Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

K' Sumư - Lê Quang Kết

TRẠI SÁNG TÁC BẢO LỘC- THÁNG 8/2010
Truyện ngắn
K’ Sumư
Lê Quang Kết

K’ Sumư là tên của em, nghe hơi lạ tai - đọc lên như vỏ ngữ âm người Nhật. Sumư là chàng trai bản địa xứ này. Kể cũng lạ. Họ của bà con chỉ quan tâm đến giống đực hay cái. Đàn ông thì K’ còn phụ nữ là Ka. Người thiểu số miền núi vốn hiền hòa chất phác. Tất nhiên tiếp xúc và sống lâu với cộng đồng, bà con có ít nhiều thay đổi- họ hiểu đời hơn và cũng biết thiệt thà thường thua thiệt do nhiều lần vấp ngã giữa dòng đời lắm kẻ ranh khôn. Sumư là cậu trai trẻ vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp của người dân tộc miền núi. Tôi tin và đoan chắc như thế.

Lần về tuyển sinh ở buôn Sôven, chúng tôi đã nghe già làng kể chuyện Sumư. Nhà em nghèo lắm, ba mất sớm. Sumư là anh lớn còn hai em gái nhỏ, mẹ cặm cụi ngày ngày lên nương phát -cốt - đốt - trỉa nuôi Sumư và các em lớn khôn. Làm sao mà học hành được khi cái ăn chưa đủ no? Sumư học xong bậc trung học cơ sở đã phải nghỉ học phụ mẹ chuyện rẫy lúa củ mì. Nhân có chỉ tiêu cử tuyển buôn đã chọn em vào học trường chuyên nghiệp. Giọng già làng K’Brẻo chậm rãi chắc nịch:

- Nó hiền lành, tốt bụng hung. Mình gởi lên trường cho các thầy, nó phải học cái chữ cái nghề về làm đẹp làng buôn. Mình kể chuyện Sumư hiền lành, chân chất không tham tiền của để mọi người hiểu nó: Cách đây mấy năm nó nhặt được một túi xách có nhiều tiền và cả vàng nữa. Nó đến báo tin cho mình hay, mình vui mừng lắm. Những ngày sau đó Sumư đứng ngồi ra vô không yên, em lặn lội dò hỏi, cuối cùng cũng tìm ra người mất - một người buôn bán dưới xuôi lên. Sumư lại cất công đi gặp cho bằng được khổ chủ giao trả đúng đủ cái túi tiền vàng nhặt được. Nghe bảo rằng bà ấy mừng lắm, bà ta hậu tạ và hứa giúp đỡ Sumư ăn học nhưng em một mực chối từ…

- Chúng tôi yên lòng với một cậu học trò như thế. Giọng một ai đó cất lên.

Mùa tựu trường năm ấy hoa dã quỳ nở vàng cả một cung đường. Từ sáng sớm mẹ đã chuẩn bị bữa cơm tiễn đưa Sumư với lời chúc da mềm chân cứng, ước mong con cố học thêm nhiều cái chữ giỏi cái nghề mai này về buôn đỡ đần cho mẹ cho em. Trẻ già trai gái buôn Sôven ào ra đầu con suối, những cái vẫy tay, những lời chúc nhớ thương như thôi thúc Sumư từ giờ phải cố lên không thể phụ lòng bao người trông đợi.

Băng qua con suối nhỏ, Sumư nghe lòng ấm lên khi em nhìn xuống tay trái mình có chiếc vòng màu vàng tối. Hồi đêm cô gái buôn bên đã hẹn Sumư ra vạt rừng cuối buôn nói lời chia tay. Họ e thẹn, bồn chồn, ngập ngừng nhưng cuối cùng cô bạn gái Ka Sabe vốn kiệm lời cũng đã thốt nên.

- Sabe chúc Sumư đến với lớp với trường với các thầy cô yên lành. Gắng sức chăm lo học hành để theo kịp bạn bầu. Sumư nhớ rằng nơi buôn làng xa xôi này có người đang ngày ngày đêm đêm nhớ mong trông đợi.

- Cái bụng Sumư xưa nay Sabe hiểu lắm, làm sao mà quên được làng buôn, làm sao mà quên được Sabe hiền hòa bé bỏng?

Sumư hồi hộp lúng túng đeo lên cổ Sabe những chuổi hạt cườm lóng lánh sắc màu còn Sabe nhẹ nhàng xoay ấn chiếc vòng mã nảo vào tay trái Sumư- họ trao nhau kỷ vật thay cho lời ước hẹn ngày hội ngộ không xa. Tình đầu bao giờ cũng thế, đẹp lắm lạ lắm. Tình yêu đầu đời có bao điều để nói: hồn nhiên, vô tư, ngại ngần, trắng trong. Họ đã lớn lên bên nhau nơi buôn này. Ngày nào cũng gặp mặt nhưng chỉ trao nhau ánh mắt chứ không ai dám nói chi chuyện yêu đương. Bây chừ chia tay mới bật ra thành tiếng nói thành lời…
***
Khu nội trú trường chuyên nghiệp khang trang dang rộng vòng tay đón Sumư, phòng ở có sáu bạn tất cả. Lúc đầu e ngại, dè chừng; dần dà họ cũng quen thân. Năm bạn người Kinh chỉ duy nhất Sumư là người thiểu số. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, chẳng ai giống ai- anh chàng Hoan người Ninh Sơn gia đình cũng nghèo như Sumư. Ba anh chàng còn lại, Phú thuộc diện gia đình khá giả. Thời ấy chưa xóa hẳn bao cấp, bếp ăn tập thể phục vụ hai bữa trưa chiều, còn ăn sáng tự túc. Phú thì khỏi bàn, sáng nào cũng bánh mì, cà phê, nhiều khi sang trọng hơn tô phở nghi ngút khói thơm. Ăn mặc Phú cũng bảnh bao hơn bạn bè, sơ mi quần Tây may cửa hiệu đắt tiền. Điểm đặc biệt- đó là Phú hội đủ hai trong ba: đạp- đồng- đài, chiếc xe đạp luôn sạch và bóng loáng, chiếc đồng hồ đeo tay thời thượng đang là mơ ước sở hữu của bao người khu ký túc. Còn chiếc đài thật ra cũng đã lỗi thời nên Phú “trung gia” chẳng màng.

Sumư biết mình nghèo nên lặng lẽ tìm niềm vui khác. Ăn sáng chủ yếu của Sumư là khoai lang mang từ nhà lên, thường thì chỉ nhai sống cho đỡ đói và phải đợi đến thứ bảy chủ nhật mới có điều kiện nhặt củi nướng khoai. Niềm vui của Sumư là kho sách của thư viện trường. Năm đầu tiên ở trường Sumư học các bộ môn văn hóa bổ sung kiến thức. Em say sưa đọc sách văn học. Lần đầu Sumư biết có nhà thơ lấy bút danh họ Chế của người Chăm viết tập “Điêu tàn” năm mới 16 tuổi, ông Hàn ông Vũ chết trẻ nhưng đã để lại cho đời những áng thơ văn bất hủ- treo mãi tận lầu cao. Và Sumư biết rằng các dân tộc Tây Nguyên của mình có tới hàng trăm bộ sử thi đồ sộ- nghệ nhân nói và hát tới cả tháng mới dứt. Văn học quả là kỳ lạ, thiên hình vạn trạng đủ chuyện hỉ nộ ái ố sầu bi. Văn học dạy yêu thương, đưa con người vươn tới giá trị cao đẹp chân thiện mỹ. Trang thơ trang văn thấm đẫm tình đời tình người giúp Sumư sống tử tế với bạn bè và mọi người không kể chi Kinh Thượng, miền ngược miền xuôi, phố thị đồng bằng hay miền núi xa xôi…

Sumư nghĩ bụng dặn lòng cố lên vươn lên học hành rèn luyện theo chúng kịp bạn -nghèo sạch rách thơm. Người dân tộc mình xưa nay có tiếng thiệt thà chân chất, sống hiền hòa giản dị không đua đòi chạy theo những cám dỗ vật chất. Cũng có đôi khi Sumư chạnh lòng: Sao gia đình khổ thế? Sao mẹ mình cực thế? Cả buôn chẳng ai có nổi chiếc xe đạp hay chiếc đồng hồ coi giờ ngày năm tháng!? Những ý nghĩ thoáng qua rồi bay đi nhẹ nhàng trong lòng Sumư. Ấy mà, thế mà, vậy mà có giây phút một ý đồ đen tối đến với Sumư! Chẳng biết từ đâu, ma dắt lối quỷ đưa đường hay sao? Chiều hôm đó Sumư đã thực hiện một hành vi đồi bại, một việc làm xấu xa, nhơ nhuốc. Một khái niệm không có trong kho ngôn từ người dân tộc bản địa, người núi xứ này chỉ biết xin- cho chứ không có chữ ăn cắp, ăn trộm, gian lận hay cướp giật…

- Sao mình lại thế, tham lam hám lợi thế, hay là mang trả lại chỗ cũ, hay là nói thật lòng rồi xin lỗi Phú, hay là tâm sự với Hoan để hỏi ý kiến việc này. Sumư nói với lòng mình.

- Lỡ rồi, trót rồi, thôi kệ. Em tự an ủi.

Tối hôm đó Sumư không chợp mắt, thao thức với bao giằng xé trong lòng. Hồi đó mình nhặt tiền vàng còn mang trả lại, người ta hậu hĩ do lòng tốt trung thực mang trả mình cũng nhẹ tênh chối từ; giờ này mình lại hư đốn tồi tệ thế sao. Sumư thiếp đi trong tâm thế bất an, ăn năn, hối hận..

Tỉnh giấc đã nghe tiếng ồn ào, cãi cọ trong phòng. Phú nói chuyện tao mất đồng hồ, Hoan bảo tìm lại cho kỹ, đi chơi có quên đâu không, khoan báo lên Ban quản lý ký túc…Cả phòng nháo lên chỉ Sumư là im lặng, cái im lặng của bao điều bão tố đang vò nát tâm can…
***
Việc điều tra khám xét được ban quản lý ký túc xá tiến hành. Sáu chiếc hòm đồ đạt của cá nhân được mở. Cả phòng nín thở, chẳng ai nghĩ Sumư chính là tội phạm nhưng chiếc đồng hồ đã được lôi ra từ góc khuất- hòm người học sinh dân tộc ít người duy nhất của phòng. Hoan há hốc kinh ngạc, người mà mình tin yêu, người mà mình đinh chắc chữ người ( không có chữ con) lại là kẻ trộm cắp.
Sumư nhìn Hoan lưng tròng và chạy lại ôm chằm Phú, những dòng nước mắt nhỏ ra - khóc không thành tiếng. Chẳng ai ngờ, chẳng ai hiểu cho Sưmư. Người ta đặt trọn niềm tin và khi sự thật phơi bày, mọi thứ dễ dàng nhanh chóng đỗ vở. Không thể khác hơn- từ yêu thương bỗng nhiên thành ghét bỏ, từ người tốt bụng bỗng thành kẻ bất lương, từ cậu học trò tử tế thành đứa hư hỏng bỏ đi…tất cả chỉ vì chiếc đồng hồ chết tiệt vô cảm kia…

Hình như hồi đó một số người có trách nhiệm về vụ việc chiếc đồng hồ mất cũng vô cảm, họ quyết định sẽ thông báo vào giờ chào cờ sáng thứ hai - toàn trường phải biết để có tác dụng giáo dục răn đe mọi người. Chỉ một mình Sumư là nặng nề, xấu hổ không dám nhìn mặt ai. Chiếu chủ nhật buồn, mọi thứ quen thuộc giờ trở nên lạ hoắc; chiếc giường,căn phòng và cảnh vật chung quanh khu ký túc đối với Sumư chẳng còn có ý nghĩa, tất cả trống không, đổ vở. Em lững thững trên “ Hoàng Hoa lộ”- con đường vốn đẹp nhất nơi mái trường này cũng trở nên xấu xí, ngăn cách. Cõi lòng rỗng không. Sumư chậm bước nhưng giật mình khi nghe bước chân ai phía trước, em quay rẽ nhanh lối khác, sợ phải gặp. Chào hỏi thế nào đây? Nói thế nào đây với bạn bè? Bây chừ chỉ có thể là mình và chính mình…

Tối chủ nhật lại càng buồn hơn, thông báo cuộc họp định kỳ của khu nội trú về hoạt động sinh hoạt trong tháng. Thường nhật Sumư là người hăng hái hớn hở nhưng tối nay biết ăn làm sao nói làm sao. Em lặng lẽ trở về phòng thu xếp mọi thứ, người có thể gặp chỉ có thể là Hoan.

- Hoan ơi, mình đành bỏ lớp, bỏ trường… bỏ bạn bè thầy cô… để trở về với làng buôn…nương rẫy thôi Hoan à…Mình về gặp mẹ, hai em, gặp già làng K’ Brẻo, gặp Ka Sabe để giải bày… ăn năn… thú lỗi… mong mọi người rộng lòng tha thứ…Mình xấu hổ lắm không thể đi trọn con đường học hành như niềm mong chờ kỳ vọng của người làng buôn mình…Mình xấu hổ hung…Hoan ơi, còn ít khoai lang dưới gầm giường sáng lên lớp Hoan cố ăn cho đỡ đói, mùa đông rét lạnh lắm nghe Hoan…Sumư nói giọng như tiếng nấc đứt quãng.

- Sumư đừng đi, mình hiểu Sumư, bạn là người tốt, mình hiểu Sumư…Giọng Hoan cầu cứu.

Nhưng vô ích, không còn kịp nữa và cũng không ngăn nổi; bước chân Sumư dứt khoát và càng lúc càng xa dần chỉ còn chấm nhỏ trên con đường mòn dẫn về buôn Sôven, Sumư lầm lũi trong bóng trăng núi chập chờn ẩn hiện…
***
Câu chuyện đã mười lăm năm về cậu học trò Sumư của tôi. Ngày ấy tôi đã dửng dưng, bất lực vì chẳng giúp gì cho em, chẳng có một lời minh oan cho em, lạnh lùng đứng ngoài cuộc. Chính tôi là người vô cảm. Giờ ngồi đây mỗi lần nhớ chuyện chiếc đồng hồ bị đánh cắp tôi nghe lòng nhói lên, Sumư giờ đang làm gì ở đâu có còn nhớ về một thuở nông nổi, một thời khốn khó nơi mái trường xưa…
_____________________________________________________________

Trại sáng tác Bảo Lộc- Tháng 8/2010
Lê Quang Kết, 20 Nguyễn Thái Bình- Tp. Bảo Lộc
ĐT: 0633 717 123 – 0907 615 510
Email : lequang54@gmail.com
lequangket54@yahoo.com.vn

Không có nhận xét nào: