Ký
SẮC MÀU… D’RAN DẤU YÊU
Lê Quang Kết
Người
bạn thuở ấu thơ nhắn tôi về D’ran - nơi một thời dấu yêu nhiều kỷ niệm trong
tôi…Ừ thì về, mình về với D’ran - về với thị trấn yên bình có nhiều ngôi nhà tựa
lưng vào vách núi - về với những con phố nhỏ sương mù che khuất người đi…D’ran
giờ là thị trấn nhỏ của huyện Đơn Dương, nếu đi từ Sài Gòn lên tới ngã ba Phi
Nôm rẽ phải chừng 30 km còn nếu từ Đà Lạt
bạn có thể chạy về Cầu Đất qua đèo D’ran là bắt gặp phố núi nằm yên bình khiêm
tốn nhưng ẩn chứa bao điều thú vị khiến lòng người đắm say…
Chúng
tôi từ Đà Lạt nên chọn đường Cầu Đất, Trạm Hành - trên
chiếc xe gắn máy tàng chúng tôi xuôi dốc với cung đèo D’ran. Độ dốc đèo không
cao so với Sông Pha hay Prenn nhưng cảnh quan quyến rũ tuyệt đẹp - một chút êm
ái pha với vẻ hoang dại với tiếng thông reo rì rầm chen hoa lá cỏ cây lung linh
sắc màu - một khoảng không gian khoáng đạt với trà cà phê xanh bạt ngàn nhưng vẫn
còn đó sự tinh khôi mộc mạc của rừng núi hoang sơ. Hành trình từ Ninh Thuận đến Đà Lạt
mọi người đã lựa chọn đường từ Thạnh Mỹ qua
Phi Nôm lên đèo Prenn và bây giờ lại có thêm lộ 27C nối Đà Lạt- Nha Trang làm cung đèo D’ran gần như chìm vào lặng câm
không còn phổ biến như xưa nữa. Bạn tôi bảo rằng: Đèo D’ran là điểm nhấn tuyệt vời của thị trấn, ai đã
yêu D’ran và
rời xa thị trấn núi này đều xem cung đèo
là chỗ dựa là điểm tựa để quay về mỗi bận lòng bề bộn bất an. Và giờ này tôi chợt
hiểu - vì sao tranh anh Đinh Cường người họa sĩ tài danh từng tạm cư ở D’ran lại vẽ nhiều tranh và phác thảo về D’ran
và cung đèo D’ran…Thị trấn hiện ra sau những bờ giậu hàng rào thưa vắng là vườn hồng và dã quỳ với sắc vàng pha lấm chấm màu đỏ vàng cam.
Tôi
yêu D’ran và cung đèo D’ran - đã bao lần tôi cùng bạn bè người thân từ Đà Lạt
trở về cố quận hay từ Phan Rang lên đèo Sông Pha (Krông Pha) ngang qua cung đường nhưng cảm giác vẫn như lần đầu
nôn nao hoài niệm và bồn chồn đến nao lòng. Quay lại thời gian ngày Alexandre Yersin phát
hiện Đà Lạt - thời đó D’ran là nơi được mọi người quan tâm nhất, từ đây gắn với
vùng trà Cầu Đất hay đèo Sông Pha nhiều khúc gấp cùi chỏ hay
khuỷu tay vẫn luôn là con đường hút
hồn du khách bởi vẻ đẹp thuần khiết nhất của núi rừng cao nguyên. Giờ đã khác
xưa nhưng vẫn còn đó bảo lưu một cảnh quan đã in sâu vào tâm khảm bao người…Ôi D’ran yêu dấu của tôi!
Người thị trấn nhỏ giờ đang bận rộn hơn bởi chuyện mưu sinh -
D’ran vào vụ của rau hoa cây trái. Người bạn thổ địa xứ này chuyện cùng tôi:
D’ran giờ đang là vệ tinh của
rau hoa Đà lạt - Đà Lạt có thứ gì thì D’ran đều mang thức ấy. Cư
dân D’ran quy tụ người tứ xứ, nhiều nhất là người Bình Định, ngày tới đất này
họ không một tấc đất cắm dùi giờ là chủ nhân nhiều vườn ruộng rau hoa bốn mùa
xanh tươi hoa trái. Đặc điểm chung của
cư dân trên đất D’ran là cần cù chịu thương chịu khó, trên con đường phố nhỏ chật nhìn lặng thinh êm ả nhưng
ra vườn ruộng lại có không khí náo nức hối hả đến bất ngờ. Ruộng hoa có tới mấy
chục thứ: nào là cúc, nào là huệ, ly ly, đồng tiền, lay ơn... cho tới dòng hoa cao cấp như:
Nữ hoàng xanh, cẩm chướng, phong lữ, dã uyên thảo…có cả oải hương chỉ có ở Đà
Lạt và xứ người…Rau D’ran chẳng thua em kém chị và mùi vị cũng ngon nức tiếng.
Những chuyến xe tải chở rau hoa về Đồng Nai, Sài Gòn, Thủ Dầu Một hay ngược ra Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang và tới phố xa Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng…Chàng
trai trẻ kỹ sư nông học Nguyễn Trần Vũ Long sôi nổi tiếp chuyện chúng tôi: D’ran và Đà lạt có độ cao và thổ nhưỡng
khác nhau đôi chút...nhưng hương vị thì một chín một mười, các loại rau củ quả hữu cơ phổ biến như dâu tây,
cải bó xôi, khoai tây, cà chua, khoai lang mật... bà con và du khách thưởng
thức đã khẳng định ẩm thực rau củ quả D’ran có hương vị riêng mang thương hiệu
đặc trưng của Đơn Dương từ lâu nay...
D’ran còn là điểm đến thủy điện Đa Nhim -
công trình đã tồn tại hơn 50 năm (khởi
công tháng 4/1961, hoàn thành tháng 12/1964 do Nhật Bản thiết kế thi công) -
một thắng cảnh làm bao người
ngẩn ngơ ngắm nhìn mỗi khi có dịp đi qua cung đèo Ngoạn Mục hay đèo D’ran. Ở đáy hồ có một đường hầm thủy áp dài
5 km xuyên qua lòng núi nối tới hai ống thủy áp bằng hợp kim dốc 45°, dài 2040
m và đường kính trên một mét mỗi ống. Nước từ hồ Đa Nhim theo
hệ thống thủy áp này đổ xuống tới hệ thống 4 tuốc bin ở sông Krông Pha (Sông Pha) với độ cao 210 mét. Tất nhiên muốn tham quan phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, bạn
và khách du sẽ chứng kiến công trình hồ nhân tạo ở độ cao 1000 mét rộng tới 12
km cao 38 mét và dung tích hơn 165 triệu m3 nước cung cấp nước cho Đa Nhim.
Người Nhật đã tạo đập thủy điện Đa Nhim hài hòa với cảnh quan thiên nhiên chung
quanh ... Mây trời, non nước, cỏ cây và hoa lá cùng nhau tô điểm nên vẻ
đẹp thơ mộng, lãng mạn, huyền ảo và có chút bí ẩn cho thị trấn D’ran.
Buổi
sáng D’ran có
điều thú vị - đó là tách cà phê nóng của
quán nhỏ lưng chừng đồi. Ôi thật tuyệt vời nhâm nhi cà phê thị trấn núi. Chủ quán cho hay: Cà phê tôi tự
tay chọn lựa và rang xay - trộn cả hai thứ Robusta (vối) và Arabica (chè) theo một tỉ lệ bí truyền. Anh biết không? Cà phê vối đậm chất cafeine dễ làm mất ngủ còn cà phê chè nhẹ hơn cafeine nhưng lại cho hương vị
khó quên…Mọi thứ tôi đều chế biến thủ công chứ không đụng chạm đến
công nghệ máy móc…Ly cà phê nơi thị trấn D’ran với ông chủ
quán cầu toàn tỉ mẫn cho ra mùi vị ngon đến thế hay là Arabica được trồng ở độ cao
trên 1000 mét của người D’ran làm người khách phương xa phải ngập
ngừng dừng bước...
Tiếc cho D’ran dấu yêu của tôi - nơi ngày
trước có cây cầu thiết lộ tuyệt đẹp và chỉ dăm ba cái của ngành đường sắt trên thế giới đã bị phá bỏ (nhiều
người đồng tình nếu còn sẽ là một
địa chỉ tham quan ngoạn mục). Giờ chiếc cầu bánh răng cưa chỉ còn lại hai trụ
nằm chênh vênh giữa dòng sông Đa Nhim. Để tàu lửa có thể vượt độ cao trên 1500
mét với độ dốc trên dưới 12% người ta phải thiết kế hệ thống bánh trục răng cưa
ở giữa song song với đường ray để lên xuống đèo an toàn tuyệt đối. Trên đường
về D’ran ngày hôm trước người hướng dẫn đã chỉ cho tôi một số dấu tích còn lại
của đoạn đường sắt độc đáo này - đó là ga Eo Gió nay đã thành phế tích - một trụ cầu đường sắt
cao chừng 30 mét đứng chơ vơ giữa khe núi và một con đường hầm xuyên núi dài
hơn 100 mét may ra đến giờ vẫn còn nguyên vẹn...
D’ran
dấu yêu - nơi tôi đã tạm cư gần 4 năm thời còn tiểu học - nơi sương giăng kín
mỗi sáng mỗi chiều - nơi những vườn hồng chín mềm rướm mật, cầm lên nhẹ tay và
cho vào miệng mát ngọt tới tâm can - nơi những con người chân chất quanh năm
bầu bạn thân thiết với núi rừng...Bạn bè tôi ngày đó giờ như chẳng còn ai, bao
kẻ bỏ D’ran mà đi và tôi cũng thế, bao năm cứ lần lữa...lần lữa...hẹn về rồi ra trễ hẹn
bao lần. Tôi được biết thêm D’ran đang là thị trấn nằm trong huyện Đơn Dương - huyện
thứ 6 của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới (3/9/2015)... Thu nhập
toàn huyện bình quân đầu người đến năm 2017 đạt xấp xỉ 50 triệu đồng, tăng gần
3 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%, trong đó vùng dân tộc
thiểu số chỉ còn 3%. Và D’ran dấu yêu của tôi có tỉ lệ bình quân cao hơn tỉ lệ
chung toàn huyện từ 4 đến 5%...Ôi thị trấn núi nhỏ bé - niềm tự hào kiêu hãnh
của tôi!
Và bất ngờ hơn với D’ran - bây giờ ngồi
đây tôi lại được đọc một tư liệu cũ - dòng cảm xúc của cố nhạc sĩ tài hoa đất Huế Trịnh Công Sơn viết cho
người yêu Ngô Vũ Dao Ánh trên căn gác gỗ của Họa sĩ Đinh Cường ( anh mất ngày 8 tháng 1 năm
2016) - chỗ tôi đang ngồi với D’ran và
chỗ ngụ cư của tôi năm xưa ấy - thư anh viết: “Anh đến đây thì anh Cường chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn - chung quanh là núi
cao, là mây mù, là suối reo, là giá rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng
riêng của anh Cường, chung quanh những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi
đồi này vừa lên xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến... Ngoài kia trời chỉ còn thấy
viền núi đen cao ngất bao quanh. Tiếng suối chảy buồn... Cuộc sống ở đây
bình an dễ chịu. Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền và xa lánh
những đua chen vô ích. Tìm một hạnh phúc nào nhỏ nhất cho vừa đời mình. Làm một
căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống rất gần với gỗ với
cây với núi rừng với đất”. D’ran...D’ran ơi...dấu yêu trong
tôi đẹp dung dị đến lạ thường! Tôi
yêu…D’ran!
Lê Quang Kết
ĐT: 0907 615 510 Email:
lequang54@gmail.com
Chung cư Lê Thành B2.08.08 Khu phố 3 Phường An lạc, Quận
Bình Tân, Tp.HCM
Căn cước công dân số 04605400015 - Ngân hàng BIDV số
tài khoản: 64210000025491
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét