Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018


Tùy bút                                  THẦY CÔ…VÀ TRƯỜNG XƯA
Lê Quang Kết
Chuyện kể rằng: Có cậu học trò bao năm học hành ra vào lợi danh - anh vươn tới đỉnh cao giàu sang danh vọng…Bỗng một hôm cậu nhớ ra rằng ngày xưa trường cũ có người thầy đã dìu dắt mình vượt bao gập ghềnh trắc trở để có hôm nay - thu xếp mọi thứ anh quyết định trở về thăm trường xưa với niềm ước vọng…
Con về trường cũ chiều nay 
Thầm mong được gặp lại thầy, thầy ơi!
Tuổi học trò thế hệ chúng tôi, thầy cô là những con  người lặng thầm, ngày đêm miệt mài góp nhặt những kiến thức vun trồng cho thế hệ mai sau đâm chồi nở hoa kết trái. Thầy cô đã chắp cánh cho chúng em bay cao, bay xa đến những chân trời mơ ước và hoài bão của riêng mình. Công lao trời biển của thầy cô làm sao chúng ta đền đáp được. Kể sao cho hết công ơn thầy - từng ngày tháng trôi qua, chúng em càng thấm nhuần những điều mà thầy cô đã dạy. Thầy cô đã không quản ngày đêm ươm trồng những mầm non cho tương lai đất nước. Rồi mai sau lớn khôn hành trang chúng em mang theo vẫn mãi…mãi… công ơn thầy cô như biển trời…
Đưa con qua tới bến đời 
Đò xưa thầy vẫn không rời sớm trưa
Thầy cô giáo -  người lái đò cần mẫn chuyến đò ngang đưa bao khách sang sông - và người cầm lái kia vẫn cứ tiếp tục chèo chống - năm học kết thúc cũng chính là lúc những chuyến đò đã bắt đầu cập bến. Một chuyến đò với biết bao công sức và tâm huyết, một chuyến đò chở biết bao tri thức, tình cảm mà thầy cô muốn gửi vào em. Em biết rằng để làm được điều đó thầy cô đã phải thức khuya  miệt mài cặm cụi bên sách vở. Và em biết rằng đó là những giọt mồ hôi nước mắt của  thầy cô lăn dài theo năm tháng…Em đã vươn tới bến bờ của kiến thức- của học hàm học vị, bến bờ của vinh quang bao người mơ ước. Còn người thầy ư? Thầy của em xưa nay vẫn thế vẫn là chuyến đò ngang mỗi sáng mỗi trưa… Thầy ơi! Tuổi tác đã hằn sâu những vết nhăn trên trán thầy làm tóc mai thầy thêm sợi bạc nhưng tấm lòng yêu thương của Thầy đối với chúng em, mãi mãi không cạn kiệt…Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…/ Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách…/ Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng…/Thầy tôi trắng hắt những đêm kia vẫn mải miết chèo đời…”
Thầy ơi nói mấy cho vừa 
Ơn thầy dạy dỗ con chưa đáp đền
Ngày xưa quan niệm: Quân Sư Phụ và có chuyện đáp đền ơn thầy dạy dỗ - ngày nay hiếm gặp. Câu thơ như là sự tôn vinh yêu kính người thầy nghề thầy - và cũng chẳng có người thầy nào mong mai kia trò đền đáp công ơn…Thầy chỉ mong em hãy biết để ý và chăm sóc đến những người xung quanh hãy biết trân trọng những điều tưởng như rất bình thường nhưng vô cùng quý giá. Bởi mỗi một ngày trôi đi - yêu thương không bao giờ muộn… Khi mà giữa dòng đời hợt hời và vô tâm đã bỏ xa khoảng cách giữa những con người. Thầy dạy em đừng quay lưng với những người đã nhận lỗi, đừng mang ngõ cụt đến cho những người đã biết mình sai, đừng nhẫn tâm với những người đã biết quay lại…bởi “quay đầu là bờ”. Thầy dạy rằng trái tim không biết hỉ xả là một trái tim khô cứng, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá cây cỏ mà thôi. Ôi lời thầy khắc cốt ghi tâm!
Biển đời ghềnh thác, chông chênh 
Đôi khi con sợ mình quên lối về
Thuở ấy, chúng em nào có biết - cuộc đời là những vòng quay gập ghềnh sóng gió. Những khúc gập, những lối quanh co, những  ghềnh thác, những vấp ngã luôn là một phần không thể thiếu trên bước đường công danh sự nghiệp kể cả tình yêu. Đừng ảo tưởng về cuộc đời là một đường thẳng, đừng nghĩ rằng mật ngọt vẫn mãi vây quanh…Đời là thế! Đời là bể khổ!
Bài thơ kết lại vẫn là những câu lục bát đơn sơ mộc mạc nhưng nhẫm đọc nghe nao lòng…
Thầy giờ lận đận chốn quê 
Lo toan cuộc sống bộn bề có hay 
Con về trường cũ chiều nay 
Thầm mong được gặp lại thầy, thầy ơi!
       Thầy ơi! Con đã tung cánh bay xa tới những chân trời mới. Bao năm dài xa trường lớp, xa bạn bè tháng ngày cũ con đã bao lần thay nhà mới, đổi mấy lần xe…còn nơi quê nhà thầy vẫn mảnh vườn xưa vẫn căn nhà cũ và…vẫn là chiếc xe mobylette phải chống chân mỗi lần khởi động…Sau 1975 thầy dạy triết của chúng tôi - thầy Nguyễn Phùng - do thời cuộc môn triết xóa sổ, thầy phải chuyển về trường xa - tháng lương lĩnh ra không đủ cho tiền xe lam đi về. Thầy đã phải bỏ dạy bỏ quê vào tận Định Quán vỡ đất cuốc trồng…Dù khó khăn nhưng thầy vẫn giữ phong thái của một giáo sư triết (danh xưng hồi đó) - đặc biệt là sự hiếu để với mạ và dì - cả vùng Định Quán và bà con thân quen ở Huế ai ai cũng thán phục kính nể…Mấy năm nay chúng tôi đã tìm được địa chỉ và mời thấy về Sài Gòn dự họp mặt - thầy vẫn giữ vẻ đỉnh đạc uyên áo của một trí thức như thuở nào…
       Chúng tôi đã có một ngôi trường và các thầy cô của một thời như thế! Những đổi thay biến động lịch sử trường tôi không còn nữa…Lũ chúng tôi phải lang bạt tha phương và tụ họp nơi thành phố xứ phương Nam này…Vậy mà mỗi chúng tôi vẫn trân quý trường xưa thầy cũ như thuở nào…
Học sinh Hàm Nghi nơi phương Nam- dẫu phải xa Huế  xa trường xưa vẫn mỗi năm hai lần tụ hội gặp mặt nhớ ơn thầy cô - nhìn gương mặt bạn bè mừng mừng tủi tủi        , nhìn thầy cô tuổi tác chồng chất mà lòng gợn lên nỗi lo…biết mai này…ra sao…Bằng nỗ lực và tâm huyết của thầy trò chúng tôi đã có 14 đặc san HÀM NGHI YÊU DẤU ra mắt thầy cô bạn bầu thân hữu…Năm nay HÀM NGHI YÊU DẤU 15 đang chuẩn bị bài vở và sẽ phát hành vào đầu xuân Mậu Tuất 2018…Con số 15 đặc san Hàm Nghi làm chúng ta dễ liên tưởng câu thơ trong Truyện kiều “Những là rày ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”
Cách đây hơn hai năm, chúng tôi đã tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hàm Nghi Huế, bạn bè gặp nhau bao buồn vui lẫn lộn. Hơn 40 năm từ độ xa trường có đứa về đất buông xuôi, có đứa mãi tận trời Tây đất Mỹ, có đứa trụ lại với xứ Huế yêu thương…Hạnh ngộ vẫn nhắc nhau những cái tên ngày ngày cũ ngộ nghĩnh…Những Minh bún, Minh heo, Minh rê, Minh loát…những Dũng babilac, Dũng búa, Dũng hiền…những Thành tọp, Thọ lao ái, Bích bột…và bao điều khác nữa đã mang theo cả một đời…
Chúng tôi đã có nhiều… nhiều… thầy cô Hàm Nghi tuyệt vời…Đã có nhiều bài viết và bình luận về thành tích và kết quả của thầy cô và học sinh Hàm Nghi 1955-1975 rất đáng hãnh diện và tự hào (Bài của anh Hoàng Hữu Quyết trên 60 năm Hàm Nghi) chúng tôi xin không nhắc thêm - chỉ nói về những tấm lòng…Ôi làm sao trang giấy nhỏ có thể chứa hết nỗi nhớ về thấy cô Hàm Nghi yêu dấu. Mỗi lần gặp mặt thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Khác (1969-1975) và thầy Trần Đức Võ (nguyên Giám học) bao giờ cũng là lời khuyên nhủ nhắn bảo các thế hệ học sinh Hàm Nghi- các em phải cố lên đoàn kết yêu thương và tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của Hàm Nghi yêu dấu - chúng con xin được “chạm vào xương ghi vào lòng” những lời vàng ngọc không thể nào quên…
     Chúng con học trò Hàm Nghi tự đáy lòng-  dẫu đi khắp bốn phương trời, cũng không quên lời thầy khắc ghi “tiên học lễ, hậu học văn”. Chúng con không có thầy sẽ không lớn nổi thành người. Kính chúc quý thầy cô ngàn vạn lời tốt đẹp, chúng con mong thầy cô mạnh khỏe hạnh phúc- tuổi tác đã hằn sâu những vết nhăn trên trán thầy cô nhưng tấm lòng yêu thương của thầy cô đối với chúng em mãi mãi vĩnh hằng…
·         Bài thơ trích trong bài Tùy bút “Về trường cũ thăm thầy”- tác giả Đỗ Quang Vinh