Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019


                         
    SẮC HƯƠNG…TÌNH HUẾ
Lê Quang Kết
     Huế là đất một chuyện tình. Lịch sử hành phương Nam của tiền nhân gặp khúc quanh chặng đèo Ngang - Vua Trần anh minh quyết định gả con gái yêu cho Chiêm vương đổi lấy hai châu Ô và Rí (Lý). Và Huyên Trân công chúa đã “ngàn dặm ra đi” - vạch đường thiên lý để Đại Việt hôm nay dài mãi tận đất mũi Cà Mau. Tình Huế! Ôi đẹp và thơ! Chàng trai Hà Tĩnh Huy Cận thuở trai trẻ đã từng theo học Quốc Học - Huế; nhân ngày kỷ niệm 100 năm thành lập trường nhà thơ viết gửi Huế yêu: “Huế Huế ai bày chi xứ Huế/ Mà tình vương mãi dứt không ra”. Tôi cũng là đứa con Huế tha phương - dễ mấy chục năm trời. Hình như những kẻ xa quê đều có một góc yêu thương nào đó để nhớ và thôi thúc bước chân về. Tình Huế - với tôi cũng vương mãi như lời thơ Huy Cận.
     Tình Huế - tính cách Huế xưa nay đó là sự hài hòa giữa con người với tự nhiên. Huế hài hòa trong kiến trúc mà nhiều người gọi là thành phố của “Nhà vườn Làng vườn Chùa vườn”. Những nhà vườn tiếng tăm vẫn hiện hữu trong lòng những ai đến Huế : Vườn An Hiên ở Kim Long; vườn nhà cụ Đô dưới Gia Hội; hay Lạc Tịnh viên phủ thất ngài Hồng Khẳng xưa ở 65 Phan Ðình Phùng - Huế, nhà vườn công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn Gia Hưng Vương…Rồi làng vườn: Phường Đúc, Kim Long, Bao Vinh, An Lăng, Chợ Cống…vẫn còn đó sừng sững - bảo lưu truyền thống đất vườn Huế. Câu thơ của Thi nhân Hàn Mặc Tử “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” có dáng dấp một Vĩ  Dạ vườn. Trăm ngôi chùa Huế mỗi chùa là mỗi sắc vườn - người lữ hành nặng gánh lo toan một lần vãn cảnh nghe lòng thanh thản nhẹ gánh xua đi bao nỗi muộn phiền - thấp thoáng một chút lắng sâu từ tâm hỉ xả với đời với người. Con người cảnh vật trong kiến trúc Huế không thách đố thiên nhiên. Huế không có và không thể có những công trình đồ sộ chọc trời như Sài Gòn. Nếu ai đó có ý nghĩ biến Huế thành đô thị siêu tốc thì điều đó vô nghĩa và ảo tưởng với nghệ thuật kiến trúc. Hình như chủ nhân vườn Huế chẳng quan tâm nhiều đến lợi ích kinh tế. Họ chăm chút mảnh vườn để được sống bình dị ung dung hòa mình với thiên nhiên cây cỏ - tâm cảm lạc quan bình thản thấp thoáng nét tự tại đậm chất nhân văn Huế.
     Tình Huế là nhẹ nhàng trong lựa chọn sắc màu. Người Huế chúa ghét những mảng màu lòe loẹt. Họ thích gam màu nhạt. Màu nặng như đỏ chót xanh lè vàng rộm đen thui tím ngắt phản cảm với tâm hồn Huế. Sắc thái của tình Huế là xanh lơ vàng mơ hồng nhạt hay tím phớt… Nếu giờ đây phụ nữ thích biến tấu hoa trên áo dài thì người Huế sẽ không thích hoa to hoa tương phản mà là hoa nhỏ - chỉ điểm nhẹ vài bông đậm hay nhạt hơn màu nền áo một chút chỉ thế thôi! Tà áo dài thướt tha chiếc nón bài thơ dịu ngọt đã theo cô gái Huế dù đi đâu về đâu? Tan trường tóc thề trước gió vành nón nghiêng che trắng cả Tràng Tiền mấy nhịp. Trong trang phục áo dài truyền thống ấy cô gái Huế không mặc quá dài hoặc quá ngắn. Đường xẻ tà ở hông cũng vậy không quá cao để hở hang hớ hênh nhưng cũng không che kín bịt bùng. Đừng tưởng gái Huế không ưa khoe những đường nét quyến rũ của cơ thể trước đàn ông chỉ có điều họ muốn phô một cách kín đáo tế nhị mà thôi.
     Ẩm thực của tình Huế là gia vị. Các món ăn Huế đều thế gia vị là thứ tối cần. Nhiều thứ nhưng mỗi thứ một ít thôi phải biết gia giảm mới thiệt là Huế. Có nhà ẩm thực đã liệt kê tới mười mấy thứ trên đôi quang gánh của o cơm hến Huế. Nhiều món ăn dân dã Huế đã trở thành văn hóa ẩm thực  của cả nước: bún bò, bột lọc, bánh khoái, bánh canh, cơm hến, bánh nậm bánh bèo… Những đứa con Huế xa quê đi tới mô cũng cố giữ ẩm thực mang hương vị quê nhà mà nghe đau đáu nỗi nhớ quê xa. Người Huế thích ăn cay. Đúng bữa cơm Huế không thể thiếu ớt. Cay mới thích - mới khoái khẩu. Người ta kể có Huế Kiều xa xứ bay về ngồi ăn một tô bún bò An Cựu vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa mồ hôi mồi kê tháo ra ướt cả áo miệng cười hả hê - đã quá Huế ơi!
     Tình Huế là chừng mực trong giao tế ứng xử thường nhật. Lịch thiệp ý tứ nhưng trân trọng chân tình với người quen bạn bè. Ngày giỗ tết hội hè gặp gỡ bạn thử quan sát xem? Không thân không sơ không lạnh nhạt không vồ vập - tất cả là nhẹ nhàng ý vị. Mừng vui ngày hạnh ngộ họ cố nín trong lòng chẳng lộ ra ngoài. Gặp nhau mà ôm chầm lấy nhau rối rít la hét ầm ỉ làm toáng cả lên không phải là tính cách Huế. Mời khách mời bạn dùng bữa cũng thế thôi thiệt tình mời một hai lần. Không chào mời theo kiểu lấy lòng và chẳng ồn ả nhiều lời để thành khách khí sáo rỗng - ngoài miệng thì cố đẩy đưa chiếu lệ mà bụng chẳng ưng ý tí nào.
     Nghĩa tình với bà con bầu bạn - đó là nét tính cách giàu chất nhân văn của người xứ Huế. Đi đâu trên khắp đất nước và cả ở Âu, Mỹ, Phi, Úc…cũng gặp Hội hè đồng hương Huế, Huế tha phương, Huế hiếu học, Ái hữu Huế, Yêu Huế, Nhớ Huế… của bao đứa con lưu lạc. Người Huế tứ xứ “tha hương ngộ cố tri” - họ tụ họp nhau để nhớ về quê hương “gừng cay muối mặn”. Mỗi lần hội ngộ là dịp những đứa con Huế xa xứ hàn huyên cho thỏa nỗi niềm tháng ngày xa quê và cũng là cơ hội gắn kết bền chặt giữa bà con và quê hương. Tới đây nghe những lời chân tình mới thấy hết được nỗi lòng của người xa quê. Họ vui mừng hào hứng khi quê hương vươn lên phát triển và tâm  như  lửa đốt mỗi khi nghe tin quê nhà thiên tai bão lũ. Suốt tháng năm qua ít hay nhiều, người Huế đã luôn ấm lòng bởi những sẻ chia của bà con Huế trên mọi miền đất nước và của kiều bào. Giai điệu và ca từ nghe day dứt nỗi nhớ Huế của bao đứa con Huế xa: “Lòng đã hẹn thề sao chưa về thăm Huế người ơi/ Áo tím ngày xưa tím vầng thơ tím cả mong chờ/  Một dòng sông Hương vẫn còn thương vẫn nhớ câu hò/ Ai chờ ai một bóng con đò chiều phai rưng rức bờ vai…”(Tình Huế - Nguyễn Ngọc Thạch).
     Tình Huế là đời sống nội tâm sâu lắng không ồn ào khoa trương. Khúc Nam Ai Nam Bình; làn điệu hò Mái Nhì Mái Đẩy trên dòng Hương giang chính là nét tĩnh tại nội tâm của tâm thức Huế. Có ai đó bảo rằng: Giai điệu âm nhạc Chăm đã để lại nét buồn thương cảm trong tâm hồn Huế - hay màu tím  kia là màu buồn Huế. Phải vậy chăng? Người ai mà không buồn? Buồn Huế không hẳn buồn lòng mà còn là cái lặng thầm sâu kín tận đáy lòng. Có nhà thơ đã gọi tím Huế là màu của yêu thương trong sáng và thầm kín. Với phụ nữ Huế tím còn là màu của đức hạnh thủy chung. Vả chăng nếu có buồn cũng là chuyện muôn đời - hỉ nộ ái ố sầu bi - nhưng chắc rằng buồn Huế không là nỗi buồn của bi lụy đau thương…Tôi cũng là đứa con Huế hành phương Nam theo dấu cha ông…Nỗi nhớ quê nhà tháng năm chập chờn mộng mị. Nhiều lúc nhớ Huế đến quay quắt - ở đó mối tình đầu của tôi, bao năm em vẫn khắc khoải đợi chờ còn người xưa cứ trôi xa biền biệt…Chao ôi! Nhớ Huế…Hẹn Huế ngày về nợ Huế một đời - nơi đó có…quá nhiều…kỷ niệm yêu thương và nên thơ…để nhớ…Bây chừ bạc tóc vẫn thủy chung yêu Huế yêu em!
      Người và đất Huế là đề tài muôn thuở cho văn học nghệ thuật. Tức cảnh say người sinh tình. Có lẽ thế nên văn nhân thưởng lãm Huế đã để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ xưa nay - kể sao nói sao cho hết. Người Huế triệu triệu lần cảm ơn tao nhân mặc khách đã khắc họa tuyệt vời hình tượng núi Ngự sông Hương trên trang sách trang đời. Thi sĩ quá cố người Quy Nhơn gốc Quảng Bình Hàn Mặc Tử đề thơ “Đây thôn Vĩ dạ” mãi treo trên lầu cao. Nỗi lòng tha thiết, ước vọng khôn nguôi của thi sĩ đối với thiên nhiên Vĩ Dạ và cô gái Huế gần mà xa thực mà mơ; sâu nặng hơn là một tình yêu đơn phương trong sáng tự trong sâu thẳm tâm hồn của chủ thể cảm xúc. Dẫu trong cảnh ngộ hết sức nghiệt ngã của một con người tuyệt vọng vì bệnh hoạn, một người đang phải cách ly bạn bè, người thân thích và bất lực nhìn cả thể phách lẫn linh hồn mình đang rệu rã, nhưng đôi mắt người ấy vẫn trong trẻo ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, trái tim người ấy vẫn giàu yêu thương và ước vọng…Cái màu xanh như ngọc của vườn ai, con thuyền ai neo đậu bến sông trăng, cái màu trắng nhìn không ra của áo em như đưa hồn ta đi về miền sương khói Vĩ Dạ một thời thưa vắng tìm lại bóng người xưa, thương cảm nhà thơ tài hoa đa tình mà mệnh bạc. Bức tranh tâm cảnh trong “Đây thôn Vĩ Dạ” cứ thế…lưu luyến…cứ thế… vương vấn mãi trong lòng…Người xưa đầu rồi hay chỉ là hư ảo!?
      Tình Huế là quà tặng của thiên nhiên dành cho thi nhân. Nhà thơ nào tới Huế đều có thơ về Huế như để trả ơn mảnh đất đã khơi nguồn thi hứng cho mình. Huế và tôi yêu bài thơ “Tạm biệt Huế” của nhà thơ quá cố Thu Bồn. Bài thơ như được chắp cánh - thơ nhạc giao duyên - với giai điệu tuyệt vời của nhạc sĩ Xuân An. Sông Hương và người sông Hương thêm lần cảm ơn và ghi khắc vào tâm hai câu tuyệt bút - có người nói hộ mình nghe khiêm cung lòng nhẹ hẳn đi “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Khổ thơ cuối chầm chậm đi cùng giai điệu chạm vào tim: Huế ơi, tạm biệt nhau mà trong lòng còn Huế/ Hải Vân ơi đừng tắt ngọn sao khuya/ Xin tạ từ với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hóa đá phía bên tê”. Câu cuối bài thơ tác giả mô phỏng hình tượng Vọng phu của cổ tích và thêm nét sáng tạo khẽ lay động nỗi nhớ khắc khoải dằng dặc của bao người đi và đến với Huế yêu. Thi sĩ không là người Huế còn tôi đứa con tha hương mỗi lần về…rồi đi lòng nghe nặng trĩu mong ngày được trở lại cố quận dấu yêu.
      Ước mơ tự bao đời về công lao mở đất của vị Mẫu Nữ Thần Hoàng bất tử, người Huế đã xây dựng đền thờ tượng đài uy nghi Huyền Trân Công chúa trên núi Ngũ Phong. Huế còn dành riêng cho công chúa một trung tâm chuyên nghiên cứu giải mã, bổ sung, phản biện, hiệu đính sử liệu về Huyền Trân. Lễ hội Công chúa được người dân Huế hàng năm khói hương tâm thành, rưng rưng chiêm bái nhớ về Người và một thời Hào khí Đông A sáng ngời sách sử - sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa. Bước chân huyền thoại ấy, công lao cao cả ấy khiến hậu thế tương cầu đồng cảm cúi đầu ngưỡng mộ, và người Huế cũng đã phản biện xác tín về những nghi vấn lịch sử phi lý oan nghiệt cay đắng đối với cô công chúa vâng lệnh vua cha xuất giá. Bà đã ngàn dặm ra đi vào xứ sở Chăm nhưng để lại mảnh đất Ô, Rí ngàn dặm - Thuận Hóa ngày nay; mảnh đất hòa hiếu ấy như con thuyền phù sa đưa cả dân tộc tiến ra biển cả, tiến xa về Đất Mũi - Cà Mau…
      Sau khi quy hồi kinh đô Thăng Long, Huyền Trân công chúa đã xuống tóc quy y cửa Phật, gác lại mọi chuyện thế gian. Người đời biết nàng đau buồn và tiếc thương cho sự ra đi đột ngột của chồng nên gởi thân nương nhờ cửa Phật, một lòng tòng phu mặc kệ mọi nghi vấn thị phi ngoài kia. Gần một năm mặn nồng cùng chồng, bà hiểu được phần nào tại sao vua cha lại gả nàng cho Chế Mân - một vị vua đức độ và tài năng, chứ chẳng phải là phường man di, dị tộc như thiên hạ dị nghị, người Huế vẫn tiếc thương nàng - cô công chúa lầu son hồng nhan bạc mệnh…Cảm thức của người dân Huế hôm nay không còn là nỗi niềm chua xót nghiệt ngã mà là sự đồng cảm về đức hy sinh cao quý cùng hạnh bố thí của người con gái trong lầu son gác tía truân chuyên quên mình vì đất nước. Tấm gương của Huyền Trân thanh khiết, nàng hóa thân trở về với đạo sống bình đạm hiền hòa và dung dị của một nữ tu hạnh bồ tát, làm tấm gương đức hạnh thủy chung sáng soi tới muôn đời…
      Chàng trai Hà Tĩnh đã mang tình Huế đi đến cuối đời và trước đó là chàng trai xứ Quảng. Anh vượt đèo Hải Vân  ra thi để rồi “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tán tỉnh để chinh phục trái tim một cô gái Huế cũng khó - thật khó. Tôi có người bạn  lấy vợ Huế kể chuyện xưa: Hồi học ở ngoài phải lòng một cô gái Huế mất ba năm để làm quen và thêm ba năm cho tình yêu hò hẹn vị chi là sáu năm để cưới nàng làm vợ. Năm rồi vợ chồng anh tròn ba mươi năm ngày cưới. Giọng hóm hỉnh anh mượn chuyện nhà hiền triết xưa Socrate để nói về người vợ yêu quý của mình. Nhà triết học tài danh Socrate có một bà vợ dữ dằn độc ác. Bà thường mắng nhiếc thậm tệ và thậm chí đánh  chồng bằng đôi đũa làm bếp - kể cả khi có mặt bạn bè ông. Bao năm theo thầy dùi mài kinh sử có người học trò yêu đã phải buột miệng chất vấn thầy : “Bạch thầy! Con phải thế nào đây? Theo ý thầy con có nên lấy vợ hay không?”. Socrate mỉm cười thốt lên: “Trong mọi trường hợp con đều phải lấy vợ nếu gặp người vợ hiền con sẽ là người hạnh phúc còn nếu gặp phải một bà vợ ghê gớm ác độc thì con sẽ là  một triết gia…”. Rồi anh cười hả hê đắc ý: - Nếu trên đời này các bà vợ đều là người Huế thì sẽ chẳng có đấng mày râu nào thành triết gia cả. Không hiểu lúc đó nhân loại sẽ ra sao?

Lê Quang Kết
 DĐ : 0907. 615. 510
Căn cước công dân số 04605400015- Ngân hàng BIDV số tài khoản: 64210000025491
Chung cư Lê Thành B2.08.08 Khu phố 3, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, Tp. HCM


 SẮC MÀU… D’RAN DẤU YÊU
Lê Quang Kết
      Người bạn thuở ấu thơ nhắn tôi về D’ran - nơi một thời dấu yêu nhiều kỷ niệm trong tôi…Ừ thì về, mình về với D’ran - về với thị trấn yên bình có nhiều ngôi nhà tựa lưng vào vách núi - về với những con phố nhỏ sương mù che khuất người đi…D’ran giờ là thị trấn nhỏ của huyện Đơn Dương, nếu đi từ Sài Gòn lên tới ngã ba Phi Nôm rẽ phải chừng 30 km còn nếu từ  Đà Lạt bạn có thể chạy về Cầu Đất qua đèo D’ran là bắt gặp phố núi nằm yên bình khiêm tốn nhưng ẩn chứa bao điều thú vị khiến lòng người đắm say…
      Chúng tôi từ Đà Lạt nên chọn đường Cầu Đất, Trạm Hành - trên chiếc xe gắn máy tàng chúng tôi xuôi dốc với cung đèo D’ran. Độ dốc đèo không cao so với Sông Pha hay Prenn nhưng cảnh quan quyến rũ tuyệt đẹp - một chút êm ái pha với vẻ hoang dại với tiếng thông reo rì rầm chen hoa lá cỏ cây lung linh sắc màu - một khoảng không gian khoáng đạt với trà cà phê xanh bạt ngàn nhưng vẫn còn đó sự tinh khôi mộc mạc của rừng núi hoang sơ. Hành trình từ Ninh Thuận đến Đà Lạt mọi người đã lựa chọn đường từ Thạnh Mỹ qua Phi Nôm n đèo Prenn bây giờ lại có thêm lộ 27C nối Đà Lạt- Nha Trang làm cung đèo Dran gần như chìm vào lặng câm không còn phổ biến như xưa nữa. Bạn tôi bảo rằng: Đèo D’ran là điểm nhấn tuyệt vời của thị trấn, ai đã yêu D’ran và rời xa thị trấn núi này đều xem cung đèo là chỗ dựa là điểm tựa để quay về mỗi bận lòng bề bộn bất an. Và giờ này tôi chợt hiểu - vì sao tranh anh Đinh Cường người họa sĩ tài danh từng tạm cư ở D’ran lại vẽ nhiều tranh và phác thảo về D’ran và cung đèo D’ran…Thị trấn hiện ra sau những bờ giậu hàng rào thưa vắng là vườn hồng và dã quỳ với sắc vàng pha lấm chấm màu đỏ vàng cam.
      Tôi yêu D’ran và cung đèo D’ran - đã bao lần tôi cùng bạn bè người thân từ Đà Lạt trở về cố quận hay từ Phan Rang lên đèo Sông Pha (Krông Pha) ngang qua cung đường nhưng cảm giác vẫn như lần đầu nôn nao hoài niệm và bồn chồn đến nao lòng. Quay lại thời gian ngày Alexandre Yersin phát hiện Đà Lạt - thời đó D’ran là nơi được mọi người quan tâm nhất, từ đây gắn với vùng trà Cầu Đất hay đèo Sông Pha nhiều khúc gấp cùi chỏ hay khuỷu tay vẫn luôn là con đường hút hồn du khách bởi vẻ đẹp thuần khiết nhất của núi rừng cao nguyên. Giờ đã khác xưa nhưng vẫn còn đó bảo lưu một cảnh quan đã in sâu vào tâm khảm bao người…Ôi D’ran yêu dấu của tôi!
      Người thị trấn nhỏ giờ đang bận rộn hơn bởi chuyện mưu sinh - D’ran vào vụ của rau hoa cây trái. Người bạn thổ địa xứ này chuyện cùng tôi: D’ran giờ đang là vệ tinh của rau hoa Đà lạt - Đà Lạt có thứ gì thì D’ran đều mang thức ấy. Cư dân D’ran quy tụ người tứ xứ, nhiều nhất là người Bình Định, ngày tới đất này họ không một tấc đất cắm dùi giờ là chủ nhân nhiều vườn ruộng rau hoa bốn mùa xanh tươi hoa trái.  Đặc điểm chung của cư dân trên đất D’ran là cần cù chịu thương chịu khó, trên con đường phố nhỏ chật nhìn lặng thinh êm ả nhưng ra vườn ruộng lại có không khí náo nức hối hả đến bất ngờ. Ruộng hoa có tới mấy chục thứ: nào là cúc, nào là huệ, ly ly, đồng tiền, lay ơn... cho tới dòng hoa cao cấp như: Nữ hoàng xanh, cẩm chướng, phong lữ, dã uyên thảo…có cả oải hương chỉ có ở Đà Lạt và xứ người…Rau D’ran chẳng thua em kém chị và mùi vị cũng ngon nức tiếng. Những chuyến xe tải chở rau hoa về Đồng Nai, Sài Gòn, Thủ Dầu Một hay ngược ra Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang và tới phố xa Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng…Chàng trai trẻ kỹ sư nông học Nguyễn Trần Vũ Long sôi nổi tiếp chuyện chúng tôi: D’ran và Đà lạt có độ cao và thổ nhưỡng khác nhau đôi chút...nhưng hương vị thì một chín một mười, các loại rau củ quả hữu cơ phổ biến như dâu tây, cải bó xôi, khoai tây, cà chua, khoai lang mật... bà con và du khách thưởng thức đã khẳng định ẩm thực rau củ quả D’ran có hương vị riêng mang thương hiệu đặc trưng của Đơn Dương từ lâu nay...
      D’ran còn là điểm đến thủy điện Đa Nhim - công trình đã tồn tại hơn 50 năm (khởi công tháng 4/1961, hoàn thành tháng 12/1964 do Nhật Bản thiết kế thi công) - một thắng cảnh làm bao người ngẩn ngơ ngắm nhìn mỗi khi có dịp đi qua cung đèo Ngoạn Mục hay đèo Dran. Ở đáy hồ có một đường hầm thủy áp dài 5 km xuyên qua lòng núi nối tới hai ống thủy áp bằng hợp kim dốc 45°, dài 2040 m và đường kính trên một mét mỗi ống. Nước từ hồ Đa Nhim theo hệ thống thủy áp này đổ xuống tới hệ thống 4 tuốc bin ở sông Krông Pha (Sông Pha) với độ cao 210 mét. Tất nhiên muốn tham quan phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, bạn và khách du sẽ chứng kiến công trình hồ nhân tạo ở độ cao 1000 mét rộng tới 12 km cao 38 mét và dung tích hơn 165 triệu m3 nước cung cấp nước cho Đa Nhim. Người Nhật đã tạo đập thủy điện Đa Nhim hài hòa với cảnh quan thiên nhiên chung quanh ... Mây trời, non nước, cỏ cây và hoa lá cùng nhau tô điểm nên vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn, huyền ảo và có chút bí ẩn cho thị trấn Dran.
      Buổi sáng D’ran có điều thú vị - đó là tách cà phê nóng của quán nhỏ lưng chừng đồi. Ôi thật tuyệt vời nhâm nhi cà phê thị trấn núi. Chủ quán cho hay: Cà phê tôi tự tay chọn lựa và rang xay - trộn cả hai thứ Robusta (vối)Arabica (chè) theo một tỉ lệ bí truyền. Anh biết không? Cà phê vối đậm chất cafeine dễ làm mất ngủ còn cà phê chè nhẹ hơn cafeine nhưng lại cho hương vị khó quên…Mọi thứ tôi đều chế biến thủ công chứ không đụng chạm đến công nghệ máy móc…Ly cà phê nơi thị trấn D’ran với ông chủ quán cầu toàn tỉ mẫn cho ra mùi vị ngon đến thế hay là Arabica được trồng ở độ cao trên 1000 mét của người D’ran làm người khách phương xa phải ngập ngừng dừng bước...
    Tiếc cho D’ran dấu yêu của tôi - nơi ngày trước có cây cầu thiết lộ tuyệt đẹp và chỉ dăm ba cái của ngành đường sắt trên thế giới đã bị phá bỏ (nhiều người đồng tình nếu còn sẽ là một địa chỉ tham quan ngoạn mục). Giờ chiếc cầu bánh răng cưa chỉ còn lại hai trụ nằm chênh vênh giữa dòng sông Đa Nhim. Để tàu lửa có thể vượt độ cao trên 1500 mét với độ dốc trên dưới 12% người ta phải thiết kế hệ thống bánh trục răng cưa ở giữa song song với đường ray để lên xuống đèo an toàn tuyệt đối. Trên đường về D’ran ngày hôm trước người hướng dẫn đã chỉ cho tôi một số dấu tích còn lại của đoạn đường sắt độc đáo này - đó là ga Eo Gió nay đã thành phế tích - một trụ cầu đường sắt cao chừng 30 mét đứng chơ vơ giữa khe núi và một con đường hầm xuyên núi dài hơn 100 mét may ra đến giờ vẫn còn nguyên vẹn...
      D’ran dấu yêu - nơi tôi đã tạm cư gần 4 năm thời còn tiểu học - nơi sương giăng kín mỗi sáng mỗi chiều - nơi những vườn hồng chín mềm rướm mật, cầm lên nhẹ tay và cho vào miệng mát ngọt tới tâm can - nơi những con người chân chất quanh năm bầu bạn thân thiết với núi rừng...Bạn bè tôi ngày đó giờ như chẳng còn ai, bao kẻ bỏ D’ran mà đi và tôi cũng thế, bao năm cứ lần la...lần lữa...hẹn về rồi ra trễ hẹn bao lần. Tôi được biết thêm D’ran đang là thị trấn nằm trong huyện Đơn Dương - huyện thứ 6 của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới (3/9/2015)... Thu nhập toàn huyện bình quân đầu người đến năm 2017 đạt xấp xỉ 50 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%, trong đó vùng dân tộc thiểu số chỉ còn 3%. Và D’ran dấu yêu của tôi có tỉ lệ bình quân cao hơn tỉ lệ chung toàn huyện từ 4 đến 5%...Ôi thị trấn núi nhỏ bé - niềm tự hào kiêu hãnh của tôi!
      Và bất ngờ hơn với D’ran - bây giờ ngồi đây tôi lại được đọc một tư liệu cũ - dòng cảm xúc của cố nhạc sĩ tài hoa đất Huế Trịnh Công Sơn viết cho người yêu Ngô Vũ Dao Ánh trên căn gác gỗ của Họa sĩ Đinh Cường ( anh mất ngày 8 tháng 1 năm 2016) - chỗ tôi đang ngồi với D’ran và chỗ ngụ cư của tôi năm xưa ấy - thư anh viết: “Anh đến đây thì anh Cường  chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn - chung quanh là núi cao, là mây mù, là suối reo, là giá rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng riêng của anh Cường, chung quanh những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi đồi này vừa lên xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến... Ngoài kia trời chỉ còn thấy viền núi đen cao ngất bao quanh. Tiếng suối chảy buồn... Cuộc sống ở đây bình an dễ chịu. Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền và xa lánh những đua chen vô ích. Tìm một hạnh phúc nào nhỏ nhất cho vừa đời mình. Làm một căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống rất gần với gỗ với cây với núi rừng với đất. D’ran...D’ran ơi...dấu yêu trong tôi đẹp dung dị đến lạ thường! Tôi yêu…D’ran!

Lê Quang Kết
ĐT: 0907 615 510  Email:  lequang54@gmail.com
Chung cư Lê Thành B2.08.08 Khu phố 3 Phường An lạc, Quận Bình Tân, Tp.HCM
Căn cước công dân số 04605400015 - Ngân hàng BIDV số tài khoản: 64210000025491



Truyện ngắn
BẾN ĐỖ DIỆU KỲ
 Lê Quang Kết
      Tên quen gọi ở nhà của em là Gái, năm 6 tuổi vào lớp một làm giấy khai sinh ba đặt là Đoàn Thị Lành. Nhà Lành nghèo lắm - thuộc diện vùng sâu vùng xa của miền Trung  khô cằn sỏi đá. Miền đất “khắc bạc” “nắng nẻ mưa nguồn” níu chặt gia đình Lành. Năm Lành học cuối cấp trung học cơ sở ba bạo bệnh thuốc thầy chạy chữa “tát hết nước” cả tây đông y nhưng cuối cùng bệnh tình  cũng không qua khỏi. Ba mất, miếng đất hương hỏa của gia đình phải bán để trang trải nợ nần nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, ông chú thương tình cho mẹ con Lành miếng đất phía sau rặng tre cuối vườn. Tang ba xong , hỗ trợ từ bà con mẹ cất tạm nhà - nói cho hay thế thôi nhưng chỉ cái chòi dặt dẹo thưng ván lợp tôn tạm che mưa nắng, cái nghèo đẩy tới bước đường cùng với mẹ, Lành và hai em.
      Lành đẹp cả dáng lẫn da, cân đối cao ráo, bạn bè và nhiều người yêu quý nét chân quê đẹp người đẹp nết của em. Năm cuối cấp phổ thông Lành đành nghỉ học, chuyện khỏi phải bàn. Nhiều lần Lành xin mẹ lên thành phố làm công nhân. Mẹ bảo cố học đi con, học mới nuôi hy vọng thay đổi cuộc đời nhưng Lành nghĩ cái ăn cái mặc của cả gia đình và còn hai em đi học nữa làm sao lo nổi. Chị Liền xóm dưới lên thành phố làm công nhân may về chơi, Lành khăn gói theo chị - mẹ căn dặn trước hôm ra đi.
-          Thành phố dữ nhiều lành ít, phận gái phải lo giữ thân giữ nết nghe con…
-          Dạ, con sẽ cố gắng… mẹ ơi! Giọng em nức lên nghẹn ngào nước mắt rơm rớm…
Trong lúc chờ đợt tuyển công nhân may đầu quý, tạm thời Lành phục vụ quán cà phê cùng cô chị bạn mới quen. Chuyện bưng bê dọn dẹp tính tiền ở điểm cà phê nhẹ nhàng nhưng chủ quán yêu cầu phải tươi cười vui vẻ cùng khách, ăn mặc phải có chút mát mẻ hở hang - chuyện này làm Lành khó xử nhưng cuối cùng cô đành chấp nhận. Người hiền hòa chất phác thường nhẹ dạ cả tin - lúc đầu Lành ngượng ngùng xấu hổ lắm, cô chị bạn khích lệ và khéo lời đưa đẩy.
      - Em diện vào hở một tí thôi là lắm kẻ đê mê, biết đâu có thiếu gia trồng cây si rồi đổi đời phận gái quê lên tỉnh…
Nhờ vào sự tư vấn và kinh nghiệm của chị bạn trong việc ăn mang Lành thay da đổi thịt khác hẳn. Một cô Lành thôn nữ chân quê thành một cô Lành phố thị tân kỳ - một cô Lành đồ bộ giản dị thành cô Lành váy áo phô trương - một cô Lành mộc mạc tự nhiên thành cô Lành phấn son quyến rũ…Chiếc váy đen quá gối cái áo sát nách khoe ngực mái tóc ngắn mặt hoa da phấn làm Lành biến hình nhanh - một số người quen biết không còn nhận ra cô gái quê hôm nọ. Kể từ có cô Lành quán cà phê đông hẳn lên. Chị bạn bàn tiếp chuyện thay cái tên Lành nghe quê mùa thô thiển bằng cái tên của người thành phố - Thiên Kim, Mai Lan hay Thu Thủy, Dáng Kiều…chẳng hạn - em chọn tên nào?
Mỗi ngày trôi qua tối đến đối diện với bóng đêm, lòng Lành tự nhủ: Mình có còn Gái của ngày nhỏ không? Con Lành hiền lành ngày trước ở quê giờ thế này ư? Mình nói sao với mẹ về những đổi thay này? Hay là đăng ký tuyển dụng làm công nhân may yên lành?...Bao nhiêu là giằng xé tâm can của cô gái chân ướt chân ráo bước vào đời - nhưng hình như thói quen xấu dễ lây lan tiêm nhiễm và cũng khó từ bỏ…
Lành chọn tên mới là Mỹ Lan, gần âm với chữ Lành tiện đôi bề. Thu nhập Mỹ Lan cao lên do có tiền tip mỗi khi khách mời hát ngay trong quán. Thực ra cà phê chỉ là phần phụ còn có các phòng hát karaoke theo nhu cầu của khách. Cô đã khác. Gái thành thị. Đi đứng nói năng cử chỉ thị dân. Buổi sáng thời gian Mỹ Lan dành cho trang điểm cả tiếng, bước ra khỏi phòng trọ mắt kiếng găng tay kiêu kỳ, quần áo thay đổi không đụng hàng mỗi ngày. Cô Lành ngày cũ không còn mà là Mỹ Lan thì hiện tại - đong đưa mời gọi cả liếc mắt gợi tình…
Con người lạ thật “được voi đòi tiên”, lòng tham vô đáy, đồng tiền luôn có sức mạnh vạn năng.
Ăn thích ăn ngon. Mặc thích mặc đẹp. Đẹp thích đẹp hơn. Ít muốn thêm nhiều. Giàu muốn giàu hơn. Thèm khát bằng người hơn người…và cấp độ cứ tăng dần không dừng lại. Mỹ Lan đang bước vào thế giới mới lạ. Cô muốn chinh phục mọi thứ, lòng tham trong cô chưa có nhu cầu tỉnh thức hay hoàn lương…
      Mỹ Lan cứ thế lao vào cuộc sống sa đọa, buông xuôi tất cả. Đồng tiền làm cô mù quáng…đem tấm thân ra đánh đổi mặc cho thú ham của lạ của các đấng mày râu lọc lừa bịp bợm. Trong một lần tiếp bia và hát karaoke cùng khách, cô bị hút hồn bởi một anh chàng tự xưng là doanh nhân thành đạt. Cô gái trẻ bị mê hoặc bởi vẻ điển trai cộng với tài ăn nói lôi cuốn lém lĩnh. Nghĩ mình gặp được nửa bên kia của cuộc đời, Mỹ Lan dành hết tình cảm và trao hết cho anh ta mà không chút đắn đo nghi ngại…
      Nhưng cô có biết đâu chàng doanh nhân đóng kịch kia đã có vợ và một gia đình êm ấm. Biết chồng mình đang dan díu - nàng ta tìm cách đối phó dằn mặt tình địch. Dò la tìm kiếm và âm thầm theo dõi cô ta biết nơi ở đường đi nước bước của Mỹ Lan. Họ bàn tính một trận đòn ghen với các kịch bản khác nhau. Chuyện gì đến phải đến! Một đêm trên đường về Mỹ Lan đã bị một nhóm côn đồ chặn đánh trấn lột đòn roi cắt đi mái tóc cùng với một bản án nghiêm khắc từ người vợ “Hãy thôi thói trăng hoa đi ngang về tắt khốn nạn của cô đi, hãy dừng ngay cái trò tình nhân tình nhân nghĩa giả dối bỉ ổi kia đi, hãy trả chồng tao về với gia đình…”
      Tỉnh dậy trong bàng hoàng thảng thốt ở một bệnh viên tư, Lành nghe toàn thân buốt nhức không thể gượng dậy được. Nhìn chung quanh một màu trắng lạnh toát, cô bần thần nhưng chẳng nhớ được gì. Mắt đảo nhìn phía bên kia có một chàng trai mũi cao mắt xanh đang nhìn mình với ánh mắt bao dung cảm thông. Rồi Lành lại thiếp đi trong mê man…
      Nhiều ngày sau, Lành khá hơn có thể nghe hiểu dù trả lời còn thều thào. Vẫn là anh chàng người nước ngoài - anh nói được tiếng Việt khá sành sỏi…

      - Tôi là Tony, người Hà Lan tới Việt Nam hợp tác với Việt Nam trong tổ chức ILO (International Labour Organization - Tổ chức lao động quốc tế), tình cờ bắt gặp cô nằm trên đường phố thương tích đầy mình - tôi đã đưa tới bệnh viện này được các y bác sĩ chăm sóc giờ cô đã khá hơn…

      -  Cảm… ơn… anh!

      -  Tôi cũng đã gặp người bạn của em, chị ấy kể cho nghe câu chuyện về em, tôi hiểu và thương cảm.

      Sự chăm sóc ân cần của một người chưa quen biết lại là người nước ngoài - đối với Lành là phép lạ giữa cõi đời tục lụy nhiều ngang trái. Chân cô chưa thể đi được ngồi trên xe lăn, mỗi ngày Tony đẩy cô dạo quanh khu bệnh viện, anh luôn nhìn cô ánh mắt trìu mến. Tony lại tập cho Lành những bước chân tập tễnh. Nhìn Lành chập chững như đứa trẻ lòng anh mừng vui khôn tả…Ngày từng ngày qua một tình cảm lạ kỳ giữa hai người xa lạ - họ giữ chưa dám ngỏ nhưng lòng… như đã. Truyện cổ tích giữa đời thường đến với cô Lành - quả là diệu kỳ!

     Lành lành. Trước khi về nước Tony xin cho Lành làm công nhân ngành may - công ty có mối quan hệ công việc với anh. Dù mức lương chưa cao nhưng tạm đủ sống và Lành tự nhủ: Vững tay nghề sẽ sáng mãi tương lai. Lành cố gắng chăm chỉ học hỏi đồng nghiệp và có sáng kiến nên sản phẩm có chất lượng và thu nhập ngày mỗi khá hơn…Lành yên lành với nghề may mà thuở nhỏ cô yêu thích…

     Niềm vui là hàng tuần Lành được thư trên email và facebook từ Tony. Cô trông chờ tin anh như con chờ mẹ. Anh hỏi thăm sức khỏe công việc với lời lẽ tràn đầy yêu thương. Anh hứa cuối năm sẽ sang Việt Nam về quê thăm mẹ Lành và hai em. Chao ôi! Lành nói chuyện trên FB với Tony mà lòng gợn lên yêu thương tận đáy lòng. Cô đã yêu. Ngày trước đàn ông đến với cô đâu chỉ tình yêu. Đối với Tony - anh là tình đầu của Lành. Ôi tình đầu, kỳ diệu thay - như mưa mùa hạ khiến lòng dịu mát - như gió mùa thu làm lòng nhẹ êm - như bài thơ vi diệu vượt lên mọi định kiến san bằng mọi thứ mọi cái trên đời…

     Cảng hàng công quốc tế một ngày đẹp trời, Lành đón Tony với niềm tin yêu nôn nao chờ đợi. Anh quyết định định cư Việt Nam với công việc ở ngành may - trợ lý kỹ thuật và sáng tạo cho công ty đã có thời gian Tony hợp tác. Tình yêu chắp cánh bay cao!

    Lành nghỉ phép. Cả hai cùng về quê xin mẹ. Tối hôm đó mẹ lặng lẽ làm mâm cơm khấn vái trước bàn thờ ba cho phép con gái đi lấy chồng. Đám cưới hai người chỉ làm nhẹ nhàng đơn giản ở quê, họ hàng bà con đến chung vui cũng chỉ trên dưới 10 mâm. Dù người nước ngoài nhưng Tony chẳng phải đại gia hay giàu có, Lành nghĩ mai này dành dụm tích lũy mua căn hộ chung cư để an cư lạc nghiệp. Bạn bè thời cắp sách tới mừng cô với lời chúc: Bến đỗ bình yên…còn Lành tự nhủ với  mình: Lòng cô mừng mừng…tủi tủi…không chỉ bình yên…mà là…Bến đỗ diệu kỳ! Lành bỗng nhớ ra rằng tự bao đời cha ông đã tuyên ngôn “hồi đầu thị ngạn”. Ngoảnh lại yêu thương để thấy bờ!

 

    Lê Quang Kết
ĐT: 0907 615 510
 Email:  lequang54@gmail.com
Chung cư Lê Thành B2.08.08 Khu phố 3 Phường An lạc, Quận Bình Tân, Tp.HCM
Căn cước công dân số 04605400015- Ngân hàng BIDV số tài khoản: 64210000025491