Nhạc sĩ Trần Quế Sơn - Ảnh: nhân vật cung cấp |
“Tôi vẫn hay khóc khi nhớ về mẹ”
Cõng mẹ đi chơi đã từng được Ánh Tuyết, Quang Linh, Đỗ Quyên và nhiều ca sĩ khác hát nhưng thú thật tôi vẫn thích chính tác giả hát ca khúc này, mặc dầu Sơn xử lý bài hát không tinh tế bằng ca sĩ chuyên nghiệp nhưng nhìn anh hát hầu như ai cũng phải bật khóc. Tôi đã nhiều lần nghe Sơn hát. Nhiều lần nước mắt ngập mi...
Sơn kể: “Năm 1997, tôi đã sống xa mẹ 8 năm. Dù đã là thanh niên nhưng tôi vẫn hay khóc khi nhớ mẹ. Tôi nhớ mẹ tôi cứ phải thức dậy lúc bốn giờ sáng làm tất cả mọi việc như đi chợ, bếp núc, đồng áng... Mẹ không bao giờ được nghỉ trưa, chỉ chợp mắt vài giờ buổi tối. Nhớ nhất là những bữa cơm, mẹ chỉ dùng phần đầu và xương cá, phần ngon nhất dành hết cho các con. Từ tuổi thanh xuân cho đến khi già, mẹ tôi vẫn vậy... Nhớ mẹ, tôi hay khóc và rất muốn viết một ca khúc tặng mẹ”.
|
Tôi muốn cõng mẹ đi theo con cóc là cậu ông trời, cõng mẹ cưỡi gió bay lên trời xin thêm tuổi cho mẹ. Tôi run sợ khi nghĩ đến ngày mẹ mất: mất mẹ bếp sẽ lạnh lẽo đến mức nào, mất mẹ dây trầu sẽ chết khô mất thôi, mất mẹ khi buồn vui con biết tựa vào ai?...”. Thế là anh viết: “Dìu mẹ đi chơi! Cõng mẹ đi chơi!... Mẹ và con đi chơi, thênh thang một cõi, quên những nhọc nhằn, quên hết dày vò tâm can... Từng nụ hoa tinh khôi, vi vu cười gió, ươm nắng hồng đào, như những mặt người tinh khôi... Mẹ và con đi chơi, đi ra bờ suối, con suối chạy dài, khua cả vòm trời lung lay... Rồi vài mươi năm sau, đi qua trần thế, con cõng mẹ về, con cõng mẹ về... Thiên Thai...”. Bài hát Cõng mẹ đi chơi ra đời từ cảm xúc ấy.
Mẹ là tất cả
Trần Quế Sơn cho biết, lúc đầu anh viết với nhịp 3/4 êm đềm, nhẹ nhàng nhưng đến năm 2001, khi anh bị tai nạn giao thông phải nằm nhiều tháng tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Mẹ anh từ quê vào nuôi. Bệnh viện quá tải, mẹ anh phải chui xuống gầm giường để ngủ. Rồi khi bà đi chợ mua thức ăn cho anh lại bị tai nạn giao thông trật xương tay trái... Hình ảnh người mẹ đội nón lá, tay băng bột đi lững thững giữa đường phố Sài Gòn như những nhát dao cứa vào tim, vào hồn anh...
Trần Quế Sơn sáng tác không nhiều. Hơn mười năm sau khi tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, “gia tài” của anh cũng chỉ mới có khoảng dăm chục ca khúc, trong đó có hơn mười bài được phổ biến. Viết ít, nhưng ca khúc nào cũng đầy cảm xúc, cũng hàm chứa “nội công thâm hậu” trong bút pháp. Bằng chứng là ca khúc của anh từng đoạt giải nhất, nhì, ba của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong 2 năm liên tiếp (2004 và 2005). Trong số các ca khúc đó, có thể nói Cõng mẹ đi chơi là một tác phẩm “xuất thần” của anh. Năm 2005, ca khúc Cõng mẹ đi chơi được trao giải nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
“Tôi nhận ra nhịp 3/4 êm đềm, nhẹ nhàng không diễn tả hết nỗi lòng của tôi. Vết thương ở chân tôi không đau xé trời bằng nỗi đau trong tâm khảm khi tôi nghĩ về cuộc đời cơ cực của mẹ. Tôi phải viết Cõng mẹ đi chơi kịch tính, nội tâm hơn, hiện đại hơn. Và tôi đã viết lại theo thể loại rock giao hưởng (Symphony rock) và phải mất đến hơn 2 năm để tự hòa âm phối khí cho ca khúc này (tôi làm rất kỹ và cũng chỉ tạm hài lòng). Năm 2004, tôi nhờ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương thu âm Cõng mẹ đi chơi, nhưng sau khi nghe bản demo do tôi hát, Hương bảo: “Anh hát hay vậy sao không thu luôn đi!”. Tôi không biết mình hát thế nào, nhưng nghe Hương động viên tôi bèn liều làm ca sĩ...”, Trần Quế Sơn tâm sự.
Đoạn A (trên) với tiết tấu sôi nổi, ca từ lung linh bao nhiêu thì khi chuyển qua đoạn B nghe xé lòng bấy nhiêu: “Hôm nay cõng mẹ đi chơi. Một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi. Một mai mẹ bỏ con rồi. Mẹ để con mồ côi. Hôm nay cõng mẹ đi chơi. Một mai ngồi khóc bên trời. Một mai mẹ bỏ con rồi. Mẹ đành rời xa, rời xa con rồi... Cuối đời là một trò chơi... TRÒ CHƠI LÊN TRỜI!”.
Khi Trần Quế Sơn hát Cõng mẹ đi chơi trong chương trình truyền hình trực tiếp, đã có những vần thơ đồng cảm nhắn vào điện thoại: “Chiều nay cõng mẹ đi chơi. Kẻo mai mẹ phải lên trời còn đâu. Lưng con ướt đẫm giọt sầu. Giọt cay, giọt đắng bể dâu một đời” (bác sĩ Đại - Bệnh viện Quảng Nam); “Người ta cõng mẹ đi chơi. Còn tôi cõng cả một đời bơ vơ. Ngậm ngùi nhớ thuở còn thơ. Trên lưng mẹ cõng vô bờ yêu thương” (ca sĩ Tuyết Mai, mồ côi mẹ từ nhỏ).
Có một người hỏi khi Sơn viết Cõng mẹ đi chơi có biết một nhà tư tưởng nước ngoài đã từng nói: “Cái chết là một trò chơi lớn, dù không muốn nhưng ai cũng phải dự phần”. Trần Quế Sơn không trả lời vì anh biết rằng đó là cái ngưỡng cửa đáng sợ nhất mà ai rồi cũng phải bước qua, nhưng với anh mãi mãi vẫn là: “Con ra đời mẹ nhé. Con yêu mẹ nhất đời! Muôn ngàn năm sau nữa. Con cõng mẹ đi chơi...”.
Hà Đình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét