Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Tương Phố

Nữ Sĩ Tương Phố (1900 - 1973)

MỘT MẢNH TÌNH SÂU

Lê Quang Kết

Sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của nữ sĩ Tương Phố được ký thác vào tập thơ “ Mưa gió sông Tương”. Hơn 30 năm - khoảng từ 1915 đến gần 1949, với 36 bài thơ chỉ viết về một đề tài, chỉ viết với một tấm lòng và chỉ viết cho một người - đó là chồng bà: Bác sĩ Thái Văn Du - dù rằng ông đã ra người thiên cổ từ năm 1918. Lâu nay nhắc đến nữ sĩ, nhiều người đã nói nhiều đến Giọt lệ thu - ít đề cập đến “ Mưa gió sông Tương”- tập thơ là nỗi buồn âm thầm trọn kiếp vô vàn thương cảm của nữ sĩ- Người mà theo nhà phê bình Vũ Ngọc Phan: “…Nếu đem so sánh Đông Hồ và Tương Phố - hai người cùng là bỉnh bút cuả tạp chí Nam Phong - người ta thấy ông Đông Hồ là tay thợ thơ còn thơ Tương Phố mới thật có tâm hồn thi sĩ…”(1,176-177)

Mưa gió sông Tương, cuốn nhật ký tâm hồn của người vợ khóc chồng - là nỗi nhớ nhung, lo âu, mong đợi, thương xót và khát khao khiến bao người đã phải rơi lệ. Phần đầu là Những ngày xa nhau, những bài thơ ra đời khi chồng bà đang du học ở Pháp còn bà rời tổ ấm uyên ương đất Phan Thiết quay về Thất Khê ( Lạng Sơn) nuôi con chờ chồng: “ Con còn trong cữ chưa se rốn, vợ qua bể cạn chưa hoàn hồn, anh đã vội vàng dứt áo ra đi…”, nữ sĩ tâm sự:

Ước gì em hóa kiếp chim,

Trời Tây muôn dặm bay tìm gặp em.

Véo von nhẩy hót bên mình,

Vì anh khuây khỏa mối tình gia hương.

( Thất Khê,1916)

Mơ ước hóa kiếp chim bằng bay đi tìm chồng. Nhớ mong , lòng nàng se thắt “ Tin xuân điểm, đào hoa mai nụ, trượng phu còn lần lữa góc trời

Mùa sen năm ấy anh đi,

Quyên ca, ca khúc biệt ly não nùng.

Sen tàn mấy độ điểm bông,

Nào đâu người khách tang bồng năm xưa?

( Thất Khê, mùa sen 1918)

Từ Paris hoa lệ, mắc bệnh nan y- Bác sĩ Thái Văn Du trở về Huế, chưa kịp gặp lại vợ con đã ra người thiên cổ: “ Ôi tin đâu xé ruột xé lòng!...Mảnh giấy xanh đưa đến tận nơi: Ngày hai mươi nhăm tháng bảy năm Canh thân là ngày anh tạ đất tạ trời, cướp công cha mẹ, dứt tình vợ con, lìa rẽ anh em, chia đường kim cổ. Một gánh đời trút cả cho người ở lại…”. Phần tiếp theo Những ngày mất nhau là giọt lệ thương đau của người vợ trẻ, mất chồng lúc vừa chớm đôi chín.Niềm mơ ước trùng phùng đoàn viên phút chốc tan tành mây khói. Đọc Tự tình của Tương Phố nghe âm hưởng khúc Chinh phụ xưa:

Nỗi đau đớn riêng lòng này biết,

Khóc lên cho thảm thiết vang trời,

Trời làm chi hỡi trời ơi!

Nỡ đem sinh tử não người thế gian

( Tự tình, 1920)

Tự ngôn của cụ Thương Chi- Phạm Quỳnh viết trên Nam Phong tạp chí khi cho đăng Giọt lệ thu: “Vẫn biết tình thâm thì giọng thiết, nỗi nhớ thì lời đau, nhưng tấm lòng ngổn ngang, cũng phải có lời nói sẵn sàng mới thổ lộ ra được…”. Thật vậy, người quả phụ giờ đây:

Canh khuya tỉnh giấc hai hàng lệ,

Vừa năm kia, mất mẹ chưa khuây.

Áo khăn tang tóc còn đây,

Chưa xong tang mẹ lại ngay tang chồng.

( Tự tình, 1920)

Bất hạnh đẩy người thiếu phụ đến tuyệt vọng, những ước muốn khát khaoyêu thương chăn gối giờ chỉ còn là mộng ảo. Chinh phụ thuở xưa đợi chờ còn nuôi chút hy vọng đoàn viên: “ Liên ngâm đối ẩm đòi phen/ Cùng chàng lại kết mối duyên đến già/ Cho bỏ lúc sầu xa cách nhớ/ Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình…”. Nữ sĩ Tương Phố thì:

Con ơi biết tìm đâu cha nữa,

Khoảng đất trời cha ở con đi.

Từ đây thôi nói năng chi

Non buồn nước lạnh người đi không về…

(Tự tình, 1920)

Phần cuối Mưa gió sông Tương - Đã mất nhau rồi lại mất nhau , nữ sĩ Giọt lệ thu thổn thức: “Từ đây về sau lại là những giọt nước mắt âm thầm của người thiếu phụ trên bến Tương giang ; sau những ngày mưa gió sầu thảm, sông Tương lại cất cánh buồm ra đi…”. Cuộc đời thật là oái oăm với nữ sĩ Mưa gió sông Tương: Tương phố đã tái giá. Vậy mối lệ khóc chồng có còn là giọt lệ chung tình nữa hay không?

Tái tiếu sâu ngâm và Khúc thu hận – cả hai bài đều được sáng tác ở thời kỳ “ Rồi lại mất nhau này”. Vũ Ngọc Khoan xem là “tuyệt xướng”- một số câu thơ trong Khúc thu hận không khác gì những câu trong Chinh phụ ngâm , “Không kém gì những câu hay nhất của Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều”(1,181).

Thuyền ai não khách ôm cầm,

Dây tơ dìu dặt âm thầm tiếng tơ.

Khúc thành lệ ứa như mưa,

Cảm xoang điệu cũ bao giờ cho thôi.

Thân này đôi dẫu đủ đôi,

Lòng này riêng vẫn lẻ loi tấm lòng!

Theo duyên ân ái đèo bồng

Trăm năm vẫn một khúc lòng bi thương.

(Tái tiếu sầu ngâm, 1925)

Tâm tư tan nát, nữ sĩ đàng nghe lời cha “ Bước chân ra cho yên bụng cha già. Bước chân ra cho khỏi lụy gia đình. Nhưng anh ơi! Một vâng lời chết mấy tầng ruột gan”. Xưa kia Kim Thánh Thán đã phải quỳ sụp vái lạy thinh không khi nghe một dòng thơ tâm cảm ; Tương Phố viết ra lời

Này bằng cả trái tim và nước mắt - hỏi ai không chạnh lòng?

Khăn lệ cũ chan hòa lệ mới,

Mối sầu xưa chắp nối sầu nay.

Tân sầu cựu hận bao khuây,

Nắng sương một góc mai gầy thảm thương.

(Khúc thu hận, 1931)

“ Tái giá làm bạn với Phạm Công( Tuần phủ Phạm Khắc Khánh), tròn hai mươi năm, sống ngoài chăn gối”, nữ sĩ vẫn thủy chung như nhất với người chồng mệnh yểu :

Khóc nhau, dễ gặp nhau đâu nữa,

Tìm nhau đành tìm ở chốn này.

Tro vàng lẫn khói hương bay,

Tro tàn khói tỏa, bao khuây ân tình.

(Bình hương lỗi nguyện, 1939)

Một nét đẹp tính cách của người phụ nữ Việt Nam- đó là sự nhu thuận trong quan hệ gia đình: Con cái vâng lời cha mẹ, vợ một mực yêu thương chồng, nàng dâu giữ phẩm hạnh thờ chồng nuôi con. Lần giở trang đời trang văn Tương phố, chúng ta thấy sự nhu thuận ấy trước sau là một. Tình yêu sâu nặng đối với chồng không gì sánh nổi, vâng lời cha và gia đình nữ sĩ gạt lệ bước thêm bước nữa, và cho tới những năm cuối đời nữ sĩ vẫn sống dung dị bên đứa con trai duy nhất là anh Thái Văn Châu ở Đà Lạt.

Thành công về nghệ thuật của Mưa gió sông Tương là sử dụng thuần thục thể lục bát và song thất lục bát- hai thể thơ có nguồn gốc dân tộc. Đó đây trong văn phẩm Tương Phố vẫn bắt gặp những bài thất ngôn nhưng đọc lên nghe thô, khô khan và thiếu cảm xúc.

Những câu lục bát của bà mộc mạc, giản dị nhưng giàu nhạc điệu, hình ảnh:

Sương thu là giọt lệ này,

Sầu thu là ngọn gió may lạnh lùng.

Đàn xưa này sợ tơ lòng,

Ôm cầm thu dạo trăm vòng tơ vương

(Ôm cầm)

Vỏ ngữ âm sáu tám du dương, dìu dặt đã tạo sức cuốn hút và tăng vẻ sầu cảm cho người đọc người nghe:

Cánh buồm theo ngọn gió đưa,

Bên sông năm ấy ai chời chờ ai.

Người đi đi nữa đi hoài,

Bến xưa trở lại ngậm ngùi tình xưa.

Những câu lục bát tả cảnh thiên nhiên ủ dột, sầu thảm “ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Trông về lối cũ Bình Hương,

Sông quanh chín khúc đoạn trường quặn đau.

Non cao thẳm ngất non sầu,

Cảnh xưa ai vẽ nên mầu thê lương.

( Tái tiếu sầu ngâm)

Đặc biệt hơn ở Mưa gió sông Tương là việc dùng thể thơ song thất lục bát- thể này giàu nhạc điệu hơn ở các thanh trắc hai dòng thất. Thể thơ này đậm đà chất thơ ca truyền thống của các khúc ngâm trữ tình được quảng đại quần chúng tán thưởng, truyền tụng như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Ai tư vãn, Tự tình khúc, Khóc Dương Khuê. Viết Mưa gió sông Tương ít nhiều Tương Phố đã làm sống lại nỗi buồn chinh phụ trong văn học quá khứ.

Chàng đi buổi thu sơ năm ấy

Thu nay về nào thấy chàng về

Chàng đi đi chẳng trở về,

Thu về thiếp những tê mê dạ sầu

( Khúc thu hận)

Nỗi ly hận mây chiều gió sớm,

Tình tương khoảng vắng canh trường

Gió mưa tâm sự thê lương

Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây.

(Khúc thu hận)

Ngày nay đọc thơ văn Tương Phố, nhiều người lo cho “ cái thê lương, áo não khiến bi lụy tâm hồn”(2). Nói như vậy quả không công bằng với thi nhân và văn chương chút nào? Người đương thời đã đọc Tương Phố trong sự thấu hiểu, đồng cảm và đã tôn vinh bà là nữ sĩ. Tương Phố đã góp vào dòng văn học nước nhà 30 năm đầu thế kỷ XX những dòng văn trang thơ thấm đẫm nước mắt của một tình yêu đau thương nhưng đích thực, chân chính của người vợ khóc chồng.

Giáo sư Lê Đình Kỵ trong lời cuối sách khi cho tái bản tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh- Hoài Chân đã khẳng định : “Về nguyên tắc, không có duyên cớ gì để gạt cái buồn ra khỏi văn học…” Mưa gió sông Tương …Một mảnh tình sâu…

lequangket54@yahoo.com.vn

(1). Vũ Ngọc Phan : Nhà văn hiện đại, quyển nhất, Nxb Thăng Long tái bản, Sài Gòn 1960

(2). Hoài Thanh và Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, Nxb Thăng Long tái bản, Sài Gòn 1959

Không có nhận xét nào: