Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Đồi sim nhỏ bên thảo am- Lê Quang Kết

Ký- Nhân vật
ĐỒI SIM NHỎ BÊN THẢO AM (*)
Lê Quang Kết

Nhà văn Mạc Can bảo rằng: Ông được học chữ trên những con xuồng theo bước chân cha lưu diễn lênh đênh trên kênh rạch miệt vườn sông nước Nam bộ; còn Nguyễn Đức Vân lại khác- bập bẹ cùng mẹ đánh vần ê a bên đồi Phương Bối thuở vạt rừng này còn rất hoang sơ. Rồi thế, Vân vươn lên trưởng thành tự khẳng định mình với thơ nhạc và đồi sim hoa trái hát nghêu ngao giữa bao la đất trời. Tôi biết Vân hai mươi lăm năm nay, từng ngày tôi lại thấy ở anh -một chàng trai kỳ lạ - những ước mơ kỳ lạ - có người còn bảo lập dị hay dã tràng xe cát biển đông thế nhưng tất cả nơi anh là một tấm lòng với người với đời và một tình yêu thiên nhiên viên mãn bất tuyệt.
Đồi sim, Vân nói với tôi cách đây tròn năm năm ngày anh giã từ phố thị về với núi. Câu ca dao ám ảnh Vân “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”, bài thơ thi sĩ Hữu Loan “Màu tím hoa sim” thôi thúc anh. Thế là ngày ngày dù mưa hay nắng - tít tận đèo xa, quanh co đồi dốc lên xuống ngặt nghèo -nghe có sim rừng là Vân tới đào bứng đưa về. Nhọc nhằn vất vả, rừng sim nay đã sum xuê xanh tím cả khu đồi. Có buổi chiều Vân và tôi lang thang quanh đồi sim lộng gió, anh hái trái trâm nhỏ chín mọng rồi bảo: - Mai này đồi sim sẽ là vườn ca dao, những câu thơ đẹp mộc mạc vô giá của kho tàng văn học dân gian Việt sẽ hội tụ về đây, chỗ này sẽ là thư viện mini cho độc giả thập phương, chỗ kia là tệ thất cho ai cần sự yên tĩnh -chiêm nghiệm bản thể, hai bên tả hữu sẽ là bầu bí cà mướp rau húng rau thơm…cây lá quê nhà…Mọi thứ đan xen trong một tổng thể được sắp xếp hài hòa cân đối của đá và ca dao…và ca dao…
Năm kia tôi đọc “Vú trời”- Những câu lạ lùng của chàng Vân thi sĩ “ Ai sinh hai trái bằng trăng/ Để cho đêm hội lên rằm như mơ/ Người về giữa buổi ban sơ/ Đất màu đã nhú mầm thơ sẵn rồi/ Chắc trời đẻ lửa lên môi/ Kẻo trong nhân loại thiệt thòi biết bao!”- Viết ra như thế quả là “ Thi trung hữu quỷ- Quỷ trung hữu thi”. Có người chỉ thấy thơ bằng sự tác ý phân biệt - nhị nguyên đối đãi. Không- thơ không chỉ thế, không dừng lại như thế mà là trực giác uyên nguyên, giữa cái hiểu và cái bị hiểu không có sự phân biệt. Nguyễn Đức Vân thấm được chất thiền trong thơ. Sở ngộ thơ ở chỗ: “Khi chưa tu thấy sông là sông, núi là núi. Khi tu rồi thấy sông không còn là sông, núi không còn là núi. Khi tu đã chứng ngộ thấy sông lại là sông, núi lại là núi”. Người làm thơ và công chúng phải thấy hai cảnh giới khác nhau của thơ - và thiển ý tôi, thơ Vân nhiều bài trong cả hai tập Người đẹp và Cánh hoa vừa hé (sắp in) đã nói lên được những điều như thế. Từ thơ Vân bước vào âm nhạc nhẹ nhàng, tự nhiên -anh đã phổ nhạc bài thơ “Vô lượng đất trời” của mình với giai điệu và tiết tấu mang hơi thở mạch sống dạt dào một tình yêu thiên nhiên tha thiết: “ Trên trời có đường không/ Sao nước mưa ngọt thế/ Dưới đất có lòng ai/ Sao hoa nở khắp rừng…”. Tôi nghe Vân hát say sưa như ôm cả đại ngàn vào lòng- bàng bạc gần xa trong tôi tâm thức bình yên, lắng sâu tình yêu đời yêu người…
Tuổi thơ Vân đầy ắp kỷ niệm núi rừng. Câu thơ cha thấm vào máu thịt anh: “ Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi/ Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ/ Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi/ Nghe nắng tràn run rẩy bóng cây khô…”( Lão thi sĩ Sơn Núi). Chật vật mưu sinh anh phải tìm về nơi phố thị đông người, thế nhưng chỉ một tuần quá lắm mười ngày là Vân tất tả chạy ào ngay về bên thảo am có đồi sim hạnh phúc. Những ngày với núi tràn trề nhựa rừng xanh, Vân trẻ trung hồn nhiên ca hát. Những ca từ và giai điệu ba đĩa hát “Đồi thông Phương Bối”,“Màu yêu thương”, “Hoa trái ngày thơ” có được - đó là những đào bới chắc chiu vun trồng của tháng ngày vỡ đất bên gốc sim chai sần đôi tay chàng nhạc sĩ. Chẳng dễ dàng và không đơn giản chút nào để có đồi sim hát? Bởi một lẽ túi Vân lúc nào cũng rỗng không. Thế nhưng chàng ta đang tràn trề giàu có, sở hữu cả ba - rừng sim rừng thơ và rừng hát. Đố ai có thể sánh bằng? Anh lạc quan thanh thản vô tư đến lạ thường. Không tiền không bạc vẫn hát vang. Một chị đứng tuổi ở gần thảo am Vân đang cư trú, giọng hớn hở tươi vui: “Nghe tiếng hát là biết thầy về”.
Nguyễn Đức Vân rất trẻ. Lớp trẻ giờ đây học giỏi thông minh và năng động- điều mà ai cũng xác tín. Nhưng nhiều nhiều bạn trẻ đang hấp thu chạy theo lối sống thực dụng, nặng tiền tài nhẹ nghĩa tình. Vân khác. Anh say mê văn chương và quý trọng nghệ thuật, ăn chay trường bởi một lẽ tự nhiên, chẳng màng chi chuyện quán xá rượu chè. Tôi yêu quý và trân trọng “cái bản chất người” ở anh. Lâu rồi Nguyễn Đức Sơn kể với tôi chuyện anh chàng Yên hồi nhỏ bức xúc cự cãi với cậu tài phụ về việc cậu ta cho chú heo vào rọ rồi quẳng mạnh lên xe, con heo kêu eng éc đau đớn chảy máu nhiều chỗ, Yên đã hét lớn tát vào mặt phụ xe:- Sao mà ông ác thế! Vân cũng thế- như em trai mình. Anh tới chơi nhà người bạn thân và chứng kiến bạn đang thịt chó- chú chó ngày nào cũng vẫy đuôi chào mừng anh. Chuyện nhiều người vẫn coi bình thường nhưng Vân đã bất giao đoạn tuyệt với người bạn kia, bởi vì: - Anh ta nhẫn tâm khủng khiếp quá! Nhiều điều thuộc phạm trù tâm linh đang đặt ra với thế giới con người hiện đại? Chuyện báo chí nêu trong năm 2010 về các loài thú tấn công người đang đặt ra quan hệ người- vật trong ứng xử với giới tự nhiên. Con người thô bạo quá, chiếm đoạt hết đất sống của muôn loài. Người trong Lão Hạc của Nam Cao đã thế, lão dằn vặt khi phải bán chú chó yêu “Trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước”, “Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Chú Chó Vàng kêu ư ử như bảo với lão: “A! Lão tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này…”. “Người-Lão-Hạc” mang một cảm giác tội lỗi là nỡ tâm lừa dối một con chó. “Người ta là hoa của đất”- huấn thị của cha ông tự ngàn xưa vẫn luôn nhắn nhủ và cũng là khát khao ước vọng sống của chàng trai trẻ Nguyễn Đức Vân- Hãy Sống Xứng Đáng Là Hoa Của Đất…
Tôi thích những dòng thơ đậm tình thiên nhiên của Vân: “Cây trái rừng rưng rưng chín miết/ Một mình ta mài miệt trên đồi/ Hái trái lặng nhìn trời mây nước/ Biết lấy gì tỏ hết thương yêu”. Anh đang cho mà không nhận, nâng niu gìn giữ hoa trái quanh mình. Một chùm hoa mua hay là hoa mắc cỡ Vân không nỡ dẫm chân. Hãy trồng một cây con cho mùa sau xanh lá. Hãy sống hòa thuận trong vòng tay yêu thương của tự nhiên. Hãy khắc chế dục vọng làm giàu khi khai thác tàn phá cạn kiệt nguồn tài nguyên tưởng như vô tận mà thực ra quá bé nhỏ hữu hạn. Dòng sông bầu trời núi rừng biển cả và con người cần xanh biếc màu của cây cỏ, hoa trái, chim thú, muôn loài…
Năm rồi mùa sim chín, tôi có những ngày vui với Vân bên đồi sim. Bông sim trổ màu tím phớt không đậm như bông mua, từng chùm từng chùm nhỏ nhắn khẽ đong đưa trong gió. Đứng giữa lưng đồi đầy bông sim nhuộm nắng chiều, tôi ngỡ như đang trở về quê nhà yêu dấu. Người quê tôi yêu màu tím- tím Huế, một cung bậc buồn thương của những Chiêm nương Ô Rí tim tím lau lách thuở xa xưa, có thể khởi nguồn từ màu tím của bông sim chăng? Bông sim không mời gọi không rực rỡ, không nói chuyện bán mua, cứ bình dị đơm hoa kết trái ung dung thi gan cùng tuế nguyệt. Mỗi bận về thảo am nhàn đàm cùng anh tôi được thưởng thức mật sim do chính tay Vân hái ướp, một tạ sim mới cho ra năm bảy lít mật. Chắc chiu lắm, công phu lắm! Những giọt mật sim như chính mật ngọt anh rót cho đời “Mời em nhắm chút mật sim/ Để nghe cái nắng im lìm ngân nga/ Tâm tư là một mái nhà/ Để tôi reo khúc cuồng ca trên đồi” (Thơ Vân).
“Với một tâm vô cầu như thế, người ta sẽ thưởng thức được ý vị của thơ Nguyễn Đức Vân…”- đó là câu hàm ẩn mười năm trước nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu tập thơ “Người đẹp” của Nguyễn Đức Vân. Viết ra như thế hẳn văn nhân tương cầu đồng cảm với Vân biết nhường nào? Anh Tường chỉ kỳ thanh chứ chưa lần gặp chàng Vân và cũng ít phi lộ cho ai. Còn tôi đã chừng ấy năm sống gần gũi thân thiết với Vân, vậy mà tôi hờ hững vô tâm đứng ngoài cuộc. Lúc nào tôi cũng cho mình giỏi giang chữ nghĩa này kia mà có làm nên trò trống gì đâu. Nguyễn Đức Vân hồn nhiên vô tư cần chi chuyện trường lớp bằng cấp như có người xưng tụng vỗ ngực tung hê. Anh như cây xanh giữa rừng tự nhiên mọc thẳng. Cảm ơn người trai trẻ và những ước mơ đẹp. Cảm ơn những vần thơ dòng nhạc tươi xanh của chàng Vân rừng xanh. Tôi vẫn hằng mong ngày chàng Vân động thổ khai trương Vườn Ca Dao trên Đồi Sim Nhỏ Bên Thảo Am... Ngày đó điều đó tôi tin là hiện thực.
(*)Đồi sim của chàng trai Nguyễn Đức Vân hiện đang có khoảng 3000 gốc sim tại núi Đại Lào- Phương Bối, Lộc Châu -Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Lê Quang Kết
20 Nguyễn Thái Bình, Bảo Lộc, Lâm Đồng- ĐT: 0633 717 123- 0907 615 510

Không có nhận xét nào: