Nhạc Trịnh gió chẳng thể cuốn đi…
Thứ năm, 26/3/2009, 16:36 GMT+7
Sinh thời, Trịnh Công Sơn coi trọng nhất và ham muốn dâng tặng nhất, một tấm tình chân thật cho đời, mà ông biết chắc vốn hữu hạn niềm vui và bất tận nỗi buồn. Dường như ông từng khắc khoải nghĩ: cõi dương gian sầu thảm này, chẳng qua là cõi tạm. Ở trọ chờ hết hạn.
Đời người như hạt bụi hóa thân. Vừa đủ một cõi đi về, một mai thoáng chốc lại thành cát bụi. Ngẩng lên trời, chỉ thấy trên vai vằng vặc đôi vầng nhật nguyệt. Cúi nhìn ngang mặt đất, thấy cái sống của mình hóa ra cũng chỉ vừa vặn đong đầy một cử chỉ triết học
sống trên đời cần có một tấm lòng
để làm gì, em biết không
để gió cuốn đi.
Bởi vậy, từ giai điệu tâm hồn Trịnh: cả nghĩ, đa đoan, say đắm, thâm trầm, phúc hậu, nhịn nhường, thương mến… đã cấu trúc một thế giới âm thanh lộng lẫy hào hoa, đầy ma lực, chiếm hữu ta ngay phút đầu gặp gỡ.
Vào giây phút hạnh ngộ bất ngờ ấy với nhạc Trịnh, người nghe hầu như bị choáng sốc, như sét ái tình nổ giữa trời quang tình ái. Bởi thế, nhạc Trịnh an nhiên, hồn nhiên tự tại, như tuổi thơ êm đềm, mãi mãi theo cùng ta trong cả cuộc đời dài.
Đấy là nghiệm sinh của tôi. Và có lẽ không chỉ tôi.
Ngay trong buổi đầu giao hoan và phải lòng nhạc Trịnh.
Hạnh ngộ nhạc Trịnh giữa lòng Hà Nội
Ký ức tôi còn nguyên những mảnh sáng tươi non, ươm đầy cảm giác kinh ngạc mê đắm của cái buổi ban đầu lưu luyến không thể nào quên ấy.
Với nhạc Trịnh. Trước khi với Trịnh Công Sơn.
Khắp Hà Nội, mấy năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, giữa thập niên 70, cả một thành phố, cả đám bạn thân và tôi, đều choáng váng vì nhạc Trịnh. Tiếng hát Khánh Ly từ băng ghi âm Sơn Ca 7 vừa cất lên đã làm ngây ngất trái tim những kẻ tuổi 20, vừa rời ghế giảng đường đại học, đang tuổi yêu đương và buổi đầu lập nghiệp.
Yêu mê, hát theo lập tức và để rỗng lập tức cho tâm hồn ngập tràn giai điệu nhạc Trịnh huy hoàng và chất giọng anto thoáng khê khàn, mọng chín vẻ đẹp Liêu Trai, chứa chan hoan lạc buồn của Khánh Ly.
Chỉ cần một cây ghi ta gỗ, một đêm đầy trời lấm tấm trăng sao Hà Nội thời bao cấp, luôn mất điện, chập chờn lửa nến, có bàn tay ai đó mảnh dẻ tài hoa gẩy đàn ghita gỗ, thánh thót bập bùng đệm cho giọng hát bạn bè (lúc đó đã thấm thía nhạc Trịnh, đã nghe Khánh Ly hát cả trăm lần, đã nuốt vào đáy hồn những tình khúc nồng nàn: Tình xa, Biển nhớ, Nắng thủy tinh, Ru em từng ngón xuân nồng, Dấu chân địa đàng, Thương một người, Diễm xưa, Tuổi đá buồn…), là chúng tôi có liền những đêm nhạc Trịnh huyền ảo, đơn sơ, thân mật ngay giữa lòng Hà Nội 36 phố phường.
Trong ánh hồi quang ký ức, tôi đã cùng bạn bè nghe mê man, hát say đắm tất cả ca khúc nhạc Trịnh mà vừa chạm mặt, đã phải lòng, ngay vào cái thời đầu xanh tuổi trẻ ấy.
Âm nhạc Trịnh là cả một thế giới chi chít ấn tượng tươi ròng, vừa lạ vừa quen, với nỗi buồn thân phận sâu xa trong trời đất nổi cơn gió bụi, nỗi xót thương những tàn phai, niềm tiếc nuối vô bờ vẻ đẹp thoáng qua của tình đầu không thuận thảo, với "Diễm xưa", tuổi đá buồn, đóa hồng nhung tàn héo môi hôn ngày chủ nhật, đôi vai gày thiếu nữ Huế ướt mềm ánh trăng, lướt qua ngõ nhỏ gần Tì Bà Viện của thành nội Huế, ngan ngát mưa bay đầy trời…và cất cánh lên cao, là những nghĩ ngợi vô vi, với loài sâu ngủ quên trong tóc chiều vườn địa đàng đầy gió, tiếng reo trong trẻo khe khẽ nắng thủy tinh, cùng giấc mộng hôm nay em về bàn chân buông lối ngỏ, đàn lên cung phím chờ, sầu lên lên chơi vơi. Rồi mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn…
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, cặp đôi nhạc sĩ - ca sĩ đó đã bỗng nhiên tạo lập, bỗng chốc lay tỉnh cả một thế giới âm thanh mới mẻ đến rợn ngợp, vừa vẫy gọi xa xôi, hoang vu, vừa mở toang lộng lẫy ngay trước mắt, và không hiểu sao, đã đặt chúng tôi tức thì vào cảm giác phân vân nhị nguyên chưa từng có, với đầy lưỡng lự, lo âu, giữa đôi bờ mộng - thực, đỉnh cao - vực sâu, nhớ nhung - quên lãng, hoan lạc-khổ đau, thiên đường - địa ngục, sự sống - cái chết, thoáng chốc - vĩnh cửu…
Không thể nghi ngờ, nhạc Trịnh bỗng ám ảnh chẳng thể cưỡng chống, trở đi trở lại dai dẳng suốt đời ta, ẩn hiện trong buồn vui sướng khổ, tuyệt vọng, hi vọng, và có thể còn ám ta đến khi về cõi.
Dù Trịnh Công Sơn không biết và dường như không muốn biết sức mạnh của đóa hoa vô thường nở viên mãn trong âm nhạc chính mình. Bởi, ngay cả điều mà ông tâm niệm suốt đời: hằng sống, cốt sao có tấm lòng chân thật với đời, với người, ông cũng đành mặc lòng để gió cuốn
Nhạc Trịnh theo mãi cùng ta
Song, chẳng bao giờ gió có thể cuốn đi nhạc Trịnh, bởi sức thôi miên đã thật ghê gớm của nó. Và phải chăng nhạc Trịnh và cuộc tình sét đánh gây ra cho Hà Nội trước đó, đã dẫn dụ Trịnh phải lòng ngược Hà Nội? Giữa Trịnh Công Sơn và Hà Nội, vì thế, tự nhiên như duyên phận, đã từng hiện hữu không chỉ một mối tình.
Ta không thể biết Trịnh Công Sơn lần đầu chạm mặt, đã mến cảnh mến người, rồi phải lòng Hà Nội ra sao, khi Hà Nội đã phải lòng nhạc Trịnh trước. Chỉ biết ông từng quyến luyến Hà Nội không sao dứt ra được.
Trịnh Công Sơn tha thiết yêu mùa thu Hà Nội, hệt như thi sĩ người Hà Nội gốc Nguyễn Đình Thi từng yêu, mấy mươi năm trước: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Có điều, Trịnh yêu Hà Nội ở thời gian và không gian khác, với nỗi yêu, nỗi nhớ khác. Với Trịnh, Hà Nội là hương vị cây lá quả hoa, là màu phôi pha gió sương mái phố, là những hàng cây riêng tư chỉ mọc lên ở thành phố nằm kề sóng sông Hồng: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ. Mái ngói thâm nâu… Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai. Sẽ có một ngày mùa thu Hà Nội trả lời cho tôi? Hà Nội không trả lời, mà chỉ thì thầm thân mến: Trịnh Công Sơn đã nhớ một người Hà Nội để nhớ tất cả mọi người Hà Nội!
Đúng là cầm lòng không đậu, ngay lần đầu đến Hà Nội, Trịnh Công Sơn đã tơ vương một tiếng dương cầm thiếu nữ Hà thành tuổi Kỷ Sửu, trong khoảng nửa cuối thập kỷ 70.
Một chiều thu, cùng bạn thi sĩ lang thang Hà Nội phố, ông bỗng điếng hồn bởi tiếng dương cầm ai đó chơi nhạc Bethoven và Rachmaninov vẳng ra từ cửa sổ tầng hai ngôi biệt thự Hội Văn nghệ 51 Trần Hưng Đạo.
Giữa Sơn và thiếu nữ chơi đàn chiều muộn ấy đã nổ tung tiếng sét Hà Nội. Cuộc tình âm nhạc đó, may mắn (hay bất hạnh) thay cho cả hai, vì đã không rẽ ngang vườn trần, mà cất cánh bay thẳng lên Thiên Thai cao vời, như ca khúc "Thiên Thai" của Văn Cao, mà Kim Ngọc từng hát du dương thánh thót ảo mộng: nơi ấy, có một vườn đào dòng ngày tháng không tàn qua một lần…
Đấy là những năm đầu tinh khôi tình xa, tình sầu, tình nhớ…của Trịnh Công Sơn với Hà Nội, với em gái Hà thành và bạn hữu. Trịnh từng làm bạn vong niên với ông già Văn Cao thâm trầm, từng nhiều lần thả bộ vỉa hè khấp khểnh phố Yết Kiêu, lên thăm Văn Cao ở căn gác nhỏ số nhà 108, uống chén rượu nhạt (Văn Cao gọi đùa là "nước trắng")
Trịnh từng rơi lệ nghe Văn Cao chơi piano…bằng sức mạnh cùi chỏ, biểu thị những giai điệu bão gió bạo liệt của chính Văn Cao trên phím dương cầm. Trịnh từng tâm đắc với nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Kim Ngọc hát "Thiên Thai" như người tiên nhớ cõi trần, còn Thái Thanh hát "Thiên Thai" thổn thức run rẩy như người trần nhớ cõi tiên…
Trịnh đã ứa lệ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi khoan hòa thư thái cùng phu nhân nghe đêm nhạc Văn Cao - Trịnh Công Sơn - Phú Quang dưới vòm trần sang trọng Nhà hát Lớn Hà Nội trước đêm Noel tháng 12/994…
Vậy đấy. Nhạc Trịnh đã đi cùng, không chỉ thế hệ tôi, và không chỉ trong không gian thời gian Hà Nội. Tôi đã mang theo hành trang nhiều tình khúc đẹp vô thường của ông xa xứ, cho đến ngày từ nước Nga về định cư ở Sài Gòn năm 1992, tôi lại được đoàn tụ cùng nhạc Trịnh. Và tiếp nối nhớ thương nhạc Trịnh ngay giữa lòng Sài Gòn thương nhớ.
Khắp Sài Gòn, những năm đầu thập niên cuối thế kỷ XX, dường như chỉ thổn thức nhạc Trịnh, với nỗi nhớ quay quắt, gửi em gái đã biệt Sài Gòn nhiều năm trước, trong tình khúc dày đặc câu hỏi: ''Em còn nhớ hay em đã quên?''… ''Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ đèn đường từng đêm thao thức, nhớ nghe em hàng quán đêm đêm'', nhớ và nhớ đến nát lòng những chiều qua cầu Sài Gòn lộng gió, nhớ lá me bay, thả rơi vàng vỉa hè, nhớ con đường nằm nghe nắng mưa… Sau Khánh Ly, những ngày ấy, có lẽ phải nghe Lê Dung hát, mới thấm thía tận cõi nhạc Trịnh.
Tiếc là Lê Dung đã ra đi, chưa có CD nguyên chiếc hát nhạc Trịnh. Song, chỉ với chừng 10 ca khúc Trịnh Công Sơn mà Lê Dung hát rải rác trong các CD của Dung, có thể thấy Dung đã hát nhạc Trịnh cực kỳ tinh tế, với kỹ thuật điêu luyện của ca sĩ chuyên nghiệp.
Lối ngân rung tình tứ thảnh thơi, lên đỉnh âm thanh nhẹ như không của Dung đã làm nhẹ thênh ca từ ưu tư, khắc khoải vô thường của Trịnh Công Sơn, trong: Một cõi đi về, Hoa vàng mấy độ, Bên đời hiu quạnh… Lê Dung là ca sĩ opera ở trình độ rất cao, mới đủ nội lực dồi dào, mới thấm thía tận đáy ca từ Trịnh Công Sơn, mà có thể hát như hơi thở nhẹ (tên truyện ngắn tuyệt hay của nhà văn Nga I. Bunhin).
Một lần nữa, sau và khác Khánh Ly, nhạc Trịnh đã được hát bằng giọng ca vàng Lê Dung, với tất cả sự sang trọng của chất giọng Hà Nội, dù Lê Dung không sinh ra ở Thủ đô. Và đến Hồng Nhung, ca sĩ gốc Hà Nội, sinh cạnh hồ Tây, tên thân mật ở nhà là Bống. Sự đời đẩy đưa nước chảy, mây trôi.
Cuộc gặp âm nhạc Trịnh Công Sơn trong thập kỷ cuối đời ông, với Hồng Nhung, là chỉ định của số phận, dù Hồng Nhung chênh Trịnh Công Sơn 3 thế hệ. Đây là thế hệ buồn, vui, sướng, khổ... khác Trịnh Công Sơn. Họ đã hát khác thế hệ trước, và khóc, cũng với giọt nước mắt khác.
Khóc khác và hát khác ca sĩ đàn chị và ca sĩ cùng thế hệ, chỉ có thể là Hồng Nhung. Hồng Nhung hát nhạc Trịnh từ 1992, khi mới 22 tuổi đời, cho đến bây giờ. Càng hát càng thành công, vì đã theo con đường nghịch lý với nhạc Trịnh.
Trong thế giới ngữ nghĩa và âm thanh của ca từ Trịnh Công Sơn, như có vẻ đẹp âm tính, ẩn sâu dưới bóng rợp vô thường, mênh mang ý nghĩa triết học Phật giáo.Từ khi hạnh ngộ giọng hát Hồng Nhung, nỗi buồn âm thầm này được hóa giải ''nhẹ quá tơ tằm'', và "đoá hoa vô thường" bừng nở thành đóa hồng nhung lay nhẹ trong gió, trong nắng vàng trần thế.
Chính Hồng Nhung đã đưa nỗi buồn âm tính ấy đi về phía dương tính của cuộc sống xanh non, làm thức dậy loài sâu đã hát khúc ca cuối cùng, đã ngủ quên trong tóc chiều vốn nặng căn trong tình khúc Trịnh Công Sơn. Và cách đi về phía dương ấy thực sự đã làm ca khúc Trịnh xanh trở lại.
Bởi cõi lòng nhạc sĩ đã lắng dịu trước giọng hát mang vẻ đẹp duy lý, mãnh liệt của Hồng Nhung, với tình cảm sâu lắng và sự phong nhã huê tình, chỉ có ở giọng hát đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay đầy thương mến của Hà Nội.
Cộng thêm một định cư Sài Gòn nắng gió, giọng hát này đã cân bằng mối quan hệ đặc biệt giữa nhạc sĩ và ca sĩ, đem cho Trịnh Công Sơn ấm-áp-âm-nhạc-cuối-đời, chứ chưa chắc là tình-thường-nhật mà người nhạc sĩ tài hoa này vốn không thiếu…
Thế đấy, nhạc Trịnh gió đã chẳng thể cuốn đi, và chính nhạc Trịnh đã là cơn gió nhớ nhung cuốn tôi về lại Hà Nội sau nhiều tháng năm phiêu bạt.
Tôi nhớ ngày 19/8/2000, trên chuyến bay về lại quê nhà Hà Nội, văng vẳng Hồng Nhung thiết tha hát nhạc Trịnh, chỉ thấy nhớ và nhớ: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu… Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời...
Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét