Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011
Giai điệu và ca từ mỹ cảm về mẹ- Lê Quang Kết
Mùa Vu Lan Phật lịch 2555 (2011)
“BÔNG HỒNG CÀI ÁO”- GIAI ĐIỆU VÀ CA TỪ MỸ CẢM VỀ MẸ
Lê Quang Kết
“Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ quá cố Phạm Thế Mỹ lấy ý tưởng từ tùy bút cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh. Bài tùy bút ra đời từ năm 1962 Phật lịch 2507, khoảng một năm sau vào mùa Vu Lan 1963 đoàn áo lam chúng tôi được nghe đọc “Bông hồng cài áo” trong lần sinh hoạt sau thời công phu- lễ Phật ở chùa Thiên Minh, ngôi chùa đậm dấu ấn kỷ niệm của Thiền sư những ngày tu học ở Huế.
Giọng Huế trầm đầm ấm của chị huynh trưởng làm chúng tôi rưng rưng, nhiều chị em nữ khóc thút thít. Bài thơ ngũ ngôn sau lời mở- những dòng thơ khóc mẹ ngày mẹ ra đi mà những ai còn mẹ hay mất mẹ đều nghe lòng lo sợ…sợ đến một ngày kia: “Năm xưa tôi còn nhỏ/ Mẹ tôi đã qua đời/ Lần đầu tiên tôi hiểu/ Thân phận trẻ mồ côi/ Quanh tôi ai cũng khóc/ Im lặng tôi sầu thôi/ Để dòng nước mắt chảy/ Là bớt khổ đi rồi/ Hoàng hôn phủ lên mộ/ Chuông chùa nhẹ rơi rơi/ Tôi biết tôi mất mẹ/ Mất cả một bầu trời”. Cả một bầu trời yêu thương, cả một dòng suối dịu hiền, cả một mạch nguồn bao la như biển xanh ngọt ngào vỗ về con thơ giờ đây không còn nữa. Anh chị không còn trong vòng tay yêu thương của mẹ, anh chị sẽ nghe cõi lòng mình trống vắng và là thời khắc anh chị như chú chim non cánh mỏng bơ vơ lạc lối- bởi vì có mẹ là có đủ mọi thứ trên đời- mẹ là tất cả…
Giai điệu và ca từ nhẹ nhàng sâu lắng “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai/ đang còn Mẹ/ đang còn Mẹ/ để lòng vui sướng hơn…”. Tùy bút thầy Nhất Hạnh kể chuyện từ xứ Phù Tang- bước chân nhẹ trên phố xa- một nhóm sinh viên trẻ thầm thì to nhỏ với người đồng hành rồi cài lên ngực trái thầy một bông hồng trắng. Hỏi ra mới biết nếu ai còn mẹ thì sẽ nhận một nụ hồng. Một nụ hồng yêu thương- một nụ hồng tuyệt vời cao cả bởi một lẽ anh chị đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn. Mùa báo hiếu năm nao chúng tôi đã lặng thầm thổn thức khi trong buổi lễ “Bông hồng cài áo”- trên ngực ai cũng điểm một nụ hồng còn oanh vũ Liên, Hạnh lại phải cài một nụ bạch hồng. Mẹ của em đã bị dòng nước lũ thịnh nộ cuốn trôi trong lần chèo ghe vớt củi trận lụt tháng bảy năm xưa…Khổ thân em biết mấy Liên, Hạnh ơi?! Ngày ấy xa rồi anh chị biết không?- trong ca dao mẹ, có cậu bé lớn khôn trong vòng tay mẹ cha êm ấm, chuyện nhà không may gặp cơn túng bấn phải tha hương mưu sinh, vật lộn giữa dòng đời cay nghiệt khi đó mới hiểu ra- công cha mẹ là biển trời: “Cơm cha cơm mẹ đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người khổ lắm mẹ ơi/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”.
Tứ khổ: sinh lão bệnh tử- ai trên đời mà không chết? Chết là quy luật là lẽ thường của tự nhiên, cái chết không loại trừ bất cứ ai. Nhưng cái khổ lớn nhất của những đứa con trên đời là ngày mất mẹ. Mẹ ơi! Hai tiếng thiêng liêng đi suốt cả cuộc đời con những lúc- hỉ nộ ái ố sầu bi- khổ đau, buồn vui hay hạnh phúc. Ngôn ngữ nói và viết dường như bất lực phải cần thêm vỏ âm thanh giai điệu:“Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi/ Như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”. Còn mẹ sẽ là tình yêu thương tròn đầy viên mãn. Còn mẹ là diễm phúc lớn trên đời này của những đứa con. Hình như tôi đã đọc đâu đó một điều giản dị về mẹ: Anh chị lớn bao nhiêu tuổi, làm nên biết bao công trạng nhưng đứng trước mẹ anh chị cũng chỉ là đứa con bé nhỏ như ngày xưa mẹ yêu thương, nâng niu bú mớm dỗ dành…Xưa nay đông tây đều thế- con trẻ sẽ không lớn khôn thêm nếu thiếu vắng bàn tay nâng niu âu yếm của mẹ. Người lớn mà mất mẹ cũng thấy mình thiệt thòi trống rỗng không còn người lo toan cận kề che chở… Lời và nhạc như thúc giục nhắc nhở bao đứa con hãy làm một việc gì đó có ý nghĩa ngày mẹ còn trên trần thế. Mẹ mất như bông hoa thiếu ánh mặt trời, như đứa trẻ môi khô héo cằn già nua trước tuổi và bầu trời thiếu vắng ánh sao khuya cứ tối mò mù mịt như đêm ba mươi…
Bài hát đi vào điệp khúc : “Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền/ Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là mắt sáng trăng sao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối/ Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào/ Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau/ Là tiếng dế đêm thâu/ Là nắng ấm nương dâu/ Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…”. Có thể nói những mỹ từ đẹp nhất về mẹ được cất lên. Các anh chị hãy lắng nghe lời ngọt ngào từ mẹ.Tiếng ru ầu ơ bên vành nôi tuổi thơ; bàn tay mẹ sờ lên trán nóng khi con biếng ăn biếng quẫy; nước mắt mẹ sầu lo khi nghe tin con mình bất hạnh tai ương; chiều về dáng mẹ thẩn thờ ngồi trông con vời vợi nơi xứ lạ quê người- biết xuân này nó có về không?...Chao ôi! Lời nào để bày tỏ hết ân tình thăm thẳm công ơn sâu dày của mẹ. Hình như là thế -“Ngôn ngữ trần gian túi rách/ Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi!”. Lời và nhạc điệp khúc không cần đến ca sĩ tài năng hay ưu tú- ai hát cũng làm người nghe sầu thương buồn nhớ mẹ. Có chàng trai bụi đời sương gió- là trùm du đãng một vùng. Sau khi đọc và nghe tùy bút cùng bài hát “Bông hồng cài áo”anh ta “đốn ngộ”-hoàn lương quay về với mẹ, từ bỏ một thời ngang tàng lầm lỡ…
“Bông hồng cài áo”, Thiền sư Nhất Hạnh viết: “Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?”.Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?". Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?”. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng” . Có thể nói đây là đoạn nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã gần như trung thành với nguyên bản- một sự rút gọn tuyệt vời từ văn xuôi thành ca từ: “Rồi một chiều nào đó/ anh về/ nhìn Mẹ yêu/ nhìn thật lâu/ Rồi nói/ nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?” " Biết gì ?Biết là, biết là con thương Mẹ không?”. Tôi nghĩ phải là nhạc sĩ tài hoa mới đủ tầm để biến hóa tài tình ra vậy. Nói ra điều đó “Biết là, biết là con thương mẹ không?”- anh chị sẽ nghe lòng thanh thản nhẹ nhỏm và hạnh phúc lạ thường. Như lời sám hối với mẹ. Lâu nay con đã làm bao điều sai trái hư đốn, chơi bời lêu lỏng làm mẹ buồn. Và từ đây con sẽ sống tốt hơn có ý nghĩa hơn. Từ đây con vâng lời mẹ cha, cố lên chăm học chăm làm, làm điều lành tránh điều dữ, thực hành tam quy ngũ giới, tu tâm dưỡng tánh giữ trọn đạo làm người…Chỉ thế thôi là đủ phải không anh chị?
Anh chị đi hết đời lòng mẹ vẫn theo. Mẹ có thể vì con mà hi sinh tính mạng. Mẹ có thể vì con mà từ bỏ mọi thứ của cải và mọi điều ân sủng quý giá nhất. Mẹ là ngọn lửa vĩnh hằng: “Dẫu là nguyên thủ quốc gia/ Hay là những anh hùng/ Là bác học hay là ai đi nữa/ Vẫn là con của một người phụ nữ/ Một người đàn bà bình thường/ Không ai biết tuổi tên”( Xuân Quỳnh). “Bông hồng cài áo” kết thúc với điệp ngữ: “Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh/ Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em/ Thì xin anh/ thì xin em/ Hãy cùng tôi vui sướng đi”. Lời hát và ca khúc vang lên giai điệu cuối: “Hãy cùng tôi vui sướng đi”…Thế mà âm vang về mẹ trong anh trong chị vẫn còn vọng lại. Mẹ ơi, mẹ ơi…Buồn thương lắm, man mác lắm, chan chứa lắm, bao la lắm, tha thiết lắm người ơi!
Tùy bút (hay bút ký nhỉ?) “Bông hồng cài áo” của thầy Nhất Hạnh đã xuất hiện và tồn tại gần năm mươi năm trong lòng bao đứa con của mẹ. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc cũng đã chừng ấy năm; hằng ngày hằng đêm, mỗi mùa Vu Lan và khi buồn nhớ mẹ chúng ta lần giở trang tùy bút và lắng nghe giai điệu “Bông hồng cài áo”- để lòng thấu hiểu hơn- dày và dài thêm công ơn cha mẹ.
Tôi đang còn mẹ. Anh chị biết không? Mẹ tôi năm nay đã ngoài tám mươi, còn tôi đang bước vào lục thập, vậy mà tôi chưa làm được điều gì cho mẹ vui… Hơn ba mươi năm rồi tôi vẫn chưa kịp về với mẹ, chỉ thưa thớt mấy bữa phép năm. Căn nhà nhỏ nơi quê nhà mẹ vẫn cặm cụi hôm sớm. Đứa con bất hiếu cứ mãi chen chúc lợi danh, bao toan tính bon chen thu vén cho gia đình vợ con, cố tìm nơi chốn yên lành…“Mẹ không còn ở lâu với ông nữa đâu!”- ai đó thầm nhắc nhở, thúc giục… Mỗi ngày qua lòng tôi lại bồn chồn lo lắng. Căn nhà nhỏ thời thơ ấu của mẹ hiện về. Những bữa cơm đơn sơ đạm bạc, những hôm mưa dầm gió bấc, những ngày nắng rát gió Lào- mẹ tôi đôi quang gánh hàng xáo lầm lũi tần tảo nuôi con. Giờ đây ốm đau trái gió trở trời ai người chăm sóc, phụng dưỡng. Mẹ ơi, cái ngày con xa mẹ đang gần, Vu Lan sắp tới con có còn cài nụ hồng lên ngực …Câu chuyện ngày cũ trong điệu hò xứ Huế càng làm tôi đau đáu chạnh lòng. Chuyện rằng: Có hai vợ chồng nghèo khó túng bấn ngày mẹ mất họ chỉ lo ma chay qua quýt. Rồi họ cố lên tát cạn biển đông, câu hò ước nguyện trước bàn thờ vong linh mẹ: “Hò ơ…Nuôi con chẳng quản chi thân…ơ…hò…Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn…ơ…Ôi… Lấy chi đền nghĩa khó khăn…ơ…hò…Thôi thì hai đứa mình lên non xắn đá xây lăng mà phụng thờ…hò…ơ…”
Biết con có làm được điều ấy không, mẹ ơi?
-------------------------------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết
20 Nguyễn Thái Bình, Tp. Bảo Lộc, Lâm Đồng
ĐT: 0633 717 123 – 0907 615 510
Email: lequang54@gmail.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét