Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

MỘT NGƯỜI VIỆT GIỐNG ÔNG OBAMA


Một người Việt giống ông Obama

26/06/2009 9:06
Ông Nguyễn Đức Vân - Ảnh: Dương Trần
(TNTS) Trong chuyến đi Tây Nguyên vừa qua, chúng tôi vừa phát hiện có thêm một người giống đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đó là một nhà sư Việt Nam, 36 tuổi, hiện sống tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ông là Nguyễn Đức Vân.

Khi ông Barack Obama lên nhậm chức vào tháng 1 năm nay, thế giới mạng bỗng xôn xao về trường hợp một công dân Indonesia có dung mạo trông giống Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama. Cuộc sống của người thanh niên này chẳng mấy chốc bị xáo trộn bởi sự trùng hợp kỳ lạ này khi phải bất đắc dĩ tham gia vào nhiều sô diễn với mục đích chính là khai thác triệt để bề ngoài của anh.

Nay thì có lẽ, giới truyền thông sẽ thêm một lần nữa phải “kinh ngạc” nếu biết tại Việt Nam cũng có một “phiên bản” Obama. Và biết đâu, ai dám chắc rằng rồi đây cuộc sống thầm lặng của nhà sư Nguyễn Đức Vân sẽ không bị khuấy động?

Những nét tương đồng

“Khi Obama đắc cử, nhiều người quen đã gọi điện cho tôi, bảo sao thầy giống Obama quá vậy!”, nhà sư Nguyễn Đức Vân kể. Và chính bản thân người được xem là giống Obama cũng lấy làm ngạc nhiên về điều kỳ lạ này. “Những lần tôi bước vào quán cơm chay, một số người quen ồ lên thích thú khi phát hiện tôi có nét giống Obama. Sau đó, có người còn vui vẻ trả tiền cơm cho tôi”, nhà sư kể tiếp.

Ban đầu thì hơi bỡ ngỡ, nhưng rồi Nguyễn Đức Vân cũng quen dần. Đến khi nghe người bạn vong niên của mình là thi sĩ Phạm Thiên Thư “phán”: “Nét cười của thầy giống hệt Obama”, Vân mới thôi “ngơ ngác”. Và Vân cũng dần thích nghi với “vai” người giống Obama bất đắc dĩ.

So sánh thì quả là khập khiễng, nhưng quan sát, chúng tôi thấy giữa ông Obama và Nguyễn Đức Vân quả là có những nét tương đồng về ngoại hình. Cả hai người đều có nét rắn rỏi, cao ráo, đều có mái tóc xoăn và đen, mắt nâu. Obama tiếng là gốc Phi nhưng lai giữa mẹ da trắng và cha da đen nên ông có làn da nâu. Nguyễn Đức Vân cũng có làn da hao hao với người đứng đầu nước Mỹ nhờ được thừa hưởng gien của người mẹ lai Pháp (ông ngoại Vân là người Pháp). Những lúc “khẩu khí”, Obama thật và Nguyễn Đức Vân đều phô hàm răng trắng với cái miệng rộng, ánh nhìn như hút hồn người đối diện.

Và, cũng thật kỳ lạ khi hai người ở hai nửa bán cầu lại có một vài điểm tương đồng đặc biệt khác. Obama hơn Nguyễn Đức Vân đúng một giáp, nghĩa là hai người đều cầm tinh con Trâu! Cả hai đều có khả năng sáng tác. Trong khi Obama có hai đầu sách bán rất chạy, từng làm biên tập viên, sau đó là Chủ nhiệm, cho tờ Havard Law Review, Nguyễn Đức Vân thì làm thơ và viết nhạc. Anh đã xuất bản một tập thơ và hai đĩa nhạc, ấn bản mới nhất là CD ca nhạc Màu yêu thương do Saigon Vafaco sản xuất.

Về hoạt động xã hội, Obama nổi tiếng là người kiên định với lập trường bảo vệ môi trường, từng bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật Chính sách Năng lượng năm 2005. Nguyễn Đức Vân cũng là một nhà môi trường và từng nhận được giải thưởng xanh của Tạp chí The Guide trong khuôn khổ Giải The Guide Award năm 2008 nhằm vinh danh công lao của anh đã tự tay trồng cả đồi sim rộng 5.000m2 ở Bảo Lộc, Lâm Đồng trong suốt hơn 6 năm qua.

Nguyễn Đức Vân là ai?

Người giống Obama chẳng phải quá xa lạ với những người yêu thơ. Nguyễn Đức Vân đã xuất bản tập thơ Người đẹp (NXB Trẻ - năm 2000), hai CD ca nhạc với những tác phẩm ngợi ca thiên nhiên và tình yêu cuộc sống. Anh cũng là người được cho là lập dị khi có thói quen phát ngôn mạnh bạo và trông rất “đời”, khác với con người hành giả của mình. Dù vậy, với những người quen của anh, Vân lúc nào cũng là Vân, vừa giản dị đời thường, vừa hành Thiền để tịnh tâm trì chí thực hiện những công việc có ý nghĩa của đời mình.

Giờ đây, Vân sẽ phải đối diện với sự “nổi tiếng” được dự báo trước của mình. Và anh không cho rằng điều đó không quá trầm trọng, đôi khi lại mang đến những thú vị bất ngờ nữa là đằng khác. “Những lần ra đường, thi thoảng về TP.HCM chơi, ai đó chợt thốt lên “Sao giống Obama quá”, tôi cũng cảm thấy ngồ ngộ, vui vui. Đôi khi, những điều như vậy mang đến cho mình cơ hội được giao tiếp với cộng đồng nhiều hơn”, Nguyễn Đức Vân tâm sự.

Cũng cần nói thêm, vào năm Nguyễn Đức Vân chào đời (1973), Obama đang theo học trường Punahou ở Honolulu, bang Hawaii. Ở tuổi của Nguyễn Đức Vân bây giờ, tức 12 năm trước đây, Obama là Nghị sĩ trong Thượng viện Tiểu bang Illinois (1997- 2004). Giờ đây, Barack Obama là người quyền lực nhất nước Mỹ. Còn Nguyễn Đức Vân là một hành giả sống lặng lẽ trên khu đồi nhỏ ở Lâm Đồng với hoạt động không mệt mỏi vì môi trường.



Ảnh: AFP
* Nhiếp ảnh gia Ilham Anas, 34 tuổi, người Indonesia, bất ngờ nổi tiếng nhờ có khuôn mặt gần giống Tổng thống Mỹ Barack Obama. Kém ông Obama 13 tuổi, hiện chàng thanh niên này nổi lên như một “sao” trên các kênh truyền hình Indonesia. Được biết, Ilham Anas sinh ra và lớn lên ở Bandung, phía tây đảo Java. Anh bắt đầu được chú ý sau khi ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.2008. Sau khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20.1.2009, thì Ilham Anas cũng bắt đầu nổi tiếng. Vào dịp này, anh xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình Not Four Eyes trên đài truyền hình Indonesia. Ilham Anas kiếm khá bộn tiền từ ngoại hình của mình với nhiều hợp đồng từ các đài truyền hình và các công ty quảng cáo. Tuy nhiên cái được lớn nhất khi giống với ông Obama của Anas là về tinh thần. Anh thổ lộ: “Tôi thấy giống Obama là một may mắn. Trước đây tôi thường nhìn vào kính và có sự tự ti về khuôn mặt của mình”.



Ảnh: AFP
* Michael Lamar, năm nay 44 tuổi, người ở Whitehall thuộc bang Pennsylvania, Mỹ vốn là một nhân viên ngân hàng thất nghiệp, do ngoại hình giống ông Obama nên đã được Ngân hàng Garanti ở Thổ Nhĩ Kỳ mời đóng quảng cáo trong vai Tổng thống đương nhiệm Mỹ. Ngoài ra, Michael Lamar cũng được một vài công ty khác mời đóng vai ông Obama trong một số clip quảng cáo. Tuy vinh hạnh được đóng vai Tổng thống Mỹ, nhưng Michael Lamar cũng phải chịu nhiều vất vả. Ông thổ lộ: “Ngoài việc phải thường xuyên đi “công du” xa gia đình, là việc phải “chịu trận” chụp hình trong nhiều giờ. Tôi phải cười cho đến lúc cứng cả hàm”. Lamar thường xuất hiện cùng với Sheena Harrell, một diễn giả đến từ Columbia, bang Maryland, người đóng thế Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Trân Văn Thưởng

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Bút ký- Gửi em ngoài Huế



Bài dự thi Người Yêu Dấu

GỬI EM NGOÀI HUẾ

Do hoàn cảnh của ba, tôi có thêm cô em gái cùng cha khác mẹ. Ngày biết tin này tôi chẳng mấy vui, thêm rắc rối chứ phỏng có ích gì…Gặp mặt em hôm đầu, mẹ con tôi thầm thì chì chiết - nhìn thấy phát ghét, nó mà lớn thì phải biết, không vừa vặn chi đâu…
Thế nhưng không phải thế, em tôi ngoan hiền và đáng yêu lắm- em tôi là cứu tinh cho cả gia đình trong cơn túng bấn ngặt nghèo và chính tôi là người được em chia sẻ nhiều nhất. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ: Nếu không có em gái giờ đây tôi sẽ thế nào? Hồi đó mình quá cạn nghĩ? Sao lại nhỏ nhen ích kỷ đến thế! Em nào có tội tình chi…

Em về sống trong gia đình nhưng chẳng ai mặn mà. Hình như biết điều đó nên em ít nói, ít tham gia chuyện trò và cố tìm vui trong công việc. Mọi việc nội trợ gia đình em đều chu tất với thái độ tự giác chẳng cần ai nhắc nhở. Mẹ tôi vốn cẩn trọng với việc nhà cũng phải thầm khen em gái. Dần dà em đã làm chúng tôi thay đổi nếp nghĩ không mấy thân thiện về em…

Năm ấy gia đình gặp chuyện chẳng lành. Mẹ tôi phải phẫu thuật do đột quỵ. Tôi vào mùa thi đại học. Nhà neo đơn, một tay em đứng ra cáng đáng mọi việc vừa lo chuyện nhà vừa chăm sóc mẹ - lúc đó em mới chỉ 15 đang bước vào bậc phổ thông trung học. Mãi sau này tôi còn biết thêm em đã cho máu cứu mẹ trong cơn thập tử nhất sinh. Ôi ! Em tôi tuyệt vời cao cả!

Sau cơn bạo bệnh của mẹ, gia đình tôi phải chuyển về quê sinh sống. Chúng tôi một người một ngả theo đường công danh sự nghiệp. Chỉ riêng em gái theo mẹ về quê. Cuộc sống nông thôn quá nhiều khó khăn em đành nghỉ học. Cũng từ đó em là trụ cột của gia đình. Mười sáu mười bảy mà trông em như bà cụ non, tất tả ngược xuôi lo toan mọi bề. Chuyện nhà, họ hàng, phải trái,chuyện cha mẹ già trái gió trở trời, dường như chúng tôi phó mặc cho em. Vậy mà tiếng thơm lại dành cho mấy đứa xa quê chúng tôi…Riêng tôi năm đi thực tập sinh nước ngoài em gái đã bán mấy chỉ vàng dành dụm cho chị phòng thân nơi đất khách…Ôi! Em tôi đảm đang tốt bụng!

Rồi em lấy chồng, tôi ở xa không về kịp. Chồng em là anh chàng nông dân hiền lành chăm chỉ ở làng bên. Cả hai quyết định ở nhà vợ đỡ đần cha mẹ già hay đau yếu. Thuận vợ thuận chồng họ đã có cuộc sống tạm ổn. Nhà chồng bà con xa gần, ai cũng khen em là nàng dâu thảo. Nhưng mà nói như sự đời: Giàu ở quê không bằng ngồi lê trên phố. Chúng tôi mỗi đứa có tiểu gia đình riêng, ai cũng cố thu vén để có đầy đủ mọi thứ, những tiện nghi vật chất nơi phố thị - sắm sửa, shopping, xe cộ…bao nhiêu cho đủ? Thi thoảng về quê thăm em gái, vài ba món quà vặt thành thị, lì xì mấy cháu ít tiền…Vậy mà ai cũng lên giọng…nào là công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức, tam cương ngũ thường… đủ thứ luân lý đạo đức, làm như mình giỏi giang hiếu để. Có lần tôi nhìn em nghe chuyện, lặng lẽ nhưng rơm rớm nước mắt…Lần đó chính tôi phải trằn trọc thao thức để tự soi mình. Mình được học hành nhưng thua xa em gái nhỏ, có gì mình bằng em, mình đã làm được gì cho cha mẹ, cho gia đình và cho em gái yêu cả một đời cực nhọc...

Bây giờ, em tôi vẫn dung dị sớm hôm phụng dưỡng cha mẹ ngoài Huế. Mẹ tôi không là mẹ đẻ mà em chẳng chút bận lòng. Còn chúng tôi, khi nào cũng chính chính hầu hầu; mẹ cả mẹ hai…Những lúc nghĩ về em tôi nghe nặng lòng... Chị xấu lắm, dở lắm, tệ lắm… Chị chỉ nói hay nhưng làm dở. Tới tuổi này chị mới thấu hiểu trong muộn màng. Ân tình em gái sao mà sâu nặng. Chị tự hứa với lòng- làm gì để trả? Tháng năm… lần lữa…tháng năm… lần lữa…em ơi, làm gì để trả…mà có bao giờ trả được đâu! Hỷ xã, tha thứ cho chị phải không em gái?

-------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Thị Hồng Điệp
Công ty Scavi Bảo Lộc, 116 Phan Đình Phùng, Bảo Lộc, Lâm Đồng

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Truyện ngắn- Trần Văn Thưởng


Truyện ngắn rất ngắn của Trần Văn Thưởng.

Phong thư cũ

Tặng D.H

Người đàn ông đưa tay rút núm dây điện ra khỏi đầu bugi, tắt máy và đẩy chiếc ba gác vào đậu trong một góc sân. Lúc đó khoảng 10 giờ tối.


Việc làm tiếp theo đã trở nên quen thuộc mỗi ngày của người đàn ông là đi tắm, sau đó vào chạn bếp lục cơm nguội. Vừa nhai nhấm nhẳn, anh vừa điểm lại những chuyến hàng đã đi được trong ngày, thầm lên lịch chóng vánh cho ngày hôm sau, điểm anh sẽ dừng lại nghỉ và ăn trưa ở đâu.


Người đàn ông lên gác, trên tay cầm ly trà xanh. Vừa tợp một vài ngụm trong lúc dượm chân bước lên từng bậc gỗ, anh vừa hít khà một cách đầy sảng khoái. Ngang qua căn phòng nhỏ khép hờ, anh biết chắc thằng nhóc con anh đang ôm mẹ ngủ ngon lành sau khi xem xong chương trình tivi “Chúc bé ngủ ngon” cách đó bốn mươi lăm phút, dù anh không cần nhìn vào bên trong. Nếu là hôm khác, anh sẽ hé cánh cửa ngắm vợ con qua chiếc màn tuyn. Qua ánh sáng lờ mờ hắt ra từ chiếc đèn chụp đặt trên chiếc tủ con, anh sẽ thấy thằng bé gác chân qua một bên mình mẹ, bên kia là chiếc gối ôm. Thỉnh thoảng, nó cựa mình, nằm ngay ngắn, khuôn mặt điềm nhiên tựa đóa sen.


Cảnh tượng đó quen thuộc với người đàn ông đến đỗi chúng như một clip phim ngắn diễu qua tâm trí trong lúc anh bước từng bước về căn phòng kế bên, nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào và bật đèn ngủ lên. Anh đến bên chiếc tủ quần áo, khẽ mở cửa. Lôi từ bên trong ra một chiếc hộp gỗ.

Anh lần lượt vét tiền từ các túi áo, quần. Và ngồi bệt xuống sàn, vừa vuốt những tờ tiền còn thấm mồ hôi, vừa đếm cẩn thận như một viên kế toán cửa hàng bán lẻ. Năm phần sáu số đó anh để riêng ra, sáng hôm sau sẽ đưa cho vợ. Phần còn lại anh cho vào chiếc phong thư sờn cũ. Gấp nắp lại. Và nhìn nó. Như nhìn một kỷ vật. Và đặt nó lại vào trong chiếc hộp gỗ. Sau đó đem cất vào dưới đáy chiếc tủ quần áo đúng vị trí cũ.


Những cảnh đoạn rời rạc và thầm lặng đó đã lập đi lập lại như một điệp khúc diễn ra suốt nhiều năm nay trong căn phòng nhỏ, thế giới riêng bất khả xâm phạm của người đàn ông. Giây phút đó là cao trào của một bản nhạc mà người nhạc sĩ kiêm ca sĩ chính là anh. Để mỗi khi mở ra phong thư cũ, đặt thêm tiền kiếm được hằng ngày vào đấy, thấy nó dày lên một chút, anh hồi hộp vui sướng như khoảnh khắc hồi trẻ sắp được gặp mặt người yêu. Hay như cách nói của Putin vào những ngày cuối cùng trước khi mãn nhiệm: “Gần tám năm qua, tôi đã làm việc như một người nô lệ”. Và anh thêm: “Nhưng là một nô lệ sung sướng nhất trần đời!”

* * *

Một buổi chiều như mọi chiều tại nhà hàng Salamat.

Bà chủ nhà hàng hờ hững ra ngoài tiếp khách sau lời nhắn của nhân viên. Đó là một người quen cũ. Bà tỏ ra vui vẻ.

- Lâu quá không gặp thầy!

- Tui cũng vậy. Dạo rày trông cô hơi đẫy ra.

- Già rồi thầy.

- Bậy nào. Tui có quà cô cho đây.

Người đàn ông lấy từ trong túi ra một phong thư, trao cho người đàn bà, đoạn ghé sát vào tai nói nhỏ.

- Thằng Hùng gửi đó. Nó nói tui phải đưa tận tay, tránh để chồng cô biết.

Đó là chiếc phong thư được làm bằng loại giấy tốt, dài và lớn, lịch lãm theo kiểu Tây. Nó thoáng gợi cho người đàn bà một chút sương khói ngày xưa qua hình ảnh quen thuộc mà rất lâu rồi bà không còn nhìn thấy.

- Thầy đợi tôi chút.

Bà hồi hộp mở nắp phong thư. Bên trong là hai cái phong thư nhỏ, giấy sờn cũ, kiểu phong thư học trò thường dùng thời mười năm trước đây. Cả hai chiếc đều dày cộp. Mở ra bà thấy trong đó đựng tiền. Và không còn thứ gì khác, thậm chí không có cả một mẩu giấy lưu vài dòng trên đó gửi cho người nhận.

- Anh ấy có nhắn gì không thầy?

- Nó chỉ nói rằng, lẽ ra nó đã gửi trả cho cô sớm hơn. Nhưng nó kẹt lo sửa nhà cho ông bà già trên Củ Chi, nên đến giờ này …

Câu nói bỏ lửng ở đó, và người khách cáo từ ra về.

* * *

Sau thoáng ngẩn ngơ, người đàn bà lần hồi nối lại mạch câu chuyện đã bị đứt đoạn hơn mười năm về trước. Bà không tin rằng người đàn ông đã rất xa của bà vẫn còn nhớ và giấu mặt mà kể lại với bà một cách rành mạch câu chuyện đời họ bằng những chiếc phong thư không lời.

- Cho cô hai ly vang ở bàn số 8 nghe cưng!

Ngồi vào chiếc bàn nằm sát góc nhà hàng, người đàn bà vừa nhâm nhi từng giọt rượu vang sóng sánh, vừa ngắm dòng người xuôi ngược qua ô cửa kính. Rượu làm tâm hồn bà bừng nóng.

Bà vẫn nhớ rất rõ, phong thư lớn trang nhã là kiểu phong thư mà ngày trước chàng thường dùng để viết cho bà những lời bay bướm bằng nét mực Parker. Còn loại phong thư nhỏ, giấy xỉn màu, sờn cũ là kiểu cách của bà.


Nhưng giờ đây, thay vì chứa những nét chữ quen thuộc, trong hai chiếc phong thư cũ ấy lại đựng tiền, đúng bằng số tiền chàng đã mượn để lo cho hai đám cưới của hai người em cách nhau trong vòng nửa năm, sau khi hai người giận dỗi chia tay nhau, người ấm ức lên xe hoa, kẻ đau đớn về chốn lạ. Bây giờ, bà mới hối hận vì khi đó đã trót nghĩ thấp về chàng, tình mới dứt chưa lâu đã quay lại quỳ gối van vỉ đàn bà. Tiền! Cuối cùng cũng không vượt qua chữ tiền! Ha ha!


Sau đó ít lâu, qua người bạn vừa rồi, bà mới biết về tình cảnh của chàng. Căn bệnh trầm trọng của người mẹ đã nhanh chóng biến tương lai của chàng sinh viên đợi kỳ tốt nghiệp trở thành người phu ba gác khắc khổ, rồi bị hút vào vòng xoáy của gia đình, vợ con trầm lụy.


Nhưng cũng vừa mới đây, bà đã được gặp lại người đàn ông đã xa của đời bà trong hình ảnh tươi trẻ vĩnh cửu ngay vào giờ phút bà nhìn thấy những chiếc phong thư cũ.