Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

NÚI VÀ LÃO DU SỸ



Bút ký
NÚI VÀ LÃO DU SĨ
Lê Quang Kết
Giờ tôi muốn được gọi anh- Lão du sĩ. Hình như đã đôi lần anh tự thán như thế. Nguyễn Đức Sơn đang qua cái tuổi “cổ lai hy” và giữa cái hữu hạn- vô thường của đất trời- chẳng ai toan tính tiên liệu được ? Lão thi sĩ lạ lùng - cô độc ấy, đố mấy người hiểu ? Chuyện về anh, bắt đầu từ núi.
Bà con, bầu bạn thân thiết quen gọi anh: Sơn núi. Sơn lộ lên tệ xá Lão du sĩ đang an trú cũng có tên- dốc Sơn núi. Chuyện kể rằng: Thuở đó có vị thiền sư tìm chốn ẩn cư, ý nguyện tìm về bên căn nhà vũ trụ để được sống ung dung tĩnh tại với cỏ cây mây trời của buổi nguyên sơ. Ông chọn xứ B’Lao dựng thảo am Phương Bối- nguyện ước chưa thành người năm cũ biền biệt đi xa…Cơ duyên dun dủi- định mệnh đã gắn kết anh nơi chốn ấy hay là ứng nghiệm về một ẩn ngữ thơ – “ Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi/ Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ/ Chân lủi thủi tôi đi luồn vô núi/ Nghe nắng tràn run rẩy bóng cây khô/ Chân rục rã tôi đi luồn ra núi/ Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô…”
Câu thơ chảy miết một đời người- nỗi khát khao về một tình yêu thiên nhiên bất tuyệt trong anh tự bao giờ vẫn thế - thủy chung - viên mãn. Yêu núi rừng- yêu môi trường sống - ôi, nói thế chẳng dễ đâu?! Nhiều người kêu gọi, viết, diễn đàn hãy yêu và bảo vệ rừng nhưng đến với núi rừng đôi ba ngày dăm ba lần đã thèm nhớ khối thứ mời gọi nơi phố thị. Có người lại phải bỏ rừng chạy về phố tìm mọi cách thể hiện mình nơi phồn hoa. Lão du sĩ khác- “ Ngày mai núi cũ tôi về/ Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi/ Mây bay tự cổ ngút trời/ Quanh năm đảm bảo tuyệt vời nước mây…”. Chỗ này chỗ nọ đâu đó tôi đã đọc được câu chữ đầy cảm xúc về lòng yêu rừng xanh mây trời sông suối nhưng chỉ thời khắc bất chợt ra rồi dễ quên để chóng trở về bên nệm êm chăn ấm. Với Lão du sĩ – chỗ này, núi thơnúi anh không có gì khác- một thực thể hợp nhất như hình với bóng.
Có chủ danh trà B’Lao người gốc Huế vốn quý anh bảo: “ Ở mần chi trên núi khổ rứa?”. Lão du sĩ bật ra tự nhiên như đùa: “- Nếu kỹ thuật công nghệ hiện đại có cái sướng kế để đo giữa bà và bần lão- chưa chắc ai sướng hơn?”. Mọi người cười òa còn tôi thấm thía…Năm kia chỉ chiếc mini đạp không vè không chắn, anh đã tất tả ngược xuôi vượt hơn 200 km đường đèo dốc mang thông con Đà Lạt về phủ xanh phương Bối. Đồi núi đất cằn sỏi đá nơi đây, trồng sống một cây đã khó và còn bao nhiêu việc khác phải đối phó- phá nhổ, xâm canh, giành lấn đủ phía đủ thứ- đồi thông Phương Bối nhọc nhằn nay đã lớn xanh. Và tình cờ may mắn, tôi được dự mừng sinh nhật một vạn thông- một bữa chay đầy hương vi núi. Hơn cả ở anh là một tình yêu màu xanh bất tận. Xanh của rừng của lá của trời mây hoa trái trong thơ anh “ Thanh thản” tới tột cùng “ Trên những con đường xinh tươi nhất/ Tôi đi và hát một mình/ Rừng cây xanh và rừng cây xanh/ Trời trong xanh và mây trong xanh/ Trên đồi cây xanh dưới đồi cây xanh/ Tôi dừng lại để nghe chim hót/ Và theo điệu riêng tôi lại hát/ Cho rừng thêm xanh cho ngày thêm xanh/ Tôi dừng lại bên đường xin trái/ Những cành xinh vừa cho tôi hái/ Những cành mơ còn sương long lanh/ Tôi làm rơi từng tràng ngọc xanh/ Suối hiền rót ngọt ngào âm thanh/ Nắng hiền trải trên bờ cỏ xanh/Tôi thấy đời như đang bé dại…”. Tôi không có ý định bình phẩm thơ hay so sánh việc trồng một cây xanh với bao kẻ chặt phá rừng không thương tiếc. Sự tàn hại môi trường, hủy hoại màu xanh những năm qua và những gì đang xảy ra về nạn chảy máu rừng đến cạn kiệt làm tôi thấu hiểu hơn dòng thơ anh, thấu đáo hơn một màu xanh ngọt ngào, trong lành, tràn trề nhựa sống… Văn hào Nga Leonit Leonop đã từng gởi đến nhân loại bức thông điệp tâm cảm về sự vô giá của rừng xanh: “ Rừng là nguồn phúc lợi duy nhất để ngõ cửa cho mọi người. Không rõ do lòng tốt hay sự xảo quyệt mà thiên nhiên đã không trao chiếc khóa nặng một pút của mình lên cửa rừng để khóa nó lại. Thiên nhiên gần như phó thác kho báu ấy cho lương tri của con người- để con người thực hiện cái trật tự có kế họch và công bằng mà thiên nhiên không thực hiện được…”(Rừng Nga). Ít nhiều điều này, Lão du sĩ đã “ thi dĩ ngôn chí” vậy!?
Anh cũng có một “Quê hương” rất đỗi đằm thắm mộc mạc, giọng điệu câu chữ gần gũi đậm dấu Việt Thường yêu quý. Tôi thuộc lòng bài thơ hồi nhỏ, anh viết vào cuối những năm 50 thế kỷ trước - xin được chép lại theo trí nhớ, nếu có đôi chút nhầm lẫn - mong lão du sĩ hỷ xã cho: “ Tháng bảy dì về đơm nhãn/ Nhớ mang theo ít giạ chiêm/ Ở đây làm gì có bán/ Thấy người ta ăn bắt thèm/ Mười mấy năm rồi dì nhỉ/ Lại loài xa mãi cố hương/ Giờ đây ngồi mà suy nghĩ/ Lòng dạ ai người không thương/ Quê mình ai còn ai mất/ Đi rồi gươm súng mùa thu/ Khóc mãi từng đêm lưu lạc/ Nói ra thêm oán thêm thù/ Ngõ về làm sao ngài ngại/ Xe cộ có dễ dàng không/ Kháng chiến người đi chưa lại/ Lúa khô héo cả ruông đồng…”. Cũng lục ngôn và âm hưởng ấy, có chàng thơ đã hình tượng “là chùm khế ngọt”- người phổ tiết tấu chậm, tha thiết được bao người tha hương yêu thích ngâm ngợi. Nói điều này thế thôi, tôi vô tâm không cân đong nặng nhẹ hay sau trước chi cả. Dấu ấn thẩm mỹ cá nhân, tôi thích “Quê hương” lão du sĩ hơn- dù rằng có khi lẩm cẩm khập khiễng?
Thơ anh cũng có những câu những bài du côn, hiện sinh, lập dị- có người nói luôn cả trần truồng, nhục thể… Quả có thế đôi khi thế- chẳng hạn “ Hột/ Thì/ Le”, hay “Tôi có ý định một ngày nào thật thảnh thơi/ Leo lên trời/ Ỉa”, “Giữa trưa nằm nghỉ quanh/ Thấy đời sao muốn chửi/ Ngẫm một kiếp trôi nhanh/ Buồn buồn móc đít ngửi…” Thi ca vốn dĩ thiên hình vạn trạng- đủ thứ hỉ nộ ái ố sầu bi. Một sân chơi riêng, một kiểu quậy phá nổi loạn trong thơ anh- hàm chứa một dạng hình triết lý siêu nhiên, tịch mịch, vô ngôn vô nghĩa hay là… niềm đau cuồng nộ, trầm luân kiếp người…Cũng cần hiểu thêm ngày tháng đó, Lão du sĩ phải trốn chui trốn nhủi, trốn trên lầu chuông, trốn dưới kệ thờ, trong ngõ hẻm tối tăm hay ngoài huyệt mộ lạnh căm, trốn cha mẹ người thân kể cả làm bia đỡ đạn ( lao công đào binh chiến trường dưới chế độ cũ). Lại thiển nghĩ Thơ - Người. Người Thơ ấy, “con bò húc”(1) ấy xưa nay chưa húc ai, quậy hay cậy ai điều gì. Thậm chí anh đang sống bình dị dưới mức bình thường- ăn chay trường vì lẽ công bằng với tạo hóa; không màng rượu chè nhậu nhẹt- chuyện này tuyệt đối không; ít có dịp thưởng thức văn hóa nghe nhìn ( chưa vào rạp hát và chưa có luôn cái ti vi trắng đen để xem) hay là thụ hưởng các thứ tiện nghi vật chất như bao người khác ở thời buổi bây giờ.
Tháng rồi tôi chưa kịp lên núi. Gần đây có lần chúng tôi lên Phương Bối vào tối trăng non. Bóng trăng núi lung linh trong tịch mịch lặng lẽ, bất chợt câu “ Ngôn hoài”(Không Lộ thiền sư) chập chờn trong tiềm thức - tôi nghe lạnh toát người: “ Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh/ Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư( Có lúc lên thẳng đỉnh núi trơ trọi/ Kêu dài một tiếng lạnh cả bầu trời). Lần này dặn lòng lên núi nhàn đàm cùng Lão du sĩ.
(1) Chữ của Bửu Ý
Lê Quang Kết
Trường Trung học kỹ thuật và dạy nghề Bảo Lộc
ĐT: 0633 717123- Dđ : 0907 615 510

Không có nhận xét nào: