Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019


                         
    SẮC HƯƠNG…TÌNH HUẾ
Lê Quang Kết
     Huế là đất một chuyện tình. Lịch sử hành phương Nam của tiền nhân gặp khúc quanh chặng đèo Ngang - Vua Trần anh minh quyết định gả con gái yêu cho Chiêm vương đổi lấy hai châu Ô và Rí (Lý). Và Huyên Trân công chúa đã “ngàn dặm ra đi” - vạch đường thiên lý để Đại Việt hôm nay dài mãi tận đất mũi Cà Mau. Tình Huế! Ôi đẹp và thơ! Chàng trai Hà Tĩnh Huy Cận thuở trai trẻ đã từng theo học Quốc Học - Huế; nhân ngày kỷ niệm 100 năm thành lập trường nhà thơ viết gửi Huế yêu: “Huế Huế ai bày chi xứ Huế/ Mà tình vương mãi dứt không ra”. Tôi cũng là đứa con Huế tha phương - dễ mấy chục năm trời. Hình như những kẻ xa quê đều có một góc yêu thương nào đó để nhớ và thôi thúc bước chân về. Tình Huế - với tôi cũng vương mãi như lời thơ Huy Cận.
     Tình Huế - tính cách Huế xưa nay đó là sự hài hòa giữa con người với tự nhiên. Huế hài hòa trong kiến trúc mà nhiều người gọi là thành phố của “Nhà vườn Làng vườn Chùa vườn”. Những nhà vườn tiếng tăm vẫn hiện hữu trong lòng những ai đến Huế : Vườn An Hiên ở Kim Long; vườn nhà cụ Đô dưới Gia Hội; hay Lạc Tịnh viên phủ thất ngài Hồng Khẳng xưa ở 65 Phan Ðình Phùng - Huế, nhà vườn công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn Gia Hưng Vương…Rồi làng vườn: Phường Đúc, Kim Long, Bao Vinh, An Lăng, Chợ Cống…vẫn còn đó sừng sững - bảo lưu truyền thống đất vườn Huế. Câu thơ của Thi nhân Hàn Mặc Tử “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” có dáng dấp một Vĩ  Dạ vườn. Trăm ngôi chùa Huế mỗi chùa là mỗi sắc vườn - người lữ hành nặng gánh lo toan một lần vãn cảnh nghe lòng thanh thản nhẹ gánh xua đi bao nỗi muộn phiền - thấp thoáng một chút lắng sâu từ tâm hỉ xả với đời với người. Con người cảnh vật trong kiến trúc Huế không thách đố thiên nhiên. Huế không có và không thể có những công trình đồ sộ chọc trời như Sài Gòn. Nếu ai đó có ý nghĩ biến Huế thành đô thị siêu tốc thì điều đó vô nghĩa và ảo tưởng với nghệ thuật kiến trúc. Hình như chủ nhân vườn Huế chẳng quan tâm nhiều đến lợi ích kinh tế. Họ chăm chút mảnh vườn để được sống bình dị ung dung hòa mình với thiên nhiên cây cỏ - tâm cảm lạc quan bình thản thấp thoáng nét tự tại đậm chất nhân văn Huế.
     Tình Huế là nhẹ nhàng trong lựa chọn sắc màu. Người Huế chúa ghét những mảng màu lòe loẹt. Họ thích gam màu nhạt. Màu nặng như đỏ chót xanh lè vàng rộm đen thui tím ngắt phản cảm với tâm hồn Huế. Sắc thái của tình Huế là xanh lơ vàng mơ hồng nhạt hay tím phớt… Nếu giờ đây phụ nữ thích biến tấu hoa trên áo dài thì người Huế sẽ không thích hoa to hoa tương phản mà là hoa nhỏ - chỉ điểm nhẹ vài bông đậm hay nhạt hơn màu nền áo một chút chỉ thế thôi! Tà áo dài thướt tha chiếc nón bài thơ dịu ngọt đã theo cô gái Huế dù đi đâu về đâu? Tan trường tóc thề trước gió vành nón nghiêng che trắng cả Tràng Tiền mấy nhịp. Trong trang phục áo dài truyền thống ấy cô gái Huế không mặc quá dài hoặc quá ngắn. Đường xẻ tà ở hông cũng vậy không quá cao để hở hang hớ hênh nhưng cũng không che kín bịt bùng. Đừng tưởng gái Huế không ưa khoe những đường nét quyến rũ của cơ thể trước đàn ông chỉ có điều họ muốn phô một cách kín đáo tế nhị mà thôi.
     Ẩm thực của tình Huế là gia vị. Các món ăn Huế đều thế gia vị là thứ tối cần. Nhiều thứ nhưng mỗi thứ một ít thôi phải biết gia giảm mới thiệt là Huế. Có nhà ẩm thực đã liệt kê tới mười mấy thứ trên đôi quang gánh của o cơm hến Huế. Nhiều món ăn dân dã Huế đã trở thành văn hóa ẩm thực  của cả nước: bún bò, bột lọc, bánh khoái, bánh canh, cơm hến, bánh nậm bánh bèo… Những đứa con Huế xa quê đi tới mô cũng cố giữ ẩm thực mang hương vị quê nhà mà nghe đau đáu nỗi nhớ quê xa. Người Huế thích ăn cay. Đúng bữa cơm Huế không thể thiếu ớt. Cay mới thích - mới khoái khẩu. Người ta kể có Huế Kiều xa xứ bay về ngồi ăn một tô bún bò An Cựu vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa mồ hôi mồi kê tháo ra ướt cả áo miệng cười hả hê - đã quá Huế ơi!
     Tình Huế là chừng mực trong giao tế ứng xử thường nhật. Lịch thiệp ý tứ nhưng trân trọng chân tình với người quen bạn bè. Ngày giỗ tết hội hè gặp gỡ bạn thử quan sát xem? Không thân không sơ không lạnh nhạt không vồ vập - tất cả là nhẹ nhàng ý vị. Mừng vui ngày hạnh ngộ họ cố nín trong lòng chẳng lộ ra ngoài. Gặp nhau mà ôm chầm lấy nhau rối rít la hét ầm ỉ làm toáng cả lên không phải là tính cách Huế. Mời khách mời bạn dùng bữa cũng thế thôi thiệt tình mời một hai lần. Không chào mời theo kiểu lấy lòng và chẳng ồn ả nhiều lời để thành khách khí sáo rỗng - ngoài miệng thì cố đẩy đưa chiếu lệ mà bụng chẳng ưng ý tí nào.
     Nghĩa tình với bà con bầu bạn - đó là nét tính cách giàu chất nhân văn của người xứ Huế. Đi đâu trên khắp đất nước và cả ở Âu, Mỹ, Phi, Úc…cũng gặp Hội hè đồng hương Huế, Huế tha phương, Huế hiếu học, Ái hữu Huế, Yêu Huế, Nhớ Huế… của bao đứa con lưu lạc. Người Huế tứ xứ “tha hương ngộ cố tri” - họ tụ họp nhau để nhớ về quê hương “gừng cay muối mặn”. Mỗi lần hội ngộ là dịp những đứa con Huế xa xứ hàn huyên cho thỏa nỗi niềm tháng ngày xa quê và cũng là cơ hội gắn kết bền chặt giữa bà con và quê hương. Tới đây nghe những lời chân tình mới thấy hết được nỗi lòng của người xa quê. Họ vui mừng hào hứng khi quê hương vươn lên phát triển và tâm  như  lửa đốt mỗi khi nghe tin quê nhà thiên tai bão lũ. Suốt tháng năm qua ít hay nhiều, người Huế đã luôn ấm lòng bởi những sẻ chia của bà con Huế trên mọi miền đất nước và của kiều bào. Giai điệu và ca từ nghe day dứt nỗi nhớ Huế của bao đứa con Huế xa: “Lòng đã hẹn thề sao chưa về thăm Huế người ơi/ Áo tím ngày xưa tím vầng thơ tím cả mong chờ/  Một dòng sông Hương vẫn còn thương vẫn nhớ câu hò/ Ai chờ ai một bóng con đò chiều phai rưng rức bờ vai…”(Tình Huế - Nguyễn Ngọc Thạch).
     Tình Huế là đời sống nội tâm sâu lắng không ồn ào khoa trương. Khúc Nam Ai Nam Bình; làn điệu hò Mái Nhì Mái Đẩy trên dòng Hương giang chính là nét tĩnh tại nội tâm của tâm thức Huế. Có ai đó bảo rằng: Giai điệu âm nhạc Chăm đã để lại nét buồn thương cảm trong tâm hồn Huế - hay màu tím  kia là màu buồn Huế. Phải vậy chăng? Người ai mà không buồn? Buồn Huế không hẳn buồn lòng mà còn là cái lặng thầm sâu kín tận đáy lòng. Có nhà thơ đã gọi tím Huế là màu của yêu thương trong sáng và thầm kín. Với phụ nữ Huế tím còn là màu của đức hạnh thủy chung. Vả chăng nếu có buồn cũng là chuyện muôn đời - hỉ nộ ái ố sầu bi - nhưng chắc rằng buồn Huế không là nỗi buồn của bi lụy đau thương…Tôi cũng là đứa con Huế hành phương Nam theo dấu cha ông…Nỗi nhớ quê nhà tháng năm chập chờn mộng mị. Nhiều lúc nhớ Huế đến quay quắt - ở đó mối tình đầu của tôi, bao năm em vẫn khắc khoải đợi chờ còn người xưa cứ trôi xa biền biệt…Chao ôi! Nhớ Huế…Hẹn Huế ngày về nợ Huế một đời - nơi đó có…quá nhiều…kỷ niệm yêu thương và nên thơ…để nhớ…Bây chừ bạc tóc vẫn thủy chung yêu Huế yêu em!
      Người và đất Huế là đề tài muôn thuở cho văn học nghệ thuật. Tức cảnh say người sinh tình. Có lẽ thế nên văn nhân thưởng lãm Huế đã để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ xưa nay - kể sao nói sao cho hết. Người Huế triệu triệu lần cảm ơn tao nhân mặc khách đã khắc họa tuyệt vời hình tượng núi Ngự sông Hương trên trang sách trang đời. Thi sĩ quá cố người Quy Nhơn gốc Quảng Bình Hàn Mặc Tử đề thơ “Đây thôn Vĩ dạ” mãi treo trên lầu cao. Nỗi lòng tha thiết, ước vọng khôn nguôi của thi sĩ đối với thiên nhiên Vĩ Dạ và cô gái Huế gần mà xa thực mà mơ; sâu nặng hơn là một tình yêu đơn phương trong sáng tự trong sâu thẳm tâm hồn của chủ thể cảm xúc. Dẫu trong cảnh ngộ hết sức nghiệt ngã của một con người tuyệt vọng vì bệnh hoạn, một người đang phải cách ly bạn bè, người thân thích và bất lực nhìn cả thể phách lẫn linh hồn mình đang rệu rã, nhưng đôi mắt người ấy vẫn trong trẻo ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, trái tim người ấy vẫn giàu yêu thương và ước vọng…Cái màu xanh như ngọc của vườn ai, con thuyền ai neo đậu bến sông trăng, cái màu trắng nhìn không ra của áo em như đưa hồn ta đi về miền sương khói Vĩ Dạ một thời thưa vắng tìm lại bóng người xưa, thương cảm nhà thơ tài hoa đa tình mà mệnh bạc. Bức tranh tâm cảnh trong “Đây thôn Vĩ Dạ” cứ thế…lưu luyến…cứ thế… vương vấn mãi trong lòng…Người xưa đầu rồi hay chỉ là hư ảo!?
      Tình Huế là quà tặng của thiên nhiên dành cho thi nhân. Nhà thơ nào tới Huế đều có thơ về Huế như để trả ơn mảnh đất đã khơi nguồn thi hứng cho mình. Huế và tôi yêu bài thơ “Tạm biệt Huế” của nhà thơ quá cố Thu Bồn. Bài thơ như được chắp cánh - thơ nhạc giao duyên - với giai điệu tuyệt vời của nhạc sĩ Xuân An. Sông Hương và người sông Hương thêm lần cảm ơn và ghi khắc vào tâm hai câu tuyệt bút - có người nói hộ mình nghe khiêm cung lòng nhẹ hẳn đi “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Khổ thơ cuối chầm chậm đi cùng giai điệu chạm vào tim: Huế ơi, tạm biệt nhau mà trong lòng còn Huế/ Hải Vân ơi đừng tắt ngọn sao khuya/ Xin tạ từ với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hóa đá phía bên tê”. Câu cuối bài thơ tác giả mô phỏng hình tượng Vọng phu của cổ tích và thêm nét sáng tạo khẽ lay động nỗi nhớ khắc khoải dằng dặc của bao người đi và đến với Huế yêu. Thi sĩ không là người Huế còn tôi đứa con tha hương mỗi lần về…rồi đi lòng nghe nặng trĩu mong ngày được trở lại cố quận dấu yêu.
      Ước mơ tự bao đời về công lao mở đất của vị Mẫu Nữ Thần Hoàng bất tử, người Huế đã xây dựng đền thờ tượng đài uy nghi Huyền Trân Công chúa trên núi Ngũ Phong. Huế còn dành riêng cho công chúa một trung tâm chuyên nghiên cứu giải mã, bổ sung, phản biện, hiệu đính sử liệu về Huyền Trân. Lễ hội Công chúa được người dân Huế hàng năm khói hương tâm thành, rưng rưng chiêm bái nhớ về Người và một thời Hào khí Đông A sáng ngời sách sử - sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa. Bước chân huyền thoại ấy, công lao cao cả ấy khiến hậu thế tương cầu đồng cảm cúi đầu ngưỡng mộ, và người Huế cũng đã phản biện xác tín về những nghi vấn lịch sử phi lý oan nghiệt cay đắng đối với cô công chúa vâng lệnh vua cha xuất giá. Bà đã ngàn dặm ra đi vào xứ sở Chăm nhưng để lại mảnh đất Ô, Rí ngàn dặm - Thuận Hóa ngày nay; mảnh đất hòa hiếu ấy như con thuyền phù sa đưa cả dân tộc tiến ra biển cả, tiến xa về Đất Mũi - Cà Mau…
      Sau khi quy hồi kinh đô Thăng Long, Huyền Trân công chúa đã xuống tóc quy y cửa Phật, gác lại mọi chuyện thế gian. Người đời biết nàng đau buồn và tiếc thương cho sự ra đi đột ngột của chồng nên gởi thân nương nhờ cửa Phật, một lòng tòng phu mặc kệ mọi nghi vấn thị phi ngoài kia. Gần một năm mặn nồng cùng chồng, bà hiểu được phần nào tại sao vua cha lại gả nàng cho Chế Mân - một vị vua đức độ và tài năng, chứ chẳng phải là phường man di, dị tộc như thiên hạ dị nghị, người Huế vẫn tiếc thương nàng - cô công chúa lầu son hồng nhan bạc mệnh…Cảm thức của người dân Huế hôm nay không còn là nỗi niềm chua xót nghiệt ngã mà là sự đồng cảm về đức hy sinh cao quý cùng hạnh bố thí của người con gái trong lầu son gác tía truân chuyên quên mình vì đất nước. Tấm gương của Huyền Trân thanh khiết, nàng hóa thân trở về với đạo sống bình đạm hiền hòa và dung dị của một nữ tu hạnh bồ tát, làm tấm gương đức hạnh thủy chung sáng soi tới muôn đời…
      Chàng trai Hà Tĩnh đã mang tình Huế đi đến cuối đời và trước đó là chàng trai xứ Quảng. Anh vượt đèo Hải Vân  ra thi để rồi “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tán tỉnh để chinh phục trái tim một cô gái Huế cũng khó - thật khó. Tôi có người bạn  lấy vợ Huế kể chuyện xưa: Hồi học ở ngoài phải lòng một cô gái Huế mất ba năm để làm quen và thêm ba năm cho tình yêu hò hẹn vị chi là sáu năm để cưới nàng làm vợ. Năm rồi vợ chồng anh tròn ba mươi năm ngày cưới. Giọng hóm hỉnh anh mượn chuyện nhà hiền triết xưa Socrate để nói về người vợ yêu quý của mình. Nhà triết học tài danh Socrate có một bà vợ dữ dằn độc ác. Bà thường mắng nhiếc thậm tệ và thậm chí đánh  chồng bằng đôi đũa làm bếp - kể cả khi có mặt bạn bè ông. Bao năm theo thầy dùi mài kinh sử có người học trò yêu đã phải buột miệng chất vấn thầy : “Bạch thầy! Con phải thế nào đây? Theo ý thầy con có nên lấy vợ hay không?”. Socrate mỉm cười thốt lên: “Trong mọi trường hợp con đều phải lấy vợ nếu gặp người vợ hiền con sẽ là người hạnh phúc còn nếu gặp phải một bà vợ ghê gớm ác độc thì con sẽ là  một triết gia…”. Rồi anh cười hả hê đắc ý: - Nếu trên đời này các bà vợ đều là người Huế thì sẽ chẳng có đấng mày râu nào thành triết gia cả. Không hiểu lúc đó nhân loại sẽ ra sao?

Lê Quang Kết
 DĐ : 0907. 615. 510
Căn cước công dân số 04605400015- Ngân hàng BIDV số tài khoản: 64210000025491
Chung cư Lê Thành B2.08.08 Khu phố 3, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, Tp. HCM

Không có nhận xét nào: