LỜI TỎ TÌNH ĐỘC ĐÁO, TÁO BẠO, LẠ LÙNG CỦA CHÀNG TRAI NÔNG DÂN VIỆT NAM
Lê Quang Kết
Bài ca dao quen thuộc dễ nhớ - là người dân Việt ai cũng có thể ngâm nga: “ Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…”. Chủ thể trữ tình của bài ca là chuyện lứa đôi nơi thôn dã có đủ bố cục, đường nét, màu sắc…như bức tranh hữu tình mà người nghệ sĩ dân gian vô danh nào đó đã khéo nhào nặn tài tình. Quả là một bông hoa tuyệt vời nơi đồng nội- đài hoa hé nụ rồi cứ nở dần, nở dần để phơi cái nhụy thơm tho, kín đáo, mộc mạc, chân tình…
Mở đầu là chuyện làng nước- chuyện bên lũy tre đầu đình có cành hoa sen. Chàng trai bỏ quên chiếc áo- một motif quen thuộc của dân gian – ví như : “ Thương nhau cỡi áo cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”. Chẳng có bà mẹ nào tin chuyện qua cầu áo bay- nhưng hình như cỡi áo đã là một cái gì đó- có sự đụng chạm đến da thịt- bước khởi đầu cho gần gũi hay là tiến tới việc trao thân gới phận!? Với bài ca dao chiếc áo là vật làm tin cũng là cái để chàng trai chọc ghẹo, tán tỉnh.
Em được thì cho anh xin Hay là em để làm tin trong nhà
Và còn là cái cớ để chàng trai tự giới thiệu gia thế. Áo anh sút chỉ cũng lâu rồi, anh còn độc thân chuyên lo việc đồng áng, nhà anh chỉ còn mỗi mẹ già – mẹ chưa kịp khâu hay là mắt mẹ đã mờ trước mũi chỉ đường kim.
Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu Aó anh sứt chỉ đã lâu Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Quả là khéo nói và biết lựa lời- tôi chỉ mượn chỉ nhờ cô khâu giúp thôi. Bài thơ “ Màu tím hoa sim”rất nổi tiếng- nhà thơ Hữu Loan cũng đã mượn câu thơ này để họa thơ “ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu…”. Cô khâu thì… bàn tay mềm mại kia chắc là “Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”- sẽ tươm tất vô cùng- phải không?
Tất nhiên tôi phải trả công thôi. Tất cả là lễ vật đầy đủ theo tục lệ truyền thống “ một thúng xôi vò- lợn béo- rượu tăm- đôi chiếu- đôi chăn- đôi tằm..” Và còn “ Quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Mọi thứ đủ đôi để cưới nàng làm vợ. Quả là nhẹ nhàng và thuận tiện- chỉ với bảy cặp câu lục bát mà có đủ mọi chuyện: - Cớ quên áo, - Làm quen, - Giới thiệu gia thế, - Tỏ tình và cuối cùng cưới luôn cô nàng làm vợ…Điều mà các chàng trai- dù có hiện đại tới cỡ nào đi nữa cũng khó có thể làm được.
Nếu nghệ nhân vô danh thuở xa xưa nào đó cho phép đặt tên bài ca dao- chúng ta dễ đồng tình với tên gọi: Lời tỏ tình táo bạo, độc đáo, lạ lùng của chàng trai nông dân Việt Nam.
Những câu bài ca dao hay là những viên ngọc bích- vẫn sống mãi và không cũ đi theo dấu ấn thời gian. Lúc nào ở đâu cũng có thể tìm thấy ở đó những điều kỳ thú mới lạ. “ Hôm qua tát nước đầu đình” đã là như thế. Tình cảm chân thành, thủy chung nhưng lạc quan, và có khi táo bạo là chuyện không thể nào quên của chàng trai nông dân Việt Nam.