Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Truyện ngắn- VÔ ĐẠO- Lê Quang Kết

Truyện ngắn
VÔ ĐẠO
Lê Quang Kết
Anh ta tên Quê. Người cùng làng bảo rằng: Ngày ấy nhà Quê nghèo lắm, thuộc hạng cố nông cùng đinh, không tấc đất cắm dùi. Có điều nhà ấy biết cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Quê có hai chị gái chịu thương chịu khó. Cha mẹ công việc đồng áng quanh năm đầu tắt mặt tối chẳng bao giờ bước ra khỏi cổng làng. Không nói ra nhưng ai cũng nhủ lòng cố lo cho nó học hành thành đạt. Bà mẹ nào chẳng thế- con đỗ đạt làm ông này ông kia mai này mình sung sướng tuổi già. Người cha lại có niềm mong ước khác: Cả dòng họ bao đời nay chẳng ai bảng vàng bia đá nay con trai mình tú tài- cử nhân là niềm tự hào cho gia đình dòng tộc.Và thế là Quê được cưng chìu chẳng làm chi chỉ lo đèn sách. Nhà nghèo rớt mùng tơi nhưng cậu út sướng như tiên. Hình như Quê chẳng phải bận tâm tới việc lấy đâu ra cho mình ăn học? Mẹ cha rồi hai chị cực nhọc ra sao?
So với các cô cậu cùng trang lứa, Quê là đứa tối dạ, học hành loàng xoàng nhưng cuối cùng cũng tốt nghiệp phổ thông trung học vào cái thời buổi mà tỉ lệ tốt nghiệp tới 99,9%. Cả nhà chăm chút và kỳ vọng vào cậu trai. Cha bảo:
- Hay là con thi vào Đại học nông nghiệp rồi ra kỹ sư làm trên huyện gần nhà được cả đôi bề.
- Ừ, nhà mình bao đời sống với cây lúa củ khoai. Bà mẹ đồng tình.
Quê vốn thụ động, nhút nhác. Kể cũng lạ. Mấy năm trọ học trên thị trấn thằng Khoa, thằng Tiến học đòi thị tứ bao thứ- nào là quần áo bảnh bao- nào là tóc tai chải chuốt- cả chuyện yêu đương bồ bịch…Vậy mà Quê vẫn lặng lẽ đi về- cậu ta vẫn giữ nét chân chất của chàng trai quê không bị lối sống phố thị xô bồ lôi cuốn. Cả nhà mừng thầm. Con tôi ngoan lắm. Em tôi hiền khô à, tìm đâu ra chàng trai thời nay giỏi giang đến thế. Bà con chòm xóm những kẻ ngồi lê đôi mách vốn chỉ xầm xì “câu chuyện làm quà” cũng phải khen thầm: Nhà ấy phúc đức có cậu con trai hiền lành tốt bụng chuyên tâm học hành, vợ chồng ông Hồi sau này đỡ khổ thoát cảnh chân lấm tay bùn…
Ước mơ thôi thúc người ta vươn lên trong cuộc sống, ước mơ cũng giúp người ta quên đi những vất vả mệt nhọc lo toan hàng ngày. Hình như mơ ước cuộc sống đổi đời làm con người giàu đức hy sinh hơn!? Ông Hồi chẳng kể ngày đêm lao vào công việc để có đủ tiền cho Quê lên thành phố ôn luyện. Hai chị gái thương em nhận thêm việc gia công sản phẩm ở một xưởng đan lát để có thêm thu nhập trang trải gia đình, họ chẳng nghĩ chi chuyện lập gia đình dù cũng có người muốn làm quen tiến tới. Bà Hồi thương con trai hơn - sợ con thiếu thốn, bà nhờ bà con liên hệ lên thị trấn làm người giúp việc cho đôi vợ chồng trẻ khá giả, mỗi tháng được trả bảy trăm ngàn để định kỳ có tiền gởi cho Quê.
Cả nhà lo cho mình- phải cố lên không thể phụ lòng mọi người, phải thi đỗ đại học vì lòng tự trọng và niềm kỳ vọng của gia đình. Bao bạn bè ở quê đều phải nghỉ bỏ học do không lo nổi, mình là đứa sướng nhất làng có ai bằng. Cố lên. Bao nhọc nhằn, chật vật bài vở và phải tới hai kỳ thi, cuối cùng Quê cũng đỗ vào đại học nông nghiệp - khoa dâu tằm dù học lực chỉ ở dạng trung bình, nghe đâu có điểm ưu tiên do ông Hồi là du kích thương binh.
Bốn năm đại học, giá cả ngày càng đắt đỏ, nhu cầu cuộc sống phố thị ngày càng đội lên nhưng riêng Quê đề huề lưng túi chẳng thua em kém bạn về chuyện tiền nong. Còn học hành thì thời buổi ấy ai mà chẳng ra trường, trừ ra một số vi phạm đạo đức, hạnh kiểm còn đều tốt nghiệp. Quê tự hào lắm, cả dòng họ bao đời nay mới có mình vinh quy bái tổ. Ông bà Hồi cũng đã chọn sẵn một thiếu nữ ở làng bên nết na, thùy mỵ- họ quyết định đại đăng khoa và tiểu đăng khoa luôn thể. Nghiễm nhiên kỹ sư Nghiêm Thực Quê là cán bộ phòng nông nghiệp huyện nhà, hàng ngày ung dung tự tại sáng đi chiều về, quả là “chiếu lót giữa đàng vàng treo cửa ngõ"
***
Thế nhưng sự đời chẳng bình yên bằng phẳng như ta tưởng. Người làng đồn đại hóa ra là chuyện có thật: Quê chuyển công tác và nhậm chức Trưởng phòng kinh doanh -vật tư của một Tổng công ty TT tiếng tăm cả nước ai cũng biết. Ông bà Hồi có chút lo nhưng mừng ra mặt. Nhân đầy năm đứa cháu đích tôn và tiễn đưa Quê, họ đã mổ heo làm tiệc ăn mừng. Tạm thời chỉ mình Quê đi nhận nhiệm vụ mới còn vợ con cứ ở nhà với ông bà. Lo gì mai này ổn định rồi đưa vợ con vào cũng chẳng muộn.
Ngày ra đi Quê cũng bồn chồn lo nghĩ. Mình có biết kinh doanh -vật tư chi mô, làm trưởng phòng chứ đâu chuyện đùa. Mấy tháng đầu lạ nước lạ cái, trông Quê ngờ nghệch, nhiều thiết bị hiện đại từ nước ngoài nhập về anh ta hồn nhiên nhìn ngắm rồi đưa tay sờ mó trông thích thú lắm. Dần dà công việc ổn định, Tổng công ty ngày mỗi bề thế có vẻ ăn nên làm ra, năm nào cũng mở hội nghị cỡ khu vực và quốc tế, đại biểu khắp nơi dồn dập đổ về tham quan học tập. Quê vốn chất phác, cẩn trọng nên chẳng có gì sơ suất, được đánh giá là đơn vị tiên tiến xuất sắc, lương thưởng khấm khá nên mọi người yên tâm với công việc.
Chuyện bắt đầu từ khi có cô gái trẻ về phòng kinh doanh -vật tư. Người thành phố có khác, mặt hoa da phấn được cả dáng dấp lẫn cách ăn mặc đúng điệu cộng với cái tên cũng đầy ấn tượng- Mỹ Ngọc. Các chàng trai trẻ tha hồ nhìn ngắm, tán tỉnh, sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi nàng cần sự nghĩa hiệp từ chuyện nhỏ đến việc lớn như mang vác bưng bê. Bao chàng say mê Mỹ Ngọc như điếu đổ nhưng nàng chẳng bận lòng chỉ thích anh trưởng phòng đã có vợ một con. Cô ta chủ động mời Quê đi uống cà phê, tỉ tê này nọ, mùa lạnh mua cho anh chiếc áo blouson, mùa hè sắm cho chàng chiếc quần bò áo pul cá sấu. Mưa lâu thấm đất. Những bộ đồ cũ xưa trên người Quê lâu nay được thay thế bởi bao thứ sang trọng lịch lãm. Quả là Quê khác đi nhiều, áo quần được chăm chút lượt là, tóc tai được xịt keo cẩn thận, giầy mũi nhọn đế cao láng bóng, và còn thêm mùi nước hoa thơm lựng mỗi khi đi đâu. Thị xã này vốn nhỏ, đường không rộng chân bước chật, ra khỏi nhà là gặp mặt nhau, vậy mà cô cậu cứ cặp kè đây đó, làm sao khỏi chuyện bàn tán xôn xao. Chà, coi bộ họ dính nhau rồi thì phải, ông trưởng phòng nhẹ dạ bị cô gái trẻ mồi chài, chẳng hiểu có âm mưu chi đây, rồi đây mới rầy rà phức tạp…
Chà, anh Quê sang ghê! Chiều chiều “hai người”lại còn tập tễnh tập dợt tennis nữa mới sành điệu chứ. Có người nói: Trưởng giả học làm sang. Người thì bảo: Đổi lốt, biến tướng, tút toàn diện. Anh em phòng kinh doanh- vật tư xầm xì: Tiền đâu mà lắm thế!? Chỉ có điều Quê đang cố quên ngày tháng cũ, cái ngày xưa nghèo khổ được mọi người chia sẻ cưu mang. Nghe đâu Quê có gửi tiền về phụ vợ con nhưng thưa thớt những chuyến về quê. Có rỗi đâu, công việc kinh doanh- vật tư đã bù đầu rồi còn chuyện những ngày công tác kết hợp với du hí tận Sài Gòn hoa lệ, lại còn lo nghĩ tiền nong cho việc tậu ngôi biệt thự trong đợt bán đấu giá kỳ tới.
Quê bây giờ đúng là giàu thật, nhà to rồi xe bảy chỗ đời mới, tiện nghi gia đình toàn thứ đắt tiền. Mỗi bước lên xe xuống ngựa đường bệ như là quan lớn thủa xưa. Hình như là thế: Người quý tộc phải nghĩ khác người nhà quê- một chân lý hiển nhiên, tất yếu. Mình bây giờ thế này mà lại có bà vợ quê mùa đến thế à. Hai bà chị gái thì thô kệch, lem luốc, một chữ cắn đôi không biết. Cha mẹ thì dù sao cũng phải trách nhiệm nhưng chỉ chu cấp cho ít tiền là được, đưa họ vào đây chỉ tổ rách việc, có khi còn ảnh hưởng chuyện làm ăn…
***
Tổng công ty TT được cấp trên quan tâm cho vay vốn nước ngoài để đầu tư phát triển. Hợp đồng liên doanh và máy móc trang thiết bị nhập về số lượng ngày càng nhiều, Quê được đi nước ngoài liên tục để quan hệ, giao dịch, thương lượng. Công việc điều phối ở phòng bây giờ thuộc quyền Mỹ Ngọc- trợ lý cho Quê. Cô ta năng động, biến hóa tài tình, mọi việc như cỗ máy chạy êm ru. Ông trưởng phòng và cô trợ lý khắng khít, thuận chiều. Họ sống như vợ chồng nhưng chẳng có chứng cớ gì, mà phải riêng gì anh Quê đâu, ở đây cũng có khối anh có vợ con ngoài quê nhưng vẫn cặp bồ và sống ung dung đường hoàng công khai với cô bồ nhí có sao đâu.
Mỹ Ngọc không muốn mình chỉ là vợ hờ, cô ta muốn là vợ chính thức của Quê. Chị ta suy tính nhiều phương án buộc anh trưởng phòng về quê ly dị nhưng chưa có cơ hội thuận tiện. Lần ấy Quê có chuyến xuất ngoại Hàn Quốc, mới đi mấy hôm thì hay tin cha Quê ốm nặng. Ông Hồi xưa nay lam lũ giờ ốm đau chắc khó qua. Chuyến đi dài ngày và một thương vụ làm ăn béo bở kiếm được khá bộn nên đành phải tội bất hiếu, bởi khi Quê về thì cha đã ra người thiên cổ. Ngày đưa tang ông Hồi bà con láng giềng bùi ngùi: Có thằng con trai trưởng quyền cao chức trọng vậy mà cha chết chẳng có thuớc khăn, than ôi, nghe nói nó giờ là đại gia giàu có nứt đố đổ vách kia mà…Lúc đầu về quê chịu tang Quê tỏ ra ăn năn nhưng sau đó trở lại với cuộc sống xô bồ với giới thượng lưu nơi phố núi anh ta quên nhanh, đặt biệt Mỹ Ngọc luôn bên cạnh anh an ủi, vỗ về. Phía trước Quê là một tương lai rực rỡ, không thể bận bịu với chuyện đất lề quê thói, không thể nào trở về với người vợ quê mùa cưới từ buổi túng khó. Hình như người xưa có câu: giàu đổi bạn sang đổi vợ, còn với Quê giờ này anh đang muốn đoạn tuyệt hẳn với mọi thứ của ngày xưa.
Bàn tính theo kế hoạch của đạo diễn Mỹ Ngọc, Quê về quê sắp xếp chuyện nhà và tiến hành ly dị. Mọi thứ đều được trao đổi bằng tiền, cho cô vợ cũ căn nhà ở quê và một số tiền lớn để làm vốn nuôi con, còn ở Toà án huyện- chánh án vốn là bạn học cũ của Quê nên cũng thuận tiện, mấy chầu nhậu và bỏ phong bì là có ngay quyết định ly hôn. Chuyện nhà cũng gặp may, hai bà chị vì thương em nên lận đận không chồng giờ cũng gặp cơ duyên- nhân huyện đang có dịch vụ tuyển người sang Đài Loan làm người giúp việc, Quê chạy luôn cả hai xuất, không tốn kém là bao vì là chỗ quen biết. Vậy chỉ còn mỗi việc đưa bà mẹ vào phố núi là xong- nhất cử lưỡng tiện. Từ nay chàng trưởng phòng và nàng trợ lý tha hồ tung tăng bay nhảy, chẳng phải kiêng dè e ngại, họ sẽ ngẩng cao đầu bước vào thế giới quyền quý cao sang.
Điều Quê và Mỹ Ngọc lo nhất là bà mẹ quê. Mình đài các thế này mà có bà mẹ quê mùa thế à, làm sao dám giới thiệu với đám bạn bè trí thức quý tộc được. Mẹ nhà quê chân lấm tay bùn- hàm răng nhuộm đen do phong tục thuở trước giờ thành cổ lỗ sĩ, tay chân mẹ gầy guộc do bao năm cực nhọc đi cấy ruộng xa, mặt mày mẹ nhăn nheo do ngày đó đi ở đợ ăn uống qua loa để dành tiền cho con ăn học, có được đến trường học hành sách vở chi đâu làm sao mà mẹ nói lời hoa mỹ như người thành phố được. Mẹ gặp nói chuyện với ai với cái giọng nhà quê ấy chắc mình chết mất, bể mặt chẳng chơi- cả hai thầm thì to nhỏ. Thôi thì để mẹ ở nhà sau, cái phòng nhỏ kín đáo hồi làm nhà kho đấy mà, cũng là xây cấp bốn hẳn hoi chứ đâu phải tranh tre nứa lá tồi tàn như ở quê, bà chẳng đi đâu chỉ cơm nước hai bữa là ổn. Nhưng sự đời dễ đâu, giấu một ngày, một tháng, một năm nhưng làm sao có thể giấu cả đời. Nhà trưởng phòng đại tiệc - tổ chức chiêu đãi trọng thể nhân chuyến đi nước ngoài thành công, khách mời không nhiều nhưng là những ông bà tai to mặt lớn sang trọng đẳng cấp. Tiệc sắp tàn nhưng còn một số thân hữu chưa chịu về. Một ông đi vệ sinh từ nhà dưới lên cất giọng:
- Chàng nàng ơi, moa (moi -tiếng Pháp nghĩa là tao) thấy một bà ở sau nhà kho cũ cứ ra vô nhìn ngắm rất đáng nghi ngờ, phải cẩn trọng với loại người đó, người nhà quê lên tỉnh tinh ranh ma mảnh phải biết.
- Không sao đâu, tụi moa đưa bả ngoài quê vào giúp việc vặt trong nhà đấy mà.
Nhưng Quê đâu biết có một người bạn đang ngồi lại trong bàn tiệc đã gặp bà Hồi trong một lần đến chơi mà Quê và Mỹ Ngọc vắng nhà. Anh ta hỏi thăm và biết chắc bà Hồi chính là mẹ Quê. Tế nhị anh lặng yên không nói nhưng lòng chùng xuống nước mắt rưng rưng: Đúng là đứa vô đạo, mẹ đứt ruột đẻ mình ra mà nó dám bảo là người giúp việc…Anh lẩm nhẩm: vô đạo…vô đạo…tụi nó gieo nhân ác rồi sớm muộn trước sau cũng gặt quả báo thôi…
-------------------------------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết
Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc
ĐT: 063 3717 123 – 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com

Không có nhận xét nào: