hiếu chữ tình biết làm răng cho trọn vẹn đôi đường?
Và từ hôm đó bà Vò dậy sớm nấu bữa sáng thay cho cậu con trai yêu. Mẹ thương con là quy luật muôn đời. Đàn ông đàn ang cần chi vào bếp, con mình giỏi giang có địa vị xã hội ngang ngữa giữa đời tội tình chi phải nội trợ tề gia. Vinh đã quen với mọi thứ ăn uống mẹ lo từ nhỏ nên ngon miệng hơn mỗi bữa sáng, bà Vò nhìn con tươi vui rồi nhìn nàng dâu dò hỏi trách móc- cô thấy đấy…cô chưa tròn nhiệm vụ làm vợ… Lãm Thúy lại nghĩ bụng, chồng hùa về với mẹ ghét bỏ mình, cô lập mình.
     Ngay tối hôm ấy trước khi ngủ, lần đầu tiên Vinh tỏ thái độ to tiếng với vợ.
- Cô chê mẹ tôi nấu ăn dơ nên bỏ bữa sáng ở nhà, có đúng không? Lãm Thúy đầm đìa nước mắt ấm ức nhưng chồng vẫn lạnh nhạt quay lưng ra ngoài và còn dằn giọng.
- Cô còn… chút tình thì hãy ăn sáng ở nhà cho tôi… nhờ.
     Tâm trạng phục tùng nhưng tâm bất phục, cô mệt mỏi ê chề nhưng đành sáng sáng ngồi vào bàn cố nuốt. Và một hôm đang ngồi ăn Lãm Thúy chợt thấy buồn nôn muốn ọe ra dù cố kìm nhưng bất lực cô quăng bát đũa chạy vào toillet nôn thốc nôn tháo. Chưa kịp hoàn hồn cô đã nghe tiếng khóc đay nghiến oán trách bằng những từ ngữ cay nghiệt theo thổ âm của mẹ còn chồng thì đứng ngay trước cửa nhìn cô căm tức tới cực độ. Cô há hốc ngạc nhiên chẳng nói hay thanh minh được gì, cô chỉ nghĩ thầm mình có cố ý nôn ọe đâu…
     Vợ chồng to tiếng, cãi nhau với bao từ lạ lẫm, những cá tính được khoét sâu bằng câu chữ độc địa, mọi điều xấu trên đời đều nằm vào một trong hai-“Yêu nên tốt ghét nên xấu”là thế! Lúc đầu bà Vò còn giương mắt đứng nhìn, một lát sau khi nghe tiếng mạt sát nặng nề bà thất thểu bỏ ra ngoài. Vinh tức tối nhìn vợ rồi lao nhanh theo mẹ…Gần cả tuần chẳng thấy hơi tăm, bặt vô âm tín- cô điện thoại nhưng rơi vào im lặng không tiếng trả lời. Nàng dâu rối bời, mẹ chồng lên đây mình chịu bao điều oan ức, biết làm sao đây, vậy mà anh ta còn lên mặt muốn thế nào nữa đây…
     Buổi sáng gặp chị Tuyết Hoa và cô văn thư ở cổng hãng phim, chị cùng cô bé nhìn cô chăm chú rồi nhoẻn miệng cười.
- Coi bộ cô họa sĩ ốm nghén, đi phụ sản kiểm tra thử coi?
- Đúng thế chị ơi, nhìn chị Lãm Thúy khác lắm…
     Hóa ra là thế, tại sao sáng hôm ấy mình buồn nôn khó ở? Kiểm tra ở bệnh viện cho kết quả Lãm Thúy đã có bầu. Niềm vui được làm mẹ- thiên chức cao đẹp của người phụ nữ pha trộn chút buồn hờn trách- tại sao chồng và mẹ lại không nghĩ tới chuyện này nhỉ? Tình cờ hay hữu ý, vừa ra tới cổng khoa phụ sản cô thấy chồng đang loay hoay gởi xe. Mới tuần sao trông Vinh tiều tụy thế -nhìn bộ dạng chồng khiến cô xót xa. Cô gọi anh nhưng đáp lại là cái nhìn dửng dưng xa lạ, ánh mắt anh hàm chứa nỗi oán ghét như mũi kim nhói buốt đâm vào tim cô. Ngồi trên taxi cô muốn khóc nấc lên “Anh yêu, em sắp sinh cho anh một cục cưng đây!”. Và cô tưởng tượng trong niềm hạnh phúc được anh bế lên quay một vòng với nụ hôn nồng cháy hơn hẳn bao lần trước đó…
     Về nhà cô nằm vùi trên giường với bao tự vấn. Cô khóc. Chỉ thế mà tình yêu kết thúc rồi sao? Chỉ vì mẹ và chỉ một lần lầm lỗi mà chúng con mất nhau ư? Vĩnh biệt tình anh? Tình yêu dễ dàng vuột mất thế hở anh? Những kỷ niệm trở về trong thổn thức, những lần giận hờn bao giờ Vinh cũng tìm cách giảng hòa trước, lần này tồi tệ thế sao anh? Bần thần tới khuya, có tiếng chìa khóa mở tủ Lãm Thúy bật dậy thấy chồng đầy nước mắt đang loay hoay. À, anh ta đang cần tiền phải về nhà lấy, thế thôi. Cô lạnh nhạt nhìn chồng với ánh mắt vô cảm. Vinh cũng làm như không nhìn thấy vợ, anh vội vã hờ hững bỏ đi.
     Vinh đi rồi, Lãm Thúy lại khóc. Tình và tiền anh ta tách bạch rạch ròi đến thế ư? Thôi hết tình ta. Dù thế nào cũng phải ba mặt một lời, một tiếng cho xong để rồi đường ai nấy đi. Vừa đầu giờ sáng cô đã gõ cửa công ty, chàng vệ sĩ trẻ ngạc nhiên.
- Thưa chị, tôi được biết cách đây một tuần mẹ của trưởng phòng bị tai nạn nghiêm trọng nằm bệnh viện, trưởng phòng đã xin nghỉ để chăm sóc mẹ cơ mà. Chị vừa đi xa về có phải không?
- Cám ơn cậu.
     Lòng cô rối bời, mẹ tai nạn mà mình vô tâm thật. Lãm Thúy đến ngay bệnh viện nhưng khi gặp mặt chồng mẹ đã nhắm mắt ra đi. Nước mắt cô rơi lả chả, đến nông nổi này sao, trời ơi… Nhìn khuôn mặt tái tím vàng vọt của mẹ cô như mất hồn, dù thế nào cô cũng có phần lỗi trong tai họa tày trời này…Người ở bệnh viện kể chuyện: Bà Vò trên đường ra bến xe về quê khi băng qua đường đã bị chiếc xe tải đâm mạnh chấn thương sọ não, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi…
Vinh lặng lẽ lo chuyện an táng mẹ rồi anh ở hẳn cả tháng ngoài quê. Nỗi đau lớn làm anh ngã quỵ. Người anh sút hẳn, từ chàng trai khỏe mạnh hoạt bát anh suy sụp tới mức tệ hại khiến ai nhìn cũng ái ngại. Bạn bè khuyên giải, phân tích nhưng Vinh chẳng thiết gì. Anh dọn vào phòng mẹ, ngày nào cũng thế tới khuya mới về nhà người sặc mùi rượu. Lãm Thúy lo lắng, khổ tâm dằn vặt- bao thứ đè nặng lên cô, chuyện mẹ mất có phần lỗi ở cô nhưng không là tất cả, chẳng ai muốn thế. Cô mất mẹ ruột từ nhỏ và cô cũng hiểu chữ hiếu thuận thương quý mẹ chồng. Nếu hôm ấy mình không nôn tháo, nếu hôm ấy mình không to tiếng với chồng, nếu mình thấu hiểu một tý, nếu mình biết đặt mình vào người mẹ…Bao chữ nếu đặt ra…Tai họa giáng xuống gia đình đôi vợ chồng như lấy đi mọi thứ, họ gần bên nhau mà xa cách nghìn trùng.
     Một hôm trên đường về nhà ngang qua tiệm ăn hai người thường ăn trưa ngày mẹ còn sống ngoài quê. Lãm Thúy bất ngờ thấy chồng đang ngồi tươi cười trò chuyện với cô gái trẻ, anh tỏ vẻ ân cần vuốt nhẹ mái tóc cô ta. Cô tưởng mình nhầm nhưng không…vẫn thế họ đang âu yếm nhau như Vinh và cô ngày xưa hạnh phúc.Thế đấy, cô đã hiểu- bước vào tiệm trân trân nhìn Vinh, đôi mắt Lãm Thúy ráo hoảnh. Cô không cần nói và nói để làm gì nữa…Cô tình địch nhìn Lãm Thúy nhìn Vinh định đứng dậy, anh ấn cô ta ngồi xuống rồi nhìn vợ “- Ừ tôi thế đấy, cô muốn gì?”. Lãm Thúy thất thần, người cô và cả đứa bé trong bụng cô như ngã quỵ, kẻ thua cuộc là tôi…là tôi…
     Nhân chứng vật chứng đã rõ mồn một, đêm ấy Vinh không về. Anh muốn minh xác một hiển ngôn- cùng với sự qua đời của mẹ, tình yêu giữa chúng tôi chấm hết, đừng bận tâm làm gì chỉ đau khổ đến tận cùng mà thôi…
     Giờ Lãm Thúy sống chỉ một mình, cô đi khám thai một mình, trái tim cô vỡ vụn khi nhìn các bà vợ bụng bầu được chồng dìu đến phòng khám. Bạn bè khuyên nhủ, có người còn bóng gió gần xa khuyên cô bỏ cái thai đi cho yên chuyện, em còn trẻ đẹp có khối chàng theo lo gì…Cho đến cái hôm, cô về nhà đã thấy anh ngồi chờ bên chai rượu dở dang trên bàn còn tờ giấy một bên đã có chữ ký của Vinh. Khỏi xem cô đã biết điều gì trong tờ giấy kia. Cô bình tỉnh đến lạ thường.
- Đợi một tý tôi sẽ ký ngay đây.
- Em có bầu rồi đấy à?
- Vâng nhưng không sao cả…anh có thể đi được rồi…
     Quá khứ là quá khứ không thể trở lại nữa rồi, chúng tôi đã rạch vào tim một vết thương sâu hoắm không hàn gắn nổi. Trái tim Lãm Thúy chỉ ấm lên khi nghĩ đến đứa con trong bụng còn với chồng tim cô lạnh như băng. Anh vẫn ngủ ở phòng mẹ, nhiều đêm trở giấc cô nghe tiếng rên rỉ, âm thanh nghe như cố chịu đựng kìm nén nhưng chắc là đau đớn tột cùng. Anh ta định dở trò gì đây? Tờ giấy ly hôn đã ký nhưng chẳng thấy Vinh đá động gì chuyện ngày ra tòa?
     Một đêm gió mùa Đông Bắc se lạnh, cơn đau bụng dữ dội khiến Lãm Thúy thét to. Hình như anh đang chờ đợi phút giây này, Vinh bồng vợ chạy vội xuống cầu thang, chặn taxi và ôm chầm cô vào xe. Anh trìu mến nắm chặt tay vợ như sẻ chia cơn đau, cầm khăn lau nhẹ lên trán cô nóng hổi. Tới cổng Vinh lại cõng vợ chạy nhanh lên khoa sản. Cố nén cơn đau, cô thầm hỏi- Sao lưng anh ấy lạnh ngắt thế kia? Sao anh không còn khỏe như ngày trước? Có điều gì với anh mà mình chưa rõ? Đôi vai anh sao gầy guộc? Một ý nghĩ chợt đến trong cô- Liệu trên đời này có ai yêu thương mình như anh ấy không nhỉ?
     Vinh vịn cánh cửa đưa ánh mắt ấm áp nhìn vợ khi được chuyển vào phòng sinh bên trong. Một ngày cũng nghĩa vợ chồng, Lãm Thúy cố nhịn đau mỉm cười- nụ cười bao dung hỉ xả…Chỉ hơn một tiếng sau Lãm Thúy sinh một cậu bé kháu khỉnh, mọi người chúc mừng còn anh nhẹ nhàng nhìn chăm chăm cô và con mà rưng rưng nước mắt…
     Mẹ tròn con vuông, Lãm Thúy và cháu bé về nhà trong niềm hân hoan của bạn bè bà con quen biết. Vừa đặt mẹ con cô vào chiếc giường ấm cúng quen thuộc, cô ngước mắt nhìn anh nhưng… Người anh mềm nhũn kiệt sức mệt mỏi ngã quỵ xuống sàn nhà…Sao chuyện gì thế anh? Tờ giấy chẩn đoán bệnh trong túi anh…Kết luận và kết quả xét nghiệm đã xác định: Bác sĩ cho biết Vinh đã bị ung thư xương giai đoạn cuối, phần phụ chú còn ghi: Sự chịu đựng của bệnh nhân Vinh quả là kỳ lạ hiếm có… Trời ơi, tai họa và đau đớn ghê gớm ập xuống chồng cô mà cô không hề hay biết; cô còn nghi ngờ buộc tội, cô còn xa lánh đóng kịch, cô còn lên án chồng xấu xa ngoại tình và bao điều tệ hại độc ác nhất…Cô khóc nức nở…
- Chồng tôi… anh ơi… Vinh ơi… hãy tha thứ cho em. Lỗi lầm tất cả thuộc về em. Em là người vợ xấu xí nhất…người vợ cạn tình bất nhân nhất trên đời…anh ơi…
- Làm gì để cứu mạng sống chồng tôi…hỡi trời…
     Nỗi đau xé ruột xé gan với Lãm Thúy, tiếng rên mỗi đêm cô nghe là thật. Anh đã biết mọi thứ và chuẩn bị cho chuyến đi xa. Giờ anh nằm đó, thoi thóp, đau đớn, chịu đựng, từng đốt xương toàn thân đang mỏi mòn phân hủy, di căn đã chạy tới phần tủy…anh yêu…
Dù còn tháng ở cử nhưng cô không thể ngồi yên trong nhà, cô ẳm con trai tới bệnh viện. Lòng nhủ thầm- Tới một lần với cha con ạ, cha sẽ không còn ở lâu với mẹ con mình nữa đâu, cha đau nhức tận xương tủy con ơi…Vào tới giường anh nằm, anh vẫn hôn mê do cắt cơn giảm đau. Lãm Thúy bồng con đặt cạnh bên anh rồi gọi khẽ.
- Con đang hỏi anh- cha đau chỗ nào? Con đang chuyền hơi ấm của cả em và con sưởi cho anh đây…
     Vinh như ngọn đèn sắp tắt vụt sáng, anh mở mắt khó nhọc nhìn vợ và đứa con yêu chưa kịp đặt tên. Thằng bé như hiểu được tình cha, rúc vào lòng cha, từng ngón tay nhỏ xíu hồng hồng ngọ nguậy mân mê trên gương mặt cha…Cô ràn rụa…khóc òa…Khổ thân chồng tôi…Khổ lụy tình tôi…

Lê Quang Kết
20 Nguyễn Thái Bình, Tp Bảo Lộc- Lâm Đồng
ĐT: 0633 717 123- 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

DẤU CHÂN THÀNH NỘI

Bút Ký
DẤU CHÂN THÀNH NỘI
Lê Quang Kết
Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ- dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành Nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành Nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành Nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…”( Nguyễn Phước Huỳnh Đệ). Thành Nội với Huế với tôi đã thành danh từ riêng trong miên man nhớ. Nơi đó lũ chúng tôi đã có những kỷ niệm ngày xanh đằm thắm, hoang nghịch và hồn nhiên tuổi học trò…
Làng quê chiến tranh tan tác, tôi lên Huế học trường Hàm Nghi- vốn là Quốc tử giám của Triều đình nhà Nguyễn.Vào cửa Thượng Tứ phía trái mấy bước chân là gặp ngay trường tôi nằm khiêm tốn xen giữa hàng nhãn lâu năm trên đường Đinh Bộ Lĩnh và hàng phượng phía bên kia đường Đoàn Thị Điểm. Ấn tượng đến trường với tôi là mỗi bận đi qua Cửa Ngăn- hai bên Quãng trường Ngọ Môn dưới chân Kỳ đài sừng sững “Cửu vị thần công”. Chín khẩu đại bác cổ, bên phải 5 khẩu bên trái 4 khẩu- bà ngoại tôi thường dặn với theo- cháu đi qua nơi đó nhớ đừng quên ngả nón cúi đầu. Nhiều huyền thoại được người xưa truyền tụng: Súng thần linh thiêng lắm, có cậu bé hiếu kỳ leo lên họng súng nhìn vào bên trong bị nuốt chửng chẳng thấy hơi tăm. Người đau ốm do vương vào cửu vị phải mời thầy cúng gọi ba hồn bảy vía hay chín vía lạy tạ thần công mới mong qua khỏi. Chuyện cung đình nhà Nguyễn kể rằng: Vua Tự Đức dự định đưa Cửu vị thần công xung trận- quân lính dùng xe song mã kéo nhưng thần công án binh bất động- không hề nhúc nhích. Nhà vua phải cử quan Ngự sử dự khán và xuống chiếu: Nếu ngài bất tuân thì sẽ phạt đánh 50 trượng và giáng chức. Tuyên chiếu xong, ngựa kéo thần công bỗng nhiên ung dung nhẹ nhàng cất bước.
Dấu chân Thành Nội- tôi lẫm nhẫm, mới đó đã gần 40 năm xa trường xa bạn bè ngày tháng cũ. Thế hệ chúng tôi thuở ấy đến trường trong bề bộn lo toan- chiến cuộc biến động từ làng lên phố, mỗi bận hè qua lớp học thưa vắng, bạn bè vơi dần- đứa bị đôn quân, đứa đành nghỉ học, đứa xa rời Huế vật lộn mưu sinh, và bao đứa khác bám trụ cố giữ chút yên bình… Năm rồi điện thoại từ Huế Lê Quang Tùng, Đặng Thọ, Hoàng Đình Huề, Trần Quang Hải, Trần Đạo Dõng hẹn hò: -Hồi xưa tụi mình đã có “Ra Khơi”, “Lướt Sóng” giờ cố lên để chuẩn bị cho chuyến “Về Nguồn”- giọng Đặng Thọ vẫn nhiệt thành như ngày nào, những hôm năm xưa chật vật, xoay xở bài vở để “Lướt Sóng”- đặc san cuối bậc học phổ thông của năm12B1 Hàm Nghi ra đời…Ước gì, cuốn lưu bút ngày xưa đó- có bạn cũ nào còn lưu giữ cho đến bây giờ?
Tôi nhớ…Năm học đệ tam B2 (lớp 10 bây giờ), cô Nguyễn Thị Tuyết dạy Việt văn đã bắt cả lớp quỳ lên bàn. Hàng phượng ngoài đường thấp thoáng có nhóm nữ sinh Thành Nội tan học sớm, họ nhìn chỉ trỏ rồi ồ lên cười khúc khích, có người còn đồng dao: Lêu lêu trò A bị quỳ/ Không thuộc bài là xấu nghe chưa…Là xấu nghe chưa… Nhóm chúng tôi cửa sổ nhìn ra ai nấy ngượng chín cả người. Cô Tuyết có còn nhớ không? Con vẫn nhớ như in bài ca dao năm cũ cô giảng: “Trăm năm dầu lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác đưa”- cô đã mở bài và mở ra điều thú vị rằng: Bến cũ là từ chung còn người Huế phải là “bến cộ” mới phải và nếu được phép phóng tác thêm câu ca dao- lời tiếp sẽ là: “Cây đa bến cộ còn lưa/ Con đò đã thác năm xưa tê rồi”. Bao năm xa Huế xa trường con vẫn nhớ lời cô- những chữ ‘cộ”, chữ “lưa”, chữ “mô” “tê” “răng rứa” ngày ấy…và bao điều khác nữa để mang đi suốt một đời…
Thành Nội- những ngày nghỉ học đạp xe lang thang, hàng trăm con đường nhỏ, từng đoạn từng đoạn ngắn quẹo phải rồi rẽ trái và bất chợt gặp người quen có khi chẳng hề biết tuổi tên. Những tên đường tên phố đã thành quen thuộc hiện về trong ký ức: Ông Ích Khiêm, Hàn Thuyên, Nguyễn Biểu, Lê Thánh Tôn, Tống Duy Tân, Tịnh Tâm, Thượng Thành, Ngã Tư Anh Danh, Cầu Kho, Chợ Xép, Tây Lộc,…Thầy Võ Văn Dật (Võ Hương An) dưới mái trường Hàm Nghi- người thầy mà chúng tôi một mực kính yêu và ngưỡng mộ đã công phu uyên áo viết “Đường Xưa Thành Nội”- trong tập “Huế Của Một Thời”. Thầy ơi! Con đã đọc Huế…của thầy như bài sử ngày xưa thầy giảng, như được trở về với Thành Nội và trường xưa yêu dấu, như được sống lại trong vòng tay thân ái của bạn bè và hiểu thêm bao nỗi lòng của những đứa con Huế xa…
Hàm Nghi trường tôi nhỏ nhắn và khiêm tốn so với Quốc Học hay Đồng Khánh. Vậy mà chúng tôi mỗi đứa lại có niềm kiêu hãnh riêng về trường mình. Hàm Nghi ông vua triều Nguyễn yêu nước, từ bỏ cung son cởi áo bào cùng dân đánh giặc- ban hịch Cần Vương hiệu triệu sĩ phu giúp vua chống Pháp- đã sống mãi trong lòng dân nước. - Vậy nếu công cuộc kháng chiến đòi hỏi đi vào sống trong rừng sâu, Ngài có đi không? - Tôn Thất Thuyết hỏi. - Đi đâu cũng đi, sống thế nào cũng được, miễn là đuổi cho giặc Pháp ra khỏi đất nước - nhà vua đã trả lời giọng trầm, chậm rãi nhưng kiên quyết. Câu trả lời của ông vua vừa tròn 14 tuổi quả là ý chí và bản lĩnh- nặng lòng với sơn hà xã tắc.
Mười giờ đêm 26 tháng 9 năm 1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình đem hơn 20 lính Mường vào bao vây lều tranh của vua Hàm Nghi trên bờ khe Tả Bảo (Tuyên Hóa- Quảng Bình). Nghe bên ngoài có tiếng động, quan Thống chế Nguyễn Thúy và con trai ông chạy ra, bị tên Ngọc đâm chết tại chỗ. Tôn Thất Thiệp, con út Tôn Thất Thuyết còn đang ngủ, hoảng hốt cầm gươm nhảy ra cũng bị một tên lính Mường phóng ngọn giáo vào ngực chết ngay. Biết mình bị phản, vua Hàm Nghi bước ra, ung dung cầm thanh gươm đưa cho Trương Quang Ngọc và bảo rằng: “Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây”. Vua vừa nói dứt lời thì một tên lính Mường lẻn ra sau lưng ôm quàng lấy Người rồi giật thanh gươm ra. Từ đó, nhà vua tịnh khẩu - không nói nửa lời…
Chuyện rằng: Trong suốt thời gian lưu đày- sang Alger thủ đô nước Algerie thuộc địa của Pháp bên bờ Địa Trung Hải, nhà vua luôn hướng về cố quốc. Theo công chúa Như Mai (nay đã mất), khi vua Bảo Đại qua Alger thăm có mang cho ông một số tiền, nhưng vua Hàm Nghi không nhận và khuyên Bảo Đại nên đem tiền về lo cho dân nghèo. Trong những năm tháng buồn bã của cuộc đời lưu đày, ông tìm niềm vui trong âm nhạc và hội họa, luôn mặc quốc phục áo dài khăn đóng với đầu tóc búi tó củ hành đặc trưng truyền thống Việt Nam...
Chúng tôi tự hào ngôi trường yêu dấu của một thời áo trắng Huế mang tên ông vua yêu nước Hàm Nghi. Và ngày xưa ấy, đặc san “Ra khơi” của thầy trò chúng tôi đã có truyện ngắn tuyệt vời “Lửa Trường Sơn” của Nguyễn Văn Thêm 12B1 (đệ nhất)- nhân vật chính là ông vua yêu nước trẻ và tên phản tặc xảo quyệt Trương Quang Ngọc- dù chỉ khiêm tốn dòng chữ trang giấy nhưng riêng tôi đã tiếp nhận trong thổn thức và … tâm phục coi đó là hiện tuợng “Văn sử bất phân”. Thêm giờ đang làm gì ở đâu? Tới bến bờ nào của văn chương? Có nhớ về năm tháng Hàm Nghi và bài văn trong “Ra khơi” dấu chân kỷ niệm?
Mấy hôm trước Hồ Xuân Bích, Nguyễn Trọng Minh, Huỳnh Hữu Khánh điện thoại và nhắn tin khẩn: Họp mặt thất 2, 1964-1971 vào tháng 11- cố về. Bao nhiêu năm xa cách vậy mà Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn hay tận nơi xứ người xa xăm…đi đâu làm gì cũng đau đáu về thầy cô trường lớp bạn bè Hàm Nghi một thuở- điều mà chính tôi người trong cuộc không lý giải nổi? Ái hữu Hàm Nghi đã ra mắt cuốn Đặc san thứ 8 về trường xưa kỷ niệm. Giữa bao chồng chất bề bộn- nỗi riêng niềm chung- trang sách Hàm Nghi mở ra ký ức tuổi thơ ùa về- những lúc như thế tôi như nghe lòng bình yên, thanh thản- nhẹ gánh lo toan, được trở về tìm lại góc nhỏ ngày xưa vô tư vụng dại của tuổi học trò…
Dấu chân Thành Nội những ngày Huế mưa, chao ôi là buồn. Thi nhân kim cổ đề thi ngàn vạn trang mưa Huế vẫn còn đâu đó- chưa thể treo lên lầu cao. Mùa mưa dai dẳng lê thê trên đất Huế. Mưa thúi đất thúi đai, trắng trời trắng đất, mưa cả tháng không thấy ánh mặt trời. Mưa từ tháng 7, 8 cho tới giêng hai. Hoàng thành xưa nhuộm thêm màu cổ kính. Màu ngói rêu phong phủ dày trên những ngôi nhà cổ. Từng con đường, góc phố vội vã bước chân qua, Thành Nội trầm mặc lặng lẽ giữa các cô cậu học trò lầm lũi trong mưa...
Tuổi cắp sách ai mà không thích những ngày nghỉ học trời… cho. Lụt. Khắp mọi ngả đường vàng đất một màu nước, bầu trời gần hơn- một màu xám âm u lạnh lẽo…Tầm tả mưa, mưa như trút- chuyện nơi xứ này trời hành cơn lụt mỗi năm…như quà tặng của đất trời. Đò Thừa Phủ không đưa, nước tràn Đập Đá lội qua không được; Bao Vinh, Kim Long, Chợ Cống, Đông Ba, Gia Hội…mênh mang một màu sông nước- nước từ thượng nguồn Trường Sơn đổ về ầm ào như thác đổ, sông Hương cuồn cuộn sóng cuốn phăng về cửa biển Thuận An. Lũ chúng tôi xăn quần túm áo lội lụt, vô tới hồ Tịnh Tâm coi rớ cá. Chạy đuổi nhau trợt ngã, về nhà đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột.
Lớn lên thêm chút biết mẹ lo âu, lụt chắc năm ni- mùa màng ngoài quê thất bát, bà con mình thiếu gạo ngày đông lạnh, tết này biết lấy chi mà lo tết…Những năm lụt to, nhìn bà con bồn chồn ra vô đứng ngồi trông ngóng- người thân đi mô đó chưa kịp về, thẩn thờ biết răng chừ- chuyện lành ít dữ nhiều. Gia đình chị nớ mất người trôi luôn cả cửa nhà rồi đây lấy chi mà sống…Quê hương em nghèo lắm ai ơi/ Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn… Thương Huế chi lạ …
Người tôi yêu nhà phía bên kia hữu ngạn sông Hương. Chúng tôi quen nhau hồi miền núi A Lưới. Những ngày đằm thắm bên nhau chóng qua, chúng tôi mất nhau ngày tôi khăn gói vào Sài Gòn tiếp tục việc học dở dang. Tiếc nuối phỏng có ích gì, duyên phận không thành thôi đành ngậm ngùi buông lơi…Những lần về Huế chẳng hiểu vì sao chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Chàng nhạc sĩ tài hoa đất Huế TCS. đã viết ca từ và giai điệu “Này em có nhớ” trong tuyệt vọng những ngày xa và nhớ “Chúa đã bỏ loài người/ Phật đã bỏ loài người/ Này em xin cứ phụ người/ Này em xin cứ phụ tôi/ Đời sống quanh đây có vạn lời mời/ Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào/ Đời đã quen với những kiếp xa nhau…”. Chúng tôi duyên phận không thành- thôi thì…cầm bằng như thể mưa sa lưng đồi…MH giờ đang với Huế cũng chẳng …êm ái gì, phải chi…em đừng…
Tôi đã bỏ Huế bỏ Thành Nội mà đi, chừng ấy năm loay hoay bạc tóc chẳng làm nên công cán gì. Cảnh cũ người xưa đà khác, thầy tôi bảo: “Sự đổi thay không đến từ thiên nhiên; tất cả đều do con người, là những lớp sóng phế hưng của thời đại tác động qua năm tháng. Trong dòng đổi thay đó cũng thấy mình trong ấy, thấp thoáng bóng buồn vui…Cũng may còn cái tên Thành Nội để nhớ”. Cũng may giờ đã có ngôi trường Hàm Nghi mới để mỗi chúng tôi có dịp quay về- tìm kiếm bước chân ngày tháng cũ.
Trường tôi…Hàm Nghi. Ngày ấy rời trường tôi vào sư phạm. Gần 35 năm trên bục giảng tôi đã đi đến nhiều vùng đất nước, dừng chân nhiều loại hình trường lớp, có bao mối quan hệ nghĩa thầy trò, dạy và học, tình bạn bè- thế mà trong tôi trường xưa Hàm Nghi- dấu chân Thành Nội vẫn luôn là nỗi nhớ khôn nguôi- hành trang yêu thương mang theo và để thôi thúc bước chân về…
Lê Quang Kết, 20 Nguyễn Thái Bình, Tp. Bảo Lộc- ĐT: 0633 717 123 - 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com