Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Bài thơ Minh Phúc- cảm động

Phía dòng sông bên lở
Nguyễn Minh Phúc

Ngày tôi đi, nhà bác còn cách một quãng sông
Tôi trở về dòng sông trôi sát ngõ
Căn nhà trống liêu xiêu đầy gió
Và bác liêu xiêu gần trọn kiếp ngưới
Vẫn biết rằng sông bên lở bên bồi
Sao bác tôi suốt một đời bên lở
Lặn lội nắng mưa đầu ghềnh cuối bãi
Thao thức cùng sông đêm chớp bể mưa nguồn
Sông ngày mỗi nghèo đi và bác cũng nghèo hơn
Đời bác và sông như không thể khác được
Quê nhà chiều nay trước thềm sông ngân ngấn nước
Thương đến nao lòng bên lở phía dòng sông!

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Ts. NguyễnThị Minh Thái viết vềTrịnh Công Sơn

Nhạc Trịnh gió chẳng thể cuốn đi…
Thứ năm, 26/3/2009, 16:36 GMT+7

Sinh thời, Trịnh Công Sơn coi trọng nhất và ham muốn dâng tặng nhất, một tấm tình chân thật cho đời, mà ông biết chắc vốn hữu hạn niềm vui và bất tận nỗi buồn. Dường như ông từng khắc khoải nghĩ: cõi dương gian sầu thảm này, chẳng qua là cõi tạm. Ở trọ chờ hết hạn.

Đời người như hạt bụi hóa thân. Vừa đủ một cõi đi về, một mai thoáng chốc lại thành cát bụi. Ngẩng lên trời, chỉ thấy trên vai vằng vặc đôi vầng nhật nguyệt. Cúi nhìn ngang mặt đất, thấy cái sống của mình hóa ra cũng chỉ vừa vặn đong đầy một cử chỉ triết học

sống trên đời cần có một tấm lòng
để làm gì, em biết không
để gió cuốn đi.

Bởi vậy, từ giai điệu tâm hồn Trịnh: cả nghĩ, đa đoan, say đắm, thâm trầm, phúc hậu, nhịn nhường, thương mến… đã cấu trúc một thế giới âm thanh lộng lẫy hào hoa, đầy ma lực, chiếm hữu ta ngay phút đầu gặp gỡ.

Vào giây phút hạnh ngộ bất ngờ ấy với nhạc Trịnh, người nghe hầu như bị choáng sốc, như sét ái tình nổ giữa trời quang tình ái. Bởi thế, nhạc Trịnh an nhiên, hồn nhiên tự tại, như tuổi thơ êm đềm, mãi mãi theo cùng ta trong cả cuộc đời dài.

Đấy là nghiệm sinh của tôi. Và có lẽ không chỉ tôi.
Ngay trong buổi đầu giao hoan và phải lòng nhạc Trịnh.

Hạnh ngộ nhạc Trịnh giữa lòng Hà Nội

Ký ức tôi còn nguyên những mảnh sáng tươi non, ươm đầy cảm giác kinh ngạc mê đắm của cái buổi ban đầu lưu luyến không thể nào quên ấy.

Với nhạc Trịnh. Trước khi với Trịnh Công Sơn.

Khắp Hà Nội, mấy năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, giữa thập niên 70, cả một thành phố, cả đám bạn thân và tôi, đều choáng váng vì nhạc Trịnh. Tiếng hát Khánh Ly từ băng ghi âm Sơn Ca 7 vừa cất lên đã làm ngây ngất trái tim những kẻ tuổi 20, vừa rời ghế giảng đường đại học, đang tuổi yêu đương và buổi đầu lập nghiệp.

Yêu mê, hát theo lập tức và để rỗng lập tức cho tâm hồn ngập tràn giai điệu nhạc Trịnh huy hoàng và chất giọng anto thoáng khê khàn, mọng chín vẻ đẹp Liêu Trai, chứa chan hoan lạc buồn của Khánh Ly.

Chỉ cần một cây ghi ta gỗ, một đêm đầy trời lấm tấm trăng sao Hà Nội thời bao cấp, luôn mất điện, chập chờn lửa nến, có bàn tay ai đó mảnh dẻ tài hoa gẩy đàn ghita gỗ, thánh thót bập bùng đệm cho giọng hát bạn bè (lúc đó đã thấm thía nhạc Trịnh, đã nghe Khánh Ly hát cả trăm lần, đã nuốt vào đáy hồn những tình khúc nồng nàn: Tình xa, Biển nhớ, Nắng thủy tinh, Ru em từng ngón xuân nồng, Dấu chân địa đàng, Thương một người, Diễm xưa, Tuổi đá buồn…), là chúng tôi có liền những đêm nhạc Trịnh huyền ảo, đơn sơ, thân mật ngay giữa lòng Hà Nội 36 phố phường.

Trong ánh hồi quang ký ức, tôi đã cùng bạn bè nghe mê man, hát say đắm tất cả ca khúc nhạc Trịnh mà vừa chạm mặt, đã phải lòng, ngay vào cái thời đầu xanh tuổi trẻ ấy.

Âm nhạc Trịnh là cả một thế giới chi chít ấn tượng tươi ròng, vừa lạ vừa quen, với nỗi buồn thân phận sâu xa trong trời đất nổi cơn gió bụi, nỗi xót thương những tàn phai, niềm tiếc nuối vô bờ vẻ đẹp thoáng qua của tình đầu không thuận thảo, với "Diễm xưa", tuổi đá buồn, đóa hồng nhung tàn héo môi hôn ngày chủ nhật, đôi vai gày thiếu nữ Huế ướt mềm ánh trăng, lướt qua ngõ nhỏ gần Tì Bà Viện của thành nội Huế, ngan ngát mưa bay đầy trời…và cất cánh lên cao, là những nghĩ ngợi vô vi, với loài sâu ngủ quên trong tóc chiều vườn địa đàng đầy gió, tiếng reo trong trẻo khe khẽ nắng thủy tinh, cùng giấc mộng hôm nay em về bàn chân buông lối ngỏ, đàn lên cung phím chờ, sầu lên lên chơi vơi. Rồi mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn…

Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, cặp đôi nhạc sĩ - ca sĩ đó đã bỗng nhiên tạo lập, bỗng chốc lay tỉnh cả một thế giới âm thanh mới mẻ đến rợn ngợp, vừa vẫy gọi xa xôi, hoang vu, vừa mở toang lộng lẫy ngay trước mắt, và không hiểu sao, đã đặt chúng tôi tức thì vào cảm giác phân vân nhị nguyên chưa từng có, với đầy lưỡng lự, lo âu, giữa đôi bờ mộng - thực, đỉnh cao - vực sâu, nhớ nhung - quên lãng, hoan lạc-khổ đau, thiên đường - địa ngục, sự sống - cái chết, thoáng chốc - vĩnh cửu…

Không thể nghi ngờ, nhạc Trịnh bỗng ám ảnh chẳng thể cưỡng chống, trở đi trở lại dai dẳng suốt đời ta, ẩn hiện trong buồn vui sướng khổ, tuyệt vọng, hi vọng, và có thể còn ám ta đến khi về cõi.

Dù Trịnh Công Sơn không biết và dường như không muốn biết sức mạnh của đóa hoa vô thường nở viên mãn trong âm nhạc chính mình. Bởi, ngay cả điều mà ông tâm niệm suốt đời: hằng sống, cốt sao có tấm lòng chân thật với đời, với người, ông cũng đành mặc lòng để gió cuốn

Nhạc Trịnh theo mãi cùng ta

Song, chẳng bao giờ gió có thể cuốn đi nhạc Trịnh, bởi sức thôi miên đã thật ghê gớm của nó. Và phải chăng nhạc Trịnh và cuộc tình sét đánh gây ra cho Hà Nội trước đó, đã dẫn dụ Trịnh phải lòng ngược Hà Nội? Giữa Trịnh Công Sơn và Hà Nội, vì thế, tự nhiên như duyên phận, đã từng hiện hữu không chỉ một mối tình.

Ta không thể biết Trịnh Công Sơn lần đầu chạm mặt, đã mến cảnh mến người, rồi phải lòng Hà Nội ra sao, khi Hà Nội đã phải lòng nhạc Trịnh trước. Chỉ biết ông từng quyến luyến Hà Nội không sao dứt ra được.
Trịnh Công Sơn tha thiết yêu mùa thu Hà Nội, hệt như thi sĩ người Hà Nội gốc Nguyễn Đình Thi từng yêu, mấy mươi năm trước: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Có điều, Trịnh yêu Hà Nội ở thời gian và không gian khác, với nỗi yêu, nỗi nhớ khác. Với Trịnh, Hà Nội là hương vị cây lá quả hoa, là màu phôi pha gió sương mái phố, là những hàng cây riêng tư chỉ mọc lên ở thành phố nằm kề sóng sông Hồng: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ. Mái ngói thâm nâu… Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai. Sẽ có một ngày mùa thu Hà Nội trả lời cho tôi? Hà Nội không trả lời, mà chỉ thì thầm thân mến: Trịnh Công Sơn đã nhớ một người Hà Nội để nhớ tất cả mọi người Hà Nội!

Đúng là cầm lòng không đậu, ngay lần đầu đến Hà Nội, Trịnh Công Sơn đã tơ vương một tiếng dương cầm thiếu nữ Hà thành tuổi Kỷ Sửu, trong khoảng nửa cuối thập kỷ 70.

Một chiều thu, cùng bạn thi sĩ lang thang Hà Nội phố, ông bỗng điếng hồn bởi tiếng dương cầm ai đó chơi nhạc Bethoven và Rachmaninov vẳng ra từ cửa sổ tầng hai ngôi biệt thự Hội Văn nghệ 51 Trần Hưng Đạo.

Giữa Sơn và thiếu nữ chơi đàn chiều muộn ấy đã nổ tung tiếng sét Hà Nội. Cuộc tình âm nhạc đó, may mắn (hay bất hạnh) thay cho cả hai, vì đã không rẽ ngang vườn trần, mà cất cánh bay thẳng lên Thiên Thai cao vời, như ca khúc "Thiên Thai" của Văn Cao, mà Kim Ngọc từng hát du dương thánh thót ảo mộng: nơi ấy, có một vườn đào dòng ngày tháng không tàn qua một lần…

Đấy là những năm đầu tinh khôi tình xa, tình sầu, tình nhớ…của Trịnh Công Sơn với Hà Nội, với em gái Hà thành và bạn hữu. Trịnh từng làm bạn vong niên với ông già Văn Cao thâm trầm, từng nhiều lần thả bộ vỉa hè khấp khểnh phố Yết Kiêu, lên thăm Văn Cao ở căn gác nhỏ số nhà 108, uống chén rượu nhạt (Văn Cao gọi đùa là "nước trắng")

Trịnh từng rơi lệ nghe Văn Cao chơi piano…bằng sức mạnh cùi chỏ, biểu thị những giai điệu bão gió bạo liệt của chính Văn Cao trên phím dương cầm. Trịnh từng tâm đắc với nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Kim Ngọc hát "Thiên Thai" như người tiên nhớ cõi trần, còn Thái Thanh hát "Thiên Thai" thổn thức run rẩy như người trần nhớ cõi tiên…

Trịnh đã ứa lệ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi khoan hòa thư thái cùng phu nhân nghe đêm nhạc Văn Cao - Trịnh Công Sơn - Phú Quang dưới vòm trần sang trọng Nhà hát Lớn Hà Nội trước đêm Noel tháng 12/994…

Vậy đấy. Nhạc Trịnh đã đi cùng, không chỉ thế hệ tôi, và không chỉ trong không gian thời gian Hà Nội. Tôi đã mang theo hành trang nhiều tình khúc đẹp vô thường của ông xa xứ, cho đến ngày từ nước Nga về định cư ở Sài Gòn năm 1992, tôi lại được đoàn tụ cùng nhạc Trịnh. Và tiếp nối nhớ thương nhạc Trịnh ngay giữa lòng Sài Gòn thương nhớ.

Khắp Sài Gòn, những năm đầu thập niên cuối thế kỷ XX, dường như chỉ thổn thức nhạc Trịnh, với nỗi nhớ quay quắt, gửi em gái đã biệt Sài Gòn nhiều năm trước, trong tình khúc dày đặc câu hỏi: ''Em còn nhớ hay em đã quên?''… ''Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ đèn đường từng đêm thao thức, nhớ nghe em hàng quán đêm đêm'', nhớ và nhớ đến nát lòng những chiều qua cầu Sài Gòn lộng gió, nhớ lá me bay, thả rơi vàng vỉa hè, nhớ con đường nằm nghe nắng mưa… Sau Khánh Ly, những ngày ấy, có lẽ phải nghe Lê Dung hát, mới thấm thía tận cõi nhạc Trịnh.

Tiếc là Lê Dung đã ra đi, chưa có CD nguyên chiếc hát nhạc Trịnh. Song, chỉ với chừng 10 ca khúc Trịnh Công Sơn mà Lê Dung hát rải rác trong các CD của Dung, có thể thấy Dung đã hát nhạc Trịnh cực kỳ tinh tế, với kỹ thuật điêu luyện của ca sĩ chuyên nghiệp.

Lối ngân rung tình tứ thảnh thơi, lên đỉnh âm thanh nhẹ như không của Dung đã làm nhẹ thênh ca từ ưu tư, khắc khoải vô thường của Trịnh Công Sơn, trong: Một cõi đi về, Hoa vàng mấy độ, Bên đời hiu quạnh… Lê Dung là ca sĩ opera ở trình độ rất cao, mới đủ nội lực dồi dào, mới thấm thía tận đáy ca từ Trịnh Công Sơn, mà có thể hát như hơi thở nhẹ (tên truyện ngắn tuyệt hay của nhà văn Nga I. Bunhin).

Một lần nữa, sau và khác Khánh Ly, nhạc Trịnh đã được hát bằng giọng ca vàng Lê Dung, với tất cả sự sang trọng của chất giọng Hà Nội, dù Lê Dung không sinh ra ở Thủ đô. Và đến Hồng Nhung, ca sĩ gốc Hà Nội, sinh cạnh hồ Tây, tên thân mật ở nhà là Bống. Sự đời đẩy đưa nước chảy, mây trôi.

Cuộc gặp âm nhạc Trịnh Công Sơn trong thập kỷ cuối đời ông, với Hồng Nhung, là chỉ định của số phận, dù Hồng Nhung chênh Trịnh Công Sơn 3 thế hệ. Đây là thế hệ buồn, vui, sướng, khổ... khác Trịnh Công Sơn. Họ đã hát khác thế hệ trước, và khóc, cũng với giọt nước mắt khác.

Khóc khác và hát khác ca sĩ đàn chị và ca sĩ cùng thế hệ, chỉ có thể là Hồng Nhung. Hồng Nhung hát nhạc Trịnh từ 1992, khi mới 22 tuổi đời, cho đến bây giờ. Càng hát càng thành công, vì đã theo con đường nghịch lý với nhạc Trịnh.

Trong thế giới ngữ nghĩa và âm thanh của ca từ Trịnh Công Sơn, như có vẻ đẹp âm tính, ẩn sâu dưới bóng rợp vô thường, mênh mang ý nghĩa triết học Phật giáo.Từ khi hạnh ngộ giọng hát Hồng Nhung, nỗi buồn âm thầm này được hóa giải ''nhẹ quá tơ tằm'', và "đoá hoa vô thường" bừng nở thành đóa hồng nhung lay nhẹ trong gió, trong nắng vàng trần thế.

Chính Hồng Nhung đã đưa nỗi buồn âm tính ấy đi về phía dương tính của cuộc sống xanh non, làm thức dậy loài sâu đã hát khúc ca cuối cùng, đã ngủ quên trong tóc chiều vốn nặng căn trong tình khúc Trịnh Công Sơn. Và cách đi về phía dương ấy thực sự đã làm ca khúc Trịnh xanh trở lại.

Bởi cõi lòng nhạc sĩ đã lắng dịu trước giọng hát mang vẻ đẹp duy lý, mãnh liệt của Hồng Nhung, với tình cảm sâu lắng và sự phong nhã huê tình, chỉ có ở giọng hát đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay đầy thương mến của Hà Nội.

Cộng thêm một định cư Sài Gòn nắng gió, giọng hát này đã cân bằng mối quan hệ đặc biệt giữa nhạc sĩ và ca sĩ, đem cho Trịnh Công Sơn ấm-áp-âm-nhạc-cuối-đời, chứ chưa chắc là tình-thường-nhật mà người nhạc sĩ tài hoa này vốn không thiếu…

Thế đấy, nhạc Trịnh gió đã chẳng thể cuốn đi, và chính nhạc Trịnh đã là cơn gió nhớ nhung cuốn tôi về lại Hà Nội sau nhiều tháng năm phiêu bạt.

Tôi nhớ ngày 19/8/2000, trên chuyến bay về lại quê nhà Hà Nội, văng vẳng Hồng Nhung thiết tha hát nhạc Trịnh, chỉ thấy nhớ và nhớ: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu… Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời...

Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Đỗ Dũng- Tiếng kèn harmonica trong đêm


Đỗ Dũng

Tiếng láu táu của một trong hai đứa con gái út chưa biết chữ của ông, thường vào giờ này nó đã ngủ lăn lóc nơi gác xép ọp ẹp, tối tăm. Tôi gai người khi cháu giải thích. Tôi thực sự bị sốc. Tôi đã nhìn thấy chiếc kèn harmonica cũ, bạc màu đâu đó một lần nhưng cho là đồ chơi của mấy đứa nhỏ.

Chưa bao giờ tôi nghĩ ông có thể sử dụng một loại nhạc cụ nào. Bản thân ông đi đâu, ở đâu, nghe nhạc cũ mới gì ông cũng nhăn mặt, lắc đầu “không thể tưởng tượng được”, khiến tôi đã lầm ông mù tịt về âm nhạc, vậy mà... Đúng là quái nhân, tôi nhủ thầm trong bụng.

Thật tình tôi đã nghĩ ông mở cassette khi tôi chợt nghe vang trong đêm một giai điệu vui vẻ, trẻ trung. Đêm ở đây rất lạnh, nhà ông lại không có cửa, không chăn mền (với tôi), trên đồi cao vắng vẻ chỉ toàn thông vi vút mấy chục mẫu, rất xa mới có nhà dân mà cũng không nhà nào có điện nên hầu như chỉ nghe tiếng lá mấy cây dại xào xạc nếu có gió.

Đúng ra tôi đã về Sài Gòn vì dự định ở chơi hai ngày thôi nhưng tận mắt thấy cái đói, cái đời sống quá khắc nghiệt không chén đĩa đũa bát, không rất nhiều thứ mà ông duy trì nghe nói từ năm bảy nhăm. (Có nhiều người đã lên cho ông đầy đủ vật dụng, tôi ngày đầu tiên cũng mua ngay xoong nồi... nhưng lúc bức xúc nóng giận là ông đập hết, mà ông thì rất nhiều bức xúc không thể tưởng tượng được). Rồi chuyện nọ chuyện kia đông tây kim cổ, giữa hai thế hệ, bốn giờ sáng chia nhau ly cà phê nhạt nghe ông rút ruột: “Sốt rét đi lấy đót, nhìn núi cao chót vót, mối sầu...lan tới ót”. Cứ thế, tôi với ông như không cần biết là bao nhiêu ngày đêm đã qua đi nữa.

Chiều hôm đó tôi quyết định mai về Sài Gòn. Tâm trí lúc ấy như đang dồn vào bữa ăn chiều, chỉ cơm, với gừng, lót lá gì đó, không có gì khác. Lúc ông nấu, tôi không để ý vì chỉ có duy nhất một cái nồi đậy vung kín mít, chốc chốc ông cẩn thận đẩy củi cho lửa cháy không to không nhỏ. Tôi không phát hiện điều gì đằng sau vẻ bồn chồn, háo hức nơi mấy đứa nhỏ đang cầm trên tay ca, nắp nhựa, ngồi xúm quanh ngọn lửa, chờ. Đến lúc ông mở nắp nồi. Tôi thiếu nước bật ngửa, một mùi thơm ngào ngạt không thể tả, không gì so sánh nổi làm tôi phải nhổm hẳn lên. “Để chú ăn, chú ăn đi...” mọi người như cùng nói nhưng loáng cái tôi đã thấy hết sạch, nhẵn không còn gì trong nồi. Tôi thì trên tay suất ăn đầu tiên vẫn chưa hết.

Đúng là đói lâu ngày mồm miệng dễ sai lạc theo chiều ca tụng, tuy thế, và chắc hẳn chả ai đòi phải công tâm vào mọi lúc, tôi không thể không thú nhận đã nhai chậm từng miếng vừa thầm cám ơn đất trời rộng lượng ưu đãi quá đáng cái thân tôi, đã cho hưởng ngay tại đây món “cơm Tây Tạng” ngon nhất trần đời. Phải có sự tinh tế hiếm có, óc quan sát sắc sảo, hiểu rõ duyên phận của những thức sẽ nấu, như ông, mới có thể qua vài thao tác không cầu kỳ, đúng lúc, chế một món ăn giản đơn thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực, cho buổi liên hoan chia tay độc nhất vô nhị.

Tôi nhớ buổi gặp đầu tiên ông đã gây ngay sự chú ý nơi tôi khi ông hỏi đột ngột lúc tôi đang bận rộn, tiếp khách khai trương công ty biểu diễn nghệ thuật dân tộc ở Sài Gòn:

- Xin lỗi, tôi hỏi thật ông, đã bao giờ ông muốn chết chưa?

Thằng cha quái dị không giống ai này ở đâu ra vậy, tôi nghĩ.

- Dạ, có chứ, cháu...

- Cháu mẹ gì, ông cứ coi tôi ngang hàng thôi, nếu gọi mày tao càng được nữa... Rồi ông hỏi tôi câu thứ hai:

- Thật sự có khi nào ông suýt chết đói chưa?

Lần này tôi ngắm ông coi đó có thật là một câu hỏi nghiêm túc hay không.

- Hơn một lần... Thế bác (à) anh lát nữa về bằng gì, chờ em lấy xe chở anh đi uống cà phê chơi...

Nhưng ông đã tự về và gửi cho tôi một ít tư liệu, một số bản photocopy từ các báo, gạch đít đoạn nói về ông, qua đường bưu điện sau đó khoảng một tháng. Tôi nhớ, có mấy dòng trong hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá ông là một trong bốn hiện tượng văn học thập niên 1960 - 1970, một nhận xét của Bửu Ý khá dài: “Ông như con tê giác luôn húc đầu về phía trước, bất kể hoàn cảnh, không tính thiệt hơn, thêm thù bớt bạn... chỉ thong dong ở chốn không người, rừng và biển”, nguyên một trang in lời ông từ những năm 1960: “... Nếu Trường Văn khoa Sài Gòn sau mười năm hay hai mươi năm có thể đào tạo ra một nhà văn đúng nghĩa, thậm chí chỉ một giáo sư thực thụ, thì tôi cam đoan sẽ vui vẻ xin chịu tội... bị chặt đầu...”. Một số bài thơ ông sáng tác thời tôi chưa sinh, trong đó có một bài tôi đọc mà tưởng không khác hồi tôi mới lớn:

Trưa đi xuống phố mua gương

Về soi bản mặt dễ thương của mình

Trần gian nhiều đứa thối ình

Thiết tha ta đứng cười tình với ta.

Một bài khiến tôi tê tái, tiếng lòng rất xa mà như ở ngay đây:

Cố Hương

Canh tàn canh lại tàn canh

Thuyền tôi đã tạt vào ghềnh xót xa

Bơ vơ tìm trở lại nhà

Chiều im lắng dưới canh gà lê thê

À ơi tiếng võng sầu quê

Buồn nghe tóc trắng ru về ban sơ.

Ám ảnh hơn, những câu thơ:

Gửi về đâu một chút tro

Kèn vang lộn mửa tiếng ò í e.
...

Một ngài Di Lặc xa xôi

Một tâm ảo tưởng tôi ngồi thâu đêm.

Lúc tôi đang nghĩ về ông như thế, chợt tôi nghe vang, bay bổng khúc hoan ca. Không gian đêm yên ả như chỉ tồn tại mỗi nỗi bức xúc chưa gỡ một phần đã như rối thêm là cái mâu thuẫn quá khứ - hiện tại của ông trong đầu tôi, bỗng nhiên, không phải bừng rạng ánh sáng nào, như ai đã đem cả mùa xuân cao nguyên, hết thảy suối, hoa, lan rừng, nương chè bạt ngàn, cà phê chín đỏ... bày một lượt ra trước mắt. Tôi lắng nghe thích thú.

- Nghe được không Dũng?

Ông ở gác xép, tay chống bậc thang gỗ hỏi xuống tôi khi bản nhạc dứt một lúc lâu.

- Nói gì nữa.

Tôi trả lời, hiểu đơn thuần ông vừa đãi tôi bản nhạc do ông sưu tầm hoặc của ai đã cho ông. Một lát, giai điệu bản nhạc quen thuộc của Dương Thiệu Tước cất lên dập dìu, xoắn xuýt. Tôi chú ý nghe hơn, nhưng vẫn nghĩ là nhạc từ cassette phát ra.

- Cha chơi kèn đó chú Dũng.

Tiếng láu táu của một trong hai đứa con gái út chưa biết chữ của ông, thường vào giờ này nó đã ngủ lăn lóc nơi gác xép ọp ẹp, tối tăm. Tôi gai người khi cháu giải thích. Tôi thực sự bị sốc. Tôi đã nhìn thấy chiếc kèn harmonica cũ, bạc màu đâu đó một lần nhưng cho là đồ chơi của mấy đứa nhỏ. Chưa bao giờ tôi nghĩ ông có thể sử dụng một loại nhạc cụ nào. Bản thân ông đi đâu, ở đâu, nghe nhạc cũ mới gì ông cũng nhăn mặt, lắc đầu “không thể tưởng tượng được”, khiến tôi đã lầm ông mù tịt về âm nhạc, vậy mà... Đúng là quái nhân, tôi nhủ thầm trong bụng. Hồi nhỏ tôi đã trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội, học sáo một thời gian rồi chiến tranh sơ tán gia đình bắt bỏ, tôi biết để thổi kèn, để chơi đúng, chưa nói hay là rất khó. Thế mà ông thổi kèn hoàn hảo, tuyệt hay cả một tác phẩm chỉ bằng chiếc kèn harmonica cũ rích.

Ngày hôm sau tôi thay đổi ý định, chưa về Sài Gòn ngay mà ở lại mấy ngày nữa. Có những khái niệm, giá trị tạo lập từ sách vở, trên giảng đường, rút ra từ truyền thống, lấy trong nhân gian tưởng đã định hình bền vững, làm thành nhân cách tôi nhưng, tất cả đã bị tiếng kèn harmonica trong đêm chặt phăng, đốn hạ, trốc gốc, tan hoang không khác cảnh tượng lâm tặc phá rừng. Phải thay đổi hết thôi, nếu muốn thực sống, cho ra hồn, tôi đã nghĩ. Chỉ có thể ở nơi tận cùng, không dính mắc, như ông “tôi sống tận cùng nỗi sống...” mới có thể kiểm soát hết thảy, tự chủ, để làm rung lên âm thanh thanh thoát đến như thế.

“Chắc chắn là thế đấy. Thông thường thế đấy. Nhưng cũng có thể là thế đấy và thế đấy. Và đôi khi là thế đấy”. Lời tâm huyết của một nhà sinh học thời Liên Xô cũ rất có uy tín trong ngành, đã làm tôi yên tâm ngày trở về.
------------------------------------------------------------------------------------

Người đàn ông thổi kèn harmonica trong truyện ký này, được Đỗ Dũng lấy từ nguyên mẫu là nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có bút danh Sao Trên Rừng. Ở miền Nam trước 1975, Nguyễn Đức Sơn đã in 9 tập thơ và tập truyện ngắn Cái chuồng khỉ. Sau 1975, ông về ẩn cư tại Đại Lão Sơn, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đời sống cơ cực nhưng tiếng kèn của ông rất thanh thoát. Theo Đỗ Dũng, tiếng kèn (hay âm nhạc) có thể giúp hóa giải một tâm hồn “Tôi chỉ có lửa / Và tịch mịch / Trong người”. (thơ N.Đ.S.)

Đoàn Thạch Biền

Nguyễn Miên Thảo- Sơn Núi


Chủ nhật, ngày 22 tháng ba năm 2009

Đám cưới Thi sĩ
NGUYỄN ĐỨC SƠN

Tình cờ tôi gặp nhà sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Bông Giấy ,vui miệng tôi bảo với sư thời trẻ tôi có thời gian sống vơi bố Nguyễn Đức Sơn hơn 1 năm ở chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một-Bình Dương. Sư Vân nghe vậy chuyễn ngay cách xưng hô gọi tôi bằng chú và tôi vẫn gọi sư Vân bằng Thầy. Tôi kể cho Sư Vân nghe một số câu chuyện về bố anh thời trẻ, là những giai thoại có thật, trong đó có chuyện Đám cưới của bố mẹ anh: Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và chị Nguyễn thị Phượng.
Nguyễn Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là …khó tính.Tính cách của ông khác người, luôn mâu thuẫn với chính mình.Tôi nghĩ sự ” va chạm “ nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt; rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng”, sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng Nguyễn Đức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ: Sau khi tập thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau : Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư, không giận, lại viết thêm một bài ca ngợi N Đ Sơn là thiên tài, mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết N Đ Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải vì được khen mà vì có cớ để chửi người khác.
Tôi kém N Đ Sơn 9 tuổi mà tính theo tuổi mụ năm nay tôi đã 64, quĩ thời gian sắp hết nên nảy ra ý định viết một số giai thoại độc đáo về N Đ Sơn mà tôi từng biết, có gì sai Sơn còn có thể bổ sung đính chính và còn kịp thời gian để …chửi. Nguyễn Đức Vân cũng khuyến khích :”Chú viết đi”

Tôi vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên năm 1960, thuê một phòng trọ ở khu Nguyễn Thông nối dài gần ga xe lửa. Một hôm vào khoảng 9 giờ sáng, một người đàn ông khoảng 30, áo quần chỉnh tề, thắt cà vạt, tay ôm một chồng sách trên 20 cuốn đến gõ cửa phòng tìm tôi (sau này tôi mới biết khi nào đi đâu N Đ Sơn cũng thắt cà vạt vì trốn lính). Anh giới thiệu là Nguyễn Đức Sơn và hỏi tôi có phải là Tụng không (Tụng là tên tục của tôi mà chỉ những người thân mới biết), thì ra do Thái Ngọc San giới thiệu. N Đ Sơn hỏi sơ tình hình ăn ở của tôi và bảo: Cậu cầm mấy cuốn sách đem bán ăn cơm tạm, ít hôm nữa moa lên đón cậu về Bình Dương. Một tuần sau anh lên đón tôi thật. Thực ra tôi biết N Đ Sơn từ trước, chỉ là chưa gặp mặt.Tôi biết anh khi tờ MẶT ĐẤT do anh chủ trương ra đời và tôi có gửi thơ nhưng chưa được đăng. Nguyễn Đức Sơn sinh sống bằng nghề dạy Anh văn, đời sống rất đạm bạc bây giờ lại thêm một miệng ăn quả là vất vả. Nhà N Đ Sơn khá rộng, không phên vách, bốn bề lộng gió, nằm trên đường Thích Quảng Đức, cách chùa Tây Tạng khoảng 300 mét. Ngôi nhà vừa là phòng học, thư viện vừa là nơi ăn ở. Học trò học với Sơn khá đông, nhưng cuối khoá học chỉ còn vài ba em nên cả hai thường đói. Chỉ cần không trả lời đúng câu hỏi hoặc làm sai bài tập là bị đuổi và đặc biệt học sinh bị đuổi được …trả lui tiền học phí đã đóng trước đó. Thế mà khoá nào học trò cũng đăng ký học rất đông. Cơm chùa thì không thiếu, cửa chùa thì rộng mở nhưng N Đ Sơn cấm tiệt không ăn cơm chùa vì đang thời gian “tìm hiểu “ cô Phượng, cháu của Hoà thượng Thích Trì Bổn. Và thế là chúng tôi trở thành những kẻ ăn trộm bất đắc dĩ và bảo đảm không bao giờ bị bắt. Ngày nào hết gạo mà hết gạo hầu như thường xuyên, Sơn rủ tôi đi dạo vườn chùa, muc đích là xem vị trí của những quả bí đao, bí ngô để chờ tối rình mò đi làm đạo chích.Thực ra hái đôi ba trái ban ngày ban mặt chẳng ai nói gì nhưng Sơn thích vậy. Bí đao hoặc bí ngô cứ rửa sạch, gọt vỏ và nấu nhừ, bỏ một chút muối và xúc ăn bằng bánh tráng. Những hôm có chút tiền Sơn đi chợ và làm đôi món ăn rất ngon, phổ biến là món xúp xương heo hầm cà rốt, khoai tây.
Cuộc tình của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967, 1968 gì đó (tôi không nhớ chính xác), N Đ Sơn nhờ tôi lên báo với Thầy Thích Thanh Tuệ in gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mươi ngày sau, đám cưới Nguyễn Đức Sơn –Nguyễn thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương.
Từ sáng sớm, môt chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ com lê màu sẫm sang trọng, đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống, đó là Đại đức Thích Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An Tiêm; Giáo sư, nhà văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp ,N Đ Sơn chào đoàn nhà trai một câu chửi: “ Đ. mẹ…mẹ thầy, thầy có biết ngày này là ngày ngày trọng đại của tôi không? “Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người đã biết N Đ Sơn là ai.
Đám cưới cử hành tại Đại điện chùa Tây Tạng,Thượng Toạ Thích Trì Bổn, trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ ở với cậu từ nhỏ), Đại đức Thích Thanh Tuệ, đại diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật,Thượng toạ Thích Trì Bổn và Đại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau, Sơn dùng miệng mum hết chân nhang, khi cắm nhang vào lư, ba cây nhang của Sơn lùn tịt, không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên, Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không đoán ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ, mặt bàn rời đặt trên cái giá 4 chân hình chữ x, Sơn và Phượng quì trươc bàn cáo tổ tiên, lạy bốn lạy, Sơn lạy thêm một lạy, trồi người tới trước, khi đứng dậy, đầu đội vào cạnh bàn, cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười, trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới, tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách, Tôi kêu lên: Sơn, làm gì vậy? Sơn vứt dao, choàng vai tôi bước ra ngoài: moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!
Từ dạo đó tôi không còn gặp Nguyễn Đức Sơn cho đến những ngày đầu tháng năm 1975, tôi gặp lại Sơn trong một ngôi chùa ở Gia Định .
Saigon 2009
NMT

Thơ Sơn Núi


Nguyễn Đức Sơn

hành động

các em hãy cùng công kênh trái đất
dang chân dài lấy thế trước hư vô
anh núp rình sợ thần thánh về xô
dành tác phẩm muôn đời to lớn nhất.

bắt đầu thở

bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc
không bao giờ anh nói dối em đâu
ôi bất động ngàn năm thân gỗ mục
cửa tồn sinh em hãy mở cho lâu.

thi sỹ

khi ý thức mặt đất này dang dở
ta vội chìm trong bóng nguyệt mang mang
khi chấp nhận một ngàn lần đổ vỡ
ta một hồn đắm đuối giữa tan hoang.

Giữa Đồi Nhạt Nắng

Tóc ai bay giữa đồi nhạt nắng

Mắt biếc ru êm cả buổi chiều

Chầm chậm buồn xa đưa héo ruột

Bóng vàng nghe tắt giữa hoang liêu

Rồi tự ngàn năm gió lên về

Mây buồn đu võng xuống sơn khê

Mưa giăng ướt cả tình xưa cũ

Ðồng vọng sầu dâng lên não nề

Lối mòn heo hút chiều sa rụng

Người ơi sao u hờn mênh mông

Bâng khuâng chân bước tìm quên lãng

Ôi dáng thu xưa trắng ngập lòng.

Nhìn Con Tập Lật

Nắm tay lật úp đi con

Co thân tròn trịa như hòn đá lăn

Muốn cho đời sống không cằn

Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

Nói Thật

Ở ăn với mẹ mày nhiều

Có trưa hộc máu có chiều trào cơm

Có đêm quẫn trí sôi đờm

Sáng ra cuộc sống quá nhờm con ơi

Ru con cha rống thấu trời

Oan khiên tan ở giữa đời cho mau

Mai Kia

Mai kia tan biến hận thù

Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông

Cha về ôm cả biển sông

Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời

Cho con cha hứa một lời

Duổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày

Thu nào tóc bạc oà bay

Có con chỉ trỏ mới hay tuổi già

Cúi hôn trời đất đậm đà

Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên

Rơ Miệng Con

Nằm yên thôi chớ vùng vằng

Để cha rơ miệng con bằng mật ong

Bẻ luôn cái lưỡi cho cong

Nói năng lấp liếm mới hòng người nghe

Mộng Vô Biên

hãy đốt đuốc hằng đêm trên trái đất

cho núi rừng và biển thẳm lung linh

các em là sáng rực cả vô minh

để anh có một nguồn vui bất tuyệt

hãy đọc kỹ hồn anh trong bóng nguyệt

các em vừa mười bốn với mười lăm

bài học gần nhưng cũng rất xa xăm

các em hãy bắt đầu yêu bụi cát

bởi trái đất là niềm kiêu hãnh nhất

dù xe đời lăn hố thẳm ngửa nghiêng

đã chết rồi bao ngưỡng vọng thiêng liêng

dù khuya vắng trời muôn sao lấp lánh

chúng đã dựng lên bao nhiêu thần thánh

ung thúi rồi dưỡng chất của chiêm bao

đêm mới về niềm hoan lạc xôn xao

ta đốt đuốc chạy dài trên trái đất

xin đừng khóc dù trăng sao sẽ tắt

nắm tay vòng các em hãy quay nhanh

lệ ứa tràn vũ trụ sáng long lanh

ta đốt đuốc soi trên bờ bụi cát

Đêm Trăng Lu

buổi tối đó bầu trời như muốn ngã

anh một mình ôm lấy bóng trăng tan

mây thấp quá và hồn anh tối quá

không chỗ nào thở được dưới trần gian

Một Sáng Hồng

tôi dừng lại giữa năm mười sáu tuổi

một sáng hồng nghe nắng rụng tan hoang

tôi nằm xuống phập phồng hai lá phổi

sao mảnh đời đang chảy bỗng khô rang

đau nhức quá trong tôi niềm tuyệt đối

nên cổi quần chạy giữa đám vi lô

tôi động cỡn nhảy kè bên khe núi

rồi ôm đầu lao thẳng xuống hư vô

Hồn Đã ủ Ngàn Năm

một buổi trưa nhớ tràn về tuổi nhỏ

ta lạnh người ôm chiếc bóng rung rinh

hồn đã ủ ngàn năm trong lá cỏ

cánh chuồn chuồn chới với giữa tâm linh

Khát Vọng

các em hãy đi tuần quanh trái đất

ôi tuổi vàng mười sáu với mười lăm

phải hoàn thành sứ mạng một trăm năm

trước khi biến tan vào trong bụi cát

nắm tay cất đại đồng ca bát ngát

ở trên đầu thần thánh với âm binh

mấy ngàn năm nguồn cội của điêu linh

chúng lảm nhảm an toàn sau bí tích

kiêu dũng nhất là con đường không đích

ta cắm đầu lao thẳng tới hư vô

ôi mộng đời cháy sém cỏ cây khô

trăng thế kỷ rừng Đông Phương sáng chiếu

Hỗn Mang

anh chắc chắn có ngày em sẽ hỏi

dù sáng hồng biển thở rất xôn xao

dù trưa vàng mây thắp sáng chiêm bao

dù đêm trắng rừng trăng đầy gió thổi

không có cách gì anh còn sống nổi

dù một đời im lặng dưới ngàn sao

Một Mình Đuổi Theo Mây Bạc Bay Trên Biển

Biển chiều còn một mình tôi

Ðuổi theo mây bạc giữa trời bao la

Thủy triều chợt rút ra xa

Bóng thanh xuân rụng ác tà sau lưng.

Tịch Mạc

Rồi mai huyệt lạnh anh về

Ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa

Trăng tà đổ bóng cây thưa

Mộng trần gian đã hái vừa chưa em.

Tôi Thấy Mây Rừng

Một ngày đau khổ chín trong tôi

Tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi

Cây thả trái sầu trên nước lắng

Mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi

Thôi nhé ngàn năm em đi qua

Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà

Trời sinh ra để chiều hôm đó

Tôi thấy mây rừng bay rất xa.

Ðêm Khơi

Lênh đênh thuyền giạt xa miền

Nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời

Trông lên thượng đế đi rồi

Hỏi mây thái cổ con người vân vi

Lối mòn cỏ một xanh rì

Ngoài ra kìa chẳng có gì nữa sao

Ðảo buồn thổi gió lao xao

Ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya.

Bọt Nước

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi

Nhìn trước nhìn sau thấy rõ ràng

Những người đi trước sầu đeo nặng

Những người đi sau sầu không tan

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi

Thấy hay hay nhưng làm sao cười

Như chuyện lớn lên rồi có vợ

Cuối đời về đất lạnh nằm xuôi

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi

Thấy vắng tan hoang ngụt đất trời

Cha mẹ anh em còn đông đủ

Mình tôi sao mối sầu không nguôi

Ngập ngừng chân bước con đường vắng

Mây trắng bay lên òa đất trời

Tôi cúi đầu nghe mình nhỏ lệ

Biết chuyện gì rồi cũng buồn thôi

Rộng biển trời ơi cái chán chường

Nhạt phèo cả những mối sầu vương

Ôi từng đêm thức nghe xa vắng

Về ngập trong hồn tự bốn phương

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi

Ðôi lúc còn mơ chuyện trên trời

Ðôi lúc còn buồn chuyện xa xôi

Khi biết trước sẽ lui về hủy diệt

Vẫn biết thương nếu cha mẹ chết

Vẫn thấy sầu khi nhớ người yêu

Nhưng tình tôi thì vẫn không đều

Biết sao được hỡi người tôi mến

Vâng tình tôi thì cũng không nhiều

Coi tất cả chỉ là bọt nước

Vâng tất cả chỉ là bọt nước.

Nguyễn Đức Sơn

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Tương Phố

Nữ Sĩ Tương Phố (1900 - 1973)

MỘT MẢNH TÌNH SÂU

Lê Quang Kết

Sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của nữ sĩ Tương Phố được ký thác vào tập thơ “ Mưa gió sông Tương”. Hơn 30 năm - khoảng từ 1915 đến gần 1949, với 36 bài thơ chỉ viết về một đề tài, chỉ viết với một tấm lòng và chỉ viết cho một người - đó là chồng bà: Bác sĩ Thái Văn Du - dù rằng ông đã ra người thiên cổ từ năm 1918. Lâu nay nhắc đến nữ sĩ, nhiều người đã nói nhiều đến Giọt lệ thu - ít đề cập đến “ Mưa gió sông Tương”- tập thơ là nỗi buồn âm thầm trọn kiếp vô vàn thương cảm của nữ sĩ- Người mà theo nhà phê bình Vũ Ngọc Phan: “…Nếu đem so sánh Đông Hồ và Tương Phố - hai người cùng là bỉnh bút cuả tạp chí Nam Phong - người ta thấy ông Đông Hồ là tay thợ thơ còn thơ Tương Phố mới thật có tâm hồn thi sĩ…”(1,176-177)

Mưa gió sông Tương, cuốn nhật ký tâm hồn của người vợ khóc chồng - là nỗi nhớ nhung, lo âu, mong đợi, thương xót và khát khao khiến bao người đã phải rơi lệ. Phần đầu là Những ngày xa nhau, những bài thơ ra đời khi chồng bà đang du học ở Pháp còn bà rời tổ ấm uyên ương đất Phan Thiết quay về Thất Khê ( Lạng Sơn) nuôi con chờ chồng: “ Con còn trong cữ chưa se rốn, vợ qua bể cạn chưa hoàn hồn, anh đã vội vàng dứt áo ra đi…”, nữ sĩ tâm sự:

Ước gì em hóa kiếp chim,

Trời Tây muôn dặm bay tìm gặp em.

Véo von nhẩy hót bên mình,

Vì anh khuây khỏa mối tình gia hương.

( Thất Khê,1916)

Mơ ước hóa kiếp chim bằng bay đi tìm chồng. Nhớ mong , lòng nàng se thắt “ Tin xuân điểm, đào hoa mai nụ, trượng phu còn lần lữa góc trời

Mùa sen năm ấy anh đi,

Quyên ca, ca khúc biệt ly não nùng.

Sen tàn mấy độ điểm bông,

Nào đâu người khách tang bồng năm xưa?

( Thất Khê, mùa sen 1918)

Từ Paris hoa lệ, mắc bệnh nan y- Bác sĩ Thái Văn Du trở về Huế, chưa kịp gặp lại vợ con đã ra người thiên cổ: “ Ôi tin đâu xé ruột xé lòng!...Mảnh giấy xanh đưa đến tận nơi: Ngày hai mươi nhăm tháng bảy năm Canh thân là ngày anh tạ đất tạ trời, cướp công cha mẹ, dứt tình vợ con, lìa rẽ anh em, chia đường kim cổ. Một gánh đời trút cả cho người ở lại…”. Phần tiếp theo Những ngày mất nhau là giọt lệ thương đau của người vợ trẻ, mất chồng lúc vừa chớm đôi chín.Niềm mơ ước trùng phùng đoàn viên phút chốc tan tành mây khói. Đọc Tự tình của Tương Phố nghe âm hưởng khúc Chinh phụ xưa:

Nỗi đau đớn riêng lòng này biết,

Khóc lên cho thảm thiết vang trời,

Trời làm chi hỡi trời ơi!

Nỡ đem sinh tử não người thế gian

( Tự tình, 1920)

Tự ngôn của cụ Thương Chi- Phạm Quỳnh viết trên Nam Phong tạp chí khi cho đăng Giọt lệ thu: “Vẫn biết tình thâm thì giọng thiết, nỗi nhớ thì lời đau, nhưng tấm lòng ngổn ngang, cũng phải có lời nói sẵn sàng mới thổ lộ ra được…”. Thật vậy, người quả phụ giờ đây:

Canh khuya tỉnh giấc hai hàng lệ,

Vừa năm kia, mất mẹ chưa khuây.

Áo khăn tang tóc còn đây,

Chưa xong tang mẹ lại ngay tang chồng.

( Tự tình, 1920)

Bất hạnh đẩy người thiếu phụ đến tuyệt vọng, những ước muốn khát khaoyêu thương chăn gối giờ chỉ còn là mộng ảo. Chinh phụ thuở xưa đợi chờ còn nuôi chút hy vọng đoàn viên: “ Liên ngâm đối ẩm đòi phen/ Cùng chàng lại kết mối duyên đến già/ Cho bỏ lúc sầu xa cách nhớ/ Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình…”. Nữ sĩ Tương Phố thì:

Con ơi biết tìm đâu cha nữa,

Khoảng đất trời cha ở con đi.

Từ đây thôi nói năng chi

Non buồn nước lạnh người đi không về…

(Tự tình, 1920)

Phần cuối Mưa gió sông Tương - Đã mất nhau rồi lại mất nhau , nữ sĩ Giọt lệ thu thổn thức: “Từ đây về sau lại là những giọt nước mắt âm thầm của người thiếu phụ trên bến Tương giang ; sau những ngày mưa gió sầu thảm, sông Tương lại cất cánh buồm ra đi…”. Cuộc đời thật là oái oăm với nữ sĩ Mưa gió sông Tương: Tương phố đã tái giá. Vậy mối lệ khóc chồng có còn là giọt lệ chung tình nữa hay không?

Tái tiếu sâu ngâm và Khúc thu hận – cả hai bài đều được sáng tác ở thời kỳ “ Rồi lại mất nhau này”. Vũ Ngọc Khoan xem là “tuyệt xướng”- một số câu thơ trong Khúc thu hận không khác gì những câu trong Chinh phụ ngâm , “Không kém gì những câu hay nhất của Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều”(1,181).

Thuyền ai não khách ôm cầm,

Dây tơ dìu dặt âm thầm tiếng tơ.

Khúc thành lệ ứa như mưa,

Cảm xoang điệu cũ bao giờ cho thôi.

Thân này đôi dẫu đủ đôi,

Lòng này riêng vẫn lẻ loi tấm lòng!

Theo duyên ân ái đèo bồng

Trăm năm vẫn một khúc lòng bi thương.

(Tái tiếu sầu ngâm, 1925)

Tâm tư tan nát, nữ sĩ đàng nghe lời cha “ Bước chân ra cho yên bụng cha già. Bước chân ra cho khỏi lụy gia đình. Nhưng anh ơi! Một vâng lời chết mấy tầng ruột gan”. Xưa kia Kim Thánh Thán đã phải quỳ sụp vái lạy thinh không khi nghe một dòng thơ tâm cảm ; Tương Phố viết ra lời

Này bằng cả trái tim và nước mắt - hỏi ai không chạnh lòng?

Khăn lệ cũ chan hòa lệ mới,

Mối sầu xưa chắp nối sầu nay.

Tân sầu cựu hận bao khuây,

Nắng sương một góc mai gầy thảm thương.

(Khúc thu hận, 1931)

“ Tái giá làm bạn với Phạm Công( Tuần phủ Phạm Khắc Khánh), tròn hai mươi năm, sống ngoài chăn gối”, nữ sĩ vẫn thủy chung như nhất với người chồng mệnh yểu :

Khóc nhau, dễ gặp nhau đâu nữa,

Tìm nhau đành tìm ở chốn này.

Tro vàng lẫn khói hương bay,

Tro tàn khói tỏa, bao khuây ân tình.

(Bình hương lỗi nguyện, 1939)

Một nét đẹp tính cách của người phụ nữ Việt Nam- đó là sự nhu thuận trong quan hệ gia đình: Con cái vâng lời cha mẹ, vợ một mực yêu thương chồng, nàng dâu giữ phẩm hạnh thờ chồng nuôi con. Lần giở trang đời trang văn Tương phố, chúng ta thấy sự nhu thuận ấy trước sau là một. Tình yêu sâu nặng đối với chồng không gì sánh nổi, vâng lời cha và gia đình nữ sĩ gạt lệ bước thêm bước nữa, và cho tới những năm cuối đời nữ sĩ vẫn sống dung dị bên đứa con trai duy nhất là anh Thái Văn Châu ở Đà Lạt.

Thành công về nghệ thuật của Mưa gió sông Tương là sử dụng thuần thục thể lục bát và song thất lục bát- hai thể thơ có nguồn gốc dân tộc. Đó đây trong văn phẩm Tương Phố vẫn bắt gặp những bài thất ngôn nhưng đọc lên nghe thô, khô khan và thiếu cảm xúc.

Những câu lục bát của bà mộc mạc, giản dị nhưng giàu nhạc điệu, hình ảnh:

Sương thu là giọt lệ này,

Sầu thu là ngọn gió may lạnh lùng.

Đàn xưa này sợ tơ lòng,

Ôm cầm thu dạo trăm vòng tơ vương

(Ôm cầm)

Vỏ ngữ âm sáu tám du dương, dìu dặt đã tạo sức cuốn hút và tăng vẻ sầu cảm cho người đọc người nghe:

Cánh buồm theo ngọn gió đưa,

Bên sông năm ấy ai chời chờ ai.

Người đi đi nữa đi hoài,

Bến xưa trở lại ngậm ngùi tình xưa.

Những câu lục bát tả cảnh thiên nhiên ủ dột, sầu thảm “ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Trông về lối cũ Bình Hương,

Sông quanh chín khúc đoạn trường quặn đau.

Non cao thẳm ngất non sầu,

Cảnh xưa ai vẽ nên mầu thê lương.

( Tái tiếu sầu ngâm)

Đặc biệt hơn ở Mưa gió sông Tương là việc dùng thể thơ song thất lục bát- thể này giàu nhạc điệu hơn ở các thanh trắc hai dòng thất. Thể thơ này đậm đà chất thơ ca truyền thống của các khúc ngâm trữ tình được quảng đại quần chúng tán thưởng, truyền tụng như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Ai tư vãn, Tự tình khúc, Khóc Dương Khuê. Viết Mưa gió sông Tương ít nhiều Tương Phố đã làm sống lại nỗi buồn chinh phụ trong văn học quá khứ.

Chàng đi buổi thu sơ năm ấy

Thu nay về nào thấy chàng về

Chàng đi đi chẳng trở về,

Thu về thiếp những tê mê dạ sầu

( Khúc thu hận)

Nỗi ly hận mây chiều gió sớm,

Tình tương khoảng vắng canh trường

Gió mưa tâm sự thê lương

Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây.

(Khúc thu hận)

Ngày nay đọc thơ văn Tương Phố, nhiều người lo cho “ cái thê lương, áo não khiến bi lụy tâm hồn”(2). Nói như vậy quả không công bằng với thi nhân và văn chương chút nào? Người đương thời đã đọc Tương Phố trong sự thấu hiểu, đồng cảm và đã tôn vinh bà là nữ sĩ. Tương Phố đã góp vào dòng văn học nước nhà 30 năm đầu thế kỷ XX những dòng văn trang thơ thấm đẫm nước mắt của một tình yêu đau thương nhưng đích thực, chân chính của người vợ khóc chồng.

Giáo sư Lê Đình Kỵ trong lời cuối sách khi cho tái bản tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh- Hoài Chân đã khẳng định : “Về nguyên tắc, không có duyên cớ gì để gạt cái buồn ra khỏi văn học…” Mưa gió sông Tương …Một mảnh tình sâu…

lequangket54@yahoo.com.vn

(1). Vũ Ngọc Phan : Nhà văn hiện đại, quyển nhất, Nxb Thăng Long tái bản, Sài Gòn 1960

(2). Hoài Thanh và Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, Nxb Thăng Long tái bản, Sài Gòn 1959

Thơ Nguyễn Đức Vân



Chùm thơ Nguyễn Đức Vân

CHÂN DUNG TÔI
Ai khinh tôi
Tôi không khinh ai
Tài tôi có
Óc tôi teo
Như thằng tèo đi bán dưa leo…

NGƯỜI Ở GIỮA
Trước vẻ đẹp lồ lồ
Khi em thoát xiêm y
Thế giới này buông súng
Có mấy đứa giơ súng quá cao là đồ tầm bậy
Riêng tôi
Thật lúng túng
Trước ung dung đi…về…

LÀM LẠI
Ta làm lại một ngày mai
Ta làm lại một đêm dài tối tăm
Ta làm lại một trăm năm
Ta làm lại một ngàn năm điên cuồng
Ta làm lại hết cả luôn
Nhưng không làm lại nỗi buồn héo hon

TIẾNG VỌNG GÀ RỪNG
Sáng nay có con gà rừng về đây gáy
Tiếng nó cất lên sao quá thanh
Như từ vô lượng trong lành ngân ra…

VÔ LƯỢNG ĐẤT TRỚI
Trên trời có đường không
Sao nước mưa ngọt thế
Dưới đất có lòng ai
Sao hoa nở khắp rừng

Nhiều lúc tôi rưng rưng
Nghĩ nhiều về vô lượng
Nào hoa trái mênh mông
Rau quế, rau húng thơm
Cây mắc cỡ đang yên
Làn gió đùa khép nép…

Chiều nay đang vun khoai
Chợt thấy lòng ríu rít
Bỗng quăng đại cái cuốc
Hát múa đến tối mò
Mới bò vô nấu cơm
Ta nấu cơm ngon quá
Ăn xong vẫn khát thèm
Nên liếm luôn cả bát.

ĐẤT TRỜI CA
Đêm ấy đất trời giao hòa nhau
Vầng dương luênh loáng những hiên màu
Các em chim chóc về ca hát
Sao nhảy đầy trời trẩy hội theo
Anh công rê cánh múa hay thế
Chàng dế ngân lên chút điệu buồn
Chuồn chuồn chao cánh nghiêng nghiêng xuống
Khỉ ở trong rừng cũng chạy ra
Bắt đầu xây dựng cái bao la

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

ĐỒNG KHÁNH NGÀY XƯA...

Đồng Khánh ngày xưa...
Lê Quang Kết

Nhiều người Huế ngày trước thuờng ngâm nga câu hát: “ Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu tan buổi học rồi?/ Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao/ Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba/ Cô về Vĩ Dạ hay ngược Kim Luông/ … Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày đó có lẽ yêu một nàng Đồng Khánh da diết mới viết ra những dòng lãng mạn và yêu thương đến thế! Đồng Khánh ngày xưa…Ôi chao! đẹp lắm, hay lắm, lạ lắm, thơ mộng lắm, tuyệt vời lắm…Đồng Khánh ngày xưa…đã níu chân biết bao lãng tử - biết bao chàng trai hào hoa, lịch lãm trong Nam ngoài Bắc.

Trường ra đời từ năm 1917- mang tên một ông vua triều Nguyễn mệnh yểu Đồng Khánh(1885-1888)- chỉ trị vì có ba năm thì mất. Thầy Tôn Thất Bình nói với dân Văn khoa chuyện cũ cung đình: Vua Đồng Khánh hay chú ý ngoại diện, thường chăm sóc trang điểm -có tới năm cung nữ chải chuốt bộ móng tay, thay quần áo, thoa dầu thơm, vấn khăn lụa…Có phải vì thế mà tên trường được đặt là Đồng Khánh? Đúng thế không biết! Sau này người ta bảo ông vua nhu nhược- chấp nhận sự đô hộ của người Pháp, phải đổi tên trường- có lúc là Trưng Trắc và giờ đây tên gọi là Hai Bà Trưng. Cách đây hai năm Đồng Khánh tròn chín mươi năm - một chặng dài của bao biến động lịch sử - một khoảng lặng của bao tâm hồn thiếu nữ khi nhớ về trường xưa tình cũ. Chị họ tôi - năm nay đã ngoài 70, học Đồng Khánh từ thuở thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Mắt chị đã mờ- vậy mà ngày nào cũng giở tập lưu bút, mân mê chiếc áo dài trắng cũ sờn vai và tập bưu ảnh nhập nhòa của một thời nữ sinh nhiều mơ mộng. Giọng từ tốn chậm rãi như các mệ trong tam cung lục viện xưa - chị đăm đăm nhìn phía xa xăm : “ Nữ sinh giờ chán lắm, không bằng chút cheo tụi tao Đồng Khánh Huế ngày xưa…”. Rồi chị thâm trầm: “Thầy dạy văn năm đệ nhị đã gieo vào lòng tình yêu văn chương cho chị và cả gia đình - không có thầy chị chẳng biết chi mô… Câu chuyện ngày xưa Trang Tử, cơ nghiệp thiêu rồi ngồi gõ khúc bồn ca…hay là một Thánh thi Cao Bá Quát khinh thế ngạo mạn - một Bà Huyện Thanh Quan quý tộc, đài các - một Hồng Hà nữ sĩ với bản dịch Chinh phụ ngâm tuyệt tác- ai đọc rồi chẳng cần cất công đi tìm nguyên tác…Hiệu trưởng trường Đồng Khánh ngày ấy - cô Thân Thị Giáng Châu- đối với chị là một phụ nữ tuyệt vời- thần tượng cho cả thế hệ chị và lớp lớp phụ nữ thời ấy…”

Tôi học Hàm Nghi- vốn là trường Quốc Tử Giám trong Thành Nội. Ngày đó nam nữ học riêng. Chỉ có một số trường sau này như: Kiểu Mẫu, Gia Hội và các trường tư mới có chuyện nam nữ chung lớp. Ai trong lứa chúng tôi cũng mơ được làm quen với một nàng Đồng Khánh- coi đó là niềm hãnh diện, tự hào để khoe với bạn bè khi cao hứng. Điều này quả là chuyện khó, mấy nàng Đồng Khánh lạnh như băng – thâm trầm như biển sâu - nói như anh Mường Mán: “ Tội tui lắm! cách cho vài bước/ Đừng đi gần hai đứa sóng đôi/ Xa xa cho kẻo bạn tui cười/ Mai vô lớp cả trường dị nghị…”. Xứ Huế lưới trời lồng lộng, yêu lắm cũng chỉ để trong lòng - không dám mô - họa chăng chỉ là lá thư vụng về và bài thơ viết dở. Có chị Vĩnh Liêm- Đồng Khánh(1957-1964) qua đò Thừa Phủ hai buổi đi về. Chuyện rằng: Có chàng Quốc Học “bốn mắt” để ý chị từ lâu nhưng chẳng dám ngõ lời. Có hôm vừa tới bến - đò đã chống sào, chàng chỉ chờ đợi có thế để đưa tay cho chị bắt, chỉ việc nhảy xuống đò là có thể kịp buổi học. Nhưng không “nam nữ thọ thọ bất thân” nên đành ngậm ngùi, bất lực trông theo con đò rời bến- đành chấp nhận trễ buổi học và tất nhiên là hôm đó chị bị phạt cấm túc tới mấy buổi. Sau này chị Liêm bảo: “Sau bao thăng trầm bể dâu nếm đủ mùi vị ngọt bùi cay đắng của cuộc đời, nhớ về kỷ niệm xưa, tui tự trách mình sao quá vô tình trước một tấm lòng. Những lúc buồn tui để hồn bồng bềnh trôi theo dòng Hương giang, ghé lại bến bờ cũ. Ký ức bỗng hiện lên hình ảnh một nữ sinh áo trắng tóc thề đội nón bài thơ có quai ruy băng tím và anh chàng thi sĩ bốn mắt đang đưa tay ra chực nắm tay cô. Một niềm hạnh phúc nho nhỏ chợt đến, tui mỉm cười và triết lý một mình: Ừ nhỉ, thời gian cũng có hai chiều…”

Bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư được nhiều người thích nhưng lớp nữ sinh Đồng Khánh ngày ấy tâm đắc nhất: “ Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ Chim non dấu mỏ/ Dưới cội hoa vàng…Anh đi theo hoài/ Gót giầy thầm lặng/ Đường chiều úa nắng/ Mưa nhẹ bâng khuâng…”. Bài thơ chưa kịp phổ nhạc(nhạc sĩ Phạm Duy)đã được chép tay chuyền nhau và nằm ở trang vở đẹp nhất trong cặp sách của các nàng nữ sinh Đồng Khánh. Danh từ riêng Hoàng Thị đã thành danh từ chung cho những cặp đôi học trò đưa nhau về mỗi buổi tan trường nơi xứ Huế mộng mơ… Bữa nớ chàng nào hoàng thị mi rứa? Ngày qua tao thấy mi hoàng thị đó nghe? Chàng và nàng hoàng thị đẹp đôi ghê?Tao méc cho coi- hôm nớ mi và cái anh trắng trắng hiền hiền hoàng thị đó nghe… Không biết chị Ngọ có còn không, giờ đang nơi đâu, nghĩ gì về câu chuyện hoàng thị thuở xưa? Gần đây có người nhận mình là chàng trai đã làm quen với chị những năm Sài Gòn cũ - một Nguyễn Quang Minh nào đó của những năm 1963,1964…Anh Minh ơi! Ngày ấy phải có tới hàng ngàn ngàn chàng trai xứ Huế làm thơ gởi chị Ngọ- mong mình được là Phạm Thiên Thư để được hoàng thị với cô nàng Đồng Khánh trong mơ. Chao ôi, tình yêu tuổi học trò sao mà đẹp thế, hồn nhiên thế, mơ mộng đến thế!?

Mối tình học trò nhiều hoa mộng. Yêu em từ dạo ấy, thuở Đồng Khánh ngày xưa, tình yêu mong manh nhưng trong sáng- đẹp như ánh pha lê. Tan trường, áo dài tung bay trong gió, tập vở ôm nghiêng, mưa Huế lất phất, em dịu dàng nhẹ bước. Có chàng trai lẳng lặng theo sau, từng ngày từng ngày trôi qua, chẳng dám ngỏ lời, chỉ dám tặng em chùm hoa nhỏ. Cô ép vội cành hoa vào trang vở và môi nở nụ cười bâng khuâng…Mùa hạ tới rồi thu sang mang theo nỗi buồn- chàng lên đường nhập ngũ, con đường kỷ niệm xưa nhạt nhòa trong ký ức…Một ngày nào chàng trở lại con đường xưa, lang thang tìm lại dấu chân của ngày tháng cũ nhưng quanh chỉ còn lại những dư âm nghẹn ngào, anh nghe tiếng lòng ngẩn ngơ, nuối tiếc: “ Mười năm rồi Ngọ/ tình cờ qua đây/ cây xưa vẫn gầy/ phơi nghiêng ráng đỏ/áo em ngày nọ/ phai nhạt mấy màu?/ chân tìm theo nhau/ còn là vang vọng/ đời như biển động/ xóa dấu ngày qua”. Lời thơ và ca khúc vang lên giai điệu cuối: “Ai mang bụi đỏ đi rồi…”. Thế mà âm vang trong chàng vẫn còn vọng lại:… Em tan trường về, em tan trường về… Dễ thương lắm, man mác lắm, tha thiết lắm người ơi…

Lục lọi trong thư tịch cổ, một người Pháp sống ở Huế thời bảo hộ đã có một phát ngôn thú vị: “Huế là nơi cái chết mỉm cười, vui tươi thổn thức” ( Le deil sourit, la joie soupire). Đó là nơi thanh thản dạo chơi trên lăng tẩm cung đình triều Nguyễn nếu người lữ khách mệt mỏi lo toan, nhưng lại là điệu buồn ai oán nếu du khách thả hồn theo làn điệu ca Huế trên dòng Hương. Quả là một nhận xét khá độc đáo. Ngược dòng lịch sử, Huế là đất một chuyện tình - gắn với số phận lênh đênh của nàng công chúa dưới thời Trần- Huyền Trân. Năm 1306, cô ngàn dặm ra đi theo Chiêm vương Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Rí. Xin với Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất Thuận hóa, Chúa Nguyễn Hoàng trong lần tuần du trên xứ Hà Khê đã được nữ thần phán bảo: Hãy thắp lên nén nhang xuôi dòng Hương từ Thiên Mụ về, nhang tàn sẽ là đất thiêng nơi dựng đế nghiệp… Dưới triều đại Hoàng đế Quang Trung, Huế lại đón nhận thêm một vị công chúa từ đất Thăng Long thanh lịch của nhà Lê về Phú Xuân làm Bắc cung Hoàng hậu, và cũng nơi này - khúc “ Ai tư vãn” khóc người anh hùng áo vải cờ đào nổi tiếng của bà đã ra đời…Hình như là thế. Đất Huế gắn chặt với huyền thoại và số phận của những phụ nữ tài hoa mệnh bạc. Đến thời hiện đại trước 1975, một huyền thoại mới đầy huyền hoặc thơ mộng lại xuất hiện trên đất Huế- nữ sinh Đồng Khánh. Tan trường áo trắng tung bay, tóc thề trước gió, vành nón nghiêng che trắng cả bến đò Thừa Phủ và Tràng Tiền mười hai nhịp. Tất cả đã làm nên một xứ Huế diệu kỳ.

Ngôi trường mang tên Đồng Khánh đã bất tử trong lòng những ai yêu Huế, hiểu Huế. Đi tới nơi mô những thế hệ Đồng Khánh ngày xưa vẫn mang trong lòng nỗi nhớ khôn nguôi. Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ… và ở nước ngoài : Pháp, Mỹ, Canada, Anh, Úc… đâu đâu cũng hội hè ái hữu Đồng Khánh- chuyện xưa Đồng Khánh. Nhiều chị nhiều nàng tự nguyện xin được vào hội dù chẳng phải Đồng Khánh ngày xưa…Họ vẫn hồn nhiên nhưng đau đáu về một thời thiếu nữ thầm lặng mối tình đầu.

Đồng Khánh ngày xưa.. là một thế giới huyễn hoặc của riêng Huế, của cô gái Huế. Tên gọi Đồng Khánh đã không còn, con đò Thừa Phủ đã thuộc về kỷ niệm, những tà áo trắng tinh khôi thuở ấy đã thuộc về dĩ vãng…Tìm đâu bóng dáng những Chiêm nương váy tím cỏ hoa lau lách nguyên sơ với man điệu buồn. Tìm đâu ngọn nguồn mối tình Khắc Chung- Huyền Trân rỉ máu…Thôi thì … thôi thì…nói như chàng Trịnh -nhạc sĩ của đất Huế đẹp và thơ : Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…
lequangket54@yahoo.com.vn