Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Truyện ngắn- Trần Văn Thưởng


Truyện ngắn rất ngắn của Trần Văn Thưởng.

Phong thư cũ

Tặng D.H

Người đàn ông đưa tay rút núm dây điện ra khỏi đầu bugi, tắt máy và đẩy chiếc ba gác vào đậu trong một góc sân. Lúc đó khoảng 10 giờ tối.


Việc làm tiếp theo đã trở nên quen thuộc mỗi ngày của người đàn ông là đi tắm, sau đó vào chạn bếp lục cơm nguội. Vừa nhai nhấm nhẳn, anh vừa điểm lại những chuyến hàng đã đi được trong ngày, thầm lên lịch chóng vánh cho ngày hôm sau, điểm anh sẽ dừng lại nghỉ và ăn trưa ở đâu.


Người đàn ông lên gác, trên tay cầm ly trà xanh. Vừa tợp một vài ngụm trong lúc dượm chân bước lên từng bậc gỗ, anh vừa hít khà một cách đầy sảng khoái. Ngang qua căn phòng nhỏ khép hờ, anh biết chắc thằng nhóc con anh đang ôm mẹ ngủ ngon lành sau khi xem xong chương trình tivi “Chúc bé ngủ ngon” cách đó bốn mươi lăm phút, dù anh không cần nhìn vào bên trong. Nếu là hôm khác, anh sẽ hé cánh cửa ngắm vợ con qua chiếc màn tuyn. Qua ánh sáng lờ mờ hắt ra từ chiếc đèn chụp đặt trên chiếc tủ con, anh sẽ thấy thằng bé gác chân qua một bên mình mẹ, bên kia là chiếc gối ôm. Thỉnh thoảng, nó cựa mình, nằm ngay ngắn, khuôn mặt điềm nhiên tựa đóa sen.


Cảnh tượng đó quen thuộc với người đàn ông đến đỗi chúng như một clip phim ngắn diễu qua tâm trí trong lúc anh bước từng bước về căn phòng kế bên, nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào và bật đèn ngủ lên. Anh đến bên chiếc tủ quần áo, khẽ mở cửa. Lôi từ bên trong ra một chiếc hộp gỗ.

Anh lần lượt vét tiền từ các túi áo, quần. Và ngồi bệt xuống sàn, vừa vuốt những tờ tiền còn thấm mồ hôi, vừa đếm cẩn thận như một viên kế toán cửa hàng bán lẻ. Năm phần sáu số đó anh để riêng ra, sáng hôm sau sẽ đưa cho vợ. Phần còn lại anh cho vào chiếc phong thư sờn cũ. Gấp nắp lại. Và nhìn nó. Như nhìn một kỷ vật. Và đặt nó lại vào trong chiếc hộp gỗ. Sau đó đem cất vào dưới đáy chiếc tủ quần áo đúng vị trí cũ.


Những cảnh đoạn rời rạc và thầm lặng đó đã lập đi lập lại như một điệp khúc diễn ra suốt nhiều năm nay trong căn phòng nhỏ, thế giới riêng bất khả xâm phạm của người đàn ông. Giây phút đó là cao trào của một bản nhạc mà người nhạc sĩ kiêm ca sĩ chính là anh. Để mỗi khi mở ra phong thư cũ, đặt thêm tiền kiếm được hằng ngày vào đấy, thấy nó dày lên một chút, anh hồi hộp vui sướng như khoảnh khắc hồi trẻ sắp được gặp mặt người yêu. Hay như cách nói của Putin vào những ngày cuối cùng trước khi mãn nhiệm: “Gần tám năm qua, tôi đã làm việc như một người nô lệ”. Và anh thêm: “Nhưng là một nô lệ sung sướng nhất trần đời!”

* * *

Một buổi chiều như mọi chiều tại nhà hàng Salamat.

Bà chủ nhà hàng hờ hững ra ngoài tiếp khách sau lời nhắn của nhân viên. Đó là một người quen cũ. Bà tỏ ra vui vẻ.

- Lâu quá không gặp thầy!

- Tui cũng vậy. Dạo rày trông cô hơi đẫy ra.

- Già rồi thầy.

- Bậy nào. Tui có quà cô cho đây.

Người đàn ông lấy từ trong túi ra một phong thư, trao cho người đàn bà, đoạn ghé sát vào tai nói nhỏ.

- Thằng Hùng gửi đó. Nó nói tui phải đưa tận tay, tránh để chồng cô biết.

Đó là chiếc phong thư được làm bằng loại giấy tốt, dài và lớn, lịch lãm theo kiểu Tây. Nó thoáng gợi cho người đàn bà một chút sương khói ngày xưa qua hình ảnh quen thuộc mà rất lâu rồi bà không còn nhìn thấy.

- Thầy đợi tôi chút.

Bà hồi hộp mở nắp phong thư. Bên trong là hai cái phong thư nhỏ, giấy sờn cũ, kiểu phong thư học trò thường dùng thời mười năm trước đây. Cả hai chiếc đều dày cộp. Mở ra bà thấy trong đó đựng tiền. Và không còn thứ gì khác, thậm chí không có cả một mẩu giấy lưu vài dòng trên đó gửi cho người nhận.

- Anh ấy có nhắn gì không thầy?

- Nó chỉ nói rằng, lẽ ra nó đã gửi trả cho cô sớm hơn. Nhưng nó kẹt lo sửa nhà cho ông bà già trên Củ Chi, nên đến giờ này …

Câu nói bỏ lửng ở đó, và người khách cáo từ ra về.

* * *

Sau thoáng ngẩn ngơ, người đàn bà lần hồi nối lại mạch câu chuyện đã bị đứt đoạn hơn mười năm về trước. Bà không tin rằng người đàn ông đã rất xa của bà vẫn còn nhớ và giấu mặt mà kể lại với bà một cách rành mạch câu chuyện đời họ bằng những chiếc phong thư không lời.

- Cho cô hai ly vang ở bàn số 8 nghe cưng!

Ngồi vào chiếc bàn nằm sát góc nhà hàng, người đàn bà vừa nhâm nhi từng giọt rượu vang sóng sánh, vừa ngắm dòng người xuôi ngược qua ô cửa kính. Rượu làm tâm hồn bà bừng nóng.

Bà vẫn nhớ rất rõ, phong thư lớn trang nhã là kiểu phong thư mà ngày trước chàng thường dùng để viết cho bà những lời bay bướm bằng nét mực Parker. Còn loại phong thư nhỏ, giấy xỉn màu, sờn cũ là kiểu cách của bà.


Nhưng giờ đây, thay vì chứa những nét chữ quen thuộc, trong hai chiếc phong thư cũ ấy lại đựng tiền, đúng bằng số tiền chàng đã mượn để lo cho hai đám cưới của hai người em cách nhau trong vòng nửa năm, sau khi hai người giận dỗi chia tay nhau, người ấm ức lên xe hoa, kẻ đau đớn về chốn lạ. Bây giờ, bà mới hối hận vì khi đó đã trót nghĩ thấp về chàng, tình mới dứt chưa lâu đã quay lại quỳ gối van vỉ đàn bà. Tiền! Cuối cùng cũng không vượt qua chữ tiền! Ha ha!


Sau đó ít lâu, qua người bạn vừa rồi, bà mới biết về tình cảnh của chàng. Căn bệnh trầm trọng của người mẹ đã nhanh chóng biến tương lai của chàng sinh viên đợi kỳ tốt nghiệp trở thành người phu ba gác khắc khổ, rồi bị hút vào vòng xoáy của gia đình, vợ con trầm lụy.


Nhưng cũng vừa mới đây, bà đã được gặp lại người đàn ông đã xa của đời bà trong hình ảnh tươi trẻ vĩnh cửu ngay vào giờ phút bà nhìn thấy những chiếc phong thư cũ.

Không có nhận xét nào: