Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Làng quê yên ả- Thái Bá Tân

Chủ Nhật, 13/09/2009, 09:48 (GMT+7)

Làng quê yên ả

Minh họa: Lê Thiết Cường
TTCT - Gần về đến làng thì có dông. Cơn dông bất chợt đầu hè ngắn và ấm, thoảng mùi hăng con đường đất bị hun nóng lâu ngày, mùi cỏ cháy và cả mùi gì đấy lẫn lộn, rất nông thôn và cũng rất đặc biệt.

Lác đác một vài tiếng sấm. Không thấy chớp. Có thể có chớp nhưng vì mặt trời chiếu sáng nên không thấy. Những đụn mây vần vo bay từ biển lên rồi dừng lại trên đỉnh Ba Chạc. Còn phía tây trời vẫn quang, nắng vàng rực rỡ.

Ông Bùi vào trú trong ngôi đình bên hồ sen ngay đầu làng. Nó vốn là ngôi đình cổ nổi tiếng thiêng và đẹp nhưng bị phá gần hết cuối những năm sáu mươi, không do máy bay Mỹ mà do chính dân làng, theo lệnh của phòng văn hóa huyện khi rộ lên chủ trương “xây dựng đời sống mới”. Nghe nói đã có kế hoạch trùng tu lại toàn bộ, nhưng tạm thời nó chỉ còn lại khung nhà trống huếch, mái thủng ngói, đôi chỗ bằng chiếc mâm con. Thời đó dù đã xa làng, ông ngẫu nhiên được chứng kiến cảnh phá hủy ấy. Tổ chức lễ hẳn hoi, có cờ trống và những bài phát biểu hùng hồn. Lễ phá đền chùa.

Bây giờ ông Bùi không nghĩ đến chuyện đáng buồn đó. Ông đang vui vì lâu ngày được về thăm quê. Niềm vui ấy bắt đầu từ khi bước xuống ôtô trên con đường nhựa phẳng lì cách làng không xa, khi ông vừa thong thả đi bộ vừa lâng lâng ngắm đồng lúa xanh rờn, mấy đứa trẻ chăn trâu đang chơi khăng trên Gò Chùa hệt như ông cách đây bốn, năm chục năm. Cảnh làng quê yên ả làm ông cảm động. Lũy tre bao bọc quanh làng vẫn còn, bất chấp những thay đổi to lớn của thời đại. Ông thích thú nghĩ bụng chỉ chốc nữa thôi khi vào bên trong, ông sẽ được lũy tre làng ông che chở, không chỉ khỏi những cơn gió mạnh từ biển mà cả những cơn gió độc của đời.

Cả cơn dông bất chợt này cũng làm ông vui. Thậm chí ông còn nấn ná một lúc bên ngoài cho mưa rơi lên mặt và làm ướt chút áo quần. Một niềm vui ngây thơ kiểu trẻ con, khiến ông bất giác mỉm cười.

Chợt có mấy cô gái làng không hiểu từ đâu chạy ùa vào cùng trú mưa bên ông, mang theo cả tiếng nói cười vui vẻ và dường như cả cái lạnh. Những cô gái hồn nhiên, xinh đẹp ông không biết tên nhưng chắc biết tên bố mẹ hoặc ông bà họ. Ông nhìn các cô, nhìn xuống ao sen và nghĩ:

Trời mưa lên mặt hồ sen
Những giọt to như đồng tiền.

Mấy cô đầu trần ướt hết,
Vừa chạy vừa run vì rét.

Lại còn trêu nhau, còn cười,
Áo ướt, dính chặt vào người...

Các cô đội nón nhưng vẫn bị ướt, làm những chiếc áo mỏng dính chặt vào người. Hết mưa, ông còn hồi lâu nhìn theo những eo lưng thon thả dính áo ướt ấy. Không hiểu sao ông thở dài như nuối tiếc điều gì.

Trong làng, ông Bùi không còn ai thân thích. Ông ở nhờ nhà một người quen trước cùng học trường làng, nay làm trưởng thôn. Suốt buổi chiều hôm ấy ông khoan khoái tận hưởng sự tĩnh mịch của miền quê yên ả. Đang dịp làm cỏ đợt hai cho lúa, mọi người ra đồng hết. Trẻ con hoặc bận chăn trâu, hoặc đang ở trường, thành ra ông đi một vòng quanh làng chỉ gặp mấy người tuổi ông nhưng do cuộc sống vất vả trông già hơn nhiều. Nói chuyện với họ thực ra chẳng mấy thú vị, có người phải quát vào tai mới nghe nổi vì nghễnh ngãng, nhưng ông thích, vì nó gợi nhớ nhiều kỷ niệm, có cả kỷ niệm buồn nhưng bây giờ ông thấy bình thường. Cũng có thể do ông đang trong trạng thái lâng lâng của ngày đầu rời thành phố về làng, thấy cảnh làng vẫn điền viên, thơ mộng như xưa dù cuộc sống đã thay đổi hẳn, theo hướng tốt lên, tất nhiên.

Nhà ông trưởng thôn nhìn ra một con kênh nhỏ được đào để dẫn nước tưới cho cả huyện Xuân Phú phía trên. Chủ nhà đi họp trên xã. Chỉ cô con út ôn thi đại học ở nhà. Hiện cô đang giặt quần áo dưới kênh. Cô ăn mặc, búi tóc kiểu nhà quê, và cũng kiểu nhà quê toát lên ở cô sự khỏe mạnh, dung dị đến cảm động. Chốc chốc cô ngừng tay, đỏm dáng soi bóng mình dưới nước. Ngồi hút thuốc trong sân, ông bâng quơ nhìn cô, rồi tự lúc nào không biết mấy câu thơ vu vơ xuất hiện trong đầu. Ông là nhà thơ, còn khá nổi tiếng một thời, thường viết thơ triết lý, nhưng về quê lần này ông toàn nghĩ những chuyện đời thường dung dị.

Dưới ao, cô gái đang yêu
Giặt ít, ngắm mình thì nhiều.

Tôi nghịch ném hòn đá nhỏ,
Cô gái giật mình xấu hổ.

Còn tôi, đứng nấp trong nhà,
Nghĩ mình cũng chưa thật già.

Ông mỉm cười với chính mình. Bài thơ đến thật hồn nhiên, hợp người hợp cảnh, dù không ném đá trêu cô gái nhưng ông hình dung đã làm điều đó. Ông cũng thấy như trẻ ra hàng chục tuổi.

Cũng trong tâm trạng phấn khích như thế, buổi tối ăn cơm xong, bất chấp sự phản đối của chủ nhà, ông Bùi vác cần câu ra đầm Vạc. Ông chỉ muốn được sống lại những ngày còn trần truồng tắm ở đó, những ngày vô tư và có lẽ hạnh phúc nhất của đời ông. Buổi chiều đi ngang, thấy mấy bụi cây rậm rạp bên đầm, ông đã nghĩ tới chuyện tối đến đi câu.

Minh họa: Lê Thiết Cường
Đêm trăng sáng, ngoài đồng vắng còn sáng hơn. Cơn dông rửa sạch bầu trời, không khí ẩm ướt, ánh trăng trở nên hữu hình, sền sệt như sữa loãng. Đầm Vạc khá rộng, nước trong, bao đời nay là chỗ tắm công cộng của dân làng. Có thể vì thế mà người ta không biến nó thành hồ nuôi cá. Thanh niên làng bên nhiều khi hứng chí vượt cả hai cánh đồng rộng đến đây tắm nhờ. Mặt hồ không hiểu sao có màu đen sẫm chứ không ánh bạc như ông tưởng, và chi chít hàng nghìn, vạn ngôi sao.

Không muốn ai nhìn thấy, ông Bùi ngồi lên chạc ba thân cây nhãn mọc nghiêng trên mặt đầm, thong thả buông câu. Ông tận hưởng sự tĩnh lặng của làng quê yên ả, hơn nữa, lại làng quê của chính ông. Ông không nghĩ gì, hoặc cố không nghĩ gì. Người ông như mềm ra, có lúc thiu thiu buồn ngủ. Ông thấy mình hạnh phúc có được một làng quê như thế để về thăm, là điều thật tiếc, ông rất ít làm trong mấy chục năm qua. Biết đâu, không ra thành phố, không thành nhà thơ, mà ở lại làng làm anh nông dân bình thường, cuộc đời ông sẽ tốt hơn, thanh thản hơn?...

Cơn buồn ngủ và những ý nghĩ tản mạn bị ngắt quãng bởi tiếng líu ríu của mấy cô gái đang chạy từ làng ra. Bốn cô. Đến mấy bậc đá dẫn xuống đầm cách chỗ ông ngồi chỉ dăm mét, các cô nhất loạt cởi hết áo quần rồi nhảy ùm xuống tắm, không kịp để ông lên tiếng nhắc đang có người. Ông chỉ còn biết mỉm cười lắc đầu và ngồi im không dám động đậy. Lại một bài thơ nữa tự đến.

Mấy cô thôn nữ hồn nhiên
Đêm khuya tắm dưới ao sen,

Rúc rích nói cười, không thấy
Có tôi ngồi câu cạnh đấy,

Làm tôi lặng người quay đầu,
Cá cắn mà không giật câu...

Vậy là tình cờ, ông Bùi được chứng kiến một bầy tiên đang tắm truồng ngay trước mặt mình. Không dám nhìn nhưng ông biết các cô đẹp, với những đường nét trẻ trung, khêu gợi. Các nàng tiên tắm, cười nói, té nước trêu nhau ồn ĩ như bầy trẻ.

Bỗng một nàng tư lự nói:

“Chúng mày ạ, cái Thơm nó rủ tao lên thành phố bán trinh. Những hai triệu cơ đấy. Nó bảo tìm được mối rồi...”.

“Khiếp! - một cô khác lên tiếng - Mày nói gì sợ thế!”.

“Còn hơn cứ thế này sớm muộn bọn mình cũng bị mấy thằng mất dạy trong làng cưỡng hiếp. Hai triệu chứ ít à? Đằng nào chẳng mất. Có đứa nào đi với bọn tao không?”.

“Mày nói có lý. Nhưng để tao nghĩ đã”, một cô đáp.

“Đúng là trai làng mình thật láo. Thanh niên làng khác đến bị chúng rình ném đá vỡ đầu, hoặc công khai kéo nhau đến đánh. Tuần trước cái Lụa con bà Thảo bị hiếp đấy, chắc chúng mày đã biết. Đi chợ huyện về thì bị hiếp ở Đồng Chùa vì lúc ấy đã tối, lại một mình. Nó biết, tao biết, nhiều người nữa biết nhưng không ai muốn làm ầm lên. Để ế chồng à? Mà chúng thì được thể chắc sẽ còn tiếp tục làm tới. Sợ lắm. Tao chỉ mong mau mau thoát khỏi cái làng này!”.

“Đúng đấy, phải lo mà chuồn nhanh thôi, chúng mày ạ”.

Rồi các nàng tiên lại quay sang đùa nghịch, cười nói vui vẻ như không hề mới bàn nhau cái chuyện bán trinh khủng khiếp kia. Có lẽ các nàng đã quá quen với những chuyện như thế.

Ông Mùi lặng người, bây giờ không chỉ vì sự hiện diện của ông trước sự lõa lồ của các cô gái. Ông thấy bàng hoàng, chua xót như có cái gì đang vỡ ra bên trong.

Sáng hôm sau ông lên đường sớm, quay lại cái thành phố ồn ào ông hăm hở muốn thoát khỏi ngày hôm trước.

Ngồi trên ôtô, ông thở dài ngoái lại nhìn lũy tre um tùm bao quanh làng ông. Lũy tre, những thửa ruộng lúa sắp lên đòng, những con trâu hiền lành gặm cỏ bên đường đã tạo cho nó cái vẻ điền viên thơ mộng. Một làng quê yên ả. Làng quê của ông...

Chỉ với một chi tiết đắt giá ở cuối truyện, mà cả câu chuyện đang yên lành bỗng ầm ầm dậy sóng. Như sóng sông Tiền Đường trong Truyện Kiều. Chi tiết ấy kéo phắt nhân vật chính về đô thị, đập vỡ tan ảo ảnh phù vân trên mặt làng quê yên tĩnh.

Cách viết của Thái Bá Tân (thường được biết đến với tư cách là một dịch giả Anh - Nga) rõ là của người ham nhặt chuyện đời, sau nhiều nghiệm sinh cay đắng, đã vỡ lẽ thời buổi đồng tiền đang xâm hại tận sâu thẳm hồn quê Việt. Đã hết những cuộc tắm sông hồn nhiên của gái quê có thể từng khiến Hàn Mặc Tử thi sĩ mộng mị: ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm, lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe...

Thấy thương nhân vật trốn đô thị, thương nhớ đồng quê, “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Làng quê tưởng bát ngát bình yên bỗng thành đường viền đậm, đóng khung bức tranh quê, giờ nhuốm đặc màu tục lụy thị thành.

Cái kết truyện ngắn nhỏ xinh này đã làm “trùng khít” hai tiếng thở dài. Một của nhà văn. Một của bạn đọc.

Ô, có phải truyện nào cũng tinh chế được điều giản dị này đâu?

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Hà Nội, 2003

Truyện ngắn: Thái Bá Tân

Không có nhận xét nào: