Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

B'Lao phố núi- Lê Quang Kết

Bút ký
B’LAO PHỐ NÚI
Lê Quang Kết
Tôi đã rong chơi với Huế tới tuổi “lập thân” rồi bỏ Huế ra đi. Chẳng biết cơ duyên dun dủi nào đã đưa tôi tới định cư với B’Lao hiền hòa bốn mùa hoa trái? Thời gian trôi nhanh, tôi lẩm nhẩm: - Ừ, mới đó mà đã 25 năm- một chặng dài biết bao chồng chất lo toan bận rộn của một đời người. B’lao phố núi - tôi thích gọi thế, dù bây giờ phố núi của tôi đã là Thành phố Bảo Lộc rất trẻ với hương trà bay xa trong tâm tưởng bao người…
Ngày nhỏ B’Lao trong miền ký ức tuổi thơ tôi là những đồn điền trà cao xanh thưa nắng. Ngày tết quê nhà mẹ tôi cố gởi mua gói trà B’Lao thơm ngon, tinh khiết kính lạy tổ tiên. Tôi chưa được cái may mắn thưởng thức hương vị trà B’Lao ngày ấy- “đậm đà, ngon tuyệt, đệ nhất trà”- mọi người bảo thế. Tôi chỉ mường tượng về một B’Lao rừng núi quạnh quẽ như trong bài hát “Sơn nữ ca” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Chiều buông, những cô gái Thượng váy dài lặng lẽ gùi chè về buôn xa. Tôi nhớ hôm đặt chân tới B’Lao. Từ ngã ba PhiNôm, chiếc xe đò ì ạch quanh co leo đổ dốc, chưa tới 80 cây số đường mà mất hơn ba tiếng, B’Lao mở ra trước mắt tôi, những nương chè trập trùng nối tiếp nhau vươn xa. Tôi nhìn màu xanh vương trong ánh mắt. Bất chợt lung linh trong tôi dòng cảm xúc phố núi- người ở rừng có ánh mắt màu xanh. Bận rộn bao thứ, tôi cũng lộc cộc đạp xe dọc phố trà , nhẩm thầm tên các hiệu trà . Ôi! Ngất ngây hương trà, ngạt ngào hương lài hương sói. Cụ Trần Thuận, người thổ địa xứ này chuyện rằng: Dãy phố trà sang đẹp ấy, ngày tới đất này, họ là kẻ ly hương trắng tay không một tấc đất cắm dùi giờ thành bao danh trà tên tuổi. Trong mắt tôi, phố trà B’Lao với những ngôi nhà cao tầng, tiện nghi, hiện đại có thể sánh với bất kỳ đường phố lớn nào trên đất nước này…
Trà B’Lao từ phố núi vươn xa tận dải đất nghèo khó khúc ruột miền Trung và dài tới Cà Mau phù sa Đất Mũi. Không dừng lại nội địa, trà B’Lao vượt biên giới đến với thị trường Á- Âu- Úc- Phi- Mỹ. Người B’Lao đã liên tục tổ chức 3 kỳ Lễ hội văn hóa trà để giới thiệu thương hiệu trà đến với bầu bạn năm châu. Những hiệu trà tiếng tăm vang bóng một thời: Đỗ Hữu, Quốc Thái, Bảo Tín, Vạn Tâm, Hoa Sen, Minh Hoàng, Hồng Thái… và bao danh trà trẻ của hôm nay: Thiên Thành, Thiên Hương, Rồng Vàng, Tâm Châu, Trâm Anh, Hương Kim Thảo…đang là địa chỉ văn hóa trà quen thuộc, uy tín của du khách ngược xuôi phố núi. Gần trăm năm qua biết bao thăng trầm, người B’Lao vẫn không rời xa cây chè nghề trà. Dân gian dạy rằng: “Dù ai ruộng đất bề bề/ Sao ra bằng có một nghề trong tay”. Nghề nào cũng lắm công phu, nghề trà B’Lao cũng vậy. Không công phu sao được? Người Nhật đã thưởng thức trà như một lễ nghi văn hóa - tôn giáo khi dùng khái niệm “Trà đạo”; nhà văn Tào Tuyết Cần viết nghệ thuật ẩm trà trong “Hồng Lâu Mộng” đụng tới cả đất trời. Riêng tôi, hình như nhiễm chứng ưu du nên lòng cứ bận tâm về những nơi chốn đón nhận hương trà B’Lao - họ suy tưởng gì về phố núi của tôi? Văn chương kim cổ đã luận bàn tới tiên tửu tục tửu nhưng chẳng nghe ai nhắc chuyện trà lậu trà thô. Bốn mùa xuân hạ thu đông, người ta uống trà để “phản quan tự kỷ”- tìm thấy chính mình, để sẻ chia, để mở lòng dung thông; chiêu ấm trà nghe tâm bình yên, một chút lắng sâu lòng từ tâm hỷ xả với đời với người…
Cái mới của cây chè nghề trà hôm nay đang là mối quan tâm của người B’Lao- đó là thay thế những vườn chè hạt pha tạp già cỗi bằng chè giâm cành và chè Oolong cao cấp. Ngoài các giống TB 14, LD 97 bản địa, nông dân vùng chè B’Lao đang làm quen với các loại giống mới du nhập từ Đài Loan như: Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc…Hội thảo về cây chè B’Lao cuối năm 2010 đã xác định: Với diện tích 25 ngàn ha trên địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm dần dần thay chè bằng giống mới thì đến năm 2015 năng suất chè sẽ tăng gấp đôi- khoảng 300 ngàn tấn chè búp tươi trên năm- điều này đồng nghĩa với kỷ lục mới được thiết lập, trên mỗi hecta đất nông nghiệp sẽ doanh thu ba trăm triệu đồng mỗi năm- con số đang là niềm mơ ước của nông dân cả nước. B’Lao còn là địa bàn đầu tiên áp dụng công nghệ sinh học để làm ra sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; mô hình “Du lịch sinh thái chè” lần đầu tiên sẽ xuất hiện trên xứ trà B’Lao và là điểm đến thú vị, hấp dẫn đối với du khách gần xa…
Hình như sách vở đâu đó đã đề cập- chiêm nghiệm: Uống trà là một thói quen tao nhã, hướng nội để thanh tâm tĩnh trí, hướng ngoại để kết giao tri âm tri kỷ. Nhịp sống mới đang ngày càng năng động và hiện đại, con người lại càng khát khao tìm về với vẻ đẹp thuần khiết bình dị mộc mạc của nghệ thuật ẩm trà… Và như thế trồng chè nghề trà trên đất B’Lao sẽ mãi tỏa hương trong dòng chảy văn hóa dân tộc và nhân loại.
Những năm của thập kỷ 80, phố núi của tôi rộ lên chuyện tằm tang. Dâu tằm tơ lụa vốn là ngành nghề lâu đời của người Việt Thường đất Văn Lang thuở xưa. Thần phả đền Cổ Đô- Ba Vì truyền tụng: Công chúa Thiều Hoa con vua Hùng thứ VI nết na, xinh đẹp. Trời ban cho nàng phép lạ nghe được tiếng của muôn loài. Một lần du xuân thưởng ngoạn, công chúa mục thi lễ hội họ nhà bướm. Chúng bướm diện bộ cánh mới khoe sắc, có chú bướm lặng lẽ, trông nó xấu xí nhưng cần cù, chăm chỉ. Bướm khiêm tốn nhẹ nhàng thưa với công chúa: Nó chẳng đẹp và không nhởn nhơ bay lượn như bao bướm khác nhưng sâu bướm nhả ra một thứ tơ óng ánh tuyệt đẹp. Công chúa vua Hùng thông minh tài trí đã nghĩ ra cách kéo sợi từ chú sâu bướm kia dệt nên những tấm vải mỏng, đẹp, bền, duyên dáng tiến cung mừng thọ vua cha. Nghề tằm tang Văn Lang có từ đấy. Hơn hết, đối với người nghèo ở nông thôn và miền núi và người B’Lao, cây dâu con tằm vẫn là cơ hội thoát nghèo, có thể vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất thôn bản mình…
Lá dâu là thức ăn duy nhất cho con tằm, chưa khác hơn được- những thử nghiệm về thức ăn thay thế chỉ được phép 5-7% nhưng khá tốn kém. Điều đơn giản và dễ hiểu là phải có nhiều lá dâu - sau đó mới nói chuyện tằm-kén-tơ-lụa. Đã có những phác thảo triển vọng về phục hồi và tăng diện tích cây dâu- đó là điều cần thiết nhưng cũng lắm trăn trở bức xúc. Một thời việc khai hoang đất đồi để trồng dâu đã làm triệt tiêu điểm hút nước, cây liên hệ chẳng còn, cả đồi dâu thiếu nước vào mùa khô, trơ trụi lá trên cao đứng chờ trời. Câu hỏi được đặt ra: - Mở rộng diện tích hay tìm cách nâng sản lượng lá dâu trên đơn vị diện tích đã có? - Trồng dâu trên đất nào là tối ưu? - Kinh nghiệm dân gian về trồng dâu trên bãi sông, đất sình, đất trũng là điều không được phép quên. Ở Hòa Ninh- Di Linh có hộ chỉ một vài sào dâu mà đủ lá nuôi 10 lứa tằm gối mỗi năm, bình quân lứa nào cũng cho cho 35- 40kg kén. Lượng lá dâu tương ứng không dưới ba tấn mỗi năm, gấp năm lần năng suất lá dâu đại trà hiện tại. Hỏi ra mới hay bà con dâu trồng gần khu sình quanh năm đủ nước. Tiền bán kén trên một sào dâu tới 20 triệu đồng mỗi năm- khó có cây con nào sánh kịp? Bà con nuôi tằm giỏi vẫn chờ mong ngày cây dâu con tằm hồi sinh trên đất B’Lao?
Phố núi B’Lao là thành phố trẻ chưa tròn một năm ngày được chính thức công nhận đô thị loại III trực thuộc tỉnh ( 8-4-2010). Người B’Lao có bao điều buồn vui chưa kịp nói. B’Lao người lành đất hiền. Lại có người ví von: B’Lao có sức hút kỳ lạ với những tâm hồn lãng đãng muốn tìm nơi chốn yên lành. Tôi không dám quả quyết. Có điều kỳ diệu là…bạn tôi- thi sĩ, bao năm lãng du phiêu bạt khắp chốn chưa chịu định cư đất nào. Người kể cũng lạ. Tính tuổi mụ anh đã “tri thiên mệnh” mà chẳng màng chi vợ con. Hồi ở Huế, chúng tôi trêu đùa gọi anh là nhà thơ đãng tử. Có lần thư về Huế cho anh, tôi ba hoa triết lý: “ Sự hòa nhập giữa các miền làm cho B’Lao có dáng vẻ riêng phố núi. Cái nhẹ nhàng, kín đáo, trang nhã của xứ Huế nên thơ pha vẻ cầu kỳ, sâu sắc, thâm thúy đất Bắc. Những cơn mưa bất chợt, một chút nắng phương Nam, những buổi chớm thu sương và cái se lạnh mỗi sáng làm cho B’Lao có cả bốn mùa trong ngày. Vợ chồng mình mong ông đến. Biết đâu B’Lao nhân hòa địa lợi hợp với tâm hồn ông…”
Bất ngờ nhà thơ đãng tử ghé B’Lao. Chúng tôi mừng vui đón tiếp, sắp xếp để anh có điều kiện tự do đây đó. Mấy hôm đầu chẳng thấy anh đi đâu chỉ loay hoay cuốc xới vườn chè quanh nhà. Lâu sau, đãng tử siêng đi- sáng đi, chiều đi và đôi khi đi cả tối. Vợ tôi vốn quý anh để tâm theo dõi. Rồi có người lối phố thầm thì to nhỏ- “tẩm ngẩm thế mà có bồ đấy”. Chuyện đùa mà thật, nhà thơ quen một nàng B’Lao hơi đứng tuổi nhưng còn duyên chán. Họ cưới, chăm chút vườn chè, thu hái, vo xào chè, sấy chè, tính chuyện ướp hương mở quán nhỏ. Dần dà quán đông khách, thuận vợ thuận chồng ấm êm. Mùng tám tháng ba rồi gặp anh đầu dốc phố, đãng tử tươi vui khoe ríu rít: “- Bả vừa siêu âm, một quý tử”- chuyện hiếm hoi với những phụ nữ quá thì. Rồi anh cười thi vị : - Đất trời giao hòa với hương trà B’Lao đấy!

-----------------------------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết, 20 Nguyễn Thái Bình, Tp. Bảo Lộc

Không có nhận xét nào: