Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Bút ký



MẠ ƠI!

Lê Quang Kết

Tôi đã đọc đâu đó một điều giản dị về mẹ: Anh lớn bao nhiêu tuổi, làm nên biết bao công trạng nhưng trước mẹ anh cũng chỉ là đứa con bé nhỏ vụng dại như ngày xưa mẹ yêu thương- mẹ nâng niu bú mớm dỗ dành…Mạ tôi năm nay đã cận kề tám mươi còn tôi đang bước vào lục thập, vậy mà tôi vẫn vô tâm an nhiên như không hề gì - đến nỗi chưa làm điều gì dù nhỏ cho mạ vui.

Tệ bạc đến thế chăng? Mạ không còn lâu với ông nữa đâu- ai đó thầm nhắc thúc giục… Lần này lòng dặn lòng phải nói đôi điều về Mạ Yêu Dấu…


Tôi sinh ra lớn lên ở quê ngoại, một làng nhỏ ven sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Ba tôi đi tập kết. Mạ nuôi tôi trong khổ cực với nghề hàng xáo nhỏ. Ngày đó làm hàng xáo nhọc lắm. Cứ chiều chiều mạ quang gánh hai chiếc thúng đi mua lúa, có khi xa tới năm bảy cây số. Về tới nhà chưa kịp nghỉ phải đổ lúa vào xay. Cái cối xay lúa thuở ấy giờ chỉ còn trong ký ức và gặp hiếm hoi ở các khu trưng bày làng cổ. Mất tới mấy tiếng kéo đẩy để xay xong bốn ang* lúa. Mệt lắm, cực lắm! Dân gian phải bật thốt lên thành ngữ “Xay lúa khỏi bồng em”. Tiếp tới là các thao tác: bộ**, sàng, giã, giần…Gần khuya công việc mới xong, sáng sớm mai mạ gánh gạo ra chợ bán, phần lời thường là dăm ba lon gạo mạ con đắp đổi qua ngày…Một mình mạ ngày qua tháng lại vất vả trăm chiều nuôi con chờ chồng ngày đoàn tụ…

Làm hàng xáo thiếu thốn trăm bề mạ cũng cố nuôi tôi ăn học. Con cố học dăm ba chữ để sau này đỡ vất vả, đời mạ đã không được học hành con phải bù đắp cái phần thiếu hụt kia. Có năm mạ gặp tai ương, một lần đi mua lúa ở nhà mụ Khóa bị chó cắn. Thuốc men chạy vạy nhưng vết thương cứ tái đi tái lại phải cả năm mới lành. Chiến tranh lan tới, làng quê tan tác, cuộc sống ngày càng khó khăn trên đôi vai bé nhỏ của mẹ. Ngày đó tôi mới xong bậc tiểu học.

Làng quê không yên, mạ con tôi bỏ quê lên Huế. Tôi đành phải nghỉ học. Thế nhưng với mạ- không thể thế được! Phải tiếp tục việc học dở dang? Làm gì để nuôi con ăn học giữa phố thị đông đúc nhiều người ít việc? Một phụ nữ nghéo khó, ít học- mạ tôi có thể làm gì ngoài việc chấp nhận cuộc sống giúp việc ở mướn. Mười năm đằng đẵng nhục nhằn làm người giúp việc để nuôi con nên người. Bước đường học vấn của tôi được trả giá bằng sự hy sinh vô bờ bến của mạ. Hình như cuộc sống giúp việc đã làm mạ tôi quen chịu đựng nhẫn nhục phục tùng, không muốn nhờ vả hay liên lụy đến ai. Tôi vào sư phạm và ra trường ngày đất nước thống nhất.

Mạ con tôi mừng mừng tủi tủi chờ ba trở về. Nhưng điều ngang trái đến với mạ khi biết ba có vợ con ngoài Bắc. Mạ lại cắn răng âm thầm chịu đựng. Khổ riêng mình mình chịu. Mạ không lời phàn nàn; lặng lẽ chấp nhận, lặng thầm cho số kiếp éo le . Hai mươi mốt năm ở vậy chờ chồng nuôi con giờ thành vô vọng. Mấy năm đó mạ ít nói ít cười...

Chuyện rồi cũng nguôi ngoai, mẹ quyết định về quê nội dựng căn nhà nhỏ. Mạ bảo nhỏ với tôi: “Lỗi chẳng do ai chỉ là chuyện lịch sử, đàn ông sống một mình sao đang. Tội cho ba con lắm… Giờ mạ già rồi về lo kỵ giỗ mồ mả và chăm sóc ông nội cho trọn bề dâu trưởng…”.


Hơn ba mươi bốn năm rồi tôi vẫn chưa về với mạ, chỉ thưa thớt mấy bữa phép năm; chưa một ngày phụng dưỡng. Đứa con bất hiếu cứ mãi bôn ba chen chúc lợi danh, bao lần thay đổi chỗ ở chỗ làm, bao toan tính cho gia đình vợ con, cố tìm cho mình nơi chốn yên lành… Nơi quê nhà, mạ ngày càng luống tuổi. Vu Lan sắp tới con có còn được cài nụ hồng trên ngực? Cái ngày con xa mạ đang gần. Câu chuyện ngày trước trong câu hò xứ Huế làm tôi lo âu chạnh buồn. Chuyện rằng: Có đôi vợ chồng nghèo khổ ngày mẹ mất họ chỉ lo ma chay qua quýt, câu hò họ ước nguyện trước bàn thờ vong linh mẹ : “… Hò ơ ơ ơ…Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn/ Ôi… lấy chi đền nghĩa khó khăn/ Thôi… hai đứa mình lên non xắn đá xây lăng mà phụng thờ…”.

Biết con có làm được điều ấy hay không, mạ ơi?


* ang: từ địa phương một dụng cụ để đong lúa khoảng 16 kg.
**bộ: từ địa phương, cách làm cho trấu ra ngoài còn lại gạo.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào: