Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Con chim bồ câu - MS 22

Thứ Hai, 10/05/2010, 22:17 (GMT+7)
Truyện ngắn dự thi văn học tuổi 20

Con chim bồ câu

TTCT - Tôi vô tình cán chết một con chim bồ câu. Bồ câu là loài chim hiền lành nhưng không chậm chạp. Con bồ câu tôi cán chết là một con bồ câu què. Theo phản xạ, nó chạy vài bước rồi bay. Nhưng cái chân què đã không chạy được. Tôi vô tình cán chết nó.

Nàng ngồi sau, cặp mắt lộ ra trên chiếc khẩu trang hốt hoảng, sợ sệt. Chẳng có giọt máu nào như một vụ tai nạn kinh khủng. Con chim bồ câu tội nghiệp nằm đè lên máu của chính mình, chỉ thấy một xác chết rũ rượi. Người đi đường không hề biết tôi vừa gây ra cái chết cho chú chim câu, có biết họ cũng chẳng thèm quan tâm.

Một con bồ câu hay một con ve, con gà chết... thì có nghĩa lý gì trong thế giới ồn ào này chứ? Không ai xúm lại kết tội kẻ đã cán chết một trong những loài đó cả. Phải chăng vì chúng là những con vật quá hiền lành, chưa bao giờ biết nói? Hay người ta giống như tôi, nghĩ rằng làm chết một con vật bé nhỏ thì chẳng có tội tình gì?

Mọi sinh vật có mặt trong thế giới này đều có thể chết bằng những lý do vô tình hay cố ý. Mà cuộc sống thì đã đau đầu bởi biết bao sự kiện. Sự kiện nào quên được thì hãy nhanh chóng quên đi.

Tôi có chạnh lòng đôi chút với vụ tai nạn nhưng rồi tôi đã tha thứ cho mình. Còn nàng hình như không? Nàng im lặng sau lưng tôi, tay bấu vào yên xe. Trái tim phụ nữ mỏng manh hơn đàn ông nên dễ xúc động và khó quên. Nhìn qua kính chiếu hậu tôi thấy đôi mắt nàng ngơ ngác như vừa chứng kiến một biến cố không lời. Chiếc xe chúng tôi bình thản chạy giữa buổi trưa đắt đỏ.

Rồi cũng tới lúc tôi cưới nàng. Thông báo cho bạn bè, rồi nhậu nhẹt. Trên cái bàn tròn, ai đó gọi những con chim bồ câu nướng lu. Những con chim bồ câu sấp cánh nằm trên đĩa, váng mỡ, vàng rụm. Trong cái chết chúng cũng phải xếp hàng và chịu sự chi phối của nghệ thuật sắp đặt. Cứ như chúng sinh ra để dâng hiến.

Không biết vì nhớ hay quên, tôi và nàng không đụng tới một con bồ câu nướng lu nào. Nàng ngồi im, tròn mắt nhìn chiếc đĩa. Rồi như không thể chịu được, nàng chạy ra phòng vệ sinh nôn tơi tả.

- Chúc mừng hai bạn đã can đảm ăn cơm trước kẻng!

Cả bọn lao nhao. Ủa, đó là dấu hiệu của ăn cơm trước kẻng hả? Nhưng “cơm” đâu mà ăn? Tôi... chưa làm gì mà! Tôi cụng ly, cười nửa miệng, ngơ ngác như một công chức mới nhận việc.

Chở nàng về nhà, tôi dềnh dàng ở cổng.

- Sao thế anh? - Nàng mệt mỏi hỏi.

- Em không sao chứ? - Tôi hỏi.

- Ừ, em chỉ hơi mệt.

- Vì sao?

- Sao anh lại hỏi thế?

- Vì sao em lại mệt? - Tôi không biết rằng tự nhiên giọng tôi lại gay gắt.

- Em mệt một chút, thế thôi.

- Phải có lý do để người ta mệt chứ? Ví dụ như phải... có gì chẳng hạn - Tôi run run.

- Em không hiểu? Sao anh lại cáu vì em mệt chứ? Em không có quyền mệt sao?

Có, em có quyền. Tôi gục gặc đầu. Khi đã rồ máy chạy đi tôi còn nghe tiếng gọi của nàng phía sau. Nàng đang hét lên thắc mắc hay phân bua điều gì?

Đó không phải là lần cãi nhau duy nhất trong cuộc tình sắp đến đích của chúng tôi. Càng tiến gần hôn nhân, chúng tôi càng cãi nhau nhiều hơn. Hình như có một lời nguyền của một bà phù thủy dành cho những người sắp trói buộc tự do của mình với nhau suốt đời. Họ phải trải qua những cuộc cãi vã te tua, có lý do hay thậm chí là chẳng có lý do nào hết.

Tôi hẹn nàng đi ăn trưa. Nàng tới, vẻ mặt dàu dạu vì mệt. Lúc nào cũng mệt! Tôi chán lắm rồi. Và trong bóng đêm, khi tôi tìm làn môi nàng, nàng mệt mỏi đẩy tôi ra, vẻ mặt buồn rầu, khó chịu.

- Em lại mệt hả?

- Không, em chán.

- Sao lại chán?

- Đừng hỏi những câu hỏi vì sao nữa. Em chán lắm rồi - Nàng bỗng dưng hét lên.

- Nhưng em chán cái gì? Phải có lý do chứ?

- Mọi thứ đều phải có lý do sao? Anh nhầm rồi. Có vô số thứ chẳng có lý do quái nào hết - Nàng hét lên bằng giọng hoảng loạn.

Đó là giây phút tôi cảm thấy mình mãi mãi không hiểu được phụ nữ. Con người nào trong nàng mà tôi quen biết? Cô gái hiền lành, rụt rè, nói năng nhát gừng như không quan tâm đến chính kiến, suy nghĩ của mình, hay cô gái hoảng loạn, sắp nổi loạn để đấu tranh một điều gì đó? Mà nàng muốn đấu tranh cho điều gì?

- Vì sao? - Tôi buột miệng hỏi.

- Chết tiệt! Đừng hỏi vì sao nữa - Nàng đã biến thành một con người máu lửa.

- Nhưng anh không hiểu.

- Em là ai trong anh?

- Sao em lại hỏi thế?

- Trả lời câu hỏi của tôi đi.

- Người tình, vợ chưa cưới.

- Tôi không hỏi chức danh. Tôi hỏi trong anh tôi là ai?

- ...

- Không trả lời được, phải không? Vì tôi là cái bóng. Tại sao tôi phải nghe lời anh. Hay nói đúng hơn, tôi phải chịu sự sắp xếp của anh cho cuộc đời tôi? Tôi phải mặc áo màu gì trong ngày cưới, chọn nhà hàng nào, ở với anh phải tuân theo một số luật lệ... Tôi chẳng bắt anh tuân theo luật lệ nào hết. Còn tôi, tại sao phải sống theo ý thích của anh?

- Tất cả những đôi tình nhân đều vậy mà. Hòa hợp thì mới ở bên nhau được.

- Tôi ghét điều đó. Tôi đã biến thành cái bóng của đám cưới và hạnh phúc. Một cái bóng.

- Hay lắm! - Tôi nói - Em viết kịch bản cho đoạn kịch này phải không?

- Anh nói gì?

- Cô đã làm điều đó với người khác. Tôi linh cảm điều đó. Thật xấu xa!

- Điều gì?

- Ăn cơm trước kẻng.

- Anh nghĩ thế ư? Bao lâu? - Nàng xúc động mãnh liệt.

- Hai tuần trước. Trong bữa tiệc.

- Chúng ta không tin nổi về nhau. Thật tàn nhẫn! Anh không tin tôi, còn tôi không tin tình yêu anh dành cho tôi.

Đó là những lời cuối cùng tôi nhớ khi chúng tôi còn đứng giáp mặt nhau. Không có đám cưới nào để chúng tôi có dịp giáp mặt nhau trong bữa cơm, khi cùng thay quần áo hay âu yếm nhau trước khi đi làm.

Linh cảm của tôi đã thành hiện thực. Tôi không hiểu phụ nữ! Người phụ nữ gần gũi ở bên cạnh mà tôi đã khám phá giống như một người xa lạ. Nàng là ai? Cô thiếu nữ tóc ngắn ngồi bên thềm nhà, hỏi tôi kiểu tóc mới của nàng có dễ thương không. Người ngồi sau lưng, ôm eo tôi, dựa đầu vào lưng tôi đầy tin cậy. Tôi nhìn vào mắt nàng, chỉ thấy yêu thương và dâng hiến. Tôi không thấy một tia sáng nhỏ nhoi mà tất cả những người phụ nữ như nàng đều có. Tia sáng thông minh, muốn được là mình. Nàng là ai?

Có thể tôi đã nhìn thấy nàng là ai khi tôi là một chàng trai xa lạ và nàng là một cô gái xa lạ. Tôi bị hấp dẫn bởi những tính cách của nàng, một thiếu nữ duyên dáng, cá tính, hơi bốc đồng nhưng nhiều ước mơ và khao khát. Tôi đã nhớ vẻ nàng cười khi nhìn một tia nắng lạc. Nhưng khi đã thuộc về nhau thì tôi quên mất những chi tiết ảo ảnh đó.

Tôi thích có một người yêu ngồi sau lưng mình, tóc dài, dáng thon, ăn nói dễ thương, nhỏ nhẹ. Tôi thích nàng cười với tất cả bạn bè tôi dù cho trong số đó có những tay ăn nói xóc họng, làm nàng ngượng ngùng. Nàng ít khi phản kháng vì không bao giờ có ai nghĩ rằng phản kháng còn có đất sống trong cái vẻ dịu dàng đến từng chi tiết kia. Tôi đã vui vì nàng là một con búp bê mà quên mất trước đây nàng còn là một thiếu nữ cá tính.

Nhưng sao gần đến hôn nhân nàng mới phản kháng để đòi lại một số quyền không đáng có ấy? Tôi không thấy nhiều cô gái hành động như nàng. Nàng phản kháng mà không có lý do, không cần lý do, đòi những quyền mà mới nói ra người ta đã thấy cao xa trong cuộc sống này. Đòi là mình, không làm cái bóng. Đó là những điều hết sức trừu tượng. Trừu tượng đến nỗi chúng tôi phải xa nhau.

Sau đám cưới hụt, chúng tôi còn gặp nhau vài lần trên phố. Một lần chờ đèn đỏ, tôi và nàng đứng cạnh nhau. Bên kia đường là một quán chim nướng lu. Không biết những con chim đang sấp cánh nằm xếp hàng chờ được thiêu ấy là chim cu hay bồ câu? Nhưng mùi nướng thì ngào ngạt như nhau. Cái màu vàng óng, váng mỡ, thơm giòn rụm. Người chờ đèn đỏ đều bất giác ngó qua, chảy nước miếng. Trước mặt tôi là một sư cô. Sư cô trẻ như nàng, nhìn qua đường, rồi bất giác cúi xuống, lầm rầm đọc kinh. Sư cô đọc kinh vì nhớ Phật hay để cầu siêu cho những con chim tội nghiệp ấy?

Ba mươi giây đèn đỏ. Bụi, tiếng chửi nhau khi ai đó không chịu nổi cảnh chen lấn. Mùi khói xe, mồ hôi người, mùi chim nướng. Sư cô cúi đầu đọc kinh. Còn nàng để xe, đi bộ vào lề, ngồi và ói. Nàng không chịu nổi mùi khói xe?

Đèn xanh. Dòng xe ào ào lũ lượt. Tôi muốn đứng lại mà chẳng còn chỗ để quay đầu xe. Cứ như tôi phải tiến lên như một sự thật tàn nhẫn. Mọi người tiến lên, nhưng vẫn chưa thoát khỏi chửi rủa. Tôi để chiếc xe mình trôi theo cái dòng chảy đèn xanh. Hình ảnh phía sau lưu trong óc tôi. Chiếc xe của nàng chơ vơ giữa đường, còn chủ nhân của nó đang nôn trối chết bên vỉa hè. Khi quay đầu xe lại được thì hình ảnh ấy không còn nữa. Cứ như nó đã bị xóa trong bộ nhớ của chiếc máy vi tính. Nhưng khác chứ. Tôi có chui vào thùng rác thì cũng không phục hồi được. Nhưng tiếng cầu kinh của sư cô chắc vẫn còn rơi lại đâu đó trên vỉa hè bụi bặm.

Rất lâu sau đó, khi đã lấy vợ tôi mới gặp lại nàng. Nàng gầy quá nhanh khiến tôi xót xa. Chúng tôi gặp nhau trong một quán nhỏ. Hình ảnh mong manh mới mẻ của nàng khiến tôi thấy nàng giống như một chú chim bồ câu mà ai đó đã thả bay trong bầu trời này. Suốt bữa cơm nàng chỉ gọi những món chay. Tôi sửng sốt nhận ra nàng chưa quên con bồ câu què bé nhỏ.

Tôi - kẻ cán chết nó - đã quên và cũng đã tha thứ cho mình. Nhưng nàng - kẻ ngồi sau, chứng kiến cái chết đó từ đầu đến cuối - vì có trái tim mỏng manh, dễ rung động nên nàng bị ám ảnh. Nàng không quên khi con chim què quay lại nhìn hai con người ngồi trên chiếc xe đã cán chết nó, ánh mắt hốt hoảng, ngơ ngác chứ không hận thù. Nàng không quên nó ngã xuống, dập đầu trên vũng máu của mình.

Không ai dọn cái xác đó. Con chim bồ câu tội nghiệp tiếp tục bị cán chết bởi những bánh xe lơ đễnh, nhưng nó không còn chạy trốn hay phải hốt hoảng nữa. Và nắng đã thiêu khô cái xác ấy, trước khi nó quên lãng vào bụi đường.

Nàng không quên. Hình ảnh ấy sống động tới mức nàng không thể nhìn cái chết của những con bồ câu nướng nằm trên đĩa. Nàng không chịu được mùi thơm từ cơ thể trần trụi của chúng. Nàng đã ăn chay.

Nhưng tại sao nàng lại chia tay tôi? Có dính líu gì tới con chim bồ câu hiền lành kia chứ? Lẽ nào nàng bị sốc khi con chim trước cái chết mà không thể nói. Nàng sợ mình cũng giống nó? Là một bóng ma. Không nói, không thổ lộ tình cảm hay tâm tư mình, không đấu tranh mà sống trong hiền lành, nhịn nhục. Tôi đã quên mất những gì thuộc về nàng, nhất là những khát vọng sâu kín nhất. Nàng sợ mình sẽ giống như con chim bồ câu, không còn biết nói, dù để phản kháng hay kêu ca.

Nhưng hình như những bí ẩn của nàng còn đi xa hơn thế. Mãi sau này, trong các tin buổi sáng viết về một kẻ lang thang nào đó chết vô danh bên đường, tôi mới lờ mờ hiểu được những nỗi sợ đã ám ảnh nàng. Trái tim yếu ớt của nàng linh cảm con chim bồ câu không phải là sinh vật duy nhất tạm biệt thế giới tươi đẹp này trong cô đơn và thờ ơ. Nàng hoảng loạn trước hình ảnh mà vô số người cho là bình thường ấy.

Dĩ nhiên, rất ít thiếu nữ giống như nàng. Sự ngạc nhiên đó khiến tôi tưởng rằng nàng là một chú chim bồ câu hiện hình. Vì giờ đây nàng mỏng manh, mong manh, bí ẩn, buồn buồn như con chim bồ câu xanh xao.

Mỗi lần gặp lại nàng, trái tim tôi lại bị bóp nghẹn. Trong phút chốc, máu không đủ dồn về tim nữa. Tôi sẽ chết nếu nàng đứng lâu trước mặt tôi. Bao giờ, giống như một kẻ bị bỏ rơi, câu hỏi mà tôi muốn hỏi nàng nhất vang lên trong thâm tâm: “Sao em lại bỏ rơi anh? Sao em lại chia tay anh?”. Nhưng tay nàng không đeo nhẫn và sự thật hiển nhiên là tôi đã bỏ rơi nàng.

Đến tận bây giờ, để đổ lỗi cho cuộc tình buồn của mình, tôi vẫn khăng khăng cho rằng chính những con chim bồ câu đã chia lìa chúng tôi. Tôi chờ chúng phản kháng, nhưng loài bồ câu cam chịu trong yên lặng.

Hình như loài bồ câu không cần gì hơn khi có một sư cô cầu nguyện cho chúng và một thiếu nữ mong manh đã ăn chay vì chúng.

Nhưng tôi, tôi đã mất mãi mãi một người tình!

TRUYỆN NGẮN DỰ THI: MS22

Không có nhận xét nào: