Tạp bút:
TÌNH LÁ, DUYÊN QUÊ
Trần Văn Thưởng.
Ai có ra Huế, cho tôi gửi theo một chút tình! Tôi đã nhận từ người con gái sông Hương chiếc nón bài thơ khắc ghi kỷ niệm những ngày tôi lang thang tìm em trên đất Huế. Tôi còn biết đáp lại gì đây, ngoài một chút tình vương vít trong hồn tôi sau ngày xa Huế? Chếnh choáng từ khúc dạo đầu trên mạng, ngỡ ngàng trong buổi sơ giao nơi đất khách, rồi ngùi ngùi từ độ biệt nhau kẻ cố đô người đất mới. Nón em tặng tôi, hỡi em, làm sao mà đội cho vừa niềm nhớ. Ở ngoài kia, vành nón rộng che khuất bờ vai em, lấy gì để tôi nhìn gương mặt em ngày mưa hôm nắng?
Tôi thật bối rối mỗi khi có ai đó hỏi: “Nón ai?”. Tình thật, nón của trời, nón của mộng. Những đêm dài, tôi lấy nón ra so. Này là giọt nắng, này là giọt mưa, còn này là giọt mồ hôi em. Trên mỗi nếp lá, mỗi nang vành, tôi đều nhìn thấy em. Lá nón thì bạc nhưng lòng cô thợ nón hãy còn son.
Tôi lại hỏi, ai đã tình khi nghĩ ra chiếc tình...tình lá? Câu thơ ép giữa hai lớp lá trong chiếc nón bài thơ là thơ...hay là tình? Thơ thì không phải. Vậy ra nón cũng có tình, giống như tình của cái trống cơm “Khi buồn vỗ cái quên buồn...”
Không biết vào thời của ông Bùi Quang Bặc, người được xem là cha đẻ của sản phẩm nón bài thơ nổi tiếng xứ Huế từ hơn bốn mươi năm trước, thơ trong những chiếc nón lá là thơ như thế nào: thơ tình, vịnh cảnh hay thậm chí chỉ là thơ vè? Còn cô thợ nón khuyết một bàn tay ở Phú Cam tôi đã gặp thì tự tình: “Cái ni mà người ta cũng gọi là thơ!”. Nhưng đều đặn mỗi ngày qua gần suốt ba mươi năm, cô góp nhặt từng vần điệu ráp thành “cái người ta gọi là thơ”, rồi ép vào trong nón lá. Không thơ trong chiếc nón lá, nhưng mỗi lời trong đó như ẩn giấu một điều bí mật nào đó mà người làm nón đã gửi gắm vào. Hay, phải chăng công việc của cô mới chính là thơ?
Tôi nghĩ cô không bận tâm lắm đến những mỹ từ đó. Những người phụ nữ bình dị như cô chỉ có “Bàn tay xây lá, tay xuyên nón” (*) từ ngày này sang ngày nọ, từ nỗi này sang nỗi kia qua suốt cả thời thanh xuân. Đó cũng là cách mà những thôn nữ Huế báo cho mọi người biết sự có mặt thầm lặng của mình trên cõi đời. Và, như Decarter của thế kỷ Ánh Sáng từng nói rằng: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”; cũng vậy, những thôn nữ Huế quanh năm nhọc nhằn với nghề làm nón: “Tôi chằm nón nghĩa là tôi tồn tại!”. Chừng nào vẫn còn người biết yêu quý đôi tay mình, nghề mình thì chừng đó nghề thủ công truyền thống này mãi còn. Tôi tin như vậy.
Còn em, hỡi cô thôn nữ bên dòng Hương Giang, em đã tự nhìn ra mình chưa vào mỗi buổi mai thức dậy đón vầng dương gối ánh hồng trên đỉnh Ngự Bình, hay mỗi chiều tà thả chiếc nón mang theo điều ước miên man trôi trên dòng nước lững lờ không hẹn điểm cùng? Tôi cần chi tìm thơ hoà điệu với hồn. Nghiêng nón của em cùng với tà áo dài, dù có hơi cũ một chút, đã là hai nửa của một câu lục bát liền vần. Tự bao giờ đã thế, đến tận bây giờ cũng thế. Đó là cái tình...tình lá, nét duyên...duyên quê.
Cám ơn tình em, chiếc nón. Tôi đã không tin vào mắt mình khi nhận chiếc nón lá mong manh mà em đã gửi trọn tuổi thanh xuân của mình vào đó. Một phiên khúc âm trầm trong bản hoà ca rộn ràng vào thời đại số. Chắc hẳn ngày xưa mẹ em cũng đã tình cái tình lá với một ai như em dành cho tôi bây giờ? Ngày xưa-bây giờ, ai người đan vành, ai người xây lá. Chẳng phải em đã bảo muốn được người thương thì cứ về làng nón đan vành để người gái quê xây lá nên duyên đó sao?
Bao giờ thì điều bí mật trong chiếc nón bài thơ hiển lộ? Mãi mãi. Rứa thì cần chi phải soi nắng tìm thơ. À ơ, ai về Diên Đại, Hương Sơ, ghé ngang Phú Mỹ, xuôi về Thuỷ Vân! (**). Về nhé, bởi bây chừ “Vẫn còn núi Ngự bên bờ Hương Giang”.
Rồi thể nào tôi cũng trở lại Huế tìm em. Đó sẽ là một cuộc kiếm tìm hoài vọng nhưng vô cùng thích thú khi lang thang vào những làng nón thấy mọi phụ nữ ở đó đều có thể là em, em của những năm trước và em của nhiều năm sau. Tôi như tìm thấy cuộc đời trong mỗi chiếc nón lá từ làng quê em. À ơi, bà em đã gắn cả cuộc đời vào “nghiệp nón”, rồi mẹ em cũng chẳng phải đã đi gần hết một đời với nghề xây lá đó sao. Làm nón là nghề của một đời người và nón lại mang nhiều cuộc đời. Từ Phú Hồ, qua Diên Đại, đến Dạ Lê, rồi Phú Cam (**), đâu đâu tôi cũng gặp những cuộc đời như thế. Đó là một dòng chảy bất tận, như nước của dòng sông “có mùi thơm” trên miền quê em, khi ở đó sự sống không ngừng luân chuyển qua nhịp điệu bàn tay xây lá và xuyên nón trải dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
(*) Thơ Nguyễn Khoa Điềm
(**) Tên những làng nghề làm nón lá truyền thống của Huế
1 nhận xét:
Bài viết dễ thương, phảng phất- thấp thoáng tình quê hồn nước.
Đăng nhận xét